Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Osho - Biến chuyển Mật Tông - Chương 10


CHƯƠNG 10. CHỈ VIỆC NHỚ LẠI - OSHO



Tôi không thể nào sống theo những lí tưởng thầy đã nêu ra. Làm sao Mật tông phát triển từ Phật giáo mà lại coi dục như cản trở cho thiền?
'Tuần trăng mật qua đi' nghĩa là gì? Đây có phải là ước mơ cuối cùng tốt đẹp hay không?
Tôi muốn làm sannyasin nhưng tôi sợ sẽ gặp rắc rối.
Thầy có phải tuyệt đối cần thiết không?
Niết bàn là gì?


Câu hỏi thứ nhất:
Osho kính yêu, tại sao bất kì khi nào tôi rời bài giảng của thầy, tôi nhanh chóng trở nên bị vỡ mộng với bản thân mình bởi vì tôi không thể nào sống theo những lí tưởng mà thầy đã nêu ra trong bài giảng?
Bạn đang nói về điều gì vậy? Lí tưởng sao?... đấy đích xác là điều tôi định phá huỷ đấy! Tôi không đưa ra bất kì lí tưởng nào trước bạn cả. Tôi không định cho bạn bất cứ tưởng tượng nào về tương lai; tôi không định cho bạn bất kì tương lai nào hết cả, bởi vì tương lai là thủ đoạn để trì hoãn hiện tại. Nó là thủ đoạn để tránh bản thân bạn, cách trốn thoát khỏi bản thân bạn. Ham muốn là trò lừa dối, và lí tưởng tạo ra ham muốn. Tôi không định cho bạn bất kì cái 'phải' hay bất kì cái 'không phải' nào, cả khẳng định lẫn phủ định. Tôi đơn giản bảo bạn vứt bỏ mọi lí tưởng và hãy hiện hữu.
Nhưng tôi có thể hiểu được câu hỏi của bạn. Bạn tạo ra lí tưởng từ nó, bạn bắt đầu nghĩ, "Mình nên thế nào đây?" Bạn bắt đầu nghĩ, "Mình phải làm gì để hiện hữu?" Tôi đang cố gắng lấy đi lí tưởng và bạn tạo ra lí tưởng từ nó: cách vứt bỏ mọi lí tưởng. Bạn hiểu lầm tôi rồi, bạn diễn giải sai tôi rồi. Bạn không nghe điều tôi đang nói, bạn cứ nghe điều tôi không nói chút nào. Nghe cẩn thận vào.
Điều đó bao giờ cũng xảy ra. Chúng ta không biết Phật đích xác nói gì, bởi vì những người nói lại là những người như bạn. Chúng ta không biết điều Jesus đã nói, bởi vì những người kể cũng lại là những người giống như bạn. Lời thuật chắc chắn nói điều họ đã nghe, nhưng nó chẳng nói điều gì về điều người nói nói. Và những điều này có thể là những điều hoàn toàn đối lập nhau. Tôi nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Bạn thu nó lại thành một thứ gì đó khác - theo ngôn ngữ của bạn; bạn bước vào và bạn bắt đầu can thiệp.
Bạn hỏi: "Tại sao bất kì khi nào tôi rời bài giảng của thầy tôi nhanh chóng trở nên bị vỡ mộng với bản thân mình...?"
Bạn trở nên bị vỡ mộng với bản thân mình bởi vì bạn không biết bạn là ai, và bạn có hình ảnh nào đó về bản thân mình. Hình ảnh đó không phải là bạn, hình ảnh đó không thể là bạn được; hình ảnh đó là một kết cấu tâm trí. Bạn đã tạo ra một hình ảnh về chính mình - bạn nghĩ đấy là điều mình là như thế. Còn khi bạn lắng nghe tôi và tôi bắt đầu diễu cợt bạn, bạn trở nên vỡ mộng; hình ảnh bạn bị đập vỡ, hình ảnh bạn không còn nguyên vẹn như trước nữa.
Nhưng bạn không bị đập vỡ. Trong thực tế hình ảnh này không cho phép bạn có không gian, nó không cho phép bạn hiện hữu. Hình ảnh này phải bị vứt đi để cho bạn có thể có đủ không gian trưởng thành. Hình ảnh này đã trở nên quá khổng lồ, quá mạnh mẽ; nó đã choán toàn bộ ngôi nhà của bạn và bạn thì đang sống trong hành lang, nó không cho phép bạn đi vào nhà. Còn hình ảnh mà bạn đã tạo ra từ các lí tưởng thì cứ tiếp tục kết án bạn, sự bịa đặt cứ tiếp tục kết án người bịa đặt.
Nhìn vào sự xuẩn ngốc của nó, cái lố bịch của nó. Bạn tạo ra một hình ảnh, rất đẹp - một cách tự nhiên khi bạn tạo ra thì bạn tạo ra hình ảnh đẹp - và thế rồi bởi vì hình ảnh đó mà bạn bắt đầu trông xấu đi khi so sánh với nó. Bạn tạo ra một hình ảnh rất, rất vĩ đại rằng bạn là thánh nhân, và thế rồi bạn thấy mình làm những việc không thật là thánh lắm.
Bây giờ bạn cảm thấy bị kết án. Hình ảnh này là của bạn, và chống hình ảnh này thì hành động của bạn có vẻ rất tồi tệ. Điều tôi đang nói ở đây, điều Saraha đang nói với nhà vua, là ở chỗ hình ảnh đó phải hoàn toàn bị vứt bỏ. Khoảnh khắc bạn vứt bỏ hình ảnh này và bạn quên hình ảnh này, cái gì là đúng và cái gì là sai? Thế thì ai là tội nhân và ai là thánh nhân? Thế thì bạn không có gì để so sánh cả. Thế thì bỗng nhiên bạn thấy thoải mái. So sánh biến mất... và kết án biến mất. So sánh biến mất... và bản ngã biến mất, bản ngã của tội nhân và bản ngã của thánh nhân. Không có lí tưởng, bản ngã không thể tồn tại chút nào. Nó tồn tại qua lí tưởng, thông qua lí tưởng. Lí tưởng là điều phải có cho bản ngã.
Hoặc bạn nghĩ rằng bạn là tội nhân - bạn tạo ra bản ngã, căn cước - hoặc bạn nghĩ bạn là thánh nhân; thế thì bạn tạo ra bản ngã, căn cước. Nhưng cả hai chỉ đi vào tồn tại thông qua lí tưởng. Nếu lí tưởng không có đó, bạn là ai? thánh nhân hay tội nhân? tốt hay xấu? xấu hay đẹp? Bạn là ai? Bạn đơn giản là bản thân mình, không phán xét nào, không biện giải nào, không kết án nào. Bạn đơn giản có đó trong thực tại của mình; đó là điều tôi gọi là 'hiện hữu'.
Bây giờ bạn phải trở nên bị vỡ mộng lặp đi lặp lại, bởi vì sự nắm giữ của bạn vào hình ảnh này trở nên lỏng ra một chút. Bất kì khi nào sự nắm giữ của bạn vào hình ảnh này lỏng ra một chút, bạn trở nên sợ hãi. Lí tưởng tạo ra ảo tưởng, và bất kì khi nào tôi bắt đầu lấy đi lí tưởng, bạn cảm thấy vỡ mộng. Hoàn toàn vỡ mộng đi, và đừng tạo ra ảo tưởng lần nữa - ảo tưởng về lí tưởng - và thế rồi xem cuộc sống đạt tới im lặng uy nghi như thế nào. Thế rồi xem sự chấp nhận mênh mông nảy sinh như thế nào, phúc lành lớn lao bao quanh bạn như thế nào mà chẳng có lí do gì hết cả.
Nó là của bạn, chỉ cần hỏi. Bạn không làm gì cả. Bạn được Thượng đế chấp nhận như bạn đang thế. Đây là toàn bộ thông điệp của tôi, và đây là toàn bộ về Mật tông: Bạn được chấp nhận như bạn đang thế! Nhưng bạn cứ bác bỏ mình. Lí tưởng tạo ra khả năng cho bạn bác bỏ, lí tưởng làm cho bạn có thể thành nghiệt ngã với chính mình, thành độc ác, hung hăng - trở thành kẻ tự hành hạ mình. Nỗ lực của tôi ở đây là để giúp bạn trở nên lành mạnh. Chủ nghĩa lí tưởng tạo ra điên khùng, nó biến toàn bộ trái đất thành nhà thương điên.
Và bạn nói: "Tôi trở nên vỡ mộng với chính mình bởi vì tôi không thể nào sống theo những lí tưởng mà thầy nêu ra trong bài giảng."
Bạn đang nói điều gì vậy? Lí tưởng nào? Tôi không nói, "Bạn phải làm cái này." Tôi không nói, "Bạn phải giống thế này." Tôi chỉ nói, "Dù bạn là bất kì cái gì, hãy là cái đó." Tôi đang cố lấy đi mọi cái 'trở thành' từ bạn. Tôi đang cố giúp bạn thấy vấn đề là bạn đã ở nhà; bạn chưa bao giờ đi đâu và bạn cũng chẳng có đâu để mà đi. Đấy đã là cảnh ngộ - Thượng đế đang mưa lên bạn. Samadhi đã là cảnh ngộ. Dù bạn đang ở đâu bạn vẫn đang trong niết bàn.
Đây là chứng ngộ... khoảnh khắc này - không lí tưởng, không ham muốn, không đâu mà đi. Khoảnh khắc này -được hoàn toàn thảnh thơi trong nó, ở đây bây giờ - là khoảnh khắc của Thượng đế, khoảnh khắc của chân lí. Nhưng bạn nghe tôi và bạn bắt đầu nói như vẹt, bạn nghe tôi và bạn bắt đầu lặp lại từng lời. Bạn không theo được ý nghĩa, bạn theo từng câu chữ chứ không theo tinh thần.
Tôi đã từng nghe...
Một thuyền trưởng đại dương già rắn rỏi mua một con vẹt non tại một bến cảng nước ngoài, được đảm bảo nó là một con vẹt biết học nói tuyệt vời, và ông ta treo nó trên đài chỉ huy. Trở về qua Vịnh Biscay, một đám mây đen dữ tợn kéo tới và người hoa tiêu nhận xét, "Sắp tối sầm hết cả bây giờ đây!"
Chẳng bao lâu sau đó đám mây bột phát thành một cơn mưa dữ dội và thuyền trưởng nói với thuyền phó, "Trời đang nổi cơn thịnh nộ đây!" Cơn bão càng hung dữ hơn, con tầu tròng trành và vỡ ra một lỗ thủng, cho nên một người gọi lên, "Chúng ta phải làm gì để được cứu đây?"
Anh ta nhận được câu trả lời, "Bơm đi, đồ trưng bầy tệ hại! Bơm đi, đồ ăn mày phát khiếp! Bơm đi!"
Con tầu và mọi người đều bị lạc. Chỉ còn mỗi con vẹt ướt sũng, luôn chửi thề là còn sống, và sau một số cuộc phiêu lưu thì về tay một người phụ nữ không chồng, đang đợi cha xứ. Vì là người thận trọng nên bà ấy che vải lên cái lồng, để cho cha xứ được đón chào, con vẹt liền nói, "Sắp tối sầm hết cả bây giờ!" Bà này giận tím gan và đặt con vẹt ngay dưới vòi nước lạnh, nó hét đinh tai "Trời đang nổi cơn thịnh nộ đây!"
"Không, không, Cô Fantigh! Cô không nên ác độc với sinh linh của Thượng đế. Tốt hơn là hãy đem nó tới nhà thờ vào ngày thờ phụng chúa và để cho nó nhiễm ảnh hưởng tốt." Điều này được thực hiện ngay và con vẹt hành xử hệt như một thiên thần, thậm chí còn tham gia hát thánh ca.
Cha xứ, rạng rỡ với thành công của mình, tô hồng thêm cho bản thông báo của mình, "Thưa các thầy dòng, hôm nay chúng ta hỏi: Chúng ta phải là gì để được cứu rỗi?", và lẫn trong tiếng vỗ cánh là âm thanh the thé của con vẹt, "Bơm đi, đồ trưng bầy tệ hại! Bơm đi, đồ ăn mày phát khiếp! Bơm đi!"
Bạn đừng trở thành con vẹt. Bạn có thể lặp lại những điều tôi đang nói nhưng đấy không phải là vấn đề chút nào. Hiểu điều tôi đang nói. Việc lặp lại chỉ gây rắc rối cho bạn. Chỉ một chút thay đổi thanh điệu, sự nhấn mạnh, hơi đổi một dấu phẩy, một dấu chấm và mọi thứ mất đi. Lắng nghe ý nghĩa đi. Và có những cách khác để nghe. Một cách là lắng nghe từ tâm trí; thế thì bạn ghi nhớ. Và bạn đã được dạy cách lắng nghe qua tâm trí, bởi vì mọi trường phổ thông, cao đẳng, đại học đều dạy cho bạn cách nhồi nhét. Họ cho bạn những khái niệm sai - dường như ghi nhớ là tri thức. Ghi nhớ không phải là tri thức, ghi nhớ đơn giản là học vẹt. Bạn sẽ biết văn chương, bạn sẽ biết câu chữ, nhưng nó sẽ trống rỗng; bên trong chẳng có ý nghĩa gì, không ý nghĩa nào trong nó. Và câu chữ đó là nguy hiểm mà chẳng có nghĩa nào trong đó cả.
Còn có một cách khác để lắng nghe, và đấy là từ trái tim. Lắng nghe qua trái tim đi. Lắng nghe dường như là bạn không nghe biện luận mà nghe bài ca. Lắng nghe dường như là bạn không nghe triết lí mà là bài thơ. Lắng nghe như bạn nghe nhạc. Ngắm tôi như bạn ngắm một vũ công. Cảm thấy tôi như bạn cảm thấy người yêu. Thế thì văn chương sẽ có đó; nó sẽ được dùng như phương tiện, nhưng nó sẽ không phải là vật thực. Phương tiện sẽ bị quên lãng, còn ý nghĩa sẽ đi vào trong trái tim bạn và sẽ còn lại ở đó. Và nó sẽ thay đổi bản thể bạn, nó sẽ thay đổi cách nhìn cuộc đời của bạn.
Câu hỏi thứ hai:
Osho kính yêu, làm sao Mật tông phát triển từ Phật giáo nhưng như tôi biết, Phật giáo coi dục như cản trở cho thiền?
Điều đó có quan hệ với câu hỏi thứ nhất. Điều Phật nói phải đã bị hiểu lầm. Vâng, ông ấy đã nói rằng đi vào trong thiền người ta phải vượt ra ngoài dục. Bây giờ những người nghe lời ông ấy lại nghĩ ông ấy chống dục - một cách tự nhiên vậy: ông ấy nói bạn phải vượt ra ngoài dục. Họ bắt đầu nghĩ rằng thế thì dục phải là chướng ngại, bằng không tại sao bạn phải vượt ra ngoài dục? Họ bắt đầu tranh đấu với dục thay vì vượt ra ngoài nó; toàn bộ nhấn mạnh của họ đã thay đổi. Họ bắt đầu tranh đấu với dục, và Phật giáo trở thành một trong những tôn giác khổ hạnh nhất trên thế giới.
Bạn không thể quan sát thấy vẻ duyên dáng mênh mông trong các bức tượng hay tranh về Phật hay sao - nó có thể bắt nguồn từ khổ hạnh được không? Có khả năng con người đẹp đẽ này, khuôn mặt duyên dáng này, tình yêu này, từ bi này có thể bắt nguồn từ khổ hạnh được chăng?
Những người khổ hạnh là những người tự hành hạ mình, và khi người ta tự hành hạ mình thì người ta bắt đầu hành hạ những người khác nữa, ở mức độ cao hơn bình thường. Khi một người tự mình trong khổ, người đó không thể nhìn bất kì ai khác trong hạnh phúc được; người đó bắt đầu phá huỷ hạnh phúc của người khác. Đó là điều cái gọi là mahatmas của bạn cứ làm: họ không thể thấy bạn hạnh phúc được, cho nên bất kì khi nào bạn hạnh phúc, họ lập tức tới và nói, "Phải có cái gì đó sai rồi, người hạnh phúc ngụ ý tội nhân."
Bạn có thể quan sát điều đó trong chính mình nữa, bởi vì qua nhiều thế kỉ cái gọi là những mahatmas và các thánh nhân đã ước định bạn để cảm thấy mặc cảm bất kì khi nào bạn cảm thấy hạnh phúc. Bất kì khi nào bạn đang khổ, mọi sự đều tốt. Nhưng nếu bạn cảm thấy vui vẻ lớn, bạn bắt đầu cảm thấy có đôi chút không thoải mái - bằng cách nào đó điều ấy dường như không phải. Bạn chưa quan sát điều đó trong bản thân mình sao? Nó đến từ đâu vậy? Hạnh phúc...và không đúng sao? Còn khổ thì được. Cái gì đó rất đối kháng với cuộc sống - rất phủ định cuộc sống, rất chối bỏ cho cuộc sống - đã đi vào trong dòng máu nhân loại. Và nó đã tới qua cái gọi là người khổ hạnh. Những người khổ hạnh này là những người thần kinh: họ là những kẻ tự bạo, họ tra tấn mình. Vui vẻ duy nhất của họ là trong việc tạo ra ngày càng nhiều khổ.
Phật không phải là kẻ tự bạo - không thể thế được. Phật trông đẹp thế, vui vẻ thế, hạnh phúc thế, cực kì phúc lạc thế. Những người đã nghe ông ấy nói chắc phải hiểu lầm ở đâu đó. Vâng, ông ấy nói vượt ra ngoài dục - người ta phải vượt ra ngoài nó bởi vì nó chỉ là bậc thang đầu tiên của chiếc thang. Nhưng ông ấy không nói chống lại nó. Vượt ra ngoài không nhất thiết là chống lại. Trong thực tế điều tương phản lại mới là hoàn cảnh: nếu bạn chống dục, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể vượt ra ngoài nó được. Vượt ra ngoài chỉ tới thông qua việc đi qua nó. Bạn phải hiểu dục, bạn phải thân thiết với dục.
Cái gì đó, ở đâu đó, đã bị hiểu sai. Saraha tới như việc diễn giải đúng về Phật. Và Saraha phải đã quan sát tai hoạ gì đã xảy ra cho hàng nghìn người đi theo Phật: thay vì vượt ra ngoài dục họ lại bị nó ám ảnh. Khi bạn liên tục tranh đấu với cái gì đó, bạn trở nên bị nó ám ảnh.
Bạn có thể quan sát nó: người tin vào nhịn ăn trở nên bị ám ảnh bởi thức ăn. Mahatma Gandhi bị thức ăn ám ảnh, liên tục suy nghĩ về thức ăn - ăn cái gì và không ăn cái gì. Dường như là chỉ có mỗi một điều quan trọng nhất trong cuộc sống - ăn cái gì và không ăn cái gì. Người thường ít bị ám ảnh, họ không nghĩ về điều đó quá nhiều. Bạn cứ thử nhịn ăn ba ngày và nghĩ xem cái gì xảy ra trong tâm trí bạn.
Bạn sẽ nghĩ về thức ăn liên tục. Bây giờ vượt ra ngoài thức ăn là tốt, nhưng nhịn ăn không thể là cách thức, bởi vì nhịn ăn tạo ra ám ảnh về thức ăn. Làm sao nó có thể là con đường để vượt ra ngoài được? Nếu bạn thực sự muốn vượt ra ngoài thức ăn thì bạn phải ăn cho đúng. Bạn phải ăn đúng thức ăn, bạn phải ăn đúng cách và đúng giờ. Bạn phải tìm ra cái gì phù hợp cho thân thể bạn, cái gì nuôi dưỡng.
Vâng, điều đó sẽ đưa bạn vượt ra ngoài thức ăn, bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến thức ăn nữa. Khi thân thể được nuôi dưỡng đầy đủ bạn không nghĩ về thức ăn. Biết bao người nghĩ về thức ăn bởi vì theo cách này cách khác họ đều đang nhịn ăn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi nói điều đó.
Bạn có thể ăn quá nhiều kem - đấy cũng là một loại nhịn ăn bởi vì nó không đủ chất dinh dưỡng, bạn đơn giản tống những thứ vô giá trị vào bên trong bạn. Chúng không thoả mãn bạn; chúng trút đầy bụng bạn nhưng chúng không đáp ứng cho bạn. Bạn cảm thấy có chất liệu nhưng không có nội dung.
Thức ăn sai sẽ tạo ra không hài lòng, và cơn đói của bạn sẽ không được thoả mãn bởi vì cơn đói cần chất dinh dưỡng, không phải là thức ăn. Nhớ lấy, cơn đói cần chất dinh dưỡng, không phải thức ăn. Và cơn đói không bận tâm nhiều lắm đến ngon miệng. Điều cơ bản là liệu nó có phù hợp cho thân thể bạn hay không, liệu nó có cho thân thể bạn năng lượng cần thiết hay không. Nếu nó cho đủ năng lượng cần thiết thì thế là được. Nếu ngon miệng đi cùng với dinh dưỡng, bạn sẽ được cực kì thoả mãn. Và nhớ, tôi không chống ngon miệng, tôi hoàn toàn ủng hộ nó. Nhưng chỉ có ngon miệng thì không thể đủ dinh dưỡng. Và chỉ có thức ăn mà không ngon miệng cũng là không thông minh, đần độn. Khi bạn có thể có cả hai điều đó, sao không nhận? Người thông minh sẽ tìm thấy thức ăn đủ dinh dưỡng, thức ăn ngon miệng. Đấy không phải là vấn đề quá lớn. Con người có thể lên đến mặt trăng mà chẳng lẽ không thể tìm ra được thức ăn đủ dinh dưỡng cho mình sao? Con người đã làm bao nhiêu việc diệu kì mà chẳng lẽ không thể thoả mãn cơn đói của mình hay sao? Điều này dường như không phải là tình huống đúng đắn. Không, con người đã không nhìn vào đó.
Có những người tin vào việc nhịn ăn - họ phá huỷ thân thể. Và rồi lại có những người cứ tọng đủ mọi thứ rác vào bụng - họ cũng phá huỷ thân thể. Cả hai đều trên cùng một con thuyền: cả hai đều đang nhịn ăn, và cả hai đều liên tục bị ám ảnh. Một đằng thì bị ám ảnh qua thèm ăn, một đằng thì bị ám ảnh qua kìm nén. Chỉ ở giữa mới là điều siêu việt.
Cho nên đấy cũng là trường hợp cho dục, và đấy cũng là trường hợp cho mọi thứ trong cuộc sống. Saraha phải đã trở nên nhận biết rằng những người nói rằng Phật đã nói phải vượt ra bên ngoài dục thì thực tế họ lại không vượt ra ngoài dục chút nào. Thay vì thế họ ngày càng trở nên bị dục ám ảnh nhiều hơn và rơi sâu hơn vào trong vũng lầy của nó.
Có một ni cô trẻ tới gặp Mẹ bề trên trong tâm trạng đau buồn, và sau một hồi quanh co lòng vòng mới dám thú thật đã có mang.
"Ai gây ra chuyện này? Ai là thằng đàn ông đồi bại, tội lỗi này?" Mẹ bề trên hỏi.
"Ôi, Mẹ tôn kính, con không phạm vào tội lỗi nhục dục với đàn ông đâu," ni cô than thở.
"Thôi được, đàn bà chắc không thể làm bố được chứ?"
Mẹ bề trên nói, bắt đầu bực tức.
"Không, thực mà! Mẹ tôn kính. Bố nó là một trong những thiên thần thiêng liêng," ni cô bẽn lẽn mỉm cười.
"Thiên thần thiêng liêng! Điều vô nghĩa ấy là gì vậy?"
"Dạ, thưa Mẹ tôn kính, người ấy giáng xuống con vào nửa đêm trong giấc ngủ và khi con hỏi người ấy là ai thì người ấy nói, "Thánh Michael," và cho con xem tên người ấy trên áo lót để chứng minh."
Một khi bạn đang chống cái gì đó, bạn sẽ tìm ra cách để thoát ra nó, bạn sẽ tìm thấy cửa sau nào đó. Con người rất tinh ranh. Nếu bạn kìm nén cái gì đó, tâm trí ranh mãnh sẽ tìm ra cách khác nào đó. Đó là lí do tại sao bạn mơ về dục... thánh nhân của bạn mơ quá nhiều về dục, họ phải mơ như thế. Ban ngày họ có thể chối bỏ, nhưng ban đêm... khi họ có ý thức họ có thể kìm nén, nhưng khi họ ngủ, thế thì trong giấc mơ dục thành lớn, đầy mầu sắc rực rỡ, nó trở thành ảo giác. Và rồi vào buổi sáng họ thấy mặc cảm, và bởi vì họ thấy mặc cảm nên họ lại kìm nén nhiều hơn. Và khi họ kìm nén nhiều hơn thì đêm sau họ lại có giấc mơ đẹp hơn nữa về dục - mà theo họ thì thật khủng khiếp. Điều đó phụ thuộc vào cách bạn diễn giải nó là đẹp hay khủng khiếp.
Một cô học trò 'khó tính' mười lăm tuổi được gửi tới một nhà tâm lí, người đang hỏi cô ta một số câu hỏi rất cá nhân. Ông ta chắc chắn rằng vấn đề dục là nền tảng cho rắc rối và hỏi cô ấy, "Cháu có phải chịu đựng vì dục hay những giấc mơ gợi tình không?"
"Chắc chắn là không!"
"Cháu có chắc không?"
"Hoàn toàn chắc," cô gái nói. "Trong thực tế cháu tận hưởng chúng."
Vấn đề tuỳ thuộc vào bạn liệu bạn gọi chúng là đẹp đẽ hay khủng khiếp. Trong đêm chúng đẹp đẽ, ban ngày chúng trở thành khủng khiếp. Trong đêm bạn hưởng thú chúng, ban ngày bạn chịu đựng. Cái vòng luẩn quẩn được tạo ra, và cái gọi là thánh nhân của bạn cứ đi trong cái vòng luẩn quẩn này: ban ngày chịu đựng, ban đêm tận hưởng; ngày ông ta chịu đựng, đêm ông ta tận hưởng - và ông ta bị xẻ làm đôi giữa hai điều này.
Và nếu bạn nhìn sâu vào trong bản thân mình bạn sẽ thấy điều ấy một cách dễ dàng. Bất kì cái gì bạn kìm nén đều sẽ còn lại đó, bạn không thể gạt bỏ nó đi được. Cái bị kìm nén còn lại, chỉ cái được bày tỏ mới biến mất. Cái được bày tỏ thăng hoa, cái bị kìm nén còn lại - và không chỉ còn lại, nó sẽ ngày càng trở nên mạnh hơn. Khi thời gian trôi qua nó sẽ ngày càng trở nên mạnh hơn.
Saraha phải đã nhìn vào điều đã xảy ra hai trăm năm sau Phật: diễn giải sai, và mọi người gần như bị dục ám ảnh. Từ ám ảnh đó của các sư và ni Phật giáo, Mật tông đã được sinh ra như sự nổi dậy - sự nổi dậy chống Phật giáo, không chống Phật. Qua nổi dậy đó mà Saraha đã mang tinh thần của Phật trở lại. Vâng, người ta phải siêu việt trên dục, nhưng siêu việt lên xảy ra qua hiểu biết.
Mật tông tin vào hiểu biết. Hiểu biết sự vật một cách toàn bộ và bạn sẽ thoát khỏi nanh vuốt nó. Bất kì thứ gì không được hiểu đúng sẽ vẫn còn như một vết tích. Cho nên bạn phải đấy. Bạn hỏi, "Làm sao Mật tông phát triển từ Phật giáo nhưng như tôi biết thì lại coi dục như cản trở cho thiền?" Chính xác bởi vì điều đó. Nó là sự nổi dậy chống lại Phật giáo, và nó là vì Phật. Nó chống lại những người theo sau, nhưng không chống lại thầy. Những người đi theo đã mang theo câu chữ, còn Saraha đem linh hồn.
Saraha là hoá thân của cùng chứng ngộ như Phật.
Saraha là vị phật.
Câu hỏi thứ ba:
Osho kính yêu, 'Tuần trăng mật qua đi' nghĩa là gì?
Tuần trăng mật qua đi nghĩa là phần tưởng tượng của tình yêu của bạn đã kết thúc. Tuần trăng mật là tưởng tượng. Nó là phóng chiếu, nó không phải là thực tại; nó là một giấc mơ được phóng chiếu. "Tuần trăng mật qua đi" nghĩa là giấc mơ đã qua, và bây giờ bắt đầu hôn nhân, thực tại. Tuần trăng mật càng cao, tan vỡ ảo tưởng càng lớn. Đó là lí do tại sao hôn nhân vì yêu không thành công. Hôn nhân thành công nhưng không có hôn nhân vì yêu.
Hôn nhân vì yêu không thể thành công được; thất bại là bản chất cho nó. Hôn nhân vì yêu là tưởng tượng, và điều tưởng tượng không thể thắng được thực tại. Chỉ có một cách còn lại trong tưởng tượng và bao giờ cũng còn lại trong tuần trăng mật, và đó là không bao giờ gặp người bạn yêu. Thế thì điều ấy là có thể: bạn có thể có nó trong cả cuộc đời mình - nhưng đừng bao giờ gặp người mình yêu, chớ bao giờ gặp người tình của mình.
Những người tình vĩ đại nhất trong lịch sử là những người không được phép gặp nhau: Laila và Majnu, Shiri và Farihad - đó là những người tình vĩ đại. Họ không được phép gặp nhau; xã hội đã tạo ra quá nhiều chướng ngại đến mức họ bao giờ cũng vẫn còn trong trạng thái tuần trăng mật. Hệt như khi thức ăn có đấy nhưng bạn không được phép ăn, cho nên tưởng tượng tiếp tục. Nếu bạn được phép ăn, tưởng tượng biến mất.
Hôn nhân vì yêu không thể thành công được. Điều tôi ngụ ý 'không thành công' nghĩa là gì? Theo nghĩa là mọi người muốn nó thành công, nó không thể thành công được. Hôn nhân thành công, nhưng thế thì không có yêu. Đó là lí do tại sao trong quá khứ tất cả các xã hội trên thế giới, theo kinh nghiệm, đều quyết định nghiêng về hôn nhân và chống tình yêu. Xã hội Ấn Độ là một trong những xã hội cổ đại nhất trên thế giới. Nó đã tồn tại ít nhất năm nghìn năm nay, hay nhiều hơn thế nữa. Từ kinh nghiệm lâu dài này Ấn Độ đã quyết định theo hôn nhân mà không theo tình yêu, bởi vì hôn nhân không có tình yêu có thể thành công do chỗ nó không có tuần trăng mật trong đó; ngay từ ban đầu nó đã rất thực tế, ngay trên đất bằng. Nó không cho phép bất kì mơ mộng nào.
Tại Ấn Độ, bản thân các đôi trai gái không được phép lựa chọn. Con trai không được phép chọn con gái, con gái không được phép chọn con trai; bố mẹ chọn cho chúng. Một cách tự nhiên chúng sẽ thực tế hơn, kinh nghiệm hơn. Và cũng tự nhiên là chúng không thể rơi vào tình yêu. Chúng nghĩ về các thứ khác: tài chính, danh vọng, kính trọng, gia đình. Chúng nghĩ tới hàng nghìn thứ, nhưng chúng không nghĩ về một thứ - tình yêu. Tình yêu không được mang vào trong thế giới vật chất chút nào. Chúng đến nhà chiêm tinh, chúng hỏi nhà chiêm tinh về mọi thứ - nhưng không hỏi về tình yêu. Tình yêu không trở thành chất liệu trong đó.
Hai người không quen biết, đàn ông và đàn bà, được bố mẹ, xã hội gắn với nhau và được để ở với nhau. Một cách tự nhiên khi bạn sống với một người, có thích thú nào đó nảy sinh. Nhưng thích thú đó cũng chỉ là thích thú bạn có với người em gái, đấy không phải là tình yêu. Bởi vì bạn được sinh ra trong một gia đình nào đó - bạn đã không chọn chị em mình, bạn cũng chẳng chọn anh em mình; bạn không chọn họ, ngẫu nhiên mà bạn được sinh ra với cùng bố mẹ - bạn có một thích thú nào đó. Sống với nhau thời gian dài, cả nghìn lẻ một giao tiếp, và người ta bắt đầu thích - hay không thích. Nhưng nó chẳng bao giờ là yêu và chẳng bao giờ là ghét; nó chẳng bao giờ đi đến cực điểm, nó rất cân bằng. Cùng trường hợp như thế cũng xảy ra cho hôn nhân, hôn nhân được thu xếp. Chồng và vợ sống với nhau, và dần dần họ bắt đầu có cảm tình lẫn nhau.
Một điều khác xã hội làm: xã hội không cho phép bất kì quan hệ dục nào ngoài hôn nhân, cho nên một cách tự nhiên chồng phải làm tình với vợ, và vợ phải làm tình với chồng. Nếu bạn chỉ được phép ăn thức ăn này mà không được ăn thức ăn khác, bạn có thể đợi được bao lâu? Bạn phải ăn thôi. Đây là thủ đoạn của xã hội. Nếu dục ngoài hôn nhân mà được phép, có mọi khả năng là chồng có thể không muốn làm tình với vợ và vợ không muốn làm tình với chồng. Chỉ để cho khao khát mãnh liệt mà không có lối ra nào khác họ phải bắt đầu làm tình với nhau. Từ chỗ tuyệt vọng họ bắt đầu trở nên liên kết với nhau. Rồi trẻ con được sinh ra... và nhiều thứ ràng buộc nữa: các ràng buộc tôn giáo, xã hội. Rồi trẻ con và trách nhiệm... và gia đình bắt đầu lăn bánh.
Hôn nhân vì yêu chắc chắn thất bại bởi vì hôn nhân vì yêu là hiện tượng thi vị hoá. Bạn yêu và bạn bắt đầu mơ mộng về đàn bà hay đàn ông, rồi bạn đạt tới đỉnh, cực điểm mơ mộng. Những mơ mộng này tiếp tục cho tới khi bạn gặp người đàn bà, cho tới khi bạn gặp người đàn ông. Rồi các bạn tới với nhau, các bạn được thoả mãn; những mơ mộng này bắt đầu biến mất. Bây gì lần đầu tiên bạn bắt đầu nhìn thấy người kia như con người thực của họ.
Khi bạn nhận thấy vợ mình như cô ta vẫn thế, khi bạn nhận thấy chồng mình thực như anh ta vẫn thế, tuần trăng mật trôi qua. Đấy là ý nghĩa của 'tuần trăng mật đã qua'. Và điều đó xảy ra không chỉ trong hôn nhân, nó xảy ra trong nhiều loại quan hệ. Nó xảy ra ở đây với tôi. Bạn đến tôi và bạn có thể có tuần trăng mật, bạn có thể bắt đầu tưởng tượng về tôi. Tôi chẳng có phần nào trong đó cả, tôi không phải là một phần trong đó. Nó là cái gì đó bạn làm một mình tất cả. Nhưng bạn bắt đầu tưởng tượng, ước muốn: điều này sắp xảy ra và điều kia sắp xảy ra, rồi Osho sẽ làm cái này và Osho sẽ làm cái kia. Thế rồi một hôm nào đó tuần trăng mật qua đi. Trong thực tế tôi bao giờ cũng muốn đợi cho tới khi tuần trăng mật qua đi, thế rồi tôi mới bắt đầu làm việc, không bao giờ trước nó, bởi vì tôi không muốn trở thành một phần trong tưởng tượng của bạn. Tôi chỉ bắt đầu làm việc khi tôi thấy rằng bây giờ tuần trăng mật đã qua và bạn đã quay trở về mặt đất. Bây giờ cái gì đó thực có thể được làm.
Trong thực tế tôi bao giờ cũng muốn trao danh hiệu sannyas khi tuần trăng mật đã qua. Trao danh hiệu sannyas trong tuần trăng mật là nguy hiểm, rất nguy hiểm, vì khoảnh khắc tuần trăng mật qua đi bạn sẽ bắt đầu cảm thấy chống tôi, bạn sẽ bắt đầu nổi dậy chống tính chất sannyas, bạn sẽ bắt đầu phản ứng. Tốt hơn cả là nên đợi.
Trong mọi quan hệ - trong tình bạn, trong quan hệ thầy-đệ tử - trong bất kì kiểu quan hệ nào bao giờ cũng có một phần tưởng tượng. Tưởng tượng đó chỉ là tâm trí bạn: các ham muốn bị kìm nén đang bay lượn trong mơ mộng. Trong một thế giới tốt hơn, với nhiều hiểu biết hơn, hôn nhân sẽ biến mất, và cùng với hôn nhân cả tuần trăng mật cũng biến mất.
Bây giờ lắng nghe xem. Đã từng có những xã hội... chẳng hạn xã hội Hindu - xã hội này thủ tiêu tuần trăng mật bởi việc thủ tiêu tình yêu, và chỉ có hôn nhân là tồn tại. Ở Mĩ người ta lại đang thủ tiêu hôn nhân và cứu tình yêu và tuần trăng mật; chỉ có tuần trăng mật tồn tại, không có hôn nhân - nó đang biến mất. Nhưng với tôi cả hai đều dấn sâu trong âm mưu. Tuần trăng mật có thể tồn tại được chỉ nếu có kìm nén nào đó, bằng không thì chẳng có gì để phóng chiếu cả. Và nếu có cái gì đó để phóng chiếu, thế thì tình yêu cứ thất bại mãi. Thế thì các học giả Hindu về xã hội sẽ tới và họ bắt đầu thu xếp cho hôn nhân bởi vì tình yêu thất bại: nó làm cho người ta phát khùng và chẳng giúp gì cho họ sống cuộc đời mình, nó làm cho họ phải tự tử, nó làm cho họ thần kinh, tâm thần phân liệt, cuồng loạn. Cho nên các học giả Hindu về xã hội phải tới, các tu sĩ và các chính khách phải tới để thu xếp cho hôn nhân, bởi vì tình yêu quá nguy hiểm. Và đấy chính là cách xã hội chuyển giữa hai cực.
Đôi khi khi người ta phát chán với hôn nhân, như họ đã phát chán ở Mĩ, họ bắt đầu nghĩ tới tình yêu. Khi người ta phát chán với tình yêu, chẳng chóng thì chầy họ sẽ thấy - họ đã tìm thấy nó như thế - thế thì họ bắt đầu chuyển sang hướng về hôn nhân. Cả hai đều là các cực của cùng một trò chơi.
Đối với tôi cần có một kiểu xã hội khác trong đó hôn nhân và lãng mạn cả hai đều biến mất. Hôn nhân biến mất bởi vì buộc hai người sống với nhau theo bó buộc pháp lí là vô đạo đức. Buộc hai người sống với nhau khi họ không muốn sống với nhau là chống tự nhiên và chống Thượng đế. Chín mươi chín phần trăm bệnh tật xã hội sẽ biến mất nếu mọi người không bị bó buộc.
Nghe điều này...
Một người tới cố vấn pháp luật của mình và nói, "Tôi rất giầu, cho nên bao nhiêu tiền cũng không thành vấn đề, nhưng tôi muốn tống khứ mụ vợ, cái mụ lẳng lơ mà tôi thì không muốn giết người. Vậy ông bảo tôi phải làm sao bây giờ?"
"Mua cho bà ta một con ngựa khoẻ mạnh và nó có thể sẽ hất tung bà ta lên."
Một tháng sau người đó quay lại và nói vợ anh ta bây giờ thành người đàn bà cưỡi ngựa giỏi nhất trong quận. "Thử thế này vậy, " ông luật sư nói, "mua cho bà ta một chiếc Hon đa, và để bà ấy đi lên núi bằng cái xe ấy."
Người đàn ông này làm theo lời, nhưng rồi bà ấy lái xe như Stirling Moss, gây nguy hiểm cho mọi người trừ chính bà ấy. Ông chồng bảo với vị cố vấn pháp luật rằng ông ấy rất lấy làm thất vọng.
"Thế thì mua cho bà ta một con báo gấm vậy."
Người đàn ông quay lại sau một tuần, sung sướng. "Ông nói giá phải trả cho ông đi," ông ta nói. "Được việc đấy."
"Điều gì đã xảy ra vậy?"
"Thế này khi bà ấy mở cửa chuồng để cho con báo ăn thì nó đã cắn đứt đầu bà ấy!"
Hôn nhân tạo ra cả nghìn lẻ một thứ phức tạp và chẳng giải quyết được gì. Thế mà nó lại thành công đấy: nó thành công trong việc làm cho mọi người thành nô lệ. Nó thành công trong việc phá huỷ tính cá nhân của con người. Bạn không thấy điều ấy tất cả xung quanh sao? Người không gia đình có tính cá nhân nào đó còn người có gia đình bắt đầu mất đi tính cá nhân của mình; người ấy bắt đầu ngày càng trở nên kiểu cách. Người đàn bà chưa xây dựng gia đình có vui vẻ, cái gì đó tuôn chảy. Người đàn bà đã có chồng trở thành tẻ nhạt, thờ ơ, chán ngắt. Điều này là xấu, buộc mọi người thành buồn tẻ. Mọi người ở đây để hạnh phúc, mọi người ở đây để tận hưởng và lễ hội. Điều này là xấu!
Hôn nhân phải ra đi. Nhưng nếu bạn chọn tưởng tượng và tình yêu, bạn sẽ rơi vào cùng cái bẫy hôn nhân, bởi vì tình yêu chẳng bao giờ thành công, chẳng bao giờ thành công như hôn nhân thành công về mặt tài chính, an toàn, vì trẻ con, vì xã hội, vì điều này điều nọ - yêu không bao giờ thành công như hôn nhân thành công. Cho nên tình yêu nhất định tạo ra một kiểu rắc rối khác. Và tình yêu tồn tại bởi vì ham muốn bị kìm nén. Khi hôn nhân biến mất và ham muốn không bị kìm nén thì tình yêu sẽ biến đi một cách tự động.
Một xã hội thực của con người sẽ không biết tí gì về hôn nhân và sẽ không biết gì về tuần trăng mật. Nó sẽ chỉ biết vui vẻ, biết về chia sẻ với mọi người. Chừng nào bạn còn có thể chia sẻ thì còn tốt; nếu bạn không thể chia sẻ được nữa thì tạm biệt. Hôn nhân biến mất và với việc đó cái li dị xấu xí cũng biến theo. Hôn nhân biến mất và với nó cả tưởng tượng về tuần trăng mật cũng biến mất.
Khi bạn được tự do yêu đương, gặp gỡ, sống cùng với mọi người, tuần trăng mật sẽ biến mất. Laila và Majnu, rồi Shiri và Farihad đều không thể có - chẳng ai ngăn cản con đường. Bạn có thể gặp bất kì người đàn bà nào và bạn có thể gặp bất kì người đàn ông nào, bất kì ai bạn ham muốn và bất kì ai ham muốn bạn; không ai ngáng đường cả. Thế thì cần gì phải tưởng tượng nữa? Nếu mọi loại thức ăn đều có sẵn, bất kì cái gì bạn muốn ăn cũng đều có cả và không có ai đứng đó tựa như cảnh sát hay quan toà hay tu sĩ, làm bạn sợ hãi và hoảng sợ rằng nếu bạn ăn thức ăn này bạn sẽ phải xuống địa ngục, nếu bạn ăn thức ăn kia bạn có thể lên cõi trời... rồi thức ăn bạn không muốn ăn lại dẫn lên cõi trời còn thức ăn bạn muốn ăn dẫn xuống địa ngục. Bất kì cái gì đem đến cho bạn vui vẻ đều dẫn tới địa ngục còn bất kì cái gì làm cho bạn khổ sở đều dẫn tới thiên đường.
Khi không có ai đứng ở giữa bạn và ham muốn của bạn, khi ham muốn được tự do, sẽ không có kìm nén. Không có kìm nén, tuần trăng mật sẽ biến mất. Tuần trăng mật là sản phẩm phụ: nó tồn tại với hôn nhân. Nó giống như miếng mồi. Bạn đi câu cá, bạn dùng mồi. Tuần trăng mật là miếng mồi, nó đưa bạn vào hôn nhân. Đó là lí do tại sao đàn bà rất, rất nhấn mạnh về hôn nhân - bởi vì họ biết.
Họ gần thực tế hơn, kinh nghiệm hơn đàn ông. Đàn ông vẫn còn là những tay mơ, họ nghĩ tới các vì sao và mặt trăng, còn đàn bà chỉ cười vào cái ham muốn lố lăng của họ. Đàn bà biết - cô ấy rất thực tế - cô ấy biết rằng trong vòng mười, mười hai, mười lăm ngày, từ hai đến ba tuần lễ, tuần trăng mật sẽ biến mất... rồi sao đây? Cô ấy cứ khăng khăng phải có hôn nhân.
Người đàn ông hỏi người đàn bà - anh ta đang yêu - và anh ta hỏi cô ấy trong đêm, "Tình yêu hay cái gì đó?"
Còn người đàn bà trả lời, "Hôn nhân hay không có gì."
Anh ta lại hỏi, "Tình yêu hay cái gì đó?"
Còn cô ấy nói, "Hôn nhân hay không có gì hết."
Tình yêu là không tin cậy được, nó tới rồi nó đi; nó là một ý chợt nảy ra, một tâm trạng. Nếu tình yêu còn đấy, điều đó chỉ đơn giản là kìm nén vẫn còn đấy.
Thế thì trong một xã hội khác sẽ có vui vẻ. 'Tình yêu' sẽ không phải là một từ quan trọng như ''vui vẻ', 'lễ hội’. Hai người muốn chia sẻ năng lượng của mình; nếu họ cả hai đều sẵn lòng, chẳng có gì cản trở cả. Sẽ chỉ có giới hạn là nếu người kia không sẵn lòng, điều đó kết thúc; thế thì nó sẽ không bao giờ bắt đầu được. Tất cả những giới hạn khác đều nên bị vứt bỏ.
Và bây giờ khoa học đã có thể làm cho vấn đề trẻ con rất dễ giải quyết. Ngày xưa người ta không may mắn được đến thế, bạn bây giờ được may mắn hơn nhiều; vấn đề trẻ con có thể được giải quyết. Bạn có thể ở với người đàn bà cho đến ngày bạn nghĩ rằng bây giờ bạn đã sống chung đủ lâu và tình yêu của bạn, vui vẻ của bạn với người đàn bà đó còn tăng lên, vui vẻ của bạn với người đàn ông còn tăng lên, và bây giờ không thể có sự tách biệt nữa, bạn đã tìm thấy người bạn đời tâm hồn của mình - cái ngày bạn cảm thấy rằng bạn có thể có con. Bằng không thì chẳng cần phải có con.
Và trong một xã hội tốt hơn, trẻ con nên thuộc về cộng đồng. Gia đình phải tan biến. Nên có cộng đồng của mọi người: cộng đồng các hoạ sĩ, nơi các hoạ sĩ - đàn ông và đàn bà - sống với nhau và tận hưởng việc ở cùng nhau, cộng đồng các nhà thơ, cộng đồng thợ mộc, cộng đồng thợ vàng bạc; cộng đồng các loại người khác nhau, những người sống cùng nhau, thay cho gia đình. Gia đình là một tai hoạ. Nhiều người sống với nhau sẽ tốt hơn, họ có mọi thứ chung và họ chia sẻ tình yêu cho nhau. Nhưng không nên có bất kì hạn chế nào.
Tình yêu không bao giờ nên trở thành bổn phận, nghĩa vụ; chỉ có thế thì nó mới là vui vẻ. Khoảnh khắc nó trở thành nghĩa vụ nó chết, nặng nề, và nó tạo ra cả nghìn lẻ một vấn đề không thể giải quyết trực tiếp được. Đó là toàn bộ hiện trạng trong thế giới. Bạn có thể tới nhà phân tâm, bạn có thể tới thầy, bạn có thể thiền, bạn có thể làm cái này cái nọ - nhưng vấn đề cơ bản của bạn vẫn chẳng được động chạm tới.
Vấn đề cơ bản của bạn còn lại có liên quan thế nào đó tới năng lượng dục của bạn, và bạn cứ khắc phục nó ở đâu đó. Bạn cứ cắt lá, tỉa lá mà bạn chẳng bao giờ cắt gốc rễ. Mọi người khổ bởi vì họ chán lẫn nhau. Mọi người buồn bởi vì họ không tận hưởng bạn bè lẫn nhau. Mọi người đơn giản bị nặng gánh: họ thực thi bổn phận của mình, tình yêu không có đó.
Hôn nhân và tuần trăng mật cả hai đến trong cùng một bọc; chúng cả hai phải cùng ra đi. Thế thì mới có thể có nhân loại không bị kìm nén, nhân loại diễn đạt đầy đủ, con người diễn đạt đầy đủ, người không biết gì ngoài vui vẻ, và người quyết định theo vui vẻ.
Vui vẻ nên trở thành tiêu chuẩn. Đó là điều toàn bộ Mật tông là gì: Vui vẻ nên trở thành tiêu chuẩn.
Câu hỏi thứ tư:
Osho kính yêu, tôi yêu Ma Prem Savya. Tôi muốn cô ấy sống với tôi đến chết. Đây có phải là ham muốn cuối cùng tốt đẹp hay không?
Câu hỏi này là từ Prem Aniket.
Điều đầu tiên: không ham muốn là điều cuối cùng nếu bạn vẫn còn sống. Không ham muốn là ham muốn cuối cùng nếu bạn vẫn còn sống - ai biết được về khoảnh khắc tiếp? Và làm sao bạn có thể xoay xở để biết khoảnh khắc tiếp? Bạn đã quen biết Savya bao lâu? Mới vài tuần... trước vài tuần này bạn thậm chí đã không mơ về cô ấy. Nếu điều này có thể xảy ra thì điều này có thể xảy ra nữa. Sau ba tuần, bạn có thể gặp người đàn bà khác.
Cho đến khi nào bạn chết chẳng ham muốn nào là ham muốn cuối cùng cả; mỗi ham muốn lại tạo ra các ham muốn khác. Ham muốn là một dải liên tục. Chỉ có hai điều, chết hay chứng ngộ, mới dừng các ham muốn. Và chắc chắn cả hai điều này đều chưa xảy ra, Aniket này; cả cái chết lẫn chứng ngộ đều chưa xảy ra đâu.
Hiểu được ham muốn là điều tốt. Mỗi ham muốn đem đến những ham muốn mới, ham muốn nọ tạo ra mười ham muốn kia. Nó cũng tựa như một hạt mầm nhỏ trở thành cái cây lớn, hàng nghìn cành và hàng triệu lá. Từ một ham muốn, hạt mầm đó, nhiều ham muốn khác nảy sinh.
Bạn không thể nói được điều gì về tương lai; bạn không nên nói, tương lai vẫn còn để mở. Đây là một trong những nỗ lực lớn nhất của con người - kì cục, nhưng con người vẫn cứ tạo ra nó. Một: người đó muốn cải tạo quá khứ, điều không thể làm được. Bất kì cái gì đã xảy ra đều đã xảy ra rồi, không có cách nào làm lại được nó nữa; bạn thậm chí không thể chạm vào nó chỗ này chỗ nọ được. Bạn không thể làm cho nó tốt hơn lên, bạn cũng chẳng thể nào làm cho nó tồi đi hơn. Nó đơn giản bên ngoài bạn. Nó đã xảy ra, nó đã trở thành thực tại, và cái đã trở thành thực tại không thể nào động chạm tới được. Quá khứ đã kết thúc, nó đã hoàn thành con đường của nó; bạn không thể quay lại và bạn cũng không thể thu xếp lại nó. Như thế là tốt; bằng không, nếu bạn có thể thu xếp lại quá khứ, nếu bạn có thể quay ngược lại, bạn sẽ phát điên. Thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ đến được hiện tại lần nữa, quá khứ quá dài.
Cũng tốt là cánh cửa quá khứ đã đóng lại. Nhưng con người, tâm trí đần độn của con người, vẫn cứ nghĩ về cải tiến, cải tạo, làm lại cái gì đó ở đây đó. Đôi khi bạn không nghĩ về điều đó: bạn đã không nói điều gì đó, và bạn bắt đầu nghĩ điều đó sẽ tốt hơn sao? Bạn đã không làm điều gì đó - như thế sẽ tốt hơn chăng? Và trong tưởng tượng của bạn, bạn cố nói điều đó và làm điều đó. Nhưng bạn chỉ làm lãng phí thời gian; bây giờ chẳng cái gì có thể làm được nữa, nó đã trượt khỏi tay bạn.
Quá khứ không thể sửa đổi được, và tương lai không thể dự đoán trước được. Cả điều đó nữa con người cũng vẫn cứ làm: con người muốn dự đoán tương lai. Tương lai là cái còn chưa xảy ra. Tương lai vẫn còn để mở; tính mở là điều tương lai là gì. Tương lai là không định trước. Nó không phải là thực tại, nó chỉ là có thể; chẳng có gì chắc chắn được về tương lai. Không có gì chắc chắn về tương lai cả. Nhưng con người ngốc nghếch: lần nữa con người lại đến các nhà chiêm tinh, tra cứu Kinh dịch, bói bài, điểm báo. Con người ngốc nghếch đến mức cố gắng bằng cách nào đó tìm ra cách thức để có thể biết trước tương lai sẽ như thế nào. Nhưng nếu bạn có thể biết trước về nó thì nó đã là quá khứ, nó không còn là tương lai nữa. Chỉ quá khứ mới có thể được biết, tương lai vẫn còn là cái chưa biết.
Đấy là phẩm chất cố hữu của tương lai - chưa biết. Tất cả đều là có thể và chẳng cái gì chắc chắn cả - đó chính là tương lai. Tất cả đã xảy ra, không có gì thêm nữa có thể xảy ra - đó là quá khứ. Và hiện tại chỉ là bước chuyển từ thực tại tới tiềm năng, từ đóng tới mở, từ chết tới sống.
Bây giờ bạn hỏi: "Đây có phải là ham muốn tốt đẹp cuối cùng không?" Bạn muốn rằng đấy là ham muốn cuối cùng của bạn, nhưng rồi bạn sẽ phải tự tử, hoặc thực sự hoặc biểu tượng. Bạn sẽ phải tự tử nếu bạn muốn nó là ham muốn cuối cùng. Hoặc bạn phải đi và nhảy vào trước tầu hoả, hoặc nhảy xuống biển, nhảy xuống vực - tự tử thực - thế thì bạn có thể có ham muốn đó là ham muốn cuối cùng.
Hoặc tự tử về mặt về mặt tâm lí, điều nhiều người đã làm. Không nhìn vào bất kì người đàn bà khác nào nữa; nhắm mắt lại, trở nên sợ hãi. Bám vào bất kì ai bạn yêu và không đi đâu hết, ở đấy, lạc lối; thậm chí không nghĩ, thậm chí không mơ... đấy là tự tử về tâm lí. Nhưng theo cả hai cách bạn sẽ không có khả năng sống, bởi vì bạn sẽ không có tương lai nào để sống. Nếu bạn thực sự muốn sống - và bạn muốn sống; trong thực tế đấy là điều bạn đang hỏi: bạn muốn sống với Savya. Để sống bạn phải sống động.
Bạn đừng nghĩ theo kiểu 'ham muốn cuối cùng'. Và tại sao, tại sao bạn muốn nó là cái cuối cùng? Tại sao bạn không thể chia sẻ năng lượng của mình một ngày nào đó với người đàn bà khác nào đó? Tại sao keo kiệt thế? Tại sao vô nhân đạo đến thế? Những người đàn bà khác không thiêng liêng như Savya hay sao? Thượng đế chẳng đã xuất hiện dưới nhiều, nhiều hình dạng, hàng triệu dạng quanh bạn đó sao? Tại sao bám víu vào một hình dạng? Tại sao có bám víu này?
Bám víu này đến từ kìm nén, bởi vì bạn đã kìm nén ham muốn của mình. Rồi một hôm bạn tìm thấy người đàn bà, người đang hướng tình yêu về bạn và bạn bám lấy. Bạn sợ mất cô ấy, vì bạn biết tất cả những đêm dài khi bạn một mình. Nếu bây giờ người đàn bà đó ra đi, lần nữa bạn lại một mình. Bây giờ người đàn bà này cũng sợ đơn độc của mình; cô ấy bám lấy bạn. Cô ấy sợ rằng một ngày nào đó bạn có thể đi tới ai đó khác; bạn có thể không hướng về cô ấy nữa, và cô ấy sẽ bị bỏ lại đơn độc. Đã trải qua biết bao đêm dài đơn độc rồi, thôi bây giờ không thế nữa. "Chúng ta đã tìm thấy nhau, chúng ta phải bám vào nhau; chúng ta phải sở hữu lẫn nhau và chúng ta phải canh chừng cho nhau, để cho không ai đi bất kì đâu nữa."
Nhưng từ canh chừng này, nhìn điều đã xảy ra: mọi người đều chán. Bạn cần người yêu, không phải là người gác; bạn cần người được yêu, không phải cai ngục. Bạn muốn tuôn chảy, không bị cầm tù. Nhìn vào cái ước muốn mâu thuẫn này đi: bạn muốn sống và yêu, nhưng bất kì cái gì bạn làm cũng phá rối tình yêu của bạn, phá huỷ tình yêu của bạn, tạo ra trở ngại cho dòng chảy. Bạn muốn yêu và sống, và bạn muốn sống vui vẻ, nhưng bất kì cái gì bạn làm cũng đều đi đến chống điều đó, đều chống điều đó.
Tại sao đây phải là ham muốn cuối cùng? Nhớ lấy, tôi không nói rằng điều này không nên là ham muốn cuối cùng. Chớ hiểu lầm tôi. Tôi không nói rằng điều này không nên là ham muốn cuối cùng, tôi đang nói, đơn giản nói, tại sao nó phải là ham muốn cuối cùng? Nếu sự việc xảy ra là các bạn vẫn còn lại với nhau, nếu sự việc xảy ra là bạn chẳng bao giờ tìm thấy người đàn bà đẹp hơn, người đàn bà đáng yêu hơn - thì tốt, bạn là người may mắn. Nếu sự việc xảy ra là Savya chẳng bao giờ tìm thấy người đàn ông khác đáng yêu hơn, sinh động hơn bạn - thì thật may mắn. Nhưng nếu cô ấy tìm được người đàn ông đáng yêu hơn, người có thể làm cho cô ấy vui vẻ hơn, người có thể đem đến cho cô ấy những đỉnh cao cực lạc lớn hơn, thì sao? Cô ấy vẫn phải bám víu vào bạn sao? Thế thì cô ấy đang chống chính cô ấy. Tại sao cô ấy phải bám víu vào bạn?
Và nếu cô ấy bám víu vào bạn, cô ấy sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ cho bạn, bởi vì đấy sẽ là vì bạn mà cô ấy đã phải bỏ lỡ người đàn ông tuyệt vời đó; cô ấy sẽ luôn luôn giận dữ bạn. Đó là lí do tại sao vợ giận dữ, chồng giận dữ. Giận dữ đó có cơ sở tự nhiên cho nó. Giận dữ đó không phải là điều trần tục; đấy không phải vì trà không đủ nóng, không phải vậy. Ai bận tâm khi bạn yêu người đàn bà dù trà có nóng hay không? Khi tình yêu còn nồng, mọi thứ đều nhiệt tình. Khi tình yêu đã lạnh lẽo, mọi thứ dường như cũng lạnh theo. Vấn đề không phải là ở chỗ đôi dép lê của bạn không có ở chỗ nó phải có khi bạn ngủ dậy. Khi bạn yêu người đàn bà, ai bận tâm?
Nhưng khi tình yêu biến mất, nhiệt tình đó cũng biến mất. Thế thì bạn giận dữ, và giận dữ đến nỗi bạn không thể nói được điều đó và xã hội không cho phép điều đó. Giận dữ đến mức bạn không thể còn đúng về nó nữa. Có thể bạn đã kìm nén nó sâu sắc đến mức bạn thậm chí không trở nên nhận biết được nó, bạn thậm chí không ý thức được về nó - đến mức bạn giận dữ bởi vì bây giờ, bởi vì người đàn bà này, nên những người đàn bà khác trở thành không sẵn có cho bạn... bởi vì người đàn bà này cứ vây quanh bạn và thường xuyên theo dõi bạn... bởi vì người đàn ông này cứ theo dõi bạn và không cho phép bạn đi và có cuộc sống theo cách riêng của bạn, cách thức bạn muốn nó bây giờ.
Những hứa hẹn quá khứ của bạn đã trở thành nhà tù. Thế thì bạn giận dữ. Và giận dữ chẳng liên quan tới bất kì cái gì nói riêng, nó là giận dữ nói chung, cho nên bạn thậm chí không thể nói được nó ở đâu, tại sao có nó, nó như thế nào. Thế rồi bất kì cớ nào cũng bật ra - trà không nóng, thức ăn không có khi bạn muốn ăn.
Bám níu này tạo ra giận dữ. Và chúng ta không có ở đây để bị thừa trong giận dữ. Tại sao? Để làm gì? Với mục đích nào? Nếu Savya gặp người đẹp trai nào đó và bỗng nhiên cảm thấy rằng bây giờ cô ấy đã tìm được đúng người, cô ấy phải làm gì? Cô ấy có phải bám lấy bạn không? Có ấy phải không phản bội bạn sao? Từ này thật xấu: 'phản bội'... Trong thực tế nếu cô ấy vẫn còn với bạn, cô ấy đang phản bội chính con người cô ấy, nếu cô ấy vẫn còn với bạn, cô ấy đang phản bội tình yêu của mình, cô ấy đang phản bội vui vẻ của mình, cô ấy đang phản bội Thượng đế.
Bây giờ Thượng đế đã kêu gọi từ một cánh cửa khác; cô ấy đang phản bội Thượng đế. Và cô ấy sẽ chẳng bao giờ có thể yêu bạn thêm nữa; điều đó là không thể có. Thượng đế đã kêu gọi từ đâu đó khác. Đôi mắt khác nào đó đã trở thành cánh cửa và cửa sổ, hình dạng khác đã trở nên sinh động và hấp dẫn. Cô ấy có thể làm gì bây giờ? Cô ấy có thể tránh nhìn người đó, nhưng làm sao cô ấy sẽ có thể tha thứ cho bạn được? Bây giờ giận dữ sẽ bắt đầu bùng ra. Bây giờ cô ấy sẽ giận dữ chẳng vì lí do nào, và giận dữ sẽ phá huỷ tình yêu của bạn. Nó đã căng phồng ra.
Nhớ lấy, tình yêu là làn gió thoảng. Nhìn xem... chưa có gió thoảng ngay bây giờ đâu, cây vẫn còn im ắng. Chúng có thể làm gì? Chúng không thể tạo ra gió được. Bất kì khi nào gió tới, thì nó tới. Khi gió tới cây sẽ đung đưa với vui vẻ. Khi gió qua đi, tức là nó hết rồi. Cây phải đợi. Tình yêu giống như làn gió thoảng. Khi nó tới là nó tới - ai biết được nó tới từ phương nào, từ người nào, từ ai.
Đây là giải phóng của Mật tông. Mật tông là triết lí nguy hiểm, nó là tôn giáo nguy hiểm. Nó còn chưa được thử trên qui mô rộng hơn, loài người còn chưa có đủ dũng cảm để thử nó trên qui mô rộng hơn - chỉ có vài cá nhân, rất ít và thưa thớt, mới thử nó, và họ đã phải chịu đựng rất nhiều bởi vì xã hội không cho phép... xã hội nghĩ đây hoàn toàn là tội lỗi. Nhưng Mật tông nói phải sống với người đàn bà mà dòng chảy tình yêu của bạn đã dừng, với người mà bạn không còn vui vẻ nữa, là tội lỗi. Việc làm tình với người đàn bà mà bạn không yêu là cưỡng hiếp. Việc làm tình với người đàn ông mà bạn không yêu là cưỡng hiếp; đấy là mãi dâm.
Đây là thái độ của Mật tông về cuộc sống. Mật tông tin vào vui vẻ bởi vì Mật tông nói vui vẻ là Thượng đế. Vẫn còn đúng cho vui vẻ và hi sinh mọi thứ cho vui vẻ. Để cho vui vẻ là Thượng đế duy nhất, và hi sinh mọi thứ - bất kì cái gì cần tới. Vẫn còn tuôn chảy.
Bạn nói: "Tôi yêu Ma Prem Savya. Tôi muốn cô ấy sống với tôi đến khi tôi chết..." Bạn có nghĩ đến việc chết rất sớm không? Ai biết được bạn có thể sống bao lâu? Ngay chỗ đầu tiên tại sao bạn lại nghĩ về tương lai? Nghĩ về tương lai là bỏ lỡ hiện tại. Bạn nghĩ rằng bạn đang nghĩ đến những điều lớn lao... bạn đã đọc những thứ như thế của những nhà thơ ngớ ngẩn. Các nhà thơ bao giờ cũng gần như ngớ ngẩn; họ không có kinh nghiệm thực về cuộc sống, họ chỉ mơ.
Bây giờ nhìn xem: bạn nghĩ đây là tình yêu lớn - rằng bạn muốn sống với cô ấy cho tới khi bạn chết. Đây không phải là tình yêu lớn, bạn sợ. Trong thực tế ngay bây giờ bạn không tận hưởng nó, đó là lí do tại sao bạn đang lan toả vào tương lai. Ngay bây giờ bạn đang bỏ lỡ nó, cho nên bạn muốn có nó bằng mọi cách - có thể không phải hôm nay, thì ngày mai, ngày kia - đó là lí do tại sao nỗi sợ nảy sinh. Bạn muốn sống với cô ấy cả đời bạn, để cho bạn có thể xoay xở theo cách nào đó.
Nhưng tại sao không bây giờ? Nếu nó có thể đã có, thì nó có thể đã có từ ngay bây giờ. Bạn không biết cách sống ngay bây giờ, cho nên bạn nghĩ về tương lai. Và thời gian là ảo tưởng lớn. Chỉ có bây giờ là tồn tại. Ngày mai sẽ là hôm nay. Ngày kia sẽ là hôm nay. Sau một năm lại sẽ là hôm nay. Bao giờ cũng hôm nay. Thượng đế bao giờ cũng trong hiện tại. Nếu bạn muốn sống, sống ngay bây giờ. Tại sao nghĩ đến tương lai? Để cho tình yêu của bạn được mạnh mẽ, như ngọn lửa, đến mức nó đốt cháy toàn bộ bạn ngay bây giờ.
Và bây giờ bạn đang nghĩ "cho đến khi tôi chết..." Ai có thể nói được? Ít nhất tôi không định nói gì về việc ấy cả, bởi vì tôi muốn bạn vẫn còn tự do và tôi cũng muốn Savya được tự do. Gặp gỡ nhau như hai cá nhân tự do đi, gặp gỡ nhau như hai sự tự do đi. Và để cho việc gặp gỡ có đó trongkhi tự do kéo dài. Khi việc gặp gỡ của bạn bắt đầu phá hoại tự do, tách ra ngay; thời điểm đã tới để nói lời chia tay.
Cảm thấy biết ơn những ngày bạn đã sống với người đàn bà hay người đàn ông đó. Cảm thấy cực kì biết ơn những ngày đó đã được làm thành sẵn có cho bạn qua người kia. Cảm thấy biết ơn về tất cả những kinh nghiệm đó. Nhưng bạn có thể làm được gì? Với nước mắt lưng tròng, với lòng biết ơn, với tình yêu, với tình bạn, với lòng từ bi - tách ra. Cơn gió thoảng không còn thổi theo cách này nữa. Bạn có thể làm được gì? Cảm thấy bất lực, nhưng tách ra. Đừng níu bám, bằng không các bạn sẽ phá huỷ lẫn nhau.
Nếu bạn thực sự yêu người kia, khoảnh khắc tình yêu tan biến bạn sẽ làm cho người kia được tự do. Ít nhất thì thì tình yêu nhiều nhặn này cũng vì... để làm cho người kia được tự do, để cho ở đâu đó khác, ở cánh đồng cỏ nào đó, tình yêu có thể đâm chồi, nở hoa. Ít nhất đây là điều bạn có thể làm cho người kia, rằng tình yêu - nếu nó đã tan biến giữa các bạn - vẫn có thể đâm chồi và nở hoa ở đâu đó khác với ai đó đó khác. Tình yêu là Thượng đế. Nó xảy ra ở đâu, nó xảy ra giữa ai - giữa A và B, hay C và D, hay E và G, điều ấy chẳng can hệ gì. Nó xảy ra ở đâu chẳng can hệ gì.Nếu nó xảy ra thì thế là tốt. Thế giới đã trở nên không có tình yêu đến thế bởi vì chúng ta bám víu vào mọi người khi tình yêu đã hết. Thế giới sẽ đầy tình yêu nếu mọi người không bám víu và vẫn còn tự do.
Tự do trong tình yêu của bạn. Gặp gỡ từ tự do, và khi tự do bị phá huỷ, để cho đó là một chỉ dẫn rằng tình yêu đã biến mất - bởi vì tình yêu không thể phá huỷ tự do: tình yêu và tự do là hai tên gọi cho cùng một điều. Tình yêu không thể phá huỷ tự do. Nếu tự do bị phá huỷ, cái gì đó khác đang giả làm tình yêu - ghen tuông, thù hận, chi phối, an toàn, an ninh, danh vọng, tôn kính xã hội - cái gì đó khác đã bước vào. Trước khi nó đi vào và làm hư hỏng bạn và đầu độc bạn quá nhiều, thoát khỏi nó đi.
Câu hỏi thứ năm:
Osho kính yêu, tôi muốn làm sannyasin và tôi đã chờ đợi điều ấy nhiều năm, nhưng tôi sợ sẽ gặp rắc rối vì nó. Tôi phải làm gì đây?
Tôi chỉ có thể hứa rằng bạn sẽ gặp rắc rối thôi, tôi không thể nói rằng bạn sẽ không gặp rắc rối. Trong thực tế, đấy là một phương cách để tạo ra hỗn loạn trong cuộc sống của bạn. Nhưng có hai loại rắc rối: rắc rối huỷ hoại và rắc rối sáng tạo. Tránh rắc rối huỷ hoại, bởi vì chúng đơn giản phá huỷ. Có rắc rối sáng tạo, cái sẽ sáng tạo, cái đưa bạn lên bình diện tâm thức cao hơn. Bạn đã có đủ rắc rối rồi. Chắc chắn tôi không định thêm rắc nào rối thuộc loại đó.
Chuyện xảy ra...
Có người đàn bà trong một toa xe lửa đi cùng với người đàn ông với cả một bầy trẻ con nhếch nhác và kém văn hoá. Trước khi họ đi thật xa ông này cho một trong những đứa trẻ một trận đòn dữ tợn.
"Này," người đàn bà nói, "ông hãy dừng việc đánh thằng bé lại ngay bằng không tôi sẽ làm cho ông bị rắc rối đấy."
"Bà làm gì?"
"Tôi nói, tôi sẽ làm cho ông bị rắc rối đấy!" người đàn bà hét to.
"Nghe đây, thưa bà, vợ tôi đã tẩu thoát cùng với một thằng da đen cuỗm sạch từng đồng xu tôi đã dàng dụm; tôi đang trên đường đưa những đứa trẻ này về nhà người họ hàng, người này say mèn; đứa con gái ở góc kia mới mười lăm và có mang tám tháng. Thằng bé đằng kia bị loạn nhịp thở, đứa bé vừa ném chai rượu ra khỏi cửa sổ, và đứa tôi vừa đánh đã nuốt hết vé của tôi. Vì nghỉ việc, tôi đã bị thải hồi. Bà nói bà định làm cho tôi bị rắc rối hơn - còn rắc rối nào hơn nữa đây?"
Không, tôi không định làm cho bạn bị rắc rối thêm cùng kiểu như bạn đã sống trong toàn bộ cuộc đời mình. Tôi sẽ giới thiệu những loại rắc rối mới trong cuộc sống của bạn. Dũng cảm lên. Và bạn đã phải đợi lâu - bạn nói bạn đã từng nghĩ về điều đó trong nhiều năm...
Có một trận đá bóng giữa chuột và sâu bọ. Hiệp đầu tỉ số là sáu đều, và đến cuối tỉ số là mười một-mười nghiêng về phía chuột. Cho nên sâu bọ về hang của của rết và nói, "Tại sao cậu không tham gia trận đấu?"
"Tớ còn bận xỏ giầy vào chân chưa xong," rết trả lời. Đến bao giờ bạn mới xỏ xong chân vào giầy? Trận đấu chẳng mấy chốc mà kết thúc! Xin hãy làm mọi thứ nhanh hơn.
Câu hỏi thứ sáu:
Osho kính yêu, tôi có thể tự nhảy một mình được không? Thầy có phải tuyệt đối cần thiết không?
Hai anh chàng, Pete và Dave, đang làm việc trên giàn giáo. Một người đi qua để tìm người làm việc cho câu lạc bộ tạp kĩ, và người đó đứng ngay dưới ngôi nhà. Bỗng nhiên người đó thấy Pete đang nhảy lộn ba vòng trên đỉnh giàn giáo, tiếp đó là nhảy lộn ngược, rồi nhảy lộn vòng hai lần, và hạ xuống đất cạnh chân mình.
Anh chàng trên mặt đất nghĩ rằng thật là phi thường cho nên anh ta đến gần Pete và nói, "Anh có muốn tới và làm xiếc cho tôi không?"
"Có chứ, được thôi."
"Anh muốn được trả bao nhiêu?"
"Một trăm đồng bảng."
"Những một trăm đồng bảng cơ à?"
"Thế này, năm mươi đồng cho tôi, còn năm mươi đồng cho Dave, người nện vào chân tôi bằng búa."
Một mình bạn sẽ không có khả năng đi được. Bạn sẽ cần thầy để thúc bạn. Cuộc hành trình không quen thuộc thế, cuộc hành trình đi vào vực thẳm. Chừng nào ai đó chưa thực sự đẩy mạnh bạn, bạn không định nhảy, bạn sẽ phải bị gõ búa.
Và câu hỏi cuối cùng:
Osho kính yêu, niết bàn là gì?
Niết bàn là câu chuyện này... câu chuyện cổ của nhà phật. Một người đàn bà trẻ trung xinh tươi ngoại lệ, Enyadatta, chẳng thích gì ngoài việc ngắm mình trong gương. Cô ấy cũng hơi lập dị nữa, như mọi người đều thế. Một sáng khi đang ngắm nhìn mình trong gương thì hình trong gương không có đầu. Enyadatta trở nên phát hoảng và chạy lung tung kêu hét lên, "Tôi bị mất đầu rồi, đầu tôi đâu? Ai lấy đầu tôi? Tôi sẽ chết nếu tôi không tìm thấy đầu!"
Mặc cho mọi người bảo đảm với Enyadatta rằng đầu cô ấy vẫn còn trên vai, cô ấy vẫn từ chối tin họ. Mỗi lần cô ấy nhìn vào gương, đầu cô ấy đều không có đó, cho nên cô ấy tiếp tục tìm kiếm điên cuồng, kêu la khóc lóc nhờ giúp đỡ. Lo sợ về sự lành mạnh của cô, bạn bè và họ hàng của Enyadatta lôi cô về nhà và buộc cô vào cột nhà để cho cô không thể làm mình bị thương.
Bạn bè của Enyadatta tiếp tục tái bảo đảm với cô rằng đầu cô vẫn còn trên vai và dần dần cô bắt đầu tự hỏi liệu họ có nói đúng sự thật hay không. Bỗng nhiên một trong những người bạn của cô cắm một chiếc đinh sắc trên đầu cô. Cô kêu rú lên đau đớn, còn người bạn thì than thở, "Đấy là đầu bạn đấy! Nó đây rồi!" Enyadatta lập tức hiểu ra rằng bằng cách nào đó cô ấy đã tự lừa dối mình trong suy nghĩ rằng cô không có đầu, trong khi thực tế cô ấy bao giờ cũng có nó.
Niết bàn cũng vậy. Bạn chưa bao giờ ra khỏi nó, bạn chưa bao giờ xa khỏi nó. Nó là trong bạn, bạn là trong nó. Nó đã có đấy, bạn chỉ cần trở nên tỉnh táo hơn một chút. Bạn cần một cái đinh trên đầu. Cái đầu có đó: bạn không thể thấy được nó bởi vì bạn đang nhìn sai hướng hay nhìn vào gương giả. Bạn không thể thấy nó bởi vì bạn không có sáng tỏ để thấy. Bằng không thì niết bàn chẳng phải là một mục tiêu nào đó ở đâu đó, nó không phải là kiếp sau, nó là ở đây và bây giờ.
Niết bàn là chất liệu tạo nên bạn. Nó là trong từng tế bào, nó là trong từng thớ thịt của con người bạn. Nó là bạn. Chỉ việc nhớ là cần. Chỉ việc nhớ ...Đủ cho hôm nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét