Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Osho - Biến chuyển Mật Tông - Chương 7


CHƯƠNG 7. THÔNG MINH LÀ THIỀN - OSHO




Tâm trí, trí năng và những nội dung đã hình thành của tâm trí đó đều là Cái đó, cho nên nó cũng là thế giới và tất cả dường như chỉ khác biệt từ Cái đó, mọi thứ đều có thể được cảm thấy và người cảm nhận cũng trì trệ, ác cảm, ham muốn và chứng ngộ.
Giống như ngọn đèn chiếu sáng trong bóng tối của dốt nát tâm linh, nó vứt bỏ sự mờ tối của tâm trí khi đạt tới việc phân đoạn trí năng. Ai có thể tưởng tượng bản thân vô ham muốn?
Không cái gì bị phủ định, không cái gì được khẳng định hay hiểu thấu; vì Cái đó chẳng bao giờ quan niệm được. Bằng cách phân đoạn trí năng sự lừa dối bị cùm; không phân chia và thuần khiết vẫn còn tự nhiên.
Nếu bạn hỏi điều tối thượng với định đề về cái nhiều và cái một thì tính một không được nêu ra vì bằng cách siêu việt lên tri thức loài hữu tình được tự do. Sự toả chiếu có hiệu lực tiềm tàng trong trí năng, và điều này được thể hiện thành thiền; Tâm trí kiên định là bản chất đúng đắn của chúng ta.
Tầm nhìn Mật tông là cách tiếp cận trực tiếp hướng về Thượng đế, hướng tới thực tại, hướng tới cái đang đó. Nó không có người giữa, không có người trung gian, nó không có tu sĩ. Và Mật tông nói khoảnh khắc tu sĩ bước vào, tôn giáo bị biến chất. Không phải là quỉ làm biến chất tôn giáo mà chính là tu sĩ. Tu sĩ phụng sự cho quỉ.
Thượng đế chỉ có thể được tiếp cận tới theo cách trực tiếp. Không thông qua trung gian. Bạn không thể đi qua người khác bởi vì Thượng đế là sự tức khắc, Thượng đế là ở đây bây giờ, đã bao quanh bạn. Bên trong, bên ngoài chỉ Thượng đế hiện hữu.
Không cần phải tìm ai đó giúp cho bạn tìm thấy Thượng đế. Bạn đã ở bên trong nó rồi, bạn chưa bao giờ xa rời nó. Cho dù bạn muốn đi chăng nữa, bạn cũng không thể xa rời được điều đó. Cho dù bạn hết sức cố gắng vẫn không thể đi ra xa được. Chẳng có chỗ nào khác để đi, và chẳng có gì khác để hiện hữu.
Mật tông không phải là tôn giáo theo nghĩa thông thường bởi vì nó không có nghi lễ, nó không có tu sĩ, nó không có kinh sách. Nó là cách tiếp cận cá nhân hướng tới thực tại. Nó mang tính cực kì nổi dậy. Tin cậy của nó không phải vào tổ chức, tin cậy của nó không phải vào cộng đồng; tin cậy của nó là vào cá nhân. Mật tông tin vào bạn.
Tôi đã từng nghe...
Sự việc xảy ra trong một cuộc họp gây quĩ cho Bily Graham - một anh chàng đi thu số tiền công đức rồi anh ta bắt đầu chia chác số tiền đó. Hai cảnh sát bắt quả tang anh ta; họ đem anh ta tới Bily Graham. Tự nhiên Bily Graham rất giận và nói với người này, "Món tiền này thuộc về Thượng đế, còn anh định làm gì? Định lừa Thượng đế à?"
Người này đáp, "Thưa ông ấy, tôi lấy món tiền này trong cố gắng để được tới gần Thượng đế hơn - tất nhiên bằng cách vứt bỏ người trung gian."
Người trung gian chẳng cần chút nào. Thầy thực sự chẳng bao giờ cố trở thành người trung gian; thầy không phải như thế. Thầy không giúp bạn đạt tới Thượng đế, thầy chỉ giúp bạn trở nên nhận biết về điều đã có đó. Thầy không phải là cây cầu giữa bạn và Thượng đế, thầy chỉ là cây cầu giữa chưa nhận biết và nhận biết của bạn. Khoảnh khắc bạn trở nên nhận biết là bạn đã hội nhập trực tiếp với Thượng đế, ngay lập tức, không có bất kì ai đứng giữa bạn và Thượng đế.
Tầm nhìn Mật tông này là một trong những tầm nhìn vĩ đại nhất mà con người đã từng mơ ước: tôn giáo không tu sĩ, tôn giáo không đền đài, tôn giáo không tổ chức; tôn giáo không phá huỷ cá nhân mà tôn trọng cá nhân vô biên, tôn giáo tin cậy vào đàn ông và đàn bà thông thường. Và tin cậy này đi rất sâu. Mật tông tin cậy vào thân thể bạn; không tôn giáo nào khác tin cậy vào thân thể bạn. Và khi các tôn giáo không tin cậy vào thân thể bạn, họ tạo ra chia chẻ giữa bạn và thân thể bạn. Họ làm cho bạn trở thành kẻ thù của thân thể mình, họ bắt đầu phá huỷ trí huệ của thân thể.
Mật tông tin cậy vào thân thể bạn. Mật tông tin cậy vào giác quan của bạn. Mật tông tin cậy vào năng lượng của bạn. Mật tông tin cậy vào bạn - trong toàn bộ. Mật tông không phủ nhận điều gì mà biến đổi mọi thứ.
Làm sao đạt tới tầm nhìn Mật tông này? Đây là bản đồ để mở bạn ra, để chuyển bạn vào trong và chuyển bạn vượt ra ngoài.
Điều đầu tiên là thân thể. Thân thể là căn cứ của bạn, nó là nền tảng của bạn, nó là nơi bạn tiếp đất. Làm cho bạn đối kháng với thân thể là phá huỷ bạn, là làm cho bạn tinh thần phân liệt, là làm cho bạn khổ, là tạo ra địa ngục. Bạn là thân thể. Tất nhiên bạn còn là nhiều hơn thân thể, nhưng cái 'nhiều hơn" đó sẽ theo sau. Điều đầu tiên, bạn là thân thể. Thân thể là chân lí cơ sở của bạn, cho nên đừng bao giờ chống thân thể. Bất kì khi nào bạn chống thân thể, bạn đang chống Thượng đế. Bất kì khi nào bạn không tôn kính thân thể mình bạn đều bị mất tiếp xúc với thực tại, bởi vì thân thể bạn là nơi tiếp xúc của bạn, thân thể bạn là cây cầu của bạn. Thân thể bạn là ngôi đền của bạn.
Mật tông dạy tôn kính thân thể, yêu thương, tôn trọng thân thể, biết ơn thân thể. Thân thể là tuyệt diệu, nó là bí ẩn vĩ đại nhất trong các bí ẩn.
Nhưng bạn đã được dạy chống lại thân thể. Cho nên đôi khi bạn bị quá bối rối bởi cây cối, bởi cây xanh; đôi khi bạn bị bối rối bởi mặt trăng và mặt trời, đôi khi bị bối rối bởi bông hoa - nhưng chưa bao giờ bị bối rối bởi thân thể riêng của mình. Và thân thể bạn là hiện tượng phức tạp nhất trong sự tồn tại. Không hoa nào, cây nào có thân thể đẹp như thân thể bạn; không mặt trăng, không mặt trời không vì sao nào có cơ cấu tiến hoá như bạn có.
Bạn đã được dạy thấy rõ bông hoa, vốn là một vật đơn giản. Bạn đã được dạy thấy rõ cái cây, cũng là một vật đơn giản. Bạn cũng đã từng được dạy để hiểu thấu hòn đá, tảng đá, núi non, sông ngòi, nhưng bạn chưa bao giờ được dạy để kính trọng thân thể mình, chưa bao giờ bối rối về nó.
Vâng, nó rất gần gũi, cho nên rất dễ dàng quên mất nó. Nó rất hiển nhiên, cho nên dễ dàng bỏ qua nó. Nhưng đấy là hiện tượng đẹp đẽ nhất.
Nếu bạn ngắm hoa, mọi người sẽ nói, "Thẩm mĩ làm sao!" Còn nếu bạn nhìn vào khuôn mặt đẹp của một phụ nữ hay khuôn mặt đẹp của một đàn ông, mọi người sẽ nói, "Đấy là thèm khát." Nếu bạn đi tới cái cây và đứng đó rồi nhìn đắm đuối bông hoa - mắt bạn mở to, giác quan bạn mở to để cho phép cái đẹp của hoa đi vào trong bạn - mọi người sẽ nghĩ bạn là nhà thơ hay hoạ sĩ hay nhà huyền môn. Nhưng nếu bạn đi tới người đàn bà hay đàn ông và chỉ đứng đó với tôn kính và ngưỡng mộ, rồi nhìn người đàn bà hay đàn ông đó bằng đôi mắt mở to và giác quan bạn uống lấy cái đẹp của người đó, cảnh sát sẽ tóm cổ bạn. Chẳng ai sẽ nói rằng bạn là nhà huyền môn, nhà thơ; chẳng ai sẽ đánh giá cao điều bạn đang làm.
Cái gì đó đã đi sai. Nếu bạn đi tới người lạ trên phố và bạn nói, "Mắt em đẹp làm sao!" bạn sẽ cảm thấy ngượng, người đó cũng cảm thấy ngượng. Người đó sẽ không thể nói cám ơn bạn được. Thực tế người đó sẽ cảm thấy đề phòng. Người đó sẽ cảm thấy cần đề phòng, bởi vì bạn là ai mà can thiệp vào cuộc đời riêng của người đó? Bạn là ai mà dám làm việc đó? Nếu bạn tới và chạm vào cây, cây sẽ cảm thấy sung sướng. Nhưng nếu bạn tới và chạm vào một người, người đó sẽ cảm thấy đề phòng. Điều gì đã đi sai? Cái gì đó đã bị phá hỏng rất lớn lao và rất sâu sắc.
Mật tông dạy bạn giành lại tôn trọng cho thân thể, tình yêu cho thân thể. Mật tông dạy bạn nhìn vào thân thể như sáng tạo vĩ đại nhất của Thượng đế. Mật tông là tôn giáo của thân thể. Tất nhiên nó còn đi cao hơn, nhưng nó chưa bao giờ rời bỏ thân thể; nó tiếp đất ở đấy. Nó là tôn giáo duy nhất thực sự bắt rễ vào mặt đất: nó có gốc rễ. Các tôn giáo khác là cây đã bị bật gốc rễ - chết, mờ đục, chết dần; nhựa sống không chảy trong chúng. Mật tông là nhựa sống thật, rất sinh động.
Điều đầu tiên là phải học tôn trọng thân thể, dỡ bỏ mọi điều vô nghĩa bạn đã từng được học về thân thể. Bằng không bạn sẽ chẳng bao giờ mở được nó, chẳng bao giờ đi vào được nó và chẳng bao giờ vượt ra ngoài nó.
Bắt đầu từ đầu. Thân thể là chỗ bắt đầu của bạn. Thân thể cần được làm thuần khiết khỏi nhiều kìm nén. Thanh tâm lớn lao là cần cho thân thể, một rechana lớn. Thân thể đã bị đầu độc bởi vì bạn đã từng chống lại nó, bạn đã kìm nén nó theo nhiều cách. Thân thể bạn tồn tại ở mức tối thiểu, đó là lí do tại sao bạn khổ.
Mật tông nói: Phúc lạc có thể có chỉ khi bạn tồn tại ở mức tối đa, chưa bao giờ có trước đó. Phúc lạc là có thể có chỉ khi bạn sống thật mãnh liệt. Làm sao bạn có thể sống thật mãnh liệt nếu bạn đang chống lại thân thể? Bạn bao giờ cũng hờ hững, ngọn lửa đã lạnh dần. Qua nhiều thế kỉ, ngọn lửa đã bị lụi tàn. Cần phải nhen nhóm lại ngọn lửa.
Mật tông nói: Trước hết là phải làm thuần khiết thân thể - làm thuần khiết nó khỏi mọi kìm nén. Cho phép năng lượng thân thể được tuôn chảy, vứt bỏ mọi khối chắn. Rất khó bắt gặp người không có khối chắn, rất khó bắt gặp người có thân thể không bị kiềm chế. Nới lỏng kiềm chế này ra; căng thẳng này đang ngăn cản năng lượng của bạn, tuôn chảy không thể có được trong căng thẳng đó. Tại sao mọi người phải bồn chồn đến thế? Tại sao bạn không thể thảnh thơi được? Bạn có thấy mèo ngủ không, đang mơ màng buổi trưa? Con mèo thảnh thơi đơn giản và đẹp đẽ làm sao. Bạn không thể thảnh thơi theo cùng cách được sao? Bạn xoay và lật mình trên giường; bạn không thể thảnh thơi được. Và cái đẹp của thảnh thơi ở con mèo là ở chỗ nó thảnh thơi hoàn toàn và vẫn tỉnh táo hoàn hảo. Một thoáng chuyển động trong phòng nó sẽ mở mắt, nó sẽ nhổm lên và sẵn sàng. Đấy không đơn giản ngủ. Giấc ngủ của con mèo là cái gì đó cần phải học; con người đã quên mất.
Mật tông nói: Học mèo - cách nó ngủ, cách nó thảnh thơi, cách nó sống không căng thẳng. Và toàn bộ thế giới con vật cũng đều sống theo cách thức không căng thẳng như thế. Con người phải học điều này, bởi vì con người đã bị huấn luyện sai, con người đã bị lập chương trình sai.
Ngay từ thời trẻ thơ bạn đã được lên chương trình rất chặt chẽ. Bạn không thở... vì sợ. Vì sợ dục nên mọi người không thở, bởi vì khi bạn thở sâu, nhịp thở của bạn đi thẳng tới trung tâm dục và tác động vào nó, cọ sát nó ở bên trong, kích động nó. Vì bạn đã được dạy rằng dục là nguy hiểm nên mỗi đứa trẻ bắt đầu thở nông, trì hoãn hơi thở trong lồng ngực. Nó chẳng bao giờ vượt ra ngoài điều đó bởi vì nếu nó vượt ra thì bỗng nhiên sẽ có kích động; dâm dục nảy sinh và nỗi sợ nảy sinh. Khoảnh khắc bạn thở sâu, năng lượng dục được thả ra. Năng lượng dục phải được thả ra, nó phải chảy khắp con người bạn. Thế thì thân thể bạn sẽ trở nên cực kì sảng khoái. Nhưng sợ thở, sợ đến mức gần như một nửa phổi bạn đầy khí các bô níc...
Có nhiều, nhiều nghìn lỗ nhỏ trong phổi và thông thường năm mươi phần trăm lỗ này chẳng bao giờ được sạch, chúng bao giờ cũng vẫn còn đầy khí các bô níc. Đó là lí do tại sao bạn uể oải, đó là lí do tại sao bạn không có vẻ tỉnh táo, đó là lí do tại sao nhận biết lại khó khăn. Không phải ngẫu nhiên mà Yoga và Mật tông cả hai đều dạy về thở sâu, pranayama, để dỡ bỏ khí các bô níc ra khỏi phổi bạn. Khí các bô níc không phải là dành cho bạn; nó phải bị tống ra liên tục. Bạn phải hít khí trong lành mới; bạn phải hít vào nhiều ô xi. Ô xi sẽ tạo ra ngọn lửa bên trong của bạn, ô xi sẽ làm cho bạn thành ngọn lửa. Nhưng ô xi cũng làm bùng lên dục của bạn. Cho nên chỉ có Mật tông mới có thể cho phép bạn thực sự thở sâu; ngay cả Yoga cũng không cho phép bạn thực sự thở sâu. Yoga cho phép bạn đi tới rốn - không được vượt quá nơi đó, không được vượt qua trung tâm hara, không được vượt qua swadhishthan, bởi vì một khi bạn vượt qua swadhishthan, bạn sẽ nhảy vào trong muladhar.
Chỉ Mật tông mới cho phép bạn là toàn bộ bản thể và toàn bộ luồng chảy. Mật tông cho bạn tự do vô điều kiện; dù bạn là bất kì cái gì và dù bạn có thể là bất kì cái gì, Mật tông không đặt giới hạn nào lên bạn. Nó không xác định bạn, nó đơn giản cho bạn tự do toàn bộ. Hiểu biết là ở chỗ khi bạn được hoàn toàn tự do nhiều điều là có thể.
Điều này đã là quan sát của tôi, rằng những người kìm nén dục trở thành không thông minh. Chỉ những người sinh động rất, rất nhiều tính dục mới là người thông minh. Bây giờ ý tưởng rằng dục là tội lỗi làm hư hoại thông minh, làm hư hoại nó tồi tệ lắm. Khi bạn thực sự tuôn chảy và dục của bạn không phải tranh đấu và xung khắc với bạn, khi bạn hợp tác với nó, tâm trí bạn sẽ vận hành ở mức tối đa. Bạn sẽ thông minh, tỉnh táo và sống động.
Thân thể cần phải được đối xử tốt, Mật tông nói vậy.
Bạn đã có lần nào chạm vào thân thể mình chưa? Bạn đã bao giờ cảm thấy thân thể riêng của mình chưa, hay bạn vẫn còn dường như được đóng hộp trong một thứ chết cứng? Đó chính là điều vẫn xảy ra: người ta gần như đông cứng; họ đang mang thân thể tựa như cái quan tài. Nó nặng nề, nó vướng víu, nó chẳng giúp gì cho bạn liên lạc với thực tại. Nếu bạn cho phép điện của thân thể chạy từ ngón chân cái tới đầu, nếu bạn cho phép năng lượng của thân thể - sinh năng - được tự do hoàn toàn, bạn sẽ trở thành dòng sông và bạn sẽ không cảm thấy thân thể chút nào. Bạn sẽ cảm thấy gần như vô thân thể. Không phải tranh đấu với thân thể, bạn trở thành vô thân thể. Tranh đấu với thân thể, thân thể trở thành gánh nặng, và với việc mang thân thể như gánh nặng bạn chẳng bao giờ đến được Thượng đế.
Thân thể phải trở thành vô trọng lượng để cho bạn gần như bắt đầu bước trên đất; đó là cách Mật tông bước. Bạn vô trọng lượng đến mức không còn trọng lực nữa, bạn đơn giản có thể bay. Nhưng điều đó chỉ đến từ chấp nhận lớn lao. Nhưng điều khó là chấp nhận được thân thể bạn. Bạn lên án nó, bạn bao giờ cũng thấy lỗi ở nó. Bạn chưa bao giờ đánh giá cao nó, bạn chưa bao giờ yêu nó, và rồi bạn muốn một phép màu - rằng ai đó sẽ tới và yêu thân thể bạn. Nếu bản thân bạn không thể yêu được nó, làm sao bạn tìm được ai khác yêu thân thể bạn? Nếu bản thân bạn không thể yêu được nó thì chẳng ai sẽ yêu được thân thể bạn, bởi vì rung động của bạn sẽ làm cho mọi người bị đẩy ra.
Bạn yêu một người, người đó yêu bản thân mình, chẳng bao giờ có điều ngược lại. Tình yêu đầu tiên phải hướng về chính mình; chỉ có từ trung tâm đó mà các loại tình yêu khác mới có thể nảy sinh. Bạn không yêu thân thể mình, bạn che giấu nó theo cả nghìn lẻ một cách. Bạn giấu mùi thân thể mình, bạn giấu thân thể mình trong quần áo, bạn giấu thân thể mình trong cách trang điểm. Bạn cố tạo ra cái đẹp nào đó mà bạn liên tục cảm thấy mình đang mất đi, và trong đó chính mọi nỗ lực của bạn trở thành giả tạo.
Bây giờ nghĩ về người đàn bà với son dầy bự trên môi... điều đó cực kì xấu xí. Môi nên có mầu đỏ bắt nguồn từ vẻ sống động, chúng không nên bị tô vẽ loè loẹt. Chúng nên sinh động từ tình yêu, chúng nên sinh động bởi vì bạn sinh động. Bây giờ chỉ vẽ lên môi, và bạn nghĩ rằng bạn làm mình đẹp lên. Chỉ những người rất ý thức về cái xấu của mình mới đi tới mĩ viện, bằng không thì họ đã chả cần.
Bạn đã bao giờ đi qua một con chim xấu chưa? Bạn đã bao giờ đi qua một con hươu xấu chưa? Điều ấy chưa bao giờ xảy ra. Chúng chẳng bao giờ đi tới mĩ viện nào, và chúng cũng chẳng tư vấn chuyên gia; chúng đơn giản chấp nhận bản thân chúng và chúng đẹp trong chấp nhận của chúng. Chính trong chấp nhận đó mà chúng tự phô bầy cái đẹp.
Khoảnh khắc bạn chấp nhận bản thân mình bạn trở thành đẹp. Khi bạn vui thích với thân thể của chính mình bạn sẽ vui thích người khác nữa. Nhiều người sẽ yêu bạn bởi vì bản thân bạn đang yêu chính mình. Bây giờ bạn giận với chính mình; bạn biết rằng bạn xấu, bạn biết rằng bạn kinh tởm, đáng ghét. Ý tưởng này sẽ đẩy mọi người ra xa; ý tưởng này sẽ không giúp cho họ yêu bạn, nó sẽ làm cho họ xa lánh bạn. Cho dù họ đang đến gần bạn hơn, khoảnh khắc họ cảm thấy rung động của bạn, họ sẽ lảng ra xa. Chẳng cần phải săn đuổi ai, việc săn đuổi chỉ nảy sinh bởi vì chúng ta không yêu chính mình. Bằng không thì mọi người đã tới... họ gần như không thể nào không yêu bạn được nếu bạn đang yêu chính mình. Tại sao bao nhiêu người đến với Phật, và tại sao bao nhiêu người đến với Saraha, và tại sao bao nhiêu người đến với Jesus? Những người này đang trong tình yêu với chính họ. Họ đã trong tình yêu lớn và họ vui thích với bản thể họ đến mức tự nhiên bất kì ai đi qua cũng đều bị kéo vào họ; giống như lực hút họ sẽ kéo lại. Họ say mê với bản thể của chính họ, làm sao bạn có thể tránh được say mê đó? Chỉ cần ở đấy là cũng đủ phúc lạc lớn lao thế.
Mật tông dạy điều đầu tiên: Yêu lấy thân thể bạn, thân thiết với thân thể bạn, tôn kính thân thể bạn, tôn trọng thân thể bạn, chăm sóc thân thể bạn. Nó là món quà của Thượng đế: đối xử tốt với nó và nó sẽ để lộ những bí ẩn lớn cho bạn. Mọi trưởng thành đều phụ thuộc vào cách bạn quan hệ với thân thể mình.
Và rồi điều thứ hai Mật tông nói tới là giác quan. Lần nữa, các tôn giáo đều chống giác quan; họ cố làm cùn các giác quan và tính nhạy cảm. Còn các giác quan là cửa ngõ cảm nhận của bạn, các giác quan là cửa sổ mở vào thực tại. Mắt bạn là gì? Tai bạn là gì? Mũi bạn là gì? Là cửa sổ mở vào thực tại, cửa sổ mở vào Thượng đế. Nếu bạn nhìn đúng, bạn sẽ thấy Thượng đế ở mọi nơi. Cho nên mắt không được nhắm, mắt phải mở đúng; mắt phải không bị phá huỷ. Tai phải không bị phá huỷ, bởi vì mọi âm thanh đều thiêng liêng.
Những con chim này đang hót mật chú. Những cây này đang cho các bài thuyết pháp trong im lặng. Mọi âm thanh đều là của ngài, mọi hình dạng đều là của ngài. Cho nên nếu bạn không có nhạy cảm trong mình, làm sao bạn biết Thượng đế? Và bạn phải đi nhà thờ, đến đền đài để tìm ngài... còn ngài ở mọi chỗ. Trong ngôi đền nhân tạo, trong nhà thờ nhân tạo, bạn đi tìm thấy Thượng đế sao? Con người dường như quá đần độn. Thượng đế ở mọi nơi, sống động và khoẻ mạnh khắp nơi. Nhưng để có được điều đó bạn cần giác quan sạch sẽ, giác quan được thuần khiết.
Cho nên Mật tông dạy rằng giác quan là cửa ngõ của cảm nhận. Chúng đã bị mờ đục, bạn phải vứt bỏ mờ đục đó; giác quan của bạn phải được lau sạch. Giác quan của bạn giống như tấm gương đã trở nên mờ xỉn bởi vì biết bao bụi bặm đã tụ đọng lên đó; cần phải lau sạch bụi đi.
Nhìn vào cách tiếp cận của Mật tông về mọi điều. Tôn giáo khác nói: Làm cùn giác quan đi, giết việc nếm của bạn! Còn Mật tông nói: Nếm trải Thượng đế theo mọi hương vị. Tôn giáo khác nói: Giết chết khả năng sờ của bạn. Còn Mật tông nói: Tuôn chảy toàn bộ trong việc sờ của bạn, bởi vì bất kì cái gì bạn chạm tới đều thiêng liêng cả. Điều này hoàn toàn ngược lại với cái gọi là các tôn giáo, nó là cuộc cách mạng triệt để - từ tận gốc rễ.
Sờ, ngửi, nếm, nhìn, nghe toàn bộ nhất có thể được đi. Bạn sẽ phải học ngôn ngữ này bởi vì xã hội đã lừa phỉnh bạn, nó làm cho bạn quên mất. Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có giác quan đẹp. Quan sát đứa trẻ... khi nó nhìn vào cái gì đó, nó hoàn toàn bị cuốn hút theo vật đó, khi nó chơi với đồ chơi, nó hoàn toàn bị cuốn hút theo đồ chơi. Khi nó nhìn, nó trở thành chỉ còn đôi mắt. Nhìn vào đôi mắt đứa trẻ ấy. Khi nó nghe, nó trở thành chỉ còn đôi tai. Khi nó ăn cái gì đó, nó chỉ còn đó trên đầu lưỡi, nó trở thành việc nếm. Xem đứa trẻ ăn táo - khoái trá làm sao! tràn đầy năng lượng làm sao! thích thú làm sao! Nhìn đứa trẻ tung tăng đuổi bướm trong vườn... cuốn hút đến độ cho dù Thượng đế có đấy, ngài cũng không chạy được theo cách đó. Một trạng thái thiền, mênh mông làm sao - chẳng phải cố gắng gì. Nhìn đứa trẻ đi nhặt vỏ sò trên bãi biển cứ như là nó đi nhặt kim cương. Mọi thứ đều quí giá khi các giác quan sống động, mọi thứ đều rõ ràng khi giác quan sống động.
Về sau trong cuộc đời cũng đứa trẻ đó sẽ nhìn vào thực tại dường như bị ẩn đằng sau tấm kính tối. Biết bao khói và bụi đã tụ đọng lên tấm kính và bạn ẩn đằng sau nó rồi bạn nhìn. Bởi điều này, mọi thứ trông xám xịt và chết. Bạn nhìn vào cây và cây có vẻ xám xịt bởi vì mắt bạn chỉ thấy lờ mờ. Bạn nghe bài hát, nhưng chẳng thấy quyến rũ trong đó bởi vì tai bạn nghễnh ngãng. Bạn có thể nghe Saraha và bạn sẽ không thể nào đánh giá cao được ông ấy, bởi vì trí thông minh của bạn bị ù lì.
Giành lại ngôn ngữ bị lãng quên của bạn đi. Bất kì khi nào bạn có thời gian, dành nhiều hơn cho giác quan của bạn. Khi ăn, đừng chỉ ăn; cố học lại ngôn ngữ bị lãng quên của vị giác - cố đi. Sờ vào bánh mì, cảm thấy đường viền của nó; cảm thấy với đôi mắt mở, cảm thấy với đôi mắt nhắm. Trong khi ăn, nhai nó - bạn đang nhai Thượng đế. Nhớ điều đó! Nếu không nhai kĩ, nếu không nếm kĩ, đó sẽ là không kính trọng. Để cho nó thành lời nguyện, và bạn sẽ bắt đầu làm nảy sinh tâm thức mới trong bạn. Bạn sẽ học được cách luyện kim đan của Mật tông.
Chạm nhiều vào mọi người. Chúng ta đã trở nên rất nhạy cảm về việc chạm. Nếu ai đó đang nói về bạn và đến quá gần, bạn bắt đầu lùi lại. Chúng ta bảo vệ lãnh thổ của mình. Chúng ta không chạm và chúng ta cũng không cho phép người khác được chạm; chúng ta không nắm tay, chúng ta không ôm ghì. Chúng ta không tận hưởng con người của nhau.
Đi đến cây, chạm vào cây. Chạm vào tảng đá. Đi ra sông, để cho sông luồn qua tay bạn. Cảm lấy nó! Bơi, và cảm thấy nước như cá cảm thấy nước. Đừng bỏ lỡ bất kì cơ hội nào làm sống lại giác quan của bạn. Và có cả nghìn lẻ một cơ hội trong cả ngày. Chẳng cần phải có thời gian tách biệt cho nó. Cả ngày là huấn luyện trong nhạy cảm. Dùng tất cả các cơ hội. Ngồi dưới vòi hoa sen, dùng cơ hội này - cảm thấy cái chạm của từng giọt nước rơi lên bạn. Nằm dài trên mặt đất, trần trụi, cảm thấy đất. Nằm trên bãi biển, cảm thấy cát. Lắng nghe âm thanh của cát, lắng nghe âm thanh của biển. Dùng mọi cơ hội; chỉ thế thì bạn mới có khả năng học lại được ngôn ngữ của các giác quan. Và Mật tông cũng chỉ có thể được hiểu khi thân thể bạn sống động và giác quan bạn cảm lại được.
Giải phóng các giác quan của bạn khỏi thói quen. Thói quen là một trong những nguyên nhân gốc rễ của trì trệ; tìm ra các cách thức mới để làm mọi điều. Phát minh ra những cách thức mới để yêu. Người ta chúa hay sợ...
Tôi đã từng nghe...
Bác sĩ nói với người đang làm việc rằng anh không thể hoàn tất xét nghiệm nếu thiếu một mẫu nước tiểu. Một đứa nhỏ được sai đem ống mẫu nước tiểu đi xét nghiệm nhưng nó đã đánh đổ phần lớn mẫu này trong khi chạy lăng xăng. Sợ bị ăn trận đòn nên thân, nó đổ đầy ắp ống đựng bằng nước tiểu bò trên cánh đồng.
Bác sĩ vội vàng cho mời người nông dân tới. Người này trở về nhà với vợ trong tâm trạng giận dữ và nói, “Tại em và cái thói đồng bóng của em! Em bao giờ cũng trên hết, phải không? Và bây giờ tôi sắp có một đứa bé!"
Mọi người thường có thói quen cố định. Nay cả khi làm tình họ bao giờ cũng làm theo một tư thế - tư thế truyền giáo. Tìm ra cách thức cảm giác mới đi. Mỗi kinh nghiệm đều phải được tạo ra với sự nhạy cảm lớn. Khi bạn làm tình với người đàn bà hay đàn ông, làm cho điều đó trở thành lễ hội lớn, và mỗi lần lại đem đôi chút sáng tạo mới vào trong nó. Đôi khi nhảy múa trước khi bạn làm tình, đôi khi cầu nguyện trước khi làm tình, đôi khi chạy vào trong rừng, rồi làm tình. Đôi khi đi bơi và rồi làm tình. Thế thì mỗi kinh nghiệm yêu sẽ tạo ra ngày càng nhiều nhạy cảm trong bạn và tình yêu sẽ chẳng bao giờ buồn tẻ và chán ngắt.
Tìm ra những cách thức mới để khám phá người khác, đừng gắn cố định vào thói quen. Mọi thói quen đều phản cuộc sống: thói quen chỉ phục vụ cho cái chết. Và bạn bao giờ cũng có thể phát minh - không có giới hạn nào cho phát minh cả. Đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ bạn cũng đã cực kì được lợi. Bạn bao giờ cũng ăn tại bàn - đôi khi nên đi ra bãi cỏ, ngồi trên bãi cỏ và ăn ở đấy, và bạn sẽ rất đỗi ngạc nhiên: đấy là một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Mùi vị cỏ tươi mới cắt, chim chóc nhảy nhót và hót xung quanh, không khí trong lành và tia nắng mặt trời, và cảm thấy cỏ ẩm bên dưới... đấy không thể cùng là kinh nghiệm như khi bạn ngồi trên ghế và ăn trên bàn. Đấy là một kinh nghiệm hoàn toàn khác, tất cả các hợp phần đều khác.
Đôi khi bạn cũng nên thử ăn và cởi trần, và bạn sẽ ngạc nhiên. Chỉ một thay đổi nhỏ - chẳng có gì nhiều, bạn đang ngồi trần trụi - nhưng bạn sẽ có một kinh nghiệm hoàn toàn khác, bởi vì cái gì đó mới đã thêm vào đó. Nếu bạn vẫn ăn bằng thìa và dĩa, đôi khi ăn bốc đi và bạn sẽ có một kinh nghiệm khác; cái chạm sẽ đem hơi ấm mới cho thức ăn. Thìa là vật chết; khi bạn ăn bằng thìa hay dĩa, bạn còn ở xa. Đấy cũng là nỗi sợ chạm vào mọi thứ - ngay cả thức ăn cũng không thể được chạm vào. Bạn sẽ lỡ mất hình khối chúng, cái chạm, cái cảm giác về nó. Thức ăn có nhiều cảm giác cũng như nó có hương vị.
Nhiều thực nghiệm đã được tiến hành ở phương Tây về sự kiện là khi chúng ta đang thưởng thức thứ gì đó, có rất nhiều thứ khác mà chúng ta không nhận biết cũng đang góp phần cho kinh nghiệm đó. Chẳng hạn, nhắm mắt và bịt cả mũi nữa rồi ăn hành. Bảo ai đó đưa hành cho bạn khi bạn không biết người đó đưa gì - hành hay táo. Và bạn sẽ thấy rất khó phân biệt nếu mũi đã hoàn toàn bị bịt kín, mắt thì nhắm tịt, bị che đi. Bạn sẽ không thể nào xác định được đấy là hành hay táo, bởi vì nếm không chỉ là nếm; năm mươi phần trăm nếm đến từ mũi, và phần lớn thì đến từ mắt. Đấy không chỉ là nếm, mọi giác quan đều có đóng góp vào. Khi bạn ăn bốc, cái chạm của bạn cũng đóng góp vào. Nó sẽ thêm vị, nó sẽ thêm nhân tính, thêm tự nhiên.
Tìm ra những cách thức mới trong mọi thứ. Để cho nó là một trong những sadhanas của bạn. Mật tông nói: Nếu bạn có thể cứ phát hiện ra những cách thức mới hàng ngày cuộc đời bạn sẽ vẫn còn là xúc động, phiêu lưu. Bạn sẽ không bao giờ chán. Người chán là người phi tôn giáo. Bạn bao giờ cũng sẽ tò mò để biết, bạn bao giờ cũng ở ven bờ tìm kiếm cái chưa biết, cái không quen thuộc. Mắt bạn sẽ vẫn còn trong trẻo, các giác quan của bạn vẫn còn trong trẻo, bởi vì khi bạn bao giờ cũng ven bờ tìm kiếm, thám hiểm, phát hiện, dò tìm, bạn không thể trở thành trì trệ được, bạn không thể trở thành ngu xuẩn được. Chẳng đứa trẻ con nào ngu xuẩn cả; chỉ về sau mọi người mới trở nên ngu xuẩn.
Các nhà tâm lí nói rằng đến bẩy tuổi ngu xuẩn bắt đầu có. Nó bắt đầu quãng bốn tuổi nhưng đến năm thứ bẩy nó mới rất, rất rõ ra. Trẻ con bắt đầu trở nên ngu ở bẩy tuổi. Trong thực tế trẻ con học được năm mươi phần trăm của tất cả những gì học được trong toàn bộ cuộc đời trước lúc nó bẩy tuổi. Nếu nó sống bẩy mươi năm, trong sáu mươi ba năm còn lại nó sẽ chỉ học được năm mươi phần trăm - năm mươi phần trăm kia nó đã học rồi. Điều gì xảy ra? Nó trở thành trì trệ, nó dừng việc học. Nếu bạn nghĩ dưới dạng thông minh, đến bẩy tuổi đứa trẻ bắt đầu trở nên già. Khoảnh khắc đứa trẻ nghĩ, "mình biết," nó đã bắt đầu trở nên già. Về thể chất nó sẽ trở nên già muộn hơn - khoảng từ độ tuổi ba lăm nó sẽ bắt đầu suy giảm - nhưng về mặt tinh thần, nó đã trên đường suy giảm.
Bạn sẽ ngạc nhiên biết rằng tuổi tinh thần của bạn, tuổi tinh thần trung bình, là mười hai tuổi. Mọi người không trưởng thành bên ngoài tuổi đó, họ mắc kẹt ở đó. Đó là lí do tại sao bạn thấy có nhiều tính trẻ con đến thế trên thế giới. Cứ thử xúc phạm một người sáu mươi mà xem, trong giây lát ông ta chỉ như đứa trẻ mười hai tuổi. Và ông ta sẽ đối xử theo cách mà bạn không thể nào tin được rằng người lớn như thế mà lại có thể đối xử theo cách trẻ con đến thế. Mọi người bao giờ cũng sẵn sàng rút lui. Tuổi tinh thần của họ chỉ hời hợt ngoài da, bị che giấu đằng sau; chỉ cạo sơ qua một chút xíu là tuổi tinh thần của họ lòi ra ngay. Tuổi thể chất của họ không quan trọng lắm. Người ta chết đi mà vẫn còn trẻ con; họ chưa bao giờ trưởng thành.
Mật tông nói: Học cách thức mới khi làm mọi điều và giải phóng tối đa bản thân bạn khỏi các thói quen. Và Mật tông còn nói: Đừng bắt chước, bằng không các giác quan của bạn sẽ bị cùn đi. Đừng bắt chước! Tìm ra cách thức làm mọi điều theo cách riêng của bạn; đặt dấu ấn của bạn vào mọi thứ bạn làm.
Mới đêm hôm nọ một cô sannyasin, vừa quay lại, đã nói rằng tình yêu giữa cô ta và chồng cô ta đã biến mất. Bây giờ họ bám vào nhau chỉ vì con cái. Tôi bảo cô ấy suy tư, thân thiện với chồng đi. Nếu tình yêu đã biến mất, tất cả mọi thứ không biến mất đâu; tình bạn vẫn là có thể - cứ thân thiện đi. Còn cô ấy nói, "Khó lắm. Khi cái cốc đã vỡ thì nó vỡ rồi còn đâu."
Tôi bảo cô ấy rằng dường như là cô ấy còn chưa nghe chuyện thiền nhân ở Nhật bản hay mua cốc ở siêu thị, đem về nhà và trước tiên đập vỡ nó ra, rồi dán nó lại để làm cho nó có tính cá thể và đặc biệt - bằng không nó vẫn chỉ là thứ đồ chợ. Và nếu một người bạn tới và bạn mời người đó uống trà trong chiếc cốc và đĩa lót thông thường, như thế là không tốt; như thế là xấu, như thế là không kính trọng. Cho nên họ sẽ đem một chiếc cốc mới ra và đập vỡ nó. Tất nhiên không có cái cốc nào nữa trên thế gian này hoàn toàn giống nó, không thể có được. Được dán lại với nhau, bây giờ nó có tính cá thể, có dấu ấn. Và khi thiền nhân đến nhà nhau hay đến đạo tràng của nhau, họ sẽ không chỉ nhấm nháp trà. Trước tiên họ sẽ đánh giá chiếc cốc, họ sẽ nhìn vào nó. Cách thức nó được gắn với nhau là một tác phẩm nghệ thuật - cách thức các mảnh đã bị vỡ ra và rồi được gắn lại lần nữa.
Người đàn bà đã hiểu, cô ta bắt đầu cười. Cô ấy nói, "Thế thì điều ấy là có thể."
Đem tính cá thể vào trong mọi điều đi, đừng chỉ là người bắt chước. Bắt chước là làm lỡ cuộc đời.
Tôi đã từng nghe...
Mulla Nasruddin có một con vẹt rất động cỡn. Con vẹt luôn nói những điều xuẩn ngốc, đặc biệt bất kì khi nào có khách, và Mulla rất lo lắng; sự việc ngày càng khủng khiếp. Cuối cùng ai đó gợi ý anh ta rằng anh ta nên đem nó tới bác sĩ thú y. Thế là anh ta đem con vẹt tới nhà bác sĩ thú y. Bác sĩ khám toàn diện con vẹt và nói, "Này, Nasruddin, anh có một con vẹt động cỡn. Tôi có một con chim cái xinh xắn, trẻ trung. Anh chỉ cần mất mười lăm rupi là con vẹt của anh có thể sang lồng con chim tôi được."
Con vẹt của Mulla dỏng tai nghe trong lồng. Còn Mulla thì nói, "Lạy trời, tôi không biết... những mười lăm rupi cơ à?"
Con vẹt liền nói, "Làm đi, làm đi, Nasruddin. Đồ chết tiệt!"
Cuối cùng Mulla nói, "Thôi được," và trao cho bác sĩ thú y mười lăm rupi. Bác sĩ lấy con vẹt ra, cho nó vào trong lồng cùng với con chim cái và khép rèm lại. Hai người ra ngoài ngồi nói chuyện. Có một thoáng chốc im lặng rồi bỗng nhiên, "Quạ! Quạ! Quạ" Lông chim bay tung toé ra khỏi bức màn.
Bác sĩ thú y nói, "Cứ thế được đấy!" rồi chạy lại mở màn ra. Con chim đực đã đè con chim cái xuống bằng một chân - còn chân kia thì đang dứt lông con chim cái ra và kêu lên thích thú, "Với mười lăm rupi mà tao muốn mày trần như nhộng, trần truồng!" Rồi thấy bác sĩ thú y và ông chủ của nó, Mulla Nasruddin, nó thích thú the thé lên và nói, "Này Nasruddin, đấy chẳng phải là cách ông cũng thích người đàn bà của ông sao?"
Ngay cả vẹt cũng học được cách thức của con người, cũng có thể trở thành kẻ bắt chước, cũng có thể trở thành kẻ dễ bị kích thích thần kinh. Bắt chước là dễ bị kích thích thần kinh. Cách duy nhất để lành mạnh trên thế giới này là trở thành cá nhân, cá nhân chân chính. Là bản thể riêng của bạn đi.
Điều thứ ba Mật tông nói là: Trước hết, thân thể phải được làm thuần khiết khỏi mọi kìm nén. Thứ hai, các giác quan phải được làm sống động trở lại. Thứ ba, tâm trí phải vứt bỏ suy nghĩ kích thích thần kinh, suy nghĩ ám ảnh, và phải học cách im lặng. Bất kì khi nào có thể được, thảnh thơi đi. Bất kì khi nào có thể được, gạt tâm trí sang bên.
Bây giờ bạn sẽ nói, "Nói thì dễ nhưng làm sao mà gạt được tâm trí sang bên? Nó cứ tiếp tục hoài." Có cách đấy. Mật tông nói: Quan sát ba nhận biết này. Nhận biết một: Quan sát. Cứ để tâm trí chạy, cứ để tâm trí chất đầy với những ý nghĩ - bạn chỉ quan sát, tách rời. Chẳng cần phải lo lắng về nó, chỉ quan sát. Chỉ là người quan sát, và dần dần bạn sẽ thấy rằng lỗ hổng im lặng bắt đầu tới với bạn. Thế rồi nhận biết hai: Khi bạn đã trở nên nhận biết rằng lỗ hổng đó bắt đầu tới, trở nên nhận biết về người quan sát. Bây giờ quan sát người quan sát và thế thì những lỗ hổng mới sẽ bắt đầu tới - người quan sát sẽ bắt đầu tan biến, giống hệt như ý nghĩ. Một ngày nào đó người nghĩ cũng bắt đầu tan biến đi; thế thì cái im lặng thực sự nảy sinh. Với nhận biết ba, cả đối thể và chủ thể đều ra đi; bạn đã đi vào cõi bên kia.
Khi ba điều này được đạt tới - thân thể được thuần khiết khỏi các kìm nén, giác quan được thoát khỏi u ám, tâm trí được giải phóng khỏi suy nghĩ ám ảnh - tầm nhìn mới nảy sinh trong bạn, tự do với mọi ảo tưởng. Đấy là tầm nhìn của Mật tông.
Bây giờ đến lời kinh.
Tâm trí, trí năng và những nội dung đã hình thành của tâm trí đó đều là Cái đó, cho nên chúng cũng là thế giới và tất cả dường như chỉ khác biệt từ Cái đó, mọi thứ đều có thể được cảm thấy và người cảm nhận, cùng trì trệ, ác cảm, ham muốn và chứng ngộ.
Khi bạn đã tới trạng thái im lặng lúc mà cả người quan sát và cái được quan sát đã tan biến đi, bạn sẽ đi tới biết điều lời kinh này ngụ ý gì:
Tâm trí, trí năng và những nội dung đã hình thành của tâm trí đó đều là Cái đó...
Sự tồn tại là một, nó tất cả là một đơn vị. Không có hai điều trong sự tồn tại - nó là cái một, nó là một đại dương. Mọi phân chia có đó bởi vì chúng ta bị phân chia từ bên trong; cái bên trong phân chia của chúng ta được phóng chiếu ra bên ngoài, và mọi vật đều có vẻ bị phân chia. Khi thân thể thuần khiết, các giác quan mở và tâm trí im lặng, phân chia bên trong biến mất; bên trong có không gian thuần khiết. Khi có không gian thuần khiết bên trong, bạn trở nên có khả năng biết rằng bên ngoài cũng là cùng một không gian thuần khiết. Chính là cùng một bầu trời cho cả bên trong và bên ngoài. Trong thực tế không có 'ngoài' và không có 'trong' nữa, nó tất cả là một.
Tâm trí, trí năng và những nội dung đã hình thành của tâm trí đó đều là Cái đó... Bây giờ bạn sẽ nhận ra rằng ngay cả ý nghĩ cũng không phải là kẻ thù, ngay cả ham muốn cũng không phải là kẻ thù. Chúng cũng đều là những dạng của cùng điều thiêng liêng, của cùng một sự tồn tại. Bây giờ bạn sẽ nhận ra rằng niết bàn và luân hồi không phải là hai. Bây giờ bạn sẽ có tiếng cười rất, rất sâu sắc, khi nhận ra rằng chẳng có gì khác biệt giữa tù túng và chứng ngộ; rằng hiểu biết và dốt nát chẳng khác gì nhau, bởi vì phân chia là không thể được; rằng giữa vị phật và người chưa chứng ngộ không có khác biệt.
Nhưng điều này chỉ vị phật mới biết. Với người chưa chứng ngộ có khác biệt rất lớn. Vị phật không thể suy nghĩ bởi vì qua suy nghĩ bao giờ cũng có phân chia; qua vô suy nghĩ phân chia biến mất.
cho nên nó cũng là thế giới và tất cả dường như chỉ khác biệt từ Cái đó, mọi thứ đều có thể được cảm thấy và người cảm nhận, cũng trì trệ, ác cảm, ham muốn và chứng ngộ.
Tất cả đều là Cái đó. Đây là Cái đó! Cái toàn bộ này là cái Mật tông gọi là Cái đó.
Bây giờ Saraha đang nói với nhà vua: Xin bệ hạ đừng lo nghĩ. Dù trong cung điện hay trên mảnh đất hoả táng, dù được biết tới như một brahmin có học hỏi hay được biết tới như chó điên, cũng chẳng thành vấn đề: Nó là Cái đó. Tôi đã đi tới kinh nghiệm không phân chia được ấy, nơi người cảm nhận và vật được cảm nhận đều là một, nơi người quan sát và vật được quan sát là một. Tôi đã tới nơi. Bây giờ tôi có thể thấy rằng phân chia đó về cái tốt và cái xấu, về tội nhân và thánh nhân, đều vô nghĩa. Chẳng có gì khác biệt giữa tội lỗi và thánh thiện cả.
Đấy là lí do tại sao tôi gọi Mật tông là thái độ nổi dậy vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử tâm thức con người.
Saraha đang nói: Tâu bệ hạ, với bệ hạ phân chia tồn tại. Đây là mảnh đất hoả táng và nơi hoàng thượng sống là cung điện. Đối với tôi không có phân chia. Trên mảnh đất hoả táng này đã từng có biết bao cung điện trong quá khứ nay đã biến mất, và cung điện của bệ hạ chẳng chóng thì chầy cũng sẽ trở thành mảnh đất hoả táng. Nhưng xin bệ hạ chớ lo nghĩ, đấy chỉ là vấn đề thời gian. Và nếu bệ hạ có thể thấy, chẳng có gì khác biệt cả. Chính là vẫn cùng một thực tại, ở đâu đó trở thành thánh nhân và ở đâu đó trở thành tội nhân; đấy chính là cùng Cái đó.
Giống như ngọn đèn chiếu sáng trong bóng tối của dốt nát tâm linh, nó vứt bỏ sự mờ tối của tâm trí khi đạt tới việc phân đoạn trí năng. Ai có thể tưởng tượng bản thân vô ham muốn?
Giống như ngọn đèn... Saraha nói: bây giờ, nhận biết ba được sinh ra trong tôi. Nó giống như ngọn đèn chiếu sáng trong bóng tối của dốt nát tâm linh. Bây giờ lần đầu tiên tôi có thể thấy rằng vật chất và tâm trí là một, rằng ngoài và trong là một, rằng thân thể và linh hồn là một, rằng thế giới này và thế giới kia là một, rằng điều này cũng chứa cả điều kia nữa. Vì ánh sáng này đã xảy ra cho tôi, Saraha nói, từ giờ không có vấn đề gì. Bất kì cái gì hiện hữu, đều tốt cả.
Giống như ngọn đèn chiếu sáng trong bóng tối của dốt nát tâm linh, nó vứt bỏ sự mờ tối của tâm trí
Mọi mờ tối của tôi, mọi trở lực của tôi - mọi thứ ngăn cản tầm nhìn của tôi - đều bị vứt bỏ hết. Tôi có thể thấy thực tại một cách trực tiếp. Không còn kìm nén nữa, năng lượng của tôi đang trong một dòng chảy. Tôi không chống thân thể mình, tôi không thù địch với thân thể mình, tôi là một với thân thể. Phân chia bị vứt bỏ. Các giác quan tôi tất cả đều mở và làm việc ở mức tối đa. Tâm trí tôi im lặng, không có suy nghĩ ám ảnh. Khi tôi cần tôi nghĩ, còn khi tôi không cần tôi không nghĩ. Tôi là chủ của ngôi nhà mình. Ánh sáng được sinh ra trong tôi, và với ánh sáng đó, mọi mờ tối đều biến mất. Bây giờ chẳng còn gì ngăn cản tôi, tầm nhìn của tôi là toàn bộ. Bức tường bao quanh tôi đã biến mất.
Bức tường đó bao gồm ba thứ: kìm nén trong thân thể, bụi trong giác quan, và ý nghĩ trong tâm trí. Đấy là ba viên gạch mà bức Trường Thành Trung Quốc bao quanh bạn đã được dựng nên. Vứt bỏ những viên gạch đó và bức tường biến mất. Và khi bức tường đã mất đi, bạn đi tới biết cái Một.
... khi đạt tới việc phân đoạn trí năng.
Ai có thể tưởng tượng bản thân vô ham muốn?
Và thưa bệ hạ, bệ hạ đã tới hỏi tôi kinh nghiệm của tôi là gì? Thật khó để bệ hạ hình dung nổi. Thật khó cho tôi để nói ra, mà cũng khó cho bệ hạ hiểu được. Nhưng tôi có thể chỉ cho bệ hạ con đường để bệ hạ cũng kinh nghiệm được điều đó - đó là con đường duy nhất. Khi bệ hạ đã nếm trải nó, chỉ thế thì bệ hạ mới biết.
Không có gì bị phủ định, không có gì được khẳng định hay hiểu thấu; vì Cái đó chẳng bao giờ quan niệm được.
Bằng cách phân đoạn trí năng sự lừa dối bị cùm; không phân chia và thuần khiết vẫn còn tự nhiên.
Saraha nói: Tôi không thể nói Cái đó không có, tôi không thể nói Cái đó có. Tôi không thể phủ định Cái đó, tôi không thể thừa nhận Cái đó. Tôi không thể dùng không, tôi cũng không thể dùng có, bởi vì cả hai đều thiếu sót. Cái đó lớn hơn cả hai - Cái đó hàm chứa cả hai, và quả là Cái đó còn hơn thế, nó siêu việt trên cả hai. Những người nói có Thượng đế, đã hạ thấp Thượng đế - họ đã lôi Thượng đế xuống. Những người nói không có Thượng đế, chắc chắn họ chẳng hiểu chút nào. Cả hai loại người này đều như nhau: một phủ định và một khẳng định.
Khẳng định và phủ định đều thuộc về cùng tâm trí, cùng tâm trí suy nghĩ. Có và không cả hai đều là bộ phận của ngôn ngữ, của ý nghĩ. Saraha nói: Tôi không thể nói có Thượng đế, tôi không thể nói không có Thượng đế. Tôi chỉ có thể chỉ ra cho bệ hạ con đường... Cái đó ở đâu, Cái đó là gì, Cái đó như thế nào. Bệ hạ có thể kinh nghiệm Cái đó. Bệ hạ có thể mở con mắt của riêng mình và thấy Cái đó.
Ngày xưa chuyện xảy ra là một người mù được đưa tới gặp Phật. Và người mù này không phải là người mù thường, ông ta là một hàn lâm viện sĩ lớn, ông ta là một học giả lớn, rất giỏi tranh biện. Ông ta bắt đầu tranh luận với Phật. Ông ta nói, "Mọi người nói ánh sáng tồn tại còn tôi nói không. Họ nói tôi mù còn tôi nói họ bị lừa. Nếu ánh sáng tồn tại thì thưa ông, xin ông làm cho nó thành có sẵn đối với tôi để cho tôi có thể sờ vào nó. Nếu tôi có thể sờ được vào nó hay ít nhất thì nếu tôi có thể nếm được nó hay tôi có thể ngửi được nó, hay nếu ông có thể đánh ánh sáng kêu như cái trống để cho tôi có thể nghe được nó... Đấy là bốn giác quan của tôi, và giác quan thứ năm mọi người nói tới chỉ là tưởng tượng. Mọi người bị lừa, chẳng ai có mắt cả."
Thật rất khó mà thuyết phục người này rằng ánh sáng là tồn tại, bởi vì ánh sáng không thể được sờ, không thể được nếm, không thể được ngửi, không thể được nghe. Còn người này cứ nhất mực nói rằng mọi người khác đều bị lừa cả. "Họ dứt khoát không có mắt." Ông ta là người mù, nhưng là một nhà logic lớn. Ông ta nói, "Hãy chứng minh rằng họ có mắt đi. Ông có chứng minh gì?"
Phật nói, "Ta sẽ chẳng nói gì cả, nhưng ta biết một ông lang và ta sẽ gửi ông tới ông lang đó. Ta biết ông ta có thể chữa được mắt cho ông."
Nhưng người đàn ông này cứ khăng khăng, "Tôi phải đến tranh luận về điều đó!"
Còn Phật thì nói, "Đây là luận cứ của ta: Tới ông lang đi."
Người đó được chuyển tới ông lang; mắt ông ấy được chữa khỏi, trong vòng sáu tháng ông ấy đã có thể thấy được. Ông ta không thể tin được điều đó; ông ta quá đỗi cực lạc, ông ta đến nhảy múa với Phật. Ông ta phát điên. Ông ta cảm thấy bước chân Phật và nói, "Luận cứ của ông có tác dụng lắm."
Phật nói, "Nghe đây, đấy không phải là luận cứ. Nếu ta tranh luận, ta sẽ thua, bởi vì có những điều không thể tranh luận được mà chỉ có thể kinh nghiệm được."
Thượng đế không phải là luận cứ, không phải là suy luận. Niết bàn không phải là luận cứ, nó không phải là kết luận; nó chỉ là kinh nghiệm. Chừng nào bạn chưa kinh nghiệm nó, chẳng có cách nào để hiểu được nó - nó là gì. Nếu bạn không kinh nghiệm nó, nó chỉ là điều vô lí, vô nghĩa.
Không có gì bị phủ định, không có gì được khẳng định hay hiểu thấu; vì Cái đó chẳng bao giờ quan niệm được.
Trong thực tế chẳng có gì để hiểu thấu và chẳng ai hiểu thấu được Cái đó; chẳng có gì để quan niệm và chẳng ai quan niệm về Cái đó. Đối thể và chủ thể cả hai đều biến mất trong Cái đó. Người biết và cái được biết cả hai đều biến mất trong Cái đó. Thế thì đấy là việc kinh nghiệm về cái toàn bộ, về cái Một, về Cái đó.
Bằng cách phân đoạn trí năng sự lừa dối bị cùm ; không phân chia và thuần khiết vẫn còn tự nhiên.
Saraha nói với nhà vua: Tâu bệ hạ, mọi người đều bị định kiến về thực tại. Họ có ý tưởng về thực tại, còn thực tại không phải là ý tưởng. Thượng đế không phải là ý tưởng. Thượng đế không phải là ngôn từ thượng đế; đấy không phải là lí thuyết, đấy không phải là giả thuyết. Đấy là nếm trải thực tại, đấy là kinh nghiệm cực điểm với cái toàn bộ.
Mọi người bị giam cầm bởi tâm trí mình. Họ có những ý tưởng, thái độ nào đó, những triết lí cố định; họ nhìn qua những triết lí đó. Đó là lí do tại sao họ nói Saraha đã phát điên. Họ có ý tưởng nào đó về việc lành mạnh phải như thế nào, phải lành mạnh ra sao. Đó là lí do tại sao họ nghĩ Saraha đã phát điên: họ nhìn qua những định kiến nào đó.
...không phân chia và thuần khiết vẫn còn tự phát.
Nhưng tự phát là không phân chia và là thuần khiết; nó là hồn nhiên nguyên thuỷ. Xin hãy nhìn vào tôi đây, Saraha nói. Xin hãy nhìn vào tự phát của tôi. Xin đừng nghĩ về những điều mọi người nói, đừng nghĩ qua những định kiến tốt và xấu nào đó, đức hạnh và tội lỗi, phải và trái. Chỉ nhìn vào tôi thôi! Tôi đang ở đây, Cái đó đang ở đây. Tôi đang sẵn có; xin bệ hạ hãy có kinh nghiệm sâu sắc về sự hiện diện của tôi.
Nếu bạn có thể cảm thấy tự phát, hồn nhiên, thuần khiết, chỉ điều đó mới giúp cho bạn đi vào bên trong trên hành trình của Mật tông.
Nếu bạn hỏi điều tối thượng với định đề về cái nhiều và cái một thì tính một không được nêu ra
vì bằng cách siêu việt lên tri thức loài hữu tình được tự do.
Sự toả chiếu có hiệu lực tiềm tàng trong trí năng, và điều này được thể hiện thành thiền;
Tâm trí kiên định là bản chất đúng đắn của chúng ta.
Nếu bạn hỏi điều tối thượng với định đề về cái nhiều và cái một thì tính một không được nêu ra. Nếu bạn hỏi, bạn lỡ; thực tại không thể được biến thành câu hỏi. Vâng, nó có thể biến thành cuộc truy tìm, nhưng không biến thành câu hỏi.
Và không ai có thể trả lời được, chỉ có bạn mới có thể kinh nghiệm. Đó là lí do tại sao tôi nói nó có thể là cuộc truy tìm nhưng nó không bao giờ có thể được biến thành câu hỏi. Câu hỏi là điều có thể được trả lời. Cuộc truy tìm là điều chỉ có thể được kinh nghiệm. Chỉ khi bạn đạt tới việc làm, bạn mới đạt tới, không có cách nào khác. Không có cách thức vay mượn. Mọi tri thức đều là vay mượn.
Do đó Saraha nói:
...vì bằng cách vượt lên tri thức loài hữu tình được tự do.
Người ta phải được giải phóng khỏi tri thức.
Tri thức không giải phóng bạn; nó là tù túng sâu sắc nhất, tinh vi nhất của bạn. Qua tri thức bạn không sẵn có cho thực tại. Vứt mọi tri thức đi. Vứt mọi tri thức, việc biết trở thành thuần khiết, thế thì bạn không còn bị vẩn đục nữa. Không biết tới bất kì cái gì được vay mượn, thuần khiết của bạn còn nguyên vẹn; thế thì tấm gương của bạn không bị bụi bặm phủ lên. Thế thì bạn bắt đầu phản xạ. Thế thì thực tại được phản xạ như nó vẫn thế. Đừng bao giờ đi cùng tri thức, bằng không bạn sẽ không di chuyển được. Đừng bao giờ tin vào kinh nghiệm vay mượn.
Cái gì đó đã xảy ra cho Phật, nhưng cái đó không phải là kinh nghiệm của bạn. Cái gì đó đã xảy ra cho Christ, nhưng cái đó không phải là kinh nghiệm của bạn. Cái gì đó đã xảy ra cho tôi, nhưng cái đó không phải là kinh nghiệm của bạn. Điều tôi nói là ở chỗ, nếu bạn tích trữ nó, nó sẽ trở thành tri thức. Chớ có tích trữ nó trong kí ức bạn. Tích trữ tri thức trong kí ức chỉ làm nặng gánh cho bạn; đấy không phải là giải thoát.
...vì bằng cách siêu việt lên tri thức loài hữu tình được tự do.
Sự toả chiếu có hiệu lực tiềm tàng trong trí năng...
Và bạn có quyền năng đó, cái có thể nở hoa trong niết bàn, cái có thể trở thành chứng ngộ. Từng trí năng đều không là gì cả nhưng thông minh ẩn bên dưới nó. Nếu bạn tin vào trí năng mình quá nhiều, bạn sẽ lỡ mất thông minh của mình. Bây giờ hai từ này cần phải được hiểu rõ; chúng bắt nguồn từ cùng nguồn gốc nhưng nghĩa của chúng khác nhau. Không nhất thiết là nhà trí thức phải thông minh. Không nhất thiết là người thông minh phải là nhà trí thức.
Bạn có thể tìm thấy những người không trí thức nhưng cực kì thông minh.
Christ không phải là nhà trí thức, Kabir không phải là nhà trí thức, Meera không phải là nhà trí thức, nhưng họ là những người cực kì thông minh. Trí năng là cái thay thế giả tạo cho thông minh. Trí năng được vay mượn, thông minh là của bạn. Thông minh là khả năng thuần khiết của bạn để thấy, thông minh là khả năng hồn nhiên của bạn để hiểu. Trí năng là tri thức vay mượn; trí năng là đồng tiền giả, sự giả mạo.
Bạn thu thập thông tin từ mọi nơi, bạn thu thập nhiều tri thức, và bạn trở nên hiểu biết. Nhưng thông minh của bạn lại không phát triển, thông minh của bạn không thực sự bùng nổ. Trong thực tế bởi vì nỗ lực trí năng này mà thông minh của bạn sẽ còn bị nặng gánh; tri thức sẽ tụ lại tựa như bụi bặm trên chiếc gương. Trí năng là bụi bặm. Thông minh là phẩm chất thuần khiết của gương để phản xạ.
Saraha nói: Sự toả chiếu có hiệu lực tiềm tàng trong trí năng... trong mỗi trí năng đều có thông minh tiềm năng; bạn chớ có chất quá nặng nó với những tri thức vay mượn... và điều này được thể hiện thành thiền. Nếu bạn không chất nặng nó bằng tri thức thì thông minh của bạn trở thành thiền của bạn. Định nghĩa lớn về thiền: Thông minh là thiền. Sống cách thông minh là sống theo thiền. Định nghĩa này mang ý nghĩa vô cùng lớn lao; nó thực sự thai nghén ý nghĩa vĩ đại. Và sống cách thông minh chính là điều thiền là gì. Thiền không thể được 'thực hiện' theo cách nào đó. Bạn phải đem thông minh vào cuộc sống của mình.
Hôm qua bạn vừa giận dữ, bạn đã giận dữ hôm kia. Bây giờ lần nữa tình huống tới và bạn sắp sửa nổi giận - bạn định làm gì đây? Bạn có định lặp lại nó theo cách không thông minh, theo cách máy móc, hay bạn sẽ đem thông minh vào cho nó? Bạn đã giận dữ cả nghìn lẻ một lần rồi - bạn không thể học được điều gì từ nó sao? Bạn không thể ứng xử cách thông minh bây giờ sao? Bạn không thể thấy được cái vô tích sự của nó sao? Bạn không thể thấy rằng mọi lần bạn đều bị thất vọng bởi nó sao? Mỗi lần giận dữ lại làm tiêu phí năng lượng, phân tán năng lượng của bạn, tạo ra vấn đề cho bạn mà chẳng giải quyết được gì.
Nếu bạn nhìn vào nó, chính trong việc nhìn đó là thông minh. Thế thì ai đó xúc phạm bạn và không có giận dữ. Trong thực tế, thay vì giận dữ lại có từ bi với người này. Người đó giận dữ, người đó bị tổn thương, người đó đau khổ. Từ bi sẽ nảy sinh. Bây giờ thông minh này là thiền: nhìn vào cuộc sống của mình, học từ kinh nghiệm, học từ kinh nghiệm tồn tại, tiếp tục học, không vay mượn.
Phật nói giận dữ là xấu. Bây giờ nhìn vào khác biệt đi: nếu bạn là phật tử bạn sẽ tin ông ấy. Phật nói giận dữ là xấu, vậy giận dữ phải là xấu rồi; làm sao mà Phật sai được? Bây giờ bất kì khi nào cơn giận dữ nảy sinh bạn sẽ kìm nén nó bởi vì Phật nói rằng giận dữ là sai. Điều này đang vận hành qua tri thức, vận hành qua trí năng. Nhưng ngu làm sao! Bạn đã từng giận dữ biết bao nhiêu lần rồi - có cần gì hỏi Phật xem liệu giận dữ có là sai không? Bản thân bạn không thể tự nhìn vào kinh nghiệm của riêng mình được sao?
Nếu bạn nhìn vào kinh nghiệm của riêng mình, bạn biết giận dữ nghĩa là gì. Và với việc nhìn vào đó mà bạn được tự do với giận dữ. Đây là thông minh. Từ thông minh của mình, bạn sẽ trở thành nhân chứng cho Phật; bạn sẽ nói, "Vâng, Phật là phải. Kinh nghiệm của tôi chứng minh điều đó." Không phải là điều ngược lại. Không phải: "Phật là đúng nên tôi phải kinh nghiệm điều đó" - điều đó là ngu xuẩn. Nhưng đúng hơn, nếu từ kinh nghiệm của tôi, tôi trở thành nhân chứng cho Phật, thế thì tôi có thể nói, "Vâng, ông ấy phải đấy, bởi vì đây cũng là kinh nghiệm của tôi nữa. Nhưng ông ấy là thứ yếu; kinh nghiệm của tôi đến trước, nó là chủ yếu. Tôi là nhân chứng cho ông ấy, không phải là người đi theo."
Bạn là sannyasin của tôi ở đây, xin trở thành nhân chứng của tôi, đừng làm người theo tôi. Xin để những điều tôi đang nói được chứng minh qua kinh nghiệm của bạn. Thế thì bạn đã ở cùng tôi, thế thì bạn đã yêu tôi. Thế thì bạn đã sống với tôi. Nếu bạn đơn giản tích trữ những điều tôi nói và bạn trở thành các nhà lí thuyết lớn về điều đó, bạn học triết lí về nó, thế thì bạn đã lỡ rồi. Thế thì bạn sẽ trở thành nhà trí thức. Và trở thành nhà trí thức là tự tử chừng nào có liên quan tới thông minh.
Xin chớ trở thành nhà trí thức. Đồng tiền thật có sẵn; tại sao bạn cứ khao khát đồ giả? Cuộc sống có sẵn cho bạn phong phú như nó có sẵn cho Phật, như nó có sẵn cho tôi; tại sao không học qua nó?
Trở nên thông minh là mang tính thiền. Vâng, đây là trong những định nghĩa vĩ đại nhất về thiền mà tôi đã bắt gặp. Và tôi là nhân chứng cho nó. Đó là cách người ta tiến hoá về tâm linh.
Sự toả chiếu có hiệu lực tiềm tàng trong trí năng, và điều này được thể hiện thành thiền;
Tâm trí kiên định là bản chất đúng đắn của chúng ta.
Và bạn càng trở nên thông minh hơn, bạn càng thấy tâm trí mình không còn là tâm trí cũ nữa.
Mật tông dùng từ 'tâm trí' với hai nghĩa: tâm trí với chữ t nhỏ - tức là tâm trí của bạn. Còn Tâm trí với chữ T hoa, lớn - đó là Tâm trí tinh tuý, Tâm trí Phật.
Tâm trí nhỏ bé này bao hàm trong tri thức, trong biên giới, trong định kiến - tâm trí mà chúng ta gọi là Hindu, tâm trí mà chúng ta gọi là Hồi giáo, tâm trí mà chúng ta gọi là Do Thái giáo, Ki tô giáo; tâm trí đó, tâm trí nhỏ bé, tí hon, tâm trí đã được vun bồi bởi các trường cao đẳng và đại học; tâm trí đó, tâm trí nhỏ bé đó, tâm trí mà đã được xã hội lập chương trình - tâm trí đó Mật tông gọi là tâm trí nhỏ bé.
Khi những rào chắn bị phá vỡ, khi những tăm tối đó bị vứt bỏ, bạn đạt tới Tâm trí vĩ đại, Tâm trí Phật - Tâm trí với chữ T hoa. Nó cũng lớn như bản thân vũ trụ. Nó là vũ trụ... Tâm trí kiên định là bản chất đúng đắn của chúng ta. Và đó là tâm trí, chính là tinh tuý thực sự của chúng ta. Gọi nó là Thượng đế, gọi nó là niết bàn, hay bất cứ cái gì bạn thích, nhưng đây là tinh tuý của chúng ta: đi tới trạng thái nghỉ tuyệt đối - kiên định, không dao động; đi tới trạng thái của vĩnh hằng nơi thời gian đã biến mất, nơi mọi phân chia đã biến mất, nơi chủ thể và đối thể không còn nữa, nơi người biết và cái được biết không còn nữa, nơi chỉ có nhận biết thuần khiết - nhận biết ba.
Nhưng bạn không nên bị nhồi nhét bởi những lời kinh này, bằng không bạn sẽ phản bội Saraha, bạn sẽ phản bội tôi. Những lời kinh này chỉ nên được thiền và rồi quên đi. Thế thì dù bất kì thông minh nào nảy sinh trong bạn khi thiền về những lời kinh này, dùng nó trong cuộc sống đi. Khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia để cho thông minh đó được mài sắc bén thêm mãi qua bao nhiêu kinh nghiệm.
Và thông minh đó sẽ trở thành cánh cửa tới điều thiêng liêng. Thông minh đó là cánh cửa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét