CHƯƠNG 3. TRƯỞNG THÀNH
Chuyện ấy thật là đẹp. Tại điểm này nó trở thành thần thoại, nhưng lại có nhiều ý nghĩa. Chuyện kể rằng Indra, chúa tể của trời đất, cảm thấy khó xử vì một người có thể đắc đạo mà lại bị phân tâm nên đã quyết định phải hành động. Cái tồn tại không thể để cơ hội này qua đi. Indra đã giáng trần với một vài vị thần khác. Đường phố đã được quân lính dọn dẹp trước khi Tất Đạt Đa đi qua nên không thể có người lai vãng. Mà chỉ thần thánh mới có thể ra vào nên thần thoại phải được đặt ra, bởi vì thần thánh vô hình nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào. Đầu tiên là một vị thần, trong thân xác một người bệnh đang lên cơn sốt, đi qua xa giá. Nếu đường phố có đông người qua lại, rất có thể Tất Đạt Đa sẽ không trông thấy. Nhưng đường phố vắng tanh, không có xe cộ qua lại, chỉ trừ xe của Ngài. Tất Đạt Đa thấy người ấy run rẩy và hỏi người phu xe, "Chuyện gì xảy ra cho người ấy vậy?" Người phu xe ấy bối rối vì lệnh của vua là hoàng tử không thể thấy được người bệnh. Mà ông lão này bệnh có vẻ nặng đến nỗi có thể lăn đùng ra ngay tại đó mà chết. Nhưng Indra cũng quyết không để lỡ cơ hội và đã buộc tên phu xe phải nói sự thật - "bởi vì trách nhiệm của ngươi không phải là với nhà vua, mà là với sự thật. Đừng để lỡ dịp này bởi vì hoàng tử sẽ đắc đạo, và ngươi sẽ tạo được vô lượng công đức vì đã đóng góp vào sự thành đạo của Ngài. Đừng để lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này."
Bốn lần gặp gỡ: Lão, bệnh, tử, sa môn
Tên phu xe đã hiểu và nói với Tất Đạt Đa, "Tôi đã được lệnh là không được nói về việc này, nhưng sao tôi có thể lừa dối Ngài được? Sự thật là trước khi xa giá của Ngài đi qua, mọi người đã được quân lính đuổi đi hết. Tôi không hiểu lão già này từ đâu đến, bởi vì quân lính đã chận tại mọi ngã đường không cho dân chúng ra vào. Vậy mà không biết ông ta từ đâu mà xuất hiện được."
Tất Đạt Đa hỏi, "Bệnh là gì?"
Tên phu xe nói, "Bệnh tật là một phần của sự sống. Chúng ta có đủ loại bệnh tật. Đôi khi, trong một tình huống nào đó, khi thời tiết thay đổi, hay cơ thể bị nhiễm trùng mà không chống đỡ được nên ngã bệnh." Tiếp đó là một vị thần khác xuất hiện trong thân xác của một người già. Lưng ông ấy đã còng xuống vì tuổi già . Ông ấy giàđến nỗi Tất Đạt Đa không thể tin được mắt mình, "Còn người này thì sao?" Tên phu xe nói, "Đó là kết quả của nhiều lần bị bệnh. Người này đã già." Rồi bất thình lình một tử thi do bốn người khiêng đi qua. Tất Đạt Đa lại hỏi, "Họ đang làm gì vậy?"
Tên phu xe nói, " Đây là giai đoạn cuối cùng. Sau già là chết." Tất Đạt Đa nói, "Hãy dừng xe lại và thành thật nói cho ta biết. Những chuyện này rồi cũng sẽ xảy ra cho ta phải không?" Ngay lúc đó một tu sĩ xuất hiện do một vị thần gỉa dạng. Tất Đạt Đa nói, "Còn giai đoạn này thì sao? Sao ông ấy lại cạo đầu? Sao lại cầm bình bát?" Tên phu xe nói, "Giai đoạn này không giống những giai đoạn kia. Người này đã thấy được những đau khổ, bệnh tật, già, chết trongđời. Ông ta đã bỏ tất cả để đi tìm chân lý, để đi tìm cái bất tử."
Tất Đạt Đa nói, "Hãy trở về nhà. Ta cảm thấy bệnh, tưởng như đã chết rồi. Ta đã già, mặc dù cơ thể còn trẻ. Mà dù tuổi già có đến vài năm nữa thì cũng chẳng khác gì. Sớm muộn gì nó cũng tới. Ta không muốn chết như người kia. Tuy đang còn sống, nhưng ta đã chết với người ấy rồi. Ta sẽ chết. Vấn đề chỉ là thời gian, sớm hay muộn thôi. Nó có thể xảy ra ngày mai, hay vài năm nữa, nhưng cuối cùng nó sẽ đến." Tất Đạt Đa nói tiếp, "Hãy sửa soạn xe cho ta tối nay. Ta sẽ trở thành loại người cuối cùng. Ta sẽ từ bỏ tất cả. Ta sẽ tìm kiếm. Ta sẽ làm tất cả để tìm sự bình an cho tâm hồn." Những kế mà các thầy tướng hiến cho nhà vua có vẻ rất hợp lý. Hợp lý nhưng rất phiếm diện. Họ không thể nghĩ ra mộtđiều rất đơn giản là họ không thể lừa được một người nào cả cuộc đời. Hay hơn hết là cho người ấy biết ngay từ đầu, không thì khi người ấy biết được, hậu qủa khó mà lường được.
Và điều đó đã xảy ra y hệt như vậy.
Ta thường nghe nói rằng Phật đã từ bỏ thế gian. Điều đó không đúng. Thế gian đã bỏ Ngài. Nó không còn ý nghĩa gì với Ngài nữa. Ngay đêm đó, Ngài bỏ cung điện mà đi. Khi xe của Ngài đến gần biên giới, tên phu xe cố thuyết phục Ngài trở lại. Người ấy cũng đã có tuổi, và đã biết Ngài khi còn thơ; người ấy cũng trạc tuổi cha của Ngài. Người ấy nói, "Ngài làm gì vậy? Ngài có điên không? Xin hãy suy nghĩ lại."
Đêm hôm ấy trăng tròn. Lâu dài bằng ngọc thạch trông rất là đẹp. Ánh trăng chiếu trên đá làm cho cảnh vật thật nên thơ. Những đêm rằm mọi người từ tứ phương tìm về để ngắm cảnh, như thể họ đến thăm đền Taj Mahal vậy. Ngọc thạch lộ vẻ đẹp nhất của nó mỗi khi trăng tròn. Giữa ngọc thạch và trăng tròn có một liên hệ xâu xa, một hoà điệu, một sự cảm thông. Tên phu xe nói, "Hãy nhìn lại lâu dài ấy một lần nữa. Chẳng ai có lâu dài đẹp như thế."
Cuộc hành hương về nơi vô định
Ngài nhìn lại và nói, "Ta chẳng thấy lâu dài mà chỉ thấy một ngọn lửa lớn. Lâu dài ấy đang bốc cháy. Ta chỉ thấy lửa. Hãy để ta ở đây và hãy trở về. Nếu ông thấy đó là lâu đài thì hãy tìm đến đó. Ta chẳng thấy lâu đài ở đó, bởi vì thần chết đang tiến gần. Và ta không thấy lâu dài nào cả, bởi vì tất cả rồi sẽ trở về với cát bụi. Trong thế giới này tất cả chỉ là nhất thời, mà ta thì muốn tìm cái vĩnh cửu. Nhìn ra được cái vô thường của thế giới này, ta không thể tự lừa dối mìnhđược nữa."
Đó chính là lời của Ngài, "Ta không thể tự lừa dối mình được nữa." Không phải Ngài từ bỏ thế gian! Ngài chẳng thể làm gì khác cả. Nếu biết được cái nhẫn mà bạn từng mang theo bấy lâu không phải là kim cương, bạn sẽ làm gì nào? Chẳng cần phải có dũng cảm mới vất bỏ nó được. Cũng chẳng cần thông minh. Nó sẽ tự tụt khỏi tay bạn. Bạn sẽ không còn tha thiết gì với nó nữa. Lý do không phải bạn thích cái nhẫn đó. Bạn thích chỉ vì bạn nghĩ đó là kim cương. Bạn cố bám lấy ảo tưởng của bạn, tưởng tượng của bạn. Đức Phật không từ bỏ thế gian, mà bỏ cái ảo tưởng về thế gian. Và ngay cả điều đó cũng tự xảy ra, không phải là một hành động của Ngài. Khi sự từ bỏ tự xảy ra thì có giá trị rất lớn, bởi vì đàng sau đó chẳng có một động cơ nào cả, chẳng có một mục đích nào cả. Cho nên nó mới toàn bộ. Ngài đã chấm dứt mọi ham muốn, không còn bị thôi thúc bởi tương lai nữa. Quyền năng, tiền bạc, danh tiếng không còn hấp dẫn Ngài nữa, bởi vì Ngài đã thấy được sự vô ích của chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét