CHƯƠNG 7. CHIẾN SĨ CỦA TÌNH THƯƠNG
Đức Phật bị bao quanh bởi một đám đông thù nghịch. Họ dùng những lời lẽ thô lỗ, tục tằn để nói với Ngài, bởi vì Ngài đã chống lại tôn giáo có tổ chức của họ, và đã chỉ trích thánh thư của họ là kinh Vệ Đà. Ngài đã kết tội các tu sĩ vì họ là những người lợi dụng, ăn bám. Họ chống lại Ngài là lẽ đương nhiên. Một hôm Ngài đi ngang một làng của người Bà La Môn. Họ bao vây Ngài và chửi bới thậm tệ. Ngài lặng thinh lắng nghe. Các đệ tử của Ngài giận lắm, nhưng vì có Ngài ở đó, họ đã không nói năng gì. Ngài đứng lặng yên như một pho tượng và lắng nghe như thể đang nghe họ chúc mừng Ngài. Cuối cùng Ngài nói với họ, "Nếu quý vị đã nói hết những gì muốn nói, tôi xin cáo từ vì làng khác có nhiều người đang chờ tôi. Nhưng nếu chưa nói hết, vài ngày nữa tôi sẽ trở lại, và tôi sẽ thông báo trước cho quý vị. Lúc đó, tôi sẽ có đủ thời giờ để nghe tất cả những gì quý vị muốn nói." Một người trong đám đông nói, "Ông có biết những gì chúng tôi đang nói không? Chúng tôi đang chửi ông. Ông có hiểu hay không? Người khác thì đã nổi tam bành rồi, còn ông thì lạnh như tiền..." Những lời mà Đức Phật nói với dân làng đó rất có ý nghĩa. Ngài nói, "Quý vị đến hơi trễ rồi. Mười năm trước đây tôi cũng khùng điên như quý vị vậy. Nếu hồi đó mà quý vị gặp tôi mà thóa mạ như thế, khó có người nào trở về một cách lành lặn được." Mười năm trước, Ngài là một thái tử, một dũng sĩ, một tay cung khét tiếng đương thời, một kiếm sĩ ngoại hạng. Thế mà đám dân ngu này dám đùa dai. Nếu Ngài muốn chém đầu họ, chuyện ấy dễ như trở bàn tay. Họ chẳng biết gì về kiếm cung, hay danh dự của một dũng sĩ. Ngài có thể lấy đầu họ như lấy đồ trong túi. Ngài nói, "Quý vị đến quá trễ. Mười năm trước thì khác hẳn. Nhưng nay tôi không còn khùng điên nữa; tôi không thể phản ứng. Nhưng tôi có một câu hỏi cho quý vị. Dân của làng mà tôi mới đi qua đã dâng bánh kẹo, hoa quả. Nhưng chúng tôi chỉ ăn ngày có một lần, và chúng tôi đã ăn. Mà chúng tôi cũng không mang theo gì cả. Cho nên chúng tôiđã phải nói với họ, 'Xin hãy tha lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi không thể nhận bánh kẹo và hoa quả. Chúng tôi ghi nhận tình yêu của quý vị, nhưng bánh kẹo và hoa quả thì xin quý vị giữ lại.' Ngài nói tiếp với đám đông đang phẫn nộ này, "Tôi muốn hỏi quý vị một câu. Dân làng ấy phải làm gì với bánh kẹo và hoa quả ấy?"
Một người trong bọn nói, "Có gì khó hiểu đâu? Họ sẽ chia nhau những thứ ấy." Đức Phật nói, "Tôi không biết phải làm gì bây giờ, bởi vì tôi không nhận những gì quý vị mang tới, cũng như chúng tôi đã không nhận bánh kẹo và hoa quả của làng kia. Nếu tôi không nhận sự thô lỗ, những lời lẽ bẩn thỉu và tục tằn của quý vị, nếu tôi không nhận, quý vị sẽ làm gì? Quý vị sẽ làm gì với những rác rưởi mà quý vị mang tới? Quý vị sẽ phải mang về nhà mà chia lại cho vợ con và láng giềng. Quý vị sẽ phải đem về mà chia nhau, bởi vì tôi sẽ không nhận. Và quý vị không thể làm tôi giận được, trừ khi tôi chấp nhận sự lăng nhục và sỉ vả của quý vị. Có một tên nửa điên, nửa khùng. Y thề sẽ giết đủ một ngàn người mới thôi vì y quá hận đời. Y muốn trả thù bằng cách giết đủ một ngàn người. Và cứ giết một người, y chặt một ngón tay treo trên cái vòngđeo cổ. Đủ một ngàn ngón mới thôi. Vì thế Y được tặng cái biệt danh là Angulimala (Thiên Chỉ Vương) - nghĩa là người có xâu chuỗi bằng tay người. Y đã giết được chín trăm chín mươi chín người rồi. Còn một người nữa y phải giết bằng mọi giá. Cho nên khi thấy bóng của y, mọi người bỏ chạy hết. Đức Phật một hôm đi ngang qua khu rừng ấy. Dân làng đều nói với Ngài, "Xin đừng đi! Tên Angulimala hiện đang ở đó. Nó chẳng biết phải trái là gì. Nó cũng bất kể Ngài là ai. Nếu Ngài muốn qua đường, xin đi lối khác!" Đức Phật nói, "Nếu ta không vào hang cọp, ai sẽ vào? Mà hắn chỉ cần một ngón nữa thôi nên ta phảiđến."
Ước nguyện của Angulimala sắp thành tựu. Hắn là người có nhiều nghị lực; một mình dám chống lại cả xã hội; hắn đã giết cả ngàn người rồi. Quân binh cũng phải e dè. Chính quyền cũng bó tay. Nhưng Phật nói, "Hắn cần sự giúp đỡ của tôi nên tôi phải liều một phen vậy. Hoặc là hắn sẽ giết tôi, hoặc là tôi sẽ độ cho hắn."Đó là việc mà các thánh nhân vẫn thường làm. Phật đến gặp hắn. Ngay cả các đệ tử thân cận nhất của Ngài cũng lùi lại đàng sau. Cho nên Đức Phật một thân một mình đến gặp Angulimala lúc hắn đang ngồi trên một tảng đá. Y nhìn con người hồn nhiên ấy mà cảm thấy tội nghiệp thay. Y tự nghĩ, "Người này hẳn không biết ta là ai nên mới đến đây nạp mạng như thế. Nhưng ông ta là người rất đáng thương. Ta không nỡ giết ông ta. Vậy ta sẽ tha cho ông ấy và chờ người khác vậy." Y nói với Đức Phật, "Dừng lại! Đừng bước thêm một bước nữa. Hãy quay lại và trở về. Ta là Thiên Chỉ Vương đây. Xâu chuỗi của ta đã có chín trăm chín mươi chín rồi. Ta cần một ngón nữa là đủ. Thậm chí nếu mẹ ruột ta đến đây, ta cũng giết bà ấy để hoàn thành lời hứa của ta. Đừng đến gần đây. Ta cảnh cáo ngươi đó. Ta chẳng tin thần thánh. Ta bất kể ông là ai. Ông có thể là một tu sĩ, một thánh nhân, nhưng ta chẳng cần biết. Ta chỉ cần một ngón tay nữa thôi. Của ông hay của ai cũng được. Vậy đừng đến gần nữa, không thì chớ trách ta." Đức Phật vẫn tiến tới. Angulimala nghĩ bụng, "Chắc là tên này điếc hay là điên rồi!" Y hét lên, "Đứng lại! Đừng đến gần ta!"
Angulimala với xâu chuỗi tay người. Đức Phật nói, "Ta đã dừng lại từ lâu rồi. Angulimala, ông mới là người còn vọng động. Ta đã ngưng rồi vì chẳng còn gì thúc đẩy ta nữa. Ta đã dừng lại rồi vì chẳng còn tham vọng gì nữa. Ta chẳng có chủ đích nào nữa. Ông mới là người còn nhiều vọng động đấy. Cho nên ta nói với ông: hãy đứng lại!"
Angulimala cười ngất. Y nói, "Ông thật là điên rồi! Tôi đang ngồi đây mà ông bảo tôi đứng lại! Ông đang đi mà lại nói đã dừng lại rồi. Hoặc là ông điên, hoặc là khùng. Ông thuộc loại nào vậy?" Đức Phật đến gần và nói, "Nghe nói ông cần một ngón tay nữa. Cái thân già của lão đây cũng vô dụng. Khi ta chết, nó sẽ bị đốt đi, chẳng giúp gì cho ai cả. Vậy ông cứ giết ta đi rồi lấy ngón tay của ta mà hoàn thành lời hứa. Đây là cơ hội cuối cùng để cho thân xác của ta có thể được dùng cho một lợi ích nào đó, trước khi nó hóa ra tro bụi." Angulimala nói, "Ông nói sao? Ta cứ tưởng ta là người điên duy nhất ở đây. Đừng có đóng kịch với ta, vì ta vẫn có thể giết ôngđấy!" Đức Phật nói, "Ta có một ước nguyện trước khi chết. Xin ông hãy cắt cành cây kia cho ta." Angulimala vung đao lên. Một cành cây to đổ xuống. Đức Phật nói tiếp, "Xin hãy gắn nó lại!"
Angulimala nói, " Điên thật rồi mà! Ta có thể chém đứt nhưng không thể gắn lại được." Đức Phật cười sặc sụa và nói, "Vậy là ông chỉ biết phá hoại mà không biết xây dựng. Phá hoại thì con nít cũng làm được, có gì mà anh hùng chứ? Cành cây này con nít cũng cắt được, nhưng chỉ có thánh mới gắn lại được. Mà nếu cành cây mà ông không gắn lại được, sao ông dám cắt cổ người ta? Ông đã nghĩ về việc đó chưa?" Angulimala nhắm mắt lại. Y quỳ xuống chân Đức Phật và nói, "Xin hãy nhận con làm đệ tử!" Và truyền thuyết nói rằng ngay lúc đó Angulimala đã chứng nghiệm được chân lý.
Hôm sau Angulimala theo Đức Phật vào thành khất thực. Nhà nhà đều khóa chặt cửa. Mọi người nói, "Mặc dù y đã làđệ tử của Phật, nhưng ai mà biết được. Nó rất nguy hiểm." Dân chúng vẫn còn sợ. Chẳng ai dám ra đường. Khi Angulimala gõ cữa, không ai dám mở cửa vì tất cả đều sợ. Nhiều người đứng trên lầu nhìn xuống. Có người lấy đá mà liệng vì nhiều gia đình đã có người bị hắn giết chết. Angulimala ngã qụy xuống đường, máu me đầy mình, thương tích chỗ nào cũng có. Đức Phật và các đệ tử khác hỏi, "Angulimala, Ông có sao không?" Angulimala mở mắt ra và nói, "Con cám ơn Thầy. Họ có thể giết con, nhưng không thể chạm đến con được. Con đã giết nhiều người, nhưng nay mới nhận ra điều đó."
Đức Phật nói, "Angulimala đã đắc đạo; ông ấy là một Bà La Môn, người biết rõ về chân lý."
Hạt Mầm Giải Thoát.
Một đứa trẻ chết. Cha nó cũng đã chết trước rồi. Mẹ nó sống chỉ vì nó. Nó là sự sống và hy vọng của bà ấy. Bà ấy sống chỉ vì nó nên khi nó chết, bà ấy trở nên thác loạn. Bà ấy không chịu đem con đi hỏa táng. Bà ấy ôm chặt lấy con, hy vọng nó sẽ sống lại. Nếu được chết thay cho con, bà ấy sẵn lòng. Láng giềng đến an ủi bà và nói, "Bà đã tìm đủ thầy, đủ thuốc rồi mà cũng không cứu được nó. Vậy xin bà hãy chấp nhận để cho nó dễ siêu thoát." Nhưng vì thương con quá, bà ấy chẳng nghe lời khuyên của ai cả. Một số người thông cảm nỗi khổ của bà nên nói với nhau, "Cách hay nhất là đưa bà ấy đến gặp Đức Phật. Cũng may là Ngài đang có mặt ở đây." Bà ấy mừng quá, nghĩ rằng người nhưĐức Phật có thể làm được tất cả; làm cho nó sống lại thì quá dễ với Ngài. Bà ấy đến, đặt xác con dưới chân Ngài, khóc lóc và nói, "Ngài là một thánh sống. Ngài biết rõ những bí mật về sống, chết. Con đến đây để xin Ngài cứu nó." Đức Phật nói, "Ta có thể làm được chuyện đó, nhưng có một điều kiện bà phải làm trước khi ta ra tay."
Bà ấy nói, "Điều kiện nào con cũng chấp nhận. Nếu phải chết để cho nó sống, con sẽ tuân theo." Đức Phật nói, "Điều kiện ấy rất đơn giản. Bà hãy vào trong làng, tìm nhà nào không có người chết, và hãy lấy cho ta vài hạt đậu trong nhà ấy." Trong nỗi tuyệt vọng, bà ấy gõ cửa từng nhà để xin đậu. Chủ nhà nói, "Bà muốn bao nhiêu đậu cũng được, nhưng chúng sẽ không giúp được bà. Không phải một, mà nhiều người đã chết trong gia đình chúng tôi; có lẽ hàng nghìn người đã chết trong giòng họ chúng tôi.
Bà ấy tiếp tục đi tới chiều tối thì chợt tỉnh ngộ. Bà ấy đã đến từng nhà, và nhà nào cũng đều nói như thế. Họ sẵn lòng giúp bà, nhưng họ nói, "Những hạt đậu này sẽ không giúp được bà.Đức Phật đã nói rõ với bà, 'Phải lấy đậu trong nhà không có người chết.'" Chiều hôm đó, khi trở về, bà ấy đã trở thành người khác. Bà ấy không còn là người có con chết sáng nay nữa. Bà ấy đã hiểu rõ rằng chết là một phần của sự sống, không gì có thể thay đổi được. Bà ấy tự nhủ, "Nếu con ta có sống được vài năm nữa, cuối cùng nó cũng sẽ chết. Có sống là có chết. Cho nên dù có cứu được, nó cũng không thể sống mãi mãi được." Bà ấy không còn khóc nữa, và đã trở nên bình tĩnh, thanh thản. Bà ấy đã hiểu rõ và không còn đòi hỏi những cái không thể xảy ra nữa. Bà ấy trở về và ngồi dưới chân Đức Phật. Ngài hỏi, "Đậu của ta đâu? Ta đã chờ cả ngày rồi." Thay vì khóc, bà ấy cười và nói, "Ngài đã đùa với con. Con không muốn xin Ngài cứu con của con nữa. Xin hãy để nó an nghỉ trong bình an. Và con xin Ngài chấp nhận cho con làm đệ tử của Ngài. Ngài đã tìm ra cái không thể chết. Con cũng muốn tìm được cái đó. Con chẳng quan tâm đến con của con, hay bất kỳ ai nữa. Quan tâm của con hiện nay là tìm cái chân lý không bao giờ chết, cái chân lý của chính sự sống." Đức Phật nói, "Bà đã hiểu là ta đã đòi hỏi cái không tưởng, nhưng chỉ có cách đó ta mới làm cho bà hiểu được."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét