Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Osho - Con đường bên ngoài mọi con đường - Chương 12. Tình yêu là tự do


CHƯƠNG 12. TÌNH YÊU LÀ TỰ DO


Tâm thức vĩnh hằng,
ở bên kia sáng tạo và huỷ diệt,
được gọi là việc biết.
Tâm thức tràn đầy và tràn ngập
toàn thể vũ trụ -
giống như đất sét trong những thứ được làm từ đất sét,
giống như vàng trong những thứ được làm từ vàng,
và giống như sợi chỉ trong mọi thứ được làm từ sợi chỉ
- được gọi là cái vô hạn.
Tâm thức vui sướng,
phúc lạc đại dương không giới hạn,
cái vốn là bản chất tinh tuý của mọi niềm vui,
là phúc lạc.

Hiền nhân này đã gọi sự tồn tại tối thượng, brahman, là cái tuyệt đối, cái một bất diệt - tri thức, việc biết. Nhưng điều đó chẳng liên quan gì tới điều chúng ta gọi là tri thức cả. Nếu chúng ta có thể hiểu đúng điều chúng ta gọi là tri thức, sẽ dễ hiểu điều hiền nhân này gọi là tri thức.
Điều thứ nhất là: tri thức của chúng ta bao giờ cũng về sự vật nào đó của việc biết; chỉ việc biết, việc biết thuần khiết chưa bao giờ xảy ra cho chúng ta cả. Chúng ta bao giờ cũng đạt tới tri thức về sự vật nào đó; chỉ việc biết, hiện tượng biết thuần khiết chưa bao giờ xảy ra cho chúng ta. Chúng ta biết cây, người, tảng đá trong phố, mặt trời trên bầu trời; bất kì khi nào chúng ta biết, thế thì chúng ta cũng biết cái gì đó như một sự vật. Việc biết thuần khiết chưa bao giờ được kinh nghiệm cả.
Các hiền nhân gọi việc biết về các sự vật là tri thức không thuần khiết, bởi vì trong đó nhấn mạnh là vào sự vật, không vào bản thân việc biết. Khi chúng ta nhìn lên mặt trời trên bầu trời, mặt trời trở thành sự hội tụ của chúng ta, không phải là hiện tượng của việc cảm nhận, của việc biết.
Nếu mọi sự vật bị lấy đi khỏi chúng ta, tri thức của chúng ta sẽ biến mất ngay lập tức bởi vì nó không có sự tồn tại mà thiếu những sự vật này. Điều đó có nghĩa là tri thức này không phụ thuộc vào chúng ta, nó phụ thuộc vào các sự vật. Nếu mọi sự vật đều bị loại bỏ đi và chỉ có hư không bao quanh chúng ta, tri thức của chúng ta sẽ biến mất. Chúng ta vẫn chưa biết tri thức đến tận gốc rễ của nó; tri thức của chúng ta bắt rễ vào các sự vật. Đây là một kết luận rất đơn giản: với việc loại bỏ đi mọi sự vật, tri thức của chúng ta cũng sẽ tan biến. Điều này thật đáng ngạc nhiên - điều đó nghĩa là tri thức này không phụ thuộc vào chúng ta, nó phụ thuộc vào sự vật mà chúng ta kinh nghiệm. Đây là trạng thái của tri thức của chúng ta.
Hiền nhân này không ngụ ý loại biết này khi ông ấy nói, “Brahman là việc biết,” bởi vì tri thức mà phụ thuộc vào người khác thì các hiền nhân gọi là dốt nát. Nếu bạn không có tự do để là người chủ tri thức riêng của mình, bạn có thể có tự do và quyền làm chủ ở đâu khác được?
Tri thức này của chúng ta có liên quan tới mọi kinh nghiệm khác của chúng ta. Tất cả các kinh nghiệm của chúng ta đều giống tri thức này. Bạn có thể vẫn còn trong trạng thái yêu khi không có người để yêu không? Bạn có thể vẫn còn yêu trong sự vắng mặt của người yêu của bạn được không? Bạn có thể nghĩ là bạn có, nhưng điều đó là có thể chỉ khi ít nhất bạn đem được người yêu của mình vào trong tưởng tượng cuả mình, bằng không thì không thể được. Tưởng tượng này về đối tượng sẽ có ích, nhưng bạn không thể yêu theo cách riêng của mình được, cho nên làm sao tình yêu này có thể là bản chất cố hữu của bạn được? Tình yêu này phụ thuộc vào người khác.
Đó là lí do tại sao những người yêu trở thành kẻ nô lệ tồi tệ nhất trên trái đất - mặc dầu tình yêu đáng phải đem lại quyền làm chủ cái ta của mọi người, tình yêu đáng phải là tự do tối thượng của bạn bởi vì nó là kho báu lớn lao nhất. Nhưng chúng ta không biết tới kho báu này. Điều chúng ta gọi là tình yêu bao giờ cũng phụ thuộc vào người khác. Nó trở thành phụ thuộc tới mức nó trở thành cảnh nô lệ.
Tình yêu là tự do, cho nên tình yêu của chúng ta, và tình yêu được Jesus hay Phật nói tới như tự do, là những điều hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta trở nên nhận biết về cái đẹp khi chúng ta thấy một đoá hoa, chúng ta trở nên nhận biết về cái đẹp khi chúng ta thấy mặt trời lặn - nhưng chúng ta có nhận biết về cái đẹp mà không phụ thuộc vào sự vật, mà là cái đẹp trực tiếp và thuần khiết không? Không, chúng ta còn chưa biết tới cái đẹp như vậy. Tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta đều hướng vào cái khác, và chúng ta là tổng của những kinh nghiệm này.
Cho nên chúng ta có sự tồn tại riêng của mình, tính cá nhân riêng của mình, hay chúng ta chỉ là một tuyển tập, tổng của vài kinh nghiệm phụ thuộc vào người khác? Nếu hoa không nở, cái đẹp tan biến đối với chúng ta. Nếu không có sự vật nào, tri thức của chúng ta tan biến. Nếu không có người yêu, tình yêu tan biến đối với chúng ta.
Bất kì cái gì chúng ta có, chúng ta đều nhận nó từ người khác. Sự tồn tại của chúng ta được vay mượn. Đó là lí do tại sao chúng ta đứng ăn xin cả đời mình trước người khác - bởi vì chúng ta sợ mọi lúc rằng nếu người khác từ chối hỗ trợ cho chúng ta, chúng ta sẽ tuột đi và biến mất.
Khi người yêu của bạn chết, bạn không đau đớn bởi cái chết của cô ấy hay anh ấy, bạn đau đớn bởi vì đấy là cái chết của tình yêu của riêng bạn; bạn chưa bao giờ biết tới một tình yêu có đó mà không có người yêu. Khi bạn mất của cải, đau đớn không phải vì việc mất mát này; nó là do sự kiện là cùng với của cải, thực tại của bạn là người giầu có cũng mất đi. Nếu bạn lấy đi kinh sách của người có học, bạn không chỉ lấy đi kinh sách đó, cùng với điều đó chính tri thức của người đó cũng mất đi. Đó là lí do tại sao một bác học, một học giả coi trọng sách của mình còn hơn cái đầu của mình, người đó đánh giá sách còn trên sự tồn tại riêng của mình - người đó cúi mình trước kinh sách của mình. Nếu chân người đó ngẫu nhiên chạm vào sách, người đó hoảng sợ. Nếu tri thức của người đó phụ thuộc vào sách này đến thế, đây không phải là tri thức.
Cho nên điều thứ nhất là: mọi kinh nghiệm của chúng ta đều được vay mượn. Nếu mọi kinh nghiệm của chúng ta đều bị lấy đi khỏi chúng ta, chúng ta sẽ tan biến như cái máy có mọi bộ phận bị tháo rời và loại bỏ đi. Cái máy không là gì ngoài một tổng của các bộ phận của nó. Và người chỉ là một tuyển tập như thế sẽ không có khả năng biết được linh hồn vốn là tự do tối thượng.
Cố hiểu việc biết này mà các hiền nhân gọi là brahmagyan.
Điều thứ nhất là ở chỗ nó không phụ thuộc vào người khác, vào sự vật, vào cái gì đó. Khi tri thức phụ thuộc vào sự vật, nó là mối quan hệ, khi nó không phụ thuộc vào sự vật, nó là trạng thái hiện hữu. Cố hiểu khác biệt giữa trạng thái hiện hữu và quan hệ.
Bạn nói, “Anh yêu em” hay "Em yêu anh". Bây giờ, tình yêu này sẽ biến mất nếu bạn không có đó bởi vì tình yêu này là mối quan hệ, nó cần hai thực thể, mối quan hệ là giữa hai thực thể. Nếu một trong hai bị loại bỏ đi, mối quan hệ cũng biến mất. Bạn không thể xây cái cầu chỉ dùng một bờ sông được, bờ bên kia cũng được cần tới. Cây cầu là mối quan hệ giữa hai bờ.
Nhưng Phật tràn đầy tình yêu ngay cả khi ông ấy trong đơn độc ngồi dưới cây mà không ai ở xung quanh cả, cũng như khi hàng nghìn người tới thăm ông ấy. Điều đó tuyệt đối không khác biệt gì cho tình yêu của ông ấy cả. Tình yêu của ông ấy không phải là mối quan hệ, nó là trạng thái hiện hữu. Phật không bị gắn bó vào ai cả, tình yêu là chính bản tính của ông ấy. Tình yêu của ông ấy sẽ mưa rào xuống ngay cả ở nơi hoang vắng, như khi hoa nở trên con đường hoang vu và lan toả hương thơm của nó. Điều đó cũng giống như ngọn đèn sáng trong bóng tối: không ai có đó mà nhìn nó nhưng nó vẫn cứ toả ánh sáng bởi vì nó không có quan hệ với cái khác; lan toả ánh sáng là chính bản chất của nó.
Mặt trời chiếu sáng theo cùng cách đó khi chúng ta đã không tồn tại trên trái đất. Nó sẽ toả sáng theo cùng cách khi chúng ta không ở đây. Không có mối quan hệ giữa việc toả sáng của mặt trời và việc chúng ta nhìn nó. Toả sáng là chính bản chất của mặt trời.
Một người như Phật bao giờ cũng tràn đầy tình yêu - trong thực tế, chỉ vị phật mới tràn đầy tình yêu - bởi vì tình yêu này không thể bị lấy đi; cho dù một mình, ông ấy cũng vẫn tràn đầy tình yêu. Tình yêu này không phải là cây cầu, không phải là mối quan hệ, tình yêu này là trạng thái hiện hữu, trạng thái của tâm thức.
Khi điều thiêng liêng được gọi là việc biết, khi cái ta vũ trụ được gọi là việc biết, điều đó ngụ ý việc biết là chính bản chất, không phải quan hệ.
Cho nên hiền nhân này nói:
Tâm thức vĩnh hằng,
ở bên kia sáng tạo và huỷ diệt,
được gọi là việc biết.
Mối quan hệ được sinh ra và nó chết đi, nhưng bản chất cố hữu thì không được sinh ra mà cũng chẳng chết đi. Hôm nay tôi có tình yêu với bạn, hôm qua nó còn chưa có đó - nhưng hôm nay nó hiện hữu. Tình yêu này có sinh thành, nhưng điên rồ bắt đầu khi chúng ta muốn làm cái gì đó có sinh thành trở thành vĩnh hằng. Đó là điên rồ! Chết là không tránh khỏi với bất kì cái gì có sinh. Cái ngày nó được sinh ra, bạn nên hiểu rằng một ngày nào đó nó sẽ chết. Những việc chuẩn bị cho lễ tang đang ẩn kín trong tiếng kèn vui mừng của chính ngày sinh. Vấn đề chỉ là thời gian thôi. Đoá hoa đang nở ra, và nó cũng đang bắt đầu việc tàn héo của nó. Sống được gắn với chết; nếu sống là một đầu thì chết là đầu kia. Cho nên tình yêu được sinh ra thì nhất định sẽ chết đi; cái được tạo ra sẽ bị phá huỷ nữa.
Tri thức được sinh ra - và nó được sinh ra thật: bạn đã mở mắt ra, có một đoá hoa trước mắt bạn; tri thức đã xảy ra cho bạn rằng có một đoá hoa, rằng nó đẹp, rằng nó thơm. Đây là sinh thành của tri thức. Tri thức này sẽ chết đi. Đoá hoa này sẽ chết đi và tri thức này về nó cũng sẽ chết đi.
Nhưng brahman là việc biết mà không bao giờ được sinh ra và không bao giờ chết. Điều đó nghĩa là nó không có quan hệ với sự vật nào đó, nó là chính bản chất cố hữu của nó - nó là vĩnh hằng.
Các thiền sư yêu cầu đệ tử của mình tìm kiếm khuôn mặt nguyên thuỷ của họ: Khi bạn không được sinh ra, khuôn mặt của bạn là gì? Khi bạn đã qua đời, khuôn mặt của bạn sẽ là gì? Họ làm cho đệ tử của mình thiền về điều đó. Điều đó là rất khó. Bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ thiền về cái gì? Họ cho bạn việc thiền này để cho suy nghĩ đưa bạn tới vô suy nghĩ, bởi vì bạn không thể nào cứ nghĩ về điều không thể nghĩ nổi. Một khoảnh khắc sẽ tới khi mọi việc suy nghĩ của bạn phải dừng lại.
Các thiền sư yêu cầu đệ tử của mình thiền về tiếng vỗ tay của một bàn tay. Tiếng vỗ tay của một bàn tay là không thể được - nhưng họ cứ khăng khăng về điều đó. Nếu thiền nhân nói rằng điều đó là không thể được, thầy đáp rằng đệ tử đó không nên bận tâm về khả năng này; thầy nói rằng điều đó là có thể và rằng đệ tử trước hết hãy thiền vài tháng về tiếng vỗ tay của một bàn tay - khả năng này không phải là vấn đề.
Thiền nhân tới đi tới lại và cứ báo cáo rằng điều đó là không thể được; điều đó đã là hai mươi bốn giờ. Nhưng thầy đáp rằng anh ta không nên lo nghĩ về khả năng này. "Câu hỏi của ta là: 'Tiếng vỗ tay như thế nào?'" Thầy nói, "Đi và thiền đi.”
Nhiều tháng trôi qua - cái đầu của người ta bắt đầu cảm thấy choáng váng, tâm trí người ta bắt đầu cảm thấy ngất ngây, mọi thứ dừng lại bên trong. Sau khi suy nghĩ và suy nghĩ và suy nghĩ mãi điều đó dường như thành cực kì điên khùng, nhưng thế rồi một khoảnh khắc tới khi vấn đề thành rõ ràng rằng không thể có thêm được suy nghĩ nào nữa. Suy nghĩ dừng lại một khoảnh khắc và thiền nhân chạy xô tới nói, "Tôi đã nghe thấy tiếng vỗ tay của một bàn tay.”
Ngay khi suy nghĩ dừng lại, bản chất cố hữu của cái ta được lộ ra.
Tìm kiếm khuôn mặt đã có đó trước việc sinh của bạn. Điều đó là không thể được, bởi vì không có khuôn mặt nào trước khi sinh cả - chính việc sinh đem lại cho sự sinh khuôn mặt của người ta - và sẽ không có khuôn mặt nào sau cái chết cả, bởi vì cái chết lấy đi khuôn mặt.
Suy nghĩ! Một khoảnh khắc tới sau khi suy nghĩ và suy nghĩ và suy nghĩ khi việc suy nghĩ dừng lại, dây chuyền này bị phá vỡ, và thế thì cái được thấy là khuôn mặt nguyên thuỷ - cái chính là bản tính của bạn, cái tồn tại trước việc sinh của bạn và cái sẽ có đó thậm chí sau cái chết của bạn.
Tâm thức vĩnh hằng,
vốn ở bên kia sáng tạo và huỷ diệt,
được gọi là việc biết.
Tại đây việc biết là tương đương với tâm thức, không tương đương với hành động của tri thức, bởi vì tri thức bao giờ cũng là về sự vật nào đó. Tại đây sự biết có nghĩa là tâm thức, chứng ngộ. Từ tri thức đã bị làm ô uế, bởi vì chúng ta bao giờ cũng gắn nó với hiện tượng biết sự vật nào đó.
Nếu bạn được giới thiệu như một người có tri thức lớn lao, ngay lập tức sẽ có một câu hỏi về chủ đề của tri thức của bạn là gì.
Nếu bạn nói, “Chẳng có gì đặc biệt cả, tôi chỉ là con người của tri thức, có vậy thôi,” điều đó sẽ không thuyết phục được ai cả. Điều đó nghĩa là gì? Bạn biết cái gì? Họ sẽ muốn biết liệu bạn có biết về y học hay kinh tế học hay triết học hay thần học không - bạn là con người của tri thức về chủ đề gì? Nhưng nếu bạn nói, "Không, tôi chỉ là con người của tri thức," điều này sẽ tỏ ra là một phát biểu vô nghĩa bởi vì với chúng ta tri thức bao giờ cũng đi đôi với cái gì đó, nó là trong mối quan hệ với sự vật nào đó.
Cái loại tri thức này, không có quan hệ với việc biết, được nói tới trong lời kinh này như một định nghĩa về brahman, thực tại tối thượng. Sự biết đó là tâm thức vĩnh hằng, bên kia sinh và tử. ‘Nhận biết’ là từ đúng cho nó - hay tốt hơn thế là ‘tỉnh táo’, chỉ cảm nhận thuần khiết - bởi vì nhận biết nữa cũng dường như là có quan hệ với cái gì đó. Không, chỉ có một ngọn đèn thắp sáng và không có vật nào được chói sáng cả, chỉ ngọn đèn đang bùng cháy rõ ràng - không cái gì bao quanh được chói sáng cả. Không cái gì được chói sáng, chỉ có ánh sáng. Tôi đang nói điều này như một ví dụ để cho bạn có thể quan niệm sự biết được ngụ ý gì.
Tâm thức tràn đầy và tràn ngập
toàn thể vũ trụ -
giống như đất sét trong những thứ được làm từ đất sét,
giống như vàng trong những thứ được làm từ vàng,
và giống như sợi chỉ trong mọi thứ được làm từ sợi chỉ
- được gọi là cái vô hạn.
Tâm thức này không bị hạn chế bởi biên giới của một người. Chúng ta tất cả đang ngồi ở đây - khác biệt của chúng ta là do thân thể chúng ta, không do tâm thức chúng ta.
Nếu chúng ta thắp sáng hàng nghìn đèn đất trong căn buồng này thì khác biệt sẽ là ở bình đất sét, hay ở dầu, hay ở bấc, nhưng ánh sáng sẽ là một và như nhau. Chúng ta có thể thắp hàng nghìn ngọn đèn ở đây và mọi ngọn đèn có thể khác về cấu trúc, về hình dạng, về dáng kiểu; tất cả những điều này có thể khác nhau, nhưng bạn có thể làm khác biệt ánh sáng được không, ánh sáng nào thuộc về ngọn đèn nào? ánh sáng sẽ là một, tràn ngập khắp - nhưng đèn có thể khác. Khác biệt của chúng ta cũng hệt như những đèn này vậy. Vật chất của thân thể, hình dáng, nhiên liệu trong thân thể, cái bấc, tất cả những điều này có thể khác nhau nhưng tâm thức - ánh sáng bên trong chúng ta - là một.
Cuộc hành trình bên trong, dần dần, đưa chúng ta tới cái một, và cuộc hành trình bên ngoài đưa chúng ta tới sự đa dạng. Cho nên hiền nhân này nói: “Cái tràn ngập như vàng trong những vật bằng vàng và như đất sét trong những vật bằng đất sét, là một.”
Bây giờ ngay cả các nhà khoa học cũng đồng ý với điều đó. Năm mươi năm trước đây họ còn chưa đồng ý bởi vì hồi đó khoa học đã tin rằng vật nọ không thể được chuyển thành vật kia, còn những người tin rằng chuyển đổi như vậy là có thể đều bị coi là dốt nát. Tại phương Tây những người này đã được gọi là các nhà giả kim thuật, còn tại phương Đông họ đã được gọi là những nhà tìm kiếm đá phép màu, "hòn đá của triết gia" biến kim loại thành vàng bằng việc chạm vào. Các nhà giả kim thuật cũng tham gia vào việc tìm kiếm bí mật của biến kim loại thường thành kim loại quí.
Nhưng trong hai trăm năm qua khoa học đã tin rằng đây tất cả đều là điên khùng, rằng điều đó là không thể được. Làm sao sắt có thể đổi thành vàng được? - dường như không có cách nào. Những người đã đưa ra tuyên bố này đều bị coi hoặc là kẻ ngu hoặc kẻ lừa đảo, người đang cố gắng lừa dối mọi người. Nếu họ có thể biến sắt thành vàng thì phải có thủ thuật nào đó tham dự vào. Sắt không thể nào được biến thành vàng, cho nên phải có lừa dối và lừa đảo nào đó. Mọi sự còn đi tới điểm mà, ngay cả khi bằng chứng đích thực trở thành sẵn có, những người này vẫn không được tin cậy.
Một nhà tư tưởng và nhà khoa học Đức đã tham gia trong nhiều năm trời vào việc cố gắng chứng minh rằng giả kim thuật là trò hề. Hasenhoff là tên ông ấy. Ông ấy đang ngồi tại bậu cửa một buổi sáng khi một người tới ông ấy và nói, "Tôi đã nghe nói rằng ông không tin vào giả kim thuật, nhưng tôi có thể biến sắt thành vàng ngay bây giờ.”
Hasenhoff nói, “Ông dường như là một người thú vị đây, nhưng sắt không thể nào biến thành vàng được. Ông đã phát điên rồi, tôi đã từng nghiên cứu về điều này trong nhiều năm và điều đó là không thể được.”
Người này nói, “Ông sẽ tin tôi nếu đích thân tôi chỉ cho ông xem không?” Ông ta mở cái hộp nhỏ ra và nói, “Đây là cái đấy, chỉ hơi chạm vào là nó sẽ biến sắt thành vàng.”
Hasenhoff không thể tin được điều đó chút nào; ông ấy nghĩ: “Người này chắc phải điên. Làm sao mà sắt lại có thể được biến thành vàng?” Ông ấy đã nghiên cứu giả kim thuật trong nhiều năm. Dầu vậy, ông ấy vẫn sờ vào vật này bằng bàn tay và cào nó bằng móng tay. Rồi Hasenhoff yêu cầu người này hôm sau quay lại để cho ông ấy có thể chắc chắn rằng không có bịp bợm ở đây. Rồi ông ta thu xếp để kiếm ít sắt và mời một chuyên gia tới kiểm tra lại nó.
Người kia không bao giờ quay lại nữa, và Hasenhoff hối hận và tiếc cả đời mình bởi vì về sau ông ta chạm vào miếng sắt nào đó bằng móng tay mình, và miếng sắt đó đã biến thành vàng. Người kia không bao giờ xuất hiện nữa, nhưng chất liệu đã tụ lại dưới móng tay ông ấy và với cái cào nhỏ đó đã biến sắt thành vàng.
Hasenhoff đã viết trong tiểu sử của mình: “Tôi có thể đợi người đó hết kiếp nọ tới kiếp kia. Bây giờ thì tôi khó khăn. Cho dù nó có là một trò bịp bợm, nó cũng tuyệt vời. Dẫu sao, bây giờ không có cách nào cho bất kì trò bịp nào, bởi vì chỉ với một lượng hạt nhỏ ở vết cào với tôi mà nó cũng đã biến sắt thành vàng - vàng ròng.”
Mọi loại phép thử đã được tiến hành đều cho sự thoả mãn, nhưng rồi họ bắt đầu hoài nghi Hasenhoff. Ông ấy có bịp họ không? Không ai sẵn sàng chấp nhận lời kể lại của ông ấy, và làm sao ông ấy có thể chứng minh được điều đó? Ông ấy nói: “Bản thân tôi không thể nào tin được vào điều đó, nhưng nó đã xảy ra. Và bây giờ không ai sẵn sàng tin tôi cả.”
Mọi người viết: “Dường như là Hasenhoff đã phát điên do việc khảo cứu quá mức của ông ấy về giả kim thuật. Ông ấy đã bị lừa. Mặc dầu con người này trung thực và chân thành, vẫn có ngờ vực, dường như là bằng cách nào đó ông ấy đã rơi vào việc tự lừa dối mình; tâm trí ông ấy đã trở nên lẫn lộn. Vàng ròng - điều đó là không thể được.”
Bây giờ, trong hai mươi năm cuối cùng này, khoa học đã đi tới kết luận rằng không có khó khăn cơ bản nào trong việc làm điều này. Các nhà giả kim thuật đã đi theo đường đúng, những người tìm kiếm hòn đá của triết gia đã đúng bởi vì khoa học đã phát hiện ra rằng mọi thứ đều được tạo nên từ cùng một chất liệu cơ sở; chỉ số lượng điện tử, protons và neutrons là khác. Chẳng hạn, một nguyên tố nào đó có thể chứa một trăm điện tử và một nguyên tố khác có thể chứa một trăm linh một điện tử, nhưng bản chất cơ sở của điện tử thiết lập nên hai yếu tố này là như nhau. Cho nên nếu chúng ta có thể tách một điện tử khỏi nguyên tố được tạo nên từ một trăm linh một điện tử, nó sẽ đổi thành nguyên tố có một trăm điện tử.
Vàng và sắt không khác nhau về bản chất cơ sở của chúng, chúng chỉ khác nhau về số lượng điện tử. Nếu số điện tử của một nguyên tử sắt bị thay đổi, bạn có thể làm sắt biến thành vàng. Hay nếu chúng ta thay đổi số điện tử trong nguyên tử vàng, nó có thể biến thành nguyên tử sắt.
Khoa học đã đạt chiều sâu tới mức nó đã tìm ra rằng bản chất của vật chất là một, mặc dầu hình dạng khác nhau. Bản chất này là năng lượng, nó là như nhau trong mọi vật chất. Tuy nhiên khoa học vẫn còn chưa tìm ra kĩ thuật nào để biến sắt thành vàng cho rẻ bởi vì nghiên cứu để biến đổi nguyên tử là rất tốn kém; còn tốn hơn vàng nguyên gốc. Trong tương lai chúng ta có thể tìm ra một quá trình rẻ hơn, nhưng đó lại là vấn đề khác; chúng ta không quan tâm tới điều đó. Thậm chí nếu không bao giờ tìm ra được quá trình rẻ hơn, một điều vẫn là chắc chắn: sắt có thể được biến thành vàng.
Bất kì vật nào cũng đều có thể đổi thành vật khác; không chỉ trong sự vật mà trong cả năng lượng nữa. Đó là bí mật của năng lượng nguyên tử - biến vật chất thành năng lượng; do đó mới có vụ nổ nguyên tử. Với việc chẻ một nguyên tử nhỏ ra, năng lượng cực kì lớn được giải phóng.
Các hiền nhân của Upanishads bao giờ cũng nói rằng các nguyên tử của tâm thức cũng không khác biệt, chúng là như nhau; hình dạng của chúng ta trên bề mặt là khác nhau, nhưng tâm thức bên trong là một.
Cho nên khi chúng ta đi ngày càng sâu hơn vào bên trong, chúng ta đi xa khỏi tính cách bên ngoài của mình; chúng ta bị tước bỏ đi ngày càng nhiều hơn và vũ trũ trụ ngày càng nhiều hơn. Người ta chết đích xác tại trung tâm riêng của mình. Đi vào bên trong là tan biến vào cái chết của riêng mình, bởi vì khi chúng ta tan biến như một tính cách, chúng ta biến mất như ngọn đèn và còn lại như ánh sáng. Ánh sáng đó là không giới hạn.
Tâm thức tràn đầy và tràn ngập
toàn thể vũ trụ -
giống như đất sét trong những thứ được làm từ đất sét,
giống như vàng trong những thứ được làm từ vàng,
và giống như sợi chỉ trong mọi thứ được làm từ sợi chỉ
- được gọi là cái vô hạn.
Vô hạn, bởi vì mặc dầu nó nằm bên trong các giới hạn, nó vẫn không bị giới hạn. Nó là vàng nhưng không chấm dứt trong vàng, nó là bên trong bạn nhưng không chấm dứt trong bạn - nó cứ mở rộng và mở rộng mãi - chính phẩm chất của nó là mở rộng không chấm dứt, nó là tràn ngập khắp nơi, vũ trụ.
Hiểu nó như một đại dương bao la, và chúng ta là cá trong đại dương này. Cá được sinh ra trong đại dương và chết đi trong đại dương; cá được tạo ra từ nước đại dương và nó hội nhập trở lại trong nước đại dương. Nhưng cá, khi nó tồn tại, tồn tại như một người vậy: rồi nó biến mất trong đại dương và lại lấy hình dạng của đại dương - nó là đại dương.
Hay nếu điều đó có chút ít khó hiểu về cá, thế thì lấy ví dụ về tảng băng nổi trong biển. Nó dường như hoàn toàn tách biệt. Nó vươn cao đầu, và nó dường như hoàn toàn khác với nước, hoàn toàn cứng rắn - nhưng dầu thế thì nó vẫn là biển, và ngay khi nó tan ra nó sẽ biến mất.
Quá trình tan này đã được gọi là việc loại bỏ bản ngã; khi chúng ta tan ra, bản ngã biến mất và chúng ta trở thành một với đại dương bao la. Tảng băng có thể nghĩ nó là khác nhưng không phải vậy. Bất kì khác biệt nào chúng ta cảm thấy cũng là do dốt nát của mình; trí huệ của chúng ta trở thành tuyên ngôn về cái một của mình.
Cái vô hạn tràn ngập này đã được gọi là brahman, điều thiêng liêng. Từ ‘brahman’ là rất quí giá; nó có nghĩa cái gì đó đang mở rộng vô tận. Brahman nghĩa là sự mở rộng vô hạn. ‘Mở rộng’ và ‘brahman’ có cùng gốc. Brahman nghĩa là cái cứ mở rộng, cứ mở rộng mãi; không có giới hạn cho việc mở rộng của nó.
Không từ nào như brahman tồn tại trong các ngôn ngữ khác trên thế giới. Nó không thể nào dịch được. Brahman không gắn gì với ‘trời’ hay ‘thượng đế’; không có mối nối. Đó là lí do tại sao Shankara đã dám nói rằng ngay cả Thượng đế cũng là một phần của ảo tưởng - ngay cả Thượng đế - bởi vì Thượng đế của bạn nữa cũng có hình và dạng. Brahma là đấng sáng tạo, Vishnu là đấng duy trì và Mahesh là đấng huỷ diệt - tất cả đều có hình hài; họ cũng là một phần của ảo tưởng. Hình dáng và hình dạng thuộc vào ảo tưởng. Cái vô hình vượt ra ngoài tất cả những hình dạng này là brahman - nó là tên cho sự mở rộng, cho sự mở rộng vô hạn tràn ngập toàn thể sự sáng tạo; chưa bao giờ dừng, nó cứ mở rộng mãi. Do đó, nó là vô hạn.
Tâm thức vui sướng,
phúc lạc đại dương không giới hạn,
cái vốn là bản chất tinh tuý của mọi niềm vui,
là phúc lạc.
Cố hiểu nó: Tâm thức vui sướng...
Bất kì khi nào bạn kinh nghiệm hạnh phúc, bạn không kinh nghiệm rằng bạn là hạnh phúc, bạn cảm thấy rằng bạn là ai đó mà hạnh phúc này đang xảy ra cho. Hạnh phúc là việc xảy ra cho bạn - nó không phải là bản tính bạn, bởi vì người ta không thể đánh mất cái vốn là bản tính của người ta - nhưng như nó hiện thế thì bạn cứ làm mất hạnh phúc của mình. Hạnh phúc của bạn vào buổi sáng đổi thành nỗi buồn vào buổi tối.
Cho nên hạnh phúc tới, nỗi buồn tới, nhưng chúng tới với bạn. Chúng xảy ra cho bạn và rồi chúng ra đi; đây chỉ là việc xảy ra. Cho nên khi brahman được gọi là hiện thân của phúc lạc, điều đó nghĩa là hạnh phúc không phải là việc xảy ra cho nó mà là bản chất cố hữu của nó; brahman bao giờ cũng hạnh phúc, nó là bản thân hạnh phúc.
Khi hạnh phúc là bản chất cố hữu của chúng ta thì nó được gọi là phúc lạc.
Khi phúc lạc chỉ là việc xảy ra, nó được gọi là hạnh phúc.
Sự xảy ra nghĩa là nó là cái gì đó ngoại lai hay xa lạ. Nó xảy ra cho chúng ta, nó tới từ bên ngoài, nó xảy ra bên ngoài ngôi nhà của chúng ta. Dù chúng ta có thể nghĩ nhiều bao nhiêu rằng chúng ta là một với nó, chúng ta vẫn chẳng bao giờ thực sự là nó.
Diogenes, một nhà huyền môn Hi Lạp, lang thang trần trụi. Có lần ai đó hỏi ông ấy, “Sao ông bỏ mặc quần áo?”
Diogenes đáp, “Tôi đã cố gắng hết sức để giữ chúng nhưng tôi không thể giữ được, cho nên tôi đã vứt bỏ chúng. Tôi đã cố gắng vất vả để níu bám lấy việc mặc quần áo, để làm cho chúng trở thành một phần của tôi, nhưng tôi không thể làm được. Thế rồi tôi nghĩ: Điều mình không thể trở thành được thì phải là hiện tượng bên ngoài, cho nên nó nên bị vứt bỏ. Trần trụi là bản tính của tôi và quần áo chỉ là việc che đậy trên bề mặt; chúng có thể đã có đó nhưng tôi bao giờ cũng trần trụi bên trong.”
Mọi người đều trần trụi bên trong quần áo của họ; không có cách nào khác để hiện hữu. Quần áo có thể lừa người khác trong việc nghĩ rằng bạn không trần trụi, nhưng chúng không thể lừa bạn được. Vậy mà chúng lại lừa được bạn. Điều này đáng ngạc nhiên: mọi người mặc quần áo cứ nghĩ rằng họ không trần trụi - nhưng quần áo chỉ thuộc vào bên ngoài.
Cho nên Diogenes nói, “Tôi đã làm hết sức để giữ việc mặc quần áo, nhưng chung cuộc tôi thấy rằng tôi không thể giữ được; chúng vẫn còn ở bên ngoài, chúng vẫn còn tách biệt. Không có cách nào làm cho chúng thành một phần của tôi, và điều mà không phải là một phần của tôi, cần gì cố gắng mà tin rằng nó là của tôi? Do đó tôi đã vứt bỏ chúng.”
Khi Alexander hành quân tới Ấn Độ, Diogenes đang nằm bên vệ đường. Ông ta thấy Diogenes và hỏi ông này, “Ông dường như hạnh phúc thế, đầy niềm vui thế, vậy mà ông chẳng sở hữu cái gì sao?” Alexander không thể nào hiểu được rằng bạn có thể vui sướng chẳng có lí do gì cả. Làm sao bạn có thể hạnh phúc chẳng lí do gì?
Các hiền nhân nói rằng cái ngày bạn hạnh phúc chẳng bởi lí do gì là ngày của phúc lạc. Nhưng logic của chúng ta nói: “Ông chẳng có gì cả - không vợ, không con, không của cải, không lâu đài, không tiện nghi; ông đang nằm trần trụi trên đường, trên đất, ấy vậy mà ông dường như hạnh phúc thế! Lí do là gì?”
Diogenes đáp, “Tôi không thể nào hạnh phúc chừng nào còn có lí do cho hạnh phúc của tôi. Thế rồi tôi nghĩ tới bỏ việc tìm kiếm lí do này cho hạnh phúc và tìm hạnh phúc vẫn tồn tại mà không có lí do, cái không thể nào bị lấy đi khỏi tôi được.”
Bất kì cái gì có lí do cho sự tồn tại của nó đều có thể bị lấy đi, bởi vì bản thân lí do đó có thể bị lấy đi.
Chẳng hạn, có người đàn bà và bạn hạnh phúc vì cô ấy - nhưng cô ấy có thể chết vào ngày mai hay ngày nào đó, và do vậy cô ấy có thể bị giằng ra khỏi bạn. Và cho dù cô ấy không chết thì cô ấy vẫn có thể bỏ bạn và mối quan hệ chấm dứt; hạnh phúc của bạn sẽ đi đời. Hay, chẳng hạn, hôm nay bạn giầu có, nhưng ngày mai mọi của cải của bạn có thể biến mất, hạnh phúc của bạn sẽ bị mất. Cho dù của cải của bạn tiếp tục còn với bạn, hạnh phúc của bạn đằng nào cũng sẽ rời bỏ bạn bởi vì bất kì cái gì liên tục có sẵn thì không tạo ra hạnh phúc.
Hạnh phúc sẽ không kéo dài lâu bất kì khi nào có lí do cho nó. Hạnh phúc phụ thuộc vào lí do bên ngoài nào đó đều tạm thời. Nhưng liệu có thứ như hạnh phúc mà không có lí do không? Hạnh phúc không lí do là điều chúng ta gọi là phúc lạc. Nếu có phúc lạc và không có lí do cho nó, điều này nghĩa là nó không tới từ bên ngoài, nó tới từ bên trong. Nếu có phúc lạc nhưng có lí do cho nó, điều này nghĩa là nó tới từ bên ngoài. Đó là lí do tại sao chúng ta lại phụ thuộc vào bên ngoài - chúng ta phụ thuộc vào người khác. Bất kì ai cũng đều có thể lấy đi hạnh phúc của chúng ta, bất kì ai cũng đều có thể lấy nó đi vào bất kì khoảnh khắc nào. Và làm sao bạn có thể là người chủ của cái tới từ bên ngoài?
Nhưng cũng có một chiều hướng khác nữa - nơi phúc lạc tới từ bên trong, nơi luồng chảy hoàn toàn được đảo ngược.
Radha là tên của người yêu của Krishna. Cái tên này là việc đảo ngược vần của của dhara, dòng chảy, luồng chảy. Cái tên này là rất thú vị, bởi vì không có nói gì tới Radha chút nào trong câu chuyện về cuộc sống của Krishna, thậm chí đến một lời. Không kinh sách cổ nào nhắc tới Radha, không hồi nào kể tới Radha. Mãi về sau - người ta có thể nói, tới những năm gần đây - mà Radha lần đầu tiên mới được nhắc tới, mà cái tên của Radha mới được thêm vào câu chuyện. Chắc chắn có việc nhắc tới một người bạn trong câu chuyện về cuộc đời của Krishna, nhưng cô ấy không có tên, cô ấy đã bị bỏ không tên. Người ta đã chủ ý làm điều không cho cô ấy cái tên, bởi vì cô ấy đã là người bạn, người vượt ra ngoài tên và hình. Ngay cả hình dáng cô ấy cũng không được nhắc tới, cô ấy trông thế nào, khuôn mặt cô ấy - chẳng có gì cả.
Trong thời trung cổ các thánh nhân đã gọi cô ấy là Radha. Họ đã đặt tên cho cô ấy một cách có chủ ý, bởi vì đây là việc đảo ngược âm tiết của dhara, dòng chảy, luồng chảy.
Có luồng chảy phúc lạc tới từ bên ngoài - đó là dhara - và khi phúc lạc tới từ bên trong thì nó là radha. Krishna chỉ có thể yêu kiểu Radha này, người tuôn chảytừ bên trong; Krishna không có quan hệ với Radha người tới từ bên ngoài.
Khi phúc lạc bắt đầu tuôn chảytừ bên trong, khi nó trở thành Radha này, bạn đã tìm thấy người bạn đó, người không bao giờ mất, người không thể bị mất được.
Tâm thức vui sướng,
phúc lạc đại dương không giới hạn,
cái vốn là bản chất tinh tuý của mọi niềm vui...
Khi mọi nguyên nhân cho hạnh phúc đã bị bỏ lại đằng sau và khi mọi thứ đã mất rồi nhưng hạnh phúc vẫn còn lại - thì hạnh phúc đó là bản tính của brahman. Điều này đã được gọi là phúc lạc.
Chúng ta không biết phúc lạc, chúng ta không nhận biết về phúc lạc, bởi vì phúc lạc chỉ có thể được biết khi dhara, luồng chảytừ bên ngoài, trở thành radha, luồng chảytừ bên trong. Thế thì một chiều hướng mới đã mở ra bên trong.
Cho nên Diogenes nói, “Tôi hạnh phúc bởi vì tôi là hạnh phúc, tôi không hạnh phúc vì lí do nào cả.”
Alexander cảm thấy ghen tị: đấy là biến cố tối thượng trong thế giới này khi một hoàng đế ghen tị với kẻ ăn mày. Và Alexander thậm chí đã nói, “Nếu ta mà được sinh ra lần nữa thì ta không muốn là Alexander, ta muốn là Diogenes; ta cũng đang tìm kiếm phúc lạc này.”
Còn Diogenes đã nói với Alexander, “Tìm kiếm! Ông sẽ chẳng bao giờ kiếm được cái gì bởi việc tìm kiếm. Dừng lại ở đây đi. Vẫn còn đủ chỗ đấy, thảnh thơi bên cạnh ta. Ta đã đạt tới điều đó mà không đi đâu cả - ngay đây! Ông đang chạy đi đâu vậy? Còn đủ chỗ mà - lại đây và nằm xuống đây bên cạnh ta.”
Alexander đáp, “Ngay bây giờ thì khó. Ta phải bắt đầu chinh phục thế giới.”
Diogenes nói, “Không chỉ khó ngay bây giờ đâu, nó bao giờ cũng khó cho người đã bắt đầu chinh phục thế giới bởi vì cuộc hành trình chinh phục này là cuộc hành trình của nỗi buồn. Nếu ông muốn chinh phục cái gì đó, chinh phục bản thân mình đi; trong chinh phục người khác, thất bại của ông đã ẩn nấp ở đấy rồi. Khi ông còn đi chinh phục người khác, ông đánh mất bản thân mình bên trong. Để người khác một mình đấy, bởi vì trong khi ông vật lộn với người khác, ông đang đánh bại mình bên trong. Chinh phục bản thân mình đi, biết tới chính mình.”
Alexander đáp, “Ta sẽ ở với ông khi ta quay lại.”
Diogenes nói, “Ông có thể không quay lại nữa, và ông làm mất khoảnh khắc này - khoảnh khắc này, cái chắc chắn ở đây và bây giờ - và vậy mà ông vẫn đang nghĩ tới khoảnh khắc còn chưa tới.”
Và như định mệnh đã xảy ra, Alexander không thể quay về được. Ông ấy chết giữa cuộc hành trình của mình khi trở về từ Ấn Độ.
Không cuộc hành trình chinh phục nào được hoàn thành cả; cái chết tới ngay giữa. Chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc hành trình chinh phục, trong nhiều kiếp sống, và mỗi lần chúng đều không hoàn thành. Cái chết tạo ra gián đoạn. Lần nữa chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình chinh phục và lần nữa nó lại không hoàn thành. Cái chết lại ngắt ra lần nữa.
Chỉ một cuộc chinh phục có thể được hoàn thành.
Chỉ một phúc lạc có thể được đạt tới, và phúc lạc đó không tới từ bên ngoài, nó hiện diện ở bên trong, tại khoảnh khắc này.
Đủ cho hôm nay.
Bây giờ sẵn sàng cho thiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét