Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Osho - Dũng cảm – Vui sống hiểm nguy - Chương 12. Không dễ, không khó, chỉ tự nhiên


CHƯƠNG 12. KHÔNG DỄ, KHÔNG KHÓ, CHỈ TỰ NHIÊN


Yêu là trạng thái tự nhiên của tâm thức. Nó không dễ không khó, những từ này không áp dụng cho nó chút nào. Nó không phải là nỗ lực; do đó, nó không thể dễ và nó không thể khó. Nó giống như việc thở vậy! Nó giống như nhịp đập trái tim bạn, nó giống như máu luân chuyển trong thân thể bạn.
Yêu là chính sự hiện hữu của bạn... nhưng tình yêu đó đã trở thành gần như không thể được. Xã hội không cho phép điều đó. Xã hội huấn luyện bạn theo cách mà yêu trở thành không thể được và ghét trở thành điều có thể duy nhất. Thế thì ghét là dễ dàng, và yêu không chỉ khó mà còn không thể được. Con người đã bị bóp méo. Con người không thể bị thu lại thành nô lệ nếu người đó trước hết không bị bóp méo. Chính khách và tu sĩ đã cùng trong một mưu đồ qua nhiều thời đại. Họ đã thu nhân loại thành đám đông nô lệ. Họ đang phá huỷ mọi khả năng của nổi dậy trong con người - và yêu là nổi dậy, bởi vì yêu chỉ nghe theo trái tim và không bận tâm chút nào tới bất kì cái gì khác.
Yêu là nguy hiểm bởi vì nó làm cho bạn thành cá nhân. Và quốc gia và nhà thờ... họ không muốn các cá nhân, không muốn chút nào. Họ không muốn con người, họ muốn con chiên. Họ muốn những người trông giống con người nhưng có linh hồn đã bị nghiền nát hoàn toàn, bị phá hỏng sâu sắc đến mức dường như không thể nào sửa chữa được.
Và cách tốt nhất để phá huỷ con người là phá huỷ tính tự phát yêu của người đó. Nếu con người có tình yêu, không thể có các quốc gia; quốc gia tồn tại trên căm ghét. Người Ấn Độ ghét người Pakistan, và người Pakistan ghét người Ấn Độ - chỉ thế thì hai nước này mới có thể tồn tại. Nếu tình yêu xuất hiện, các biên giới sẽ biến mất. Nếu tình yêu xuất hiện, thế thì ai sẽ là người Ki tô giáo và thế thì ai sẽ là người Do Thái? Nếu tình yêu xuất hiện, tôn giáo sẽ biến mất.
Nếu tình yêu xuất hiện, ai sẽ đi tới đền chùa? Để làm gì? Chính bởi vì tình yêu bị bỏ lỡ mà bạn mới đi tìm Thượng đế. Thượng đế không là gì ngoài cái thay thế cho tình yêu bị bỏ lỡ của bạn. Bởi vì bạn không phúc lạc, bởi vì bạn không an bình, bởi vì bạn không cực lạc, do đó bạn đi tìm Thượng đế - bằng không, ai bận tâm? Ai chú ý? Nếu cuộc sống của bạn là điệu vũ, Thượng đế đã tới đó rồi. Trái tim yêu đương tràn đầy Thượng đế. Không có nhu cầu về bất kì việc tìm kiếm nào, không có nhu cầu về bất kì lời nguyện nào, không có nhu cầu đi tới bất kì đền chủa, bất kì tu sĩ nào.
Do đó tu sĩ và chính khách, hai loại người này, là kẻ thù của nhân loại. Họ cùng trong một mưu đồ, bởi vì chính khách muốn cai quản thân thể bạn còn tu sĩ muốn cai quản linh hồn bạn. Và bí mật là như nhau: phá huỷ tình yêu. Thế thì con người không là gì ngoài sự hổng hoác, cái trống rỗng, sự tồn tại vô nghĩa. Thế thì bạn có thể làm bất kì điều gì bạn muốn với nhân loại và chẳng ai sẽ nổi dậy, chẳng ai sẽ có đủ dũng cảm để nổi dậy.
Yêu cho dũng cảm, yêu lấy đi mọi nỗi sợ - và kẻ áp bức phụ thuộc vào sợ hãi của bạn. Họ tạo ra nỗi sợ trong bạn, cả nghìn lẻ một loại sợ hãi. Bạn bị bao quanh bởi sợ hãi, toàn thể tâm lí bạn đầy những sợ hãi. Sâu bên dưới bạn run rẩy. Chỉ trên bề mặt bạn mới giữ mẽ ngoài nào đó; bằng không, bên trong có tầng tầng lớp lớp sợ hãi.
Con người của sợ hãi chỉ có thể ghét - ghét là hệ quả tự nhiên của sợ. Người đầy sợ hãi cũng đầy giận dữ, và người đầy sợ hãi thì chống lại cuộc sống chứ không ủng hộ cuộc sống. Cái chết dường như là trạng thái yên ổn cho người đầy sợ hãi. Người sợ hãi mang tính tự tử, người đó mang tính phủ định cuộc sống. Cuộc sống dường như nguy hiểm cho người đó, bởi vì sống nghĩa là bạn sẽ phải yêu - làm sao bạn có thể sống được? Cũng như thân thể cần thở để sống, linh hồn cần yêu để sống. Và yêu đã bị đầu độc hoàn toàn.
Bằng việc đầu độc năng lượng yêu của bạn họ đã tạo ra chia chẻ trong bạn; họ đã làm ra kẻ thù bên trong bạn, họ đã chia bạn thành hai. Họ đã tạo ra cuộc nội chiến, và bạn bao giờ cũng trong xung đột. Và trong xung đột năng lượng của bạn bị tiêu tán; do đó cuộc sống của bạn không có say mê, phấn khởi. Nó không tuôn trào với năng lượng; nó đờ đẫn, tẻ ngắt, nó không thông minh.
Yêu mài sắc thông minh, sợ làm cùn lụt nó. Ai muốn bạn thông minh? Không phải những người đang nắm quyền lực đó sao. Làm sao họ có thể muốn bạn thông minh được? - bởi vì nếu bạn thông minh bạn sẽ bắt đầu thấy ra toàn thể chiến lược này, trò chơi của họ. Họ muốn bạn ngu xuẩn và xoàng xĩnh. Họ chắc chắn muốn bạn hiệu quả khi có liên quan tới công việc, nhưng không thông minh; do đó nhân loại sống ở mức thấp nhất, ở mức tối thiểu của tiềm năng của mình.
Các nhà nghiên cứu khoa học nói rằng người thường chỉ dùng năm phần trăm thông minh tiềm năng của mình trong cả đời mình. Người thường, chỉ năm phần trăm - thế người phi thường thì sao? Một Albert Einstein, một Mozart, một Beethoven thì sao? Các nhà nghiên cứu nói rằng ngay cả những người rất tài năng, họ cũng không dùng quá mười phần trăm. Còn những người chúng ta gọi là thiên tài, họ chỉ dùng mười lăm phần trăm thôi.
Nghĩ về một thế giới nơi mọi người đều dùng một trăm phần trăm tiềm năng của mình mà xem... thế thì các thần cũng phải ghen tị với trái đất, thế thì các thần sẽ muốn được sinh ra trên trái đất. Thế thì trái đất sẽ là thiên đường, siêu thiên đường. Ngay bây giờ nó là địa ngục.
Nếu con người được bỏ lại một mình, không bị đầu độc, tình yêu sẽ đơn giản, rất đơn giản. Sẽ không có vấn đề gì. Nó sẽ chỉ giống như nước chảy xuôi xuống, hay hơi nước bốc lên, cây cối nở hoa, chim chóc líu lo. Nó sẽ tự nhiên thế và tự phát thế!
Nhưng con người không được bỏ lại một mình. Khi đứa trẻ được sinh ra, những kẻ áp bức đã sẵn sàng nhảy lên nó, nghiền nát năng lượng của nó, bóp méo chúng nhiều thế, bóp méo chúng sâu sắc tới mức người này sẽ không bao giờ trở nên nhận biết rằng mình đang sống cuộc sống giả, cuộc sống rởm, rằng mình không sống như mình được ngụ ý sống, như mình được sinh ra để sống; rằng người này đang sống cái gì đó tổng hợp, bằng chất dẻo, rằng đây không phải là linh hồn thực của người này. Đó là lí do tại sao hàng triệu người khổ thế - bởi vì ở đâu đó họ cảm thấy rằng họ đã bị phân tán, rằng họ không phải là cái ta riêng của mình, rằng cái gì đó đã sai cơ bản...
Yêu là đơn giản nếu đứa trẻ được phép trưởng thành, được giúp đỡ trưởng thành, theo những cách tự nhiên. Nếu đứa trẻ được giúp đỡ để hài hoà với tự nhiên và trong hài hoà với bản thân mình, nếu đứa trẻ được hỗ trợ theo mọi cách, được nuôi dưỡng, được động viên để tự nhiên và là chính bản thân nó, là ánh sáng lên chính nó, thế thì yêu là đơn giản. Người ta sẽ đơn giản là việc yêu!
Ghét sẽ gần như không thể được bởi vì trước khi bạn có thể ghét ai đó khác, trước hết bạn phải tạo ra chất độc bên trong bản thân mình.
Bạn có thể đem cái gì đó cho ai đó chỉ nếu bạn có nó. Bạn có thể ghét chỉ nếu bạn đầy những căm ghét. Và đầy những căm ghét là đang chịu địa ngục rồi. Đầy căm ghét là đang trong lửa thiêu. Đầy căm ghét nghĩa là bạn đang tự làm mình bị tổn thương trước hết. Trước khi bạn có thể làm ai đó khác bị tổn thương, bạn phải làm cho chính mình bị tổn thương. Người khác có thể không bị tổn thương, điều đó sẽ tuỳ thuộc vào người khác. Nhưng một điều là tuyệt đối chắc chắn: rằng trước khi bạn có thể ghét, bạn phải trải qua đau đớn và khổ sở. Người khác có thể không chấp nhận hận thù của bạn, có thể bác bỏ nó. Người khác có thể là vị phật - người đó có thể đơn giản cười vào việc đó. Người đó có thể tha thứ cho bạn, người đó có thể không phản ứng. Bạn có thể không có khả năng làm người đó bị tổn thương nếu người đó không sẵn sàng phản ứng. Nếu bạn không thể quấy rối được người đó, bạn có thể làm gì? Bạn sẽ cảm thấy bất lực trước người đó.
Cho nên không nhất thiết là như vậy, rằng người khác sẽ bị tổn thương. Nhưng một điều là tuyệt đối chắc chắn, rằng nếu bạn ghét ai đó, trước hết bạn phải làm cho linh hồn riêng của mình bị tổn thương theo nhiều cách; bạn phải đầy những chất độc tới mức bạn có thể đổ chất độc vào người khác.
Ghét là phi tự nhiên. Yêu là trạng thái của lành mạnh; ghét là trạng thái của ốm yếu. Cũng giống như ốm yếu là phi tự nhiên. Điều đó xảy ra chỉ khi bạn lạc con đường của tự nhiên, khi bạn không còn trong hài hoà với sự tồn tại, không còn trong hài hoà với bản thể mình, với cốt lõi bên trong nhất của mình. Thế thì bạn ốm yếu - ốm yếu về tâm lí, về tâm linh. Hận thù chỉ là biểu tượng của ốm yếu, và tình yêu là biểu tượng của sự lành mạnh và tính toàn thể và tính thiêng liêng.
Yêu nên là một trong những điều tự nhiên nhất, nhưng nó lại không như vậy. Ngược lại, nó đã trở thành điều khó khăn nhất - gần như là điều không thể được. Ghét đã trở thành dễ dàng; bạn được huấn luyện, bạn được chuẩn bị cho ghét. Là người Hindu là đầy những căm ghét người Mô ha mét giáo, người Ki tô giáo, người Do Thái; là người Ki tô giáo là đầy những căm ghét các tôn giáo khác. Là người quốc gia là đầy những căm ghét các quốc gia khác.
Bạn chỉ biết một cách yêu, đó là ghét người khác. Bạn có thể biểu lộ tình yêu của mình với đất nước mình chỉ bằng việc ghét các nước khác, và bạn có thể biểu lộ tình yêu của mình với nhà thờ của mình chỉ bằng việc ghét các nhà thờ khác. Bạn đang trong đống lộn xộn!
Cái gọi là những tôn giáo này cứ nói mãi về tình yêu, và tất cả những điều họ làm trong thế giới này là tạo ra ngày một nhiều căm ghét hơn. Người Ki tô giáo nói về tình yêu và họ đã tạo ra chiến tranh, các cuộc thập tự chinh. Người Mô ha mét giáo nói về tình yêu và họ đã tạo ra thánh chiến jihads - chiến tranh tôn giáo. Người Hindu nói về tình yêu, nhưng bạn có thể nhìn vào kinh sách của họ - chúng đầy những căm ghét, ghét các tôn giáo khác. Và chúng ta chấp nhận tất cả những cái vô nghĩa này! Và chúng ta chấp nhận nó mà không chống lại nào bởi vì chúng ta đã được ước định để chấp nhận những điều này, chúng ta đã được dạy rằng đây là cách mọi sự như vậy. Và thế rồi bạn cứ phủ nhận bản tính riêng của mình.
Tình yêu đã bị đầu độc, nhưng không bị phá huỷ. Chất độc có thể được tống ra, ra khỏi hệ thống của chúng ta - bạn có thể được lau sạch. Bạn có thể nôn ra tất cả những cái mà xã hội đã ép buộc lên bạn. Bạn có thể vứt đi mọi tin tưởng của mình và mọi ước định của mình - bạn có thể tự do. Xã hội không thể giữ bạn làm nô lệ mãi mãi được nếu bạn quyết định tự do.
Bây giờ là lúc vứt đi tất cả các hình mẫu cũ và bắt đầu cách sống mới, cách sống tự nhiên, cách sống không kìm nén, cuộc sống không phải của từ bỏ mà của hân hoan. Ghét sẽ trở thành ngày một không thể có được. Ghét là cực đối lập của yêu, theo nghĩa là ốm yếu là cực đối lập của lành mạnh. Nhưng bạn cần không chọn ốm yếu.
Ốm yếu có vài ưu thế mà lành mạnh không thể có được; đừng trở nên bị gắn bó với những ưu thế đó. Ghét cũng có vài ưu thế mà yêu không thể có được. Và bạn phải rất quan sát. Người ốm nhận được thông cảm từ mọi người khác; không ai làm tổn thương người đó, mọi người đều cẩn thận về điều mình nói với người đó, người đó ốm thế. Người đó vẫn còn lại tiêu điểm, trung tâm của mọi người - gia đình, bạn bè - người đó trở thành người trung tâm, người đó trở thành quan trọng. Bây giờ, nếu người đó trở thành quá bị gắn bó với tầm quan trọng này, với sự đáp ứng bản ngã này, người đó sẽ không bao giờ muốn mạnh khoẻ lại nữa. Bản thân người đó sẽ níu bám lấy ốm yếu. Và các nhà tâm lí nói có nhiều người níu bám lấy ốm yếu bởi vì những ưu thế mà ốm yếu có. Và họ đã đầu tư vào ốm yếu của mình lâu đến mức họ đã hoàn toàn quên mất rằng họ đang níu bám lấy những ốm yếu đó. Họ sợ nếu họ trở nên mạnh khoẻ, họ sẽ lại chẳng là ai cả.
Bạn dạy cả điều đó nữa đấy. Khi đứa trẻ nhỏ bị ốm, cả gia đình chăm chú thế. Điều này tuyệt đối không khoa học. Khi đứa trẻ ốm, chăm sóc thân thể nó nhưng đừng chú ý quá nhiều. Điều đó là nguy hiểm, bởi vì nếu ốm yếu và sự chú ý của bạn trở nên được kết nối lại... điều nhất định xảy ra nếu nó được lặp đi lặp lại. Bất kì khi nào đứa trẻ ốm nó đều trở thành trung tâm của cả gia đình: bố tới và ngồi bên cạnh nó và hỏi han về sức khoẻ của nó, và bác sĩ tới, và hàng xóm bắt đầu tới, và bạn bè hỏi thăm, và mọi người mang quà tới cho nó... Bây giờ nó có thể trở nên quá bị gắn bó với tất cả những điều này; điều đó có thể là việc nuôi dưỡng cho bản ngã của nó tới mức nó có thể không thích khoẻ mạnh lại nữa. Và nếu điều này xảy ra, thế thì không thể nào mà mạnh khoẻ được. Bây giờ không thuốc nào có thể có ích. Người này đã trở nên nhất quyết dính líu tới ốm yếu. Và đó là điều đã xảy ra cho nhiều người - đa số người.
Khi bạn ghét, bản ngã bạn được đáp ứng. Bản ngã có thể tồn tại chỉ nếu nó ghét bởi vì trong ghét bạn cảm thấy cao siêu, trong ghét bạn trở nên tách biệt, trong ghét bạn trở thành được xác định. Trong ghét bạn đạt tới căn cước nào đó. Trong yêu bản ngã phải biến mất. Trong yêu bạn không còn tách rời - yêu giúp bạn tan biến cùng người khác. Nó là gặp gỡ và hội nhập.
Nếu bạn quá bị gắn bó với bản ngã, thế thì ghét là dễ dàng và yêu là khó khăn. Tỉnh táo, có tính quan sát đi: ghét là cái bóng của bản ngã. Yêu cần dũng cảm lớn lao. Nó cần dũng cảm lớn lao bởi vì nó cần làm chết đi bản ngã. Chỉ những người đã sẵn sàng trở thành không ai cả mới có khả năng yêu. Chỉ những người sẵn sàng trở thành cái không, hoàn toàn trống rỗng bản thân mình, mới có khả năng nhận được món quà của tình yêu từ cõi bên kia.
BẢN NGÃ LÀ HÈN NHÁT. Hèn nhát không chỉ là một phần của bản ngã, nó là cái toàn thể của bản ngã. Và nó nhất định như vậy, bởi vì bản ngã sống trong sợ hãi thường xuyên về việc bị phơi bày: nó trống rỗng bên trong, nó là không tồn tại; nó chỉ là bóng hình, không phải là thực tại. Và bất kì khi nào cái gì đó chỉ là bóng hình, ảo ảnh, thì sợ hãi nhất định có đó tại chính trung tâm của nó.
Trong sa mạc bạn thấy ảo ảnh từ nơi xa. Nó trông thực tới mức ngay cả cây cối đang đứng cạnh cũng được phản xạ trong nước, mà đâu có tồn tại. Bạn có thể thấy cây và bạn có thể thấy sự phản xạ; bạn có thể thấy sóng trong nước và cả những phản xạ lung linh với sóng - nhưng tất cả đều từ một khoảng cách. Khi bạn lại gần hơn, ảo ảnh bắt đầu biến đi. Chưa bao giờ có cái gì cả; đó chỉ là sản phẩm phụ của các tia sáng mặt trời được phản xạ bởi cát nóng của sa mạc. Trong sự phản xạ này và tia sáng mặt trời quay lại, ảo ảnh về ốc đảo được tạo ra. Nhưng nó có thể tồn tại chỉ khi bạn ở xa xa; nó không thể tồn tại được khi bạn lại gần. Thế thì chỉ có cát nóng, và bạn có thể thấy các tia sáng mặt trời được phản xạ lại.
Điều đó sẽ dễ hiểu hơn trong một ngữ cảnh khác.
Bạn thấy trăng, bạn thấy cái đẹp của nó, bạn thấy ánh sáng mát mẻ của nó. Nhưng nhà du hành vũ trụ đầu tiên lại bị sốc, bởi vì khi họ tới gần mặt trăng hơn thì không có ánh sáng. Trăng chỉ là một mảnh đất phẳng, cằn cỗi - không mầu xanh, không cuộc sống, một tảng đá chết. Nhưng đứng trên mặt trăng, khi họ nhìn vào trái đất họ lại kinh ngạc: trái đất toả ra ánh sáng đẹp tuyệt vời.
So sánh với ánh sáng đó, mặt trăng và cái đẹp của nó chẳng là gì cả, bởi vì trái đất to hơn mặt trăng tám lần; ánh sáng của nó tám lần mạnh hơn, tất cả đều mầu bạc. Và các nhà du hành vũ trụ biết rằng điều đó tất cả là giả, nhưng họ vẫn nhìn nó. Nó không có đó... nhưng một điều kì lạ: khi họ ở trên trái đất, họ đã thấy ánh sáng bàng bạc lung linh từ mặt trăng. Bây giờ họ ở trên mặt trăng và nó chỉ là tảng đá chết, và toàn thể cái đẹp lại đang toả ra từ trái đất. Và họ biết trái đất, họ đã sống nhiều kiếp trên trái đất; họ chưa bao giờ thấy cái gì như thế cả. Để thấy sự phản xạ của ánh sáng mặt trời, bạn cần một khoảng cách.
Trái đất cũng toả sáng: khi tia sáng mặt trời tới, một số tia sáng bị trái đất hấp thu nhưng phần lớn trong chúng bị phản xạ lại. Ánh sáng phản xạ đó có thể thấy được chỉ khi bạn ở xa trái đất; bằng không bạn không thể thấy được nó.
Bản ngã là hiện tượng không mang tính tồn tại - những người ở xa bạn có thể cảm thấy nó, có thể thấy nó, có thể bị nó làm tổn thương. Mối quan tâm duy nhất của bạn là ở chỗ họ không nên tới quá gần. Mọi người đều giữ cho mọi người khác ở một khoảnh cách nào đó, bởi vì cho phép mọi người tới gần có nghĩa là mở ra cánh cửa của cái trống rỗng của bạn.
Bản ngã không tồn tại. Và bạn lại bị đồng nhất với bản ngã tới mức cái chết của bản ngã, sự biến mất của bản ngã lại dường như đấy là cái chết của bạn. Không phải vậy đâu; ngược lại, khi bản ngã chết thế thì bạn sẽ biết thực tại của mình, bản thể tinh túy của mình.
Người bản ngã là kẻ hèn nhát. Người đó không thể cho phép bất kì ai gần gũi theo bất kì loại nào - tình bạn, tình yêu, ngay cả bạn đồng hành. Adolf Hitler chưa bao giờ cho phép bất kì người nào ngủ trong phòng ông ta. Ông ta bao giờ cũng ngủ một mình, khoá trái cửa lại từ bên trong. Ông ta không bao giờ lấy vợ bởi lẽ đơn giản rằng nếu bạn lấy vợ, bạn phải cho phép người đàn bà ở bên trong phòng ngủ - không chỉ trong phòng ngủ, mà trong cùng giường ngủ. Đây là quá gần gũi và quá nguy hiểm.
Ông ta không có bạn bè nào. Ông ta bao giờ cũng giữ cho mọi người xa cách nhất có thể được; không có người nào trong cả đời ông ta mà đã từng đặt tay lên vai ông ta - sự gần gũi này ông ta sẽ không cho phép.
Sợ hãi là gì? Tại sao ông ta sợ thế? Nỗi sợ là ở chỗ khoảnh khắc ông ta cho phép bất kì ai tới gần gũi như vậy, thì cái vĩ đại của ông ta - "Adolf Hitler vĩ đại" - sẽ biến mất. Bạn sẽ thấy một sinh linh rất nhỏ bé và tầm thường, chẳng cái gì vĩ đại cả - đấy tất cả là chỉ trên biển quảng cáo thôi, đấy tất cả chỉ là một phần của tuyên truyền lớn lao.
Người càng bản ngã, người đó càng phải duy trì đơn độc nhiều hơn. Và đơn độc là khổ, nhưng người ta phải trả giá chứ. Bạn phải trả giá cho bản ngã không tồn tại để có vẻ như thật - bằng khổ của bạn, bằng đau đớn của bạn, bằng phiền não của bạn. Và dù thế nào đi chăng nữa, dù bạn có thành công trong việc không cho phép bất kì ai được gần bạn, bản thân bạn vẫn biết hoàn toàn rõ rằng nó chỉ là bong bóng xà phòng mà thôi - một cú châm kim nhỏ, và nó sẽ biến mất.
Napoleon Bonaparte là một trong những kẻ bản ngã lớn trong lịch sử chủ nghĩa vị kỉ, nhưng ông ta đã bị thất bại, và lí do ông ta bị thất bại là cái gì đó đáng xem xét...
Khi ông ta còn là đứa trẻ nhỏ, mới sáu tháng tuổi, người vú nuôi đã bỏ ông ta trong vườn và vào nhà kiếm cái gì đó, và một con mèo lạc nhảy lên đứa trẻ này. Bây giờ một đứa trẻ sáu tháng tuổi... con mèo phải đã có vẻ như con hổ lớn! Mọi sự bao giờ cũng tương đối và theo tỉ lệ, và với đứa trẻ đó nó là con hổ lớn. Con mèo chỉ chơi đùa, nhưng đứa trẻ lại bị sốc thế, và cơn sốc đó ăn sâu thế... khi đứa trẻ trở thành thanh niên, anh ta đã đánh trong nhiều trận chiến, là một người lính vĩ đại, có khả năng đánh lại sư tử - nhưng anh ta sợ mèo. Khoảnh khắc anh ta thấy mèo anh ta sẽ mất hết mọi can đảm; anh ta bỗng nhiên trở thành đứa bé sáu tháng tuổi.
Sự kiện này được viên tổng chỉ huy người Anh, Nelson, biết tới; bằng không thì Nelson không so được với Napoleon Bonaparte. Và đây là cuộc chiến duy nhất mà Napolean Bonaparte bị thất bại. Nelson đã mang bẩy mươi con mèo lên trước hàng quân, và khi Napoleon Bonaparte thấy bẩy mươi con mèo - một con cũng đủ cho con người đáng thương này - ông ta suy sụp thần kinh. Ông ta đơn giản nói với người trợ thủ, "Ông nhận trách nhiệm với quân đội đi. Ta không ở vị trí chiến đấu. Những con mèo này đã giết ta rồi."
Và tất nhiên ông ta đã thất bại.
Các nhà lịch sử nói ông ấy bị Nelson đánh bại là sai. Không, ông ấy bị thất bại bởi thủ đoạn tâm lí. Ông ấy bị thất bại bởi mèo, ông ấy bị thất bại bởi tuổi thơ của mình, ông ấy bị thất bại bởi nỗi sợ mà ông ấy không kiểm soát được.
Ông ấy bị cầm tù trên một hòn đảo nhỏ, Saint Helena. Không cần phải cùm tay bởi vì đảo này nhỏ và không có cách nào thoát khỏi đó.
Vào ngày đầu tiên ông ấy đi dạo, và bởi vì thần kinh sụp đổ và vì thất bại, ông ấy được có một bác sĩ chăm sóc sức khoẻ. Bác sĩ cũng đi cùng ông ta. Họ đang bước đi trên con đường mòn nhỏ, và một người đàn bà mang một gánh cỏ nặng đang đi tới từ hướng khác. Con đường này rất nhỏ; ai đó phải nhường đường. Mặc dầu ông bác sĩ là người Anh, ông ấy đã quát lên với người đàn bà này, "Tránh sang bên đi! Bà không biết người đang tới là ai à. Mặc dầu ông ấy đã bị thất bại, cũng chẳng thành vấn đề gì: ông ấy là Napoleon Bonaparte đấy."
Nhưng người đàn bà này lại quá vô giáo dục, bà ấy chưa bao giờ nghe thấy cái tên Napoleon Bonaparte. Cho nên bà ấy nói, "Thì sao nào? Cứ để ông ấy tránh sang bên đi! Và ông cũng nên cảm thấy xấu hổ. Tôi là đàn bà lại đang gánh nặng thế này... Chẳng lẽ tôi phải đứng tránh sang bên sao?"
Napoleon Bonaparte nắm tay ông bác sĩ, bước sang bên và nói, "Thời mà núi nhường đường cho Napoleon Bonaparte qua rồi; bong bóng xà phòng không còn nữa. Tôi phải nhường đường cho người đàn bà đang gánh cỏ này."
Trong thất bại của mình, ông ấy có thể thấy điều đã xảy ra: trong cả đời mình ông ấy đã từng kìm nén nỗi sợ. Nó được giữ như một bí mật nhưng bây giờ bí mật này đã được biết tới, nỗi sợ bị phơi bày. Napoleon Bonaparte không là ai cả.
Đây là tình huống của kẻ bản ngã lớn.
Cho nên đừng cho rằng hèn nhát chỉ là một chất liệu của chủ nghĩa vị kỉ; nó là cái toàn thể của vị kỉ. Bản ngã là hèn nhát. Và không có bản ngã là vô sợ hãi - bởi vì bây giờ chẳng cái gì có thể bị lấy đi khỏi bạn; thậm chí cả cái chết cũng không thể phá huỷ gì được trong bạn. Cái duy nhất có thể bị phá huỷ bởi bất kì ai là bản ngã.
Bản ngã mong manh, bao giờ cũng bên bờ vực của cái chết, đến độ những người níu bám lấy nó bao giờ cũng run rẩy sâu sắc bên trong.
Vứt bỏ bản ngã là hành động vĩ đại nhất mà con người có thể làm. Nó chứng tỏ khí phách của bạn, nó chứng tỏ rằng bạn còn hơn là bạn có vẻ vậy, nó chứng tỏ rằng có cái gì đó trong bạn bất tử, không thể huỷ diệt được, vĩnh hằng.
Bản ngã làm cho bạn thành kẻ hèn nhát.Vô ngã làm cho bạn thành người du hành vô sợ hãi về bí ẩn vĩnh hằng của cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét