CHƯƠNG 10. TRONG KHI TÔI ĐANG Ở ĐÂY, TẬN HƯỞNG TÔI
Câu hỏi thứ nhất:
Chính ước ao của các thần là thấy rằng biết bao nhiêu đàn ông và đàn bà, hầu hết đều trẻ trung và thông minh, từ khắp trên hoàn cầu, đã tụ tập tại đạo tràng của thầy để tìm kiếm chân lí và tôn giáo thực. Nhưng thầy lại không đồng thời đặt nền tảng cho một tôn giáo có tổ chức khác, lần này là một tôn giáo toàn cầu, mà sẽ lại biến thành sự trở ngại trên con đường của chân lí và bản thân tôn giáo sao, hay là tôn giáo có tổ chức cũng đóng một vai trò tích cực?
Điều thứ nhất và quan trọng nhất cần phải nhớ là: đừng bao giờ nghĩ về tương lai, và đừng bao giờ bị vướng víu với quá khứ. Trong khi tôi đang ở đây, bạn tận hưởng tôi. Trong khi tôi đang ở đây, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội này.
Đây là tâm trí đang giở trò. Bạn không tận hưởng tôi. Bạn không vui mừng - bạn đang tạo ra lo nghĩ cho chính mình. Bây giờ lo nghĩ là về tương lai - bạn là ai mà phải lo nghĩ về tương lai? Và làm sao bạn có thể xoay xở quản lí được nó? - không có cách nào cả. Tương lai sẽ lấy quá trình riêng của nó. Chúng ta không thể xoay xở tương lai theo một cách chắc chắn, rằng nó phải như thế hay phải không như thế. Mọi nỗ lực bao giờ cũng thất bại.
Phật đã cố gắng rằng không nên tồn tại bất kì tôn giáo có tổ chức nào nhân danh ông ấy. Ông ấy đã cố gắng rằng không nên có hình ảnh nào được tạo ra về ông ấy, nhưng lại có nhiều hình ảnh về Phật hơn bất kì ai khác trên thế giới. Có vài ngôi đền được gọi là 'đền nghìn Phật' - một nghìn lẻ một ảnh. Có một ngôi đền ở Trung Quốc, một ngôi đền hang động, có mười nghìn ảnh Phật.
Ngay cả Phật cũng không thể xoay xở được điều đó. Không có cách nào để xoay xở điều đó cả. Cách duy nhất là dùng hiện tại, và để tương lai cho tương lai. Sẽ có mọi người; chúng ta sẽ không ở đây - điều họ sẽ làm với lời của tôi, đấy là tự do của họ. Nếu họ muốn tạo ra xiềng xích từ chúng, thì đấy là tự do của họ. Nếu họ muốn được giải thoát bằng những lời này, đấy là tự do của họ. Nếu họ muốn làm ra nhà tù từ ngôi đền mà chúng ta đang tạo ra, thế thì đấy là tự do của họ! Và đấy là chọn lựa của họ. Chúng ta là ai mà can thiệp vào?
Bây giờ, Krishnamurti đang cố can thiệp vào tương lai. Ông ấy liên tục nghĩ về điều sẽ xảy ra trong tương lai, để cho không manh mối nào được để lại cho tương lai, để cho tôn giáo không thể được tổ chức. Nhưng thường xuyên bận tâm quá nhiều về tương lai là sai. Chúng ta là ai? Tương lai thuộc về tương lai và sẽ thuộc về các thế hệ tương lai - họ sẽ làm bất kì điều gì họ thích làm.
Một điều tôi có thể nói: đấy là tự do của họ, bất kì điều gì họ làm, và tôi chẳng có gì mà chống lại họ. Nếu họ muốn sống trong tù, thì họ sẽ sống trong tù. Họ sẽ tìm ra cách để làm ra nhà tù từ bất kì cái gì - họ bao giờ cũng làm như vậy.
Tôi không bận tâm với tương lai chút nào. Tôi hoàn toàn ở đây bây giờ. Và đây là điều tôi muốn bạn cũng vậy, ở đây và bây giờ. Bất kì điều gì đang xảy ra giữa tôi và bạn, bạn đừng cho phép bất kì can nhiễu nào. Ý tưởng này chỉ là cái bẫy của tâm trí. Đây là điều thứ nhất tôi muốn nói.
Điều thứ hai: thậm chí tôn giáo có tổ chức cũng đóng một vai trò tích cực. Vài trò tích cực bao gồm việc khêu gợi, thách thức. Ngay cả nhà tù cũng đóng vai trò tích cực: nó khêu gợi tinh thần của người dũng cảm; nó trở thành thách thức về tự do - nó có qui tắc của nó, chức năng của nó.
Tôi không nói hãy sống trong tù. Trong thực tế, bản thân nhà tù buộc bạn phải thoát ra khỏi nó. Bản thân nhà tù có thể được dùng theo cách tích cực. Nếu bạn bị tống vào tù, tinh thần bạn sẽ liên tục suy ngẫm và nghĩ cách thoát ra khỏi nó, cách tìm ra cách thức và phương tiện để trốn thoát. Trong nhà tù linh hồn dũng cảm sẽ bắt đầu nghiền ngẫm và mơ về tự do. Nhà tù càng lớn, cấu trúc ép buộc càng lớn, sẽ càng có nhiều thách thức hơn. Chỉ kẻ hèn nhát mới chấp nhận nó.
Nhưng kẻ hèn nhát, cho dù họ ở ngoài tù, vẫn sẽ còn trong tù bởi vì họ không định đi đâu cả - họ bị cầm tù trong tính hèn nhát của mình. Còn người dũng cảm, cho dù trong tù, sẽ cố gắng phá vỡ ra, họ sẽ cố gắng thoát ra. Và trong chính nỗ lực để thoát ra đó, sức mạnh được sinh ra. Trong chính cuộc vật lộn để thoát ra đó, con người mới được sinh ra; họ có ý thức mới về sự khẩn thiết, lực và sức mới.
Không cái gì sai cả. Nhưng nhớ lấy, khi tôi nói không cái gì sai, tôi không nói thảnh thơi và đi ngủ trong tù. Tôi đang nói nhà tù có thể được dùng theo cách tích cực. Thậm chí nhà bạn cũng có thể trở thành nhà tù nếu bạn dùng nó theo cách tiêu cực - đó là điều nó đã trở thành cho hàng triệu người. Họ sống trong nhà mình, nhưng họ sống trong nhà tù. Họ gọi nó là nhà mình, nhưng đấy là hèn nhát của họ. Họ đã đánh mất tính phiêu lưu của linh hồn. Họ không còn mang tính phiêu lưu nữa. Họ không còn là kẻ lang thang nữa. Họ không còn quan tâm tới cái không biết, cái không quen thuộc. Họ bao giờ cũng mang theo bản đồ tới bất kì chỗ nào họ đi. Họ sống cuộc sống vay mượn. Họ không có bất kì đam mê nào để đi vào trong lãnh thổ chưa được thăm dò, để đi tới đại dương, đi vào trong nguy hiểm, và đối diện với cuộc sống.
Khi bạn trong nguy hiểm và bạn đang đối diện với cuộc sống, bạn lần đầu tiên tiếp xúc với linh hồn mình. Linh hồn là không rẻ. Bạn phải đánh cược mọi thứ. Đó là lí do tại sao tôi lại nói ngay cả tôn giáo có tổ chức cũng có thể là điều tích cực.
Phật đã được sinh là người Hindu. Hindu giáo đã trở thành nhà tù. Ông ấy đã cố gắng vất vả để thoát ra khỏi nó, và ông ấy đã thành công. Krishnamurti đã được huấn luyện theo một kỉ luật nào đó, là một bạn tù của nhà tù có tên là thông thiên học - nhưng ông ấy đã cố gắng vất vả, phá vỡ nó, trở nên tự do với nó. Nếu bạn hỏi tôi thì tôi sẽ nói một điều: nếu như không có việc tù túng thông thiên học của ông ấy trong thời thơ ấu của mình, thì sẽ khó cho ông ấy trở thành con người tự do. Annie Besant và Leadbeater và các nhà thông thiên khác đã tạo ra toàn bộ tình huống này - một cách không chủ ý, tất nhiên, họ đã không dự tính điều đó. Họ đã cố gắng làm một cái gì đó khác. Họ đã tạo ra giáo điều quanh ông ấy, sùng bái quanh ông ấy. Và họ đã nghiêm khắc với ông ấy đến mức điều đó thực sự trở thành không thể sống được trong nó. Ông ấy đã phải thoát ra khỏi nó. Danh tiếng thuộc về những người đó - Leadbeater và Annie Besant.
Nếu như nhà tù này có chút ít thoải mái hơn, nếu như nhà tù này không hà khắc thế và nếu như kỉ luật bị áp đặt này không nghiệt ngã thế, nếu những ý tưởng này không siêu nhân thế, nếu như ông ấy không bị yêu cầu đóng vai trò phi tự nhiên thế, ông ấy có thể đã thảnh thơi, ông ấy có thể đã chấp nhận điều đó. Đó là điều đáng lẽ xảy ra cho ông ấy.
Người Ki tô giáo vẫn còn là người Ki tô giáo bởi vì Ki tô giáo không còn là áp lực lớn nữa. Vào chủ nhật bạn có thể tới nhà thờ - đấy là nghi lễ. Cuộc sống vẫn còn là cuộc sống của người không Ki tô giáo. Bạn cứ hoàn thành các nghi lễ của việc là người Ki tô giáo. Ki tô giáo của bạn thậm chí không sâu hơn lớp da, và nhà thờ không yêu cầu nhiều. Nhà thờ nói, "Bạn chỉ cần tới nhà thờ vào một ngày đặc biệt thôi: khi con bạn ra đời, tới nhà thờ làm lễ rửa tội; khi ai đó chết, tới nhà thờ; khi có hôn nhân, tới nhà thờ - ba điều này sẽ đủ và bạn sẽ vẫn còn là người Ki tô giáo. Đôi khi chủ nhật tới và tham dự buổi lễ."
Chẳng bị đòi hỏi gì nhiều cả. Nhà tù này không giống mấy với nhà tù. Gần như là bạn tự do, chỉ vào chủ nhật bạn mới tới trại giam và ngồi đó trong một giờ rồi về nhà và bạn lại tự do. Ai bận tâm? Ai sẽ tranh đấu lại nó? Nó thuận tiện và thoải mái thế.
Đó là lí do tại sao nhiều người thế lại là người Hindu và người Mô ha mét giáo và người Jaina giáo - không ai hỏi cả. Những tôn giáo này chỉ là nghi lễ hình thức; chúng không thách thức bạn. Chẳng cái gì lâm nguy cả. Rất khó thoát ra khỏi chúng - bởi vì nhà tù rất nhạt nhoà. Bạn đã trở nên được điều chỉnh theo nó. Nó thuận tiện và thoải mái tới mức bạn đã được điều chỉnh theo nó. Nó có vẻ gần giống như chính sách tốt, thoả hiệp tốt.
Krishnamurti đã rơi vào tay của một nhóm rất cuồng tín - những người thông thiên học. Đấy là một tôn giáo mới. Bất kì khi nào một tôn giáo là mới, nó đều rất cuồng tín. Dần dần, nó lỏng ra và thoả hiệp và trở thành chỉ là hiện tượng xã hội; thế thì nó không còn là tôn giáo nữa. Thông thiên học chỉ mới trong sự bắt đầu của nó, và Krishnamurti cũng mới chỉ chín tuổi khi ông ấy rơi vào tay của những kẻ cuồng tín này. Họ đã cố gắng vất vả. Họ đã không cho phép Krishnamurti gặp gỡ và hoà lẫn vào với trẻ con bình thường - không - bởi vì họ đã có một mục đích rằng ông ấy phải trở thành Thầy Thế giới, jagatguru. Ông ấy phải trở thành Phật-sắp tới; ông ấy phải trở thành hoá thân của Di Lặc.
Ông ấy đã không được phép đi với bất kì cô gái nào, bởi vì ông ấy có thể sẽ yêu và toàn bộ giấc mơ của các nhà thông thiên sẽ bị tan tành. Ông ấy thường xuyên bị canh gác. Ông ấy không được phép đi một mình; ai đó bao giờ cũng đi cùng ông ấy, theo dõi ông ấy. Và ông ấy bị buộc phải theo những qui tắc rất nghiêm khắc: ba giờ sáng ông ấy phải dậy và tắm nước lạnh; và thế rồi ông ấy phải học tiếng Phạn và ông ấy phải học tiếng Pháp và ông ấy phải học tiếng Anh và ông ấy phải học tiếng Latin và tiếng Hi Lạp - bởi vì Thầy Thế giới phải có giáo dục tốt, công phu. Một đứa trẻ mới chín tuổi!
Khi ông ấy mười hai tuổi, họ bắt đầu buộc ông ấy viết sách. Bây giờ một đứa trẻ mười hai tuổi thì có thể viết cái gì? Trong thực tế, ông thầy, Leadbeater, ông này đã viết nhân danh ông ấy. Krishnamurti viết và Leadbeater sửa nó và làm nó hoàn thiện. Cuốn sách vẫn tồn tại. Một cuốn sách hay, nhưng bạn không thể trông đợi nó từ một đứa trẻ chỉ mới mười hai tuổi. Nó không phải là từ ông ấy. Ngay cả Krishnamurti cũng không thể nhớ được nó. Khi được hỏi ông ấy đã nói, "Tôi không nhớ khi nào tôi viết nó - tôi không nhớ chút nào làm sao nó lại có được."
Và họ đã nói những điều vô nghĩa - vô nghĩa bí truyền: "Trong giấc mơ ông ấy lên tầng trời thứ bẩy, và ở đó bản thân Thượng đế dạy cho ông ấy." Và chỉ một đứa trẻ mười hai tuổi - rất mong manh, mềm mại, nhạy cảm; ông ấy đã tin cậy. Và những người này là nổi tiếng thế giới; họ có những cái tên vĩ đại. Và phong trào này thực sự lớn và qui mô toàn thế giới; hàng nghìn và hàng nghìn phòng họp đã được mở ra trên khắp thế giới.
Chỉ một đứa trẻ mười hai tuổi đã trở thành một nhân cách nổi tiếng thế giới. Bất kì nơi đâu ông ấy tới, hàng nghìn người sẽ tụ tập để nhìn ông ấy. Nếu bạn nhìn vào những bức tranh đó, thì bạn sẽ cảm thấy thương hại cho ông ấy, thấy trắc ẩn với ông ấy. Ông ấy liên tục trong giam giữ. Và điều đó là tự nhiên, tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra cho bất kì ai - điều đó chẳng liên quan gì với Krishnamurti. Bất kì ai ở vào địa vị của ông ấy, nếu người đó còn bất kì tinh thần nào, thì cũng sẽ từ bỏ toàn bộ cái điều vô nghĩa này, và sẽ thoát ra khỏi nó. Điều đó còn quá đáng hơn nhà tù.
Ông ấy không thể viết thư cho bất kì ai bởi vì ông ấy có thể tạo ra quan hệ qua thư từ. Người Thầy Thế giới cần phải hoàn toàn không bị ràng buộc. Ông ấy bắt đầu cảm thấy chút ít tình yêu với một người đàn bà, người đủ già để làm mẹ ông ấy, nhưng thậm chí điều đó cũng bị chấm dứt. Điều đó chẳng liên quan gì tới bản năng dục hay bất kì cái gì; ông ấy chỉ bắt đầu cảm thấy yêu một người đàn bà. Người đàn bà đó đã là mẹ của ba đứa con - nhưng các nhà thông thiên học đã không cho phép điều đó. Họ đã chấm dứt nó.
Ông ấy đã hoàn toàn ở ẩn dật, chưa bao giờ được phép đi ra thế giới bên ngoài. Ông ấy đã không được phép vào bất kì trường học nào, bất kì đại học nào, bởi vì tại đó ông ấy sẽ gặp người thường và ông ấy sẽ trở thành bình thường. Những thầy giáo đặc biệt đã được chỉ định; ông ấy được dạy một cách đặc biệt. Và tất cả xung quanh ông ấy, một đứa trẻ mới chín tuổi, tất cả mọi người quanh ông ấy đều cao lớn thế - các bậc thầy, Thầy K.H. gửi thông báo, thư rơi từ mái nhà xuống. Chúng đã được thu xếp tất cả! Các nhà thông thiên học về sau bị bắt - họ đã thu xếp tất cả: cái mái đã được chế tạo đặc biệt và thư sẽ rơi xuống bất thần, và đấy là cho Krishnamurti - một thông báo đã tới từ cái không biết.
Bạn hãy nghĩ tới một đứa nhỏ.... Không tự do nào được phép đã trở thành một thôi thúc lớn để được tự do. Một ngày nào đó - không ai trông đợi điều đó, ông ấy sẽ từ bỏ nó - các nhà thông thiên từ trên khắp thế giới đã tụ tập lại cho việc công bố lần đầu tiên mà trong đó Krishnamurti được trông đợi tuyên bố rằng mình là người Thầy Thế giới và rằng Thượng đế đã đi vào trong ông ấy.
Bỗng nhiên, không nói gì với bất kì ai.... Ông ấy có thể đã không ngủ cả đêm. Ông ấy đã nghiền ngẫm mãi về điều đó: ông ấy đã trở thành nô lệ, và họ tất cả đều là những người làm điều tốt; họ đã làm bạn thành nô lệ bởi vì họ muốn làm điều tốt cho bạn; và họ yêu bạn và tình yêu của họ thành phát buồn nôn; và ý tốt của họ thành độc hại. Cả đêm ông ấy đã nghiền ngẫm: ông ấy phải làm gì? Liệu ông ấy phải tiếp tục và trở thành một phần của điều vô nghĩa này, hay thoát ra khỏi nó?
Và may mắn với ông ấy là đến sáng khi họ đã tụ tập và họ đang chờ đợi Thượng đế giáng xuống trong ông ấy và tuyên bố rằng ông ấy bây giờ không còn là Krishnamurti nữa mà là ông ấy Di Lặc - Phật đã đi vào trong ông ấy - thì bỗng nhiên ông ấy lại từ chối và ông ấy nói, "Đây tất cả đều là điều vô nghĩa. Không ai đã giáng xuống trong tôi cả. Tôi chỉ là Krishnamurti và tôi không là thầy của ai cả. Và tôi không là jagatguru, không là Thầy Thế giới. Và tôi giải tán cái điều vô nghĩa này và cái tổ chức này và toàn bộ những cái đã được dựng lên quanh tôi."
Họ bị choáng váng! Họ không thể nào tin được vào điều đó: "Ông ấy đã phát điên, phát rồ rồi sao?" Họ đã đặt quá nhiều hi vọng vào ông ấy, nhiều tiền bạc; đấy là đầu tư lớn, nhiều năm đào tạo. Nhưng nó sẽ là vậy thôi. Nếu như ông ấy mà là con người hoàn toàn chết, chỉ thế thì ông ấy mới chấp nhận điều đó. Ông ấy sống động. Họ không thể nào giết chết được cuộc sống của ông ấy, cái sống động đó bùng nổ.
Nếu như ông ấy là một tâm trí đờ đẫn, xoàng xĩnh, thì có thể ông ấy đã chấp nhận - nhưng ông ấy thông minh, nhận biết vô biên. Ông ấy đã thoát ra khỏi nó. Toàn bộ phong trào đó và toàn bộ điều được tổ chức đã vận hành như một thách thức tích cực.
Như tôi thấy, thì chẳng cái gì có thể giữ được bạn. Nếu bạn tỉnh táo, bạn sẽ dùng tôn giáo có tổ chức như một thách thức. Nếu bạn không tỉnh táo, thế thì tôn giáo có tổ chức hay tôn giáo không tổ chức, dù bạn ở đâu bạn cũng sẽ tạo ra tù túng quanh mình. Bạn mang nó quanh mình - trong hèn nhát của mình, trong nỗi sợ của mình, trong thôi thúc của mình để được an toàn và thoải mái.
Câu hỏi thứ hai:
Trong hai mươi nhăm năm qua tôi đã thuộc về tổ chức nhà thờ của những người phiêu lưu ngày thứ bẩy, (Saturday Sabbath). Mặc dầu tôi tập trung vào nghe thầy, nhưng tôi vẫn chưa qua được giai đoạn xung đột. Một trong những xung đột đã là liệu Ellen G. White, người sáng lập của nhà thờ này, có là sứ giả của Thượng đế hay không.
Xin thầy giải thích điều đó cho tôi.
Mọi người đều là sứ giả của Thượng đế, hay không ai cả. Toàn bộ ý tưởng rằng ai đó là nhà tiên tri và ai đó là tirthankara và ai đó là sứ giả hay một Christ là ngớ ngẩn. Tất cả các bạn đều tới từ cùng một gốc. Không ai là đặc biệt cả. Và đây là điều người tôn giáo cố gắng sống theo.
Người tôn giáo là người thấy rằng mình là bình thường. Người tôn giáo là người thấy rằng mình đích xác là hệt như người khác, và người đó không giả vờ là đặc biệt - bởi vì chính cái ý tưởng rằng "mình đặc biệt" là ngu xuẩn; chính cái ý tưởng rằng "mình là người được chọn" mang tính bản ngã. Và người tôn giáo không thể công bố điều đó được - người tôn giáo không có công bố nào.
Người đó đơn giản chấp nhận và người đó hiểu rằng mình là một phần của vũ trụ này cũng như bạn là một phần của vũ trụ này. Người đó chưa bao giờ đặt bản thân mình lên trên bạn. Đây là 'cái trên' của người đó, rằng người đó không hề nghĩ rằng mình là phi thường hay đặc biệt theo cách nào đó. Người đó không hề mang thái độ của việc 'linh thiêng hơn bạn'. Người đó biết rằng bạn cũng là thượng đế và mang tính thượng đế. Có thể bạn không nhận ra điều đó - đấy lại là vấn đề khác.
Khác biệt giữa tôi và bạn chỉ là một điều: tôi nhận ra mình là ai; bạn không nhận ra - nhưng không có khác biệt khác. Bạn đích xác hệt như tôi đang đây. Bạn là vị phật ngủ, nhưng không có vấn đề về bất kì khác biệt nào. Vị phật là vị phật, dù ngủ hay thức. Bạn có thể đã không bắt gặp điều thiêng liêng của mình, bạn có thể đã không thử, bạn có thể đã không mở cánh cửa của kho báu bên trong của mình, nhưng kho báu vẫn tồn tại. Bạn có thể nghĩ rằng bạn không đặc biệt còn tôi đặc biệt, nhưng làm sao tôi có thể nghĩ theo cùng cách đó được? Bạn có thể nghĩ điều đó - việc đó là tự nhiên.
Mọi người có thể nghĩ rằng Christ là đặc biệt - điều đó là tự nhiên, bởi vì Christ có vẻ đặc biệt. Ông ấy là đặc biệt theo một cách nào đó, bởi vì ông ấy đã nhận ra tính thượng đế của mình, và theo chính việc nhận ra đó thì ông ấy trở thành chói sáng, ánh sáng trong trẻo không khói, ngọn lửa thuần khiết. Mọi người nhận ra rằng ông ấy là đặc biệt. Nhưng làm sao Jesus có thể nói ông ấy là đặc biệt được? Trong việc nhận ra ngọn lửa bên trong riêng của mình, trong việc nhận ra tính thượng đế bên trong riêng của mình, ông ấy đã nhận ra tính thượng đế của mọi người - không chỉ về con người mà về cây cối và chim chóc và muông thú, thậm chí cả đất đá. Ngay cả đất đá ông ấy cũng biết bây giờ đều là các thần - ngủ say, ngáy. Một ngày này nọ đá sẽ thức tỉnh và sẽ trở thành thượng đế!
Bạn có thể không thấy mình là ai, nhưng tôi thì thấy bạn là ai. Cái ngày tôi nhận ra mình là ai, tôi cũng nhận ra cốt lõi bên trong nhất của mọi người. Người tôn giáo không thể nghĩ được mình là đặc biệt. Và người tôn giáo không thể nghĩ rằng bạn đáng kết án, rằng bạn là tội đồ. Người tôn giáo bắt đầu cười. Người đó cười bạn bởi vì bạn là thánh nhân mà cứ nghĩ mình là tội đồ. Người đó cười bạn vì bạn là Thượng đế mà cứ nghĩ mình là ai đó khác. Toàn bộ điều này dường như là ngớ ngẩn - có vẻ đóng kịch làm sao! Mọi người đều đeo mặt nạ và hoàn toàn quên mất khuôn mặt nguyên thuỷ riêng của mình. Khuôn mặt của bạn là khuôn mặt của Thượng đế.
Cho nên bất kì ai cố gắng chứng minh rằng mình là đặc biệt, bất kì ai - Ellen G. White hay Đức Cha Moon hay Satya Sai Baba - bất kì ai nói rằng người đó đặc biệt thì đều đơn giản khẳng định rằng người đó vẫn còn chưa biết.
Satya Sai Baba nói, "Làm sao kiến có thể biết được chiều sâu của đại dương?" Bây giờ điều này là ngu xuẩn, điều này là đần độn, bởi vì kiến cũng là thượng đế như Satya Sai Baba. Nếu bạn hỏi tôi liệu Satya Sai Baba có là thượng đế hay không, thì tôi sẽ nói có, ông ấy là thượng đế - ông ấy là thượng đế giả nhưng Thượng đế tất cả đều như nhau. Ông ấy là thượng đế ảo thuật, ông ấy bị lạc trong ảo thuật. Ai đó có thể là kẻ ngu, thế thì người đó là thượng đế ngu - nhưng tôi không thể phủ nhận được rằng ông ấy là thượng đế, tôi không thể nói điều phủ nhận đó được. Mọi người đều là Thượng đế đang đóng các vai khác nhau.
Bạn không thể nói rằng ai đó khác chỉ như kiến - ngay cả kiến cũng không phải là kiến. Đó là điều người tôn giáo nhận ra. Người đó nói, "Chó có thể cứ sủa nhưng sao sẽ không rơi xuống." Bây giờ bạn đang nhìn vào chó theo cách rất kết án. Và 'chó' (dog) lại không là gì ngoài 'thượng đế' (god) đọc ngược lại. Và chó là ai? Bạn đang nói tới ai? Chó không tồn tại, bởi vì chó cũng là thượng đế - giả vờ là chó, chơi trò chơi là một con chó.
Người tôn giáo, người đã về nhà, nhận ra rằng toàn thể sự tồn tại này là thiêng liêng, thiêng liêng vô điều kiện. Không có 'thượng đế' và 'không thượng đế' - toàn thể sự tồn tại được tạo nên từ một tính và tính đó là tính thiêng liêng.
Nhưng có những người cứ đi tìm những cuộc hành trình mới cho bản ngã. Đôi khi đấy là tiền bạc, đôi khi đấy là chính trị, đôi khi đấy là tôn giáo, nhưng việc tìm kiếm thì vẫn thế - bản ngã. Và tôn giáo chỉ xảy ra khi có việc bản ngã mất đi; khi bản ngã bị mất, khi bản ngã bị tan tành, và bạn bỗng nhiên có đó mà không ý tưởng gì về bất kì cái 'tôi' nào. Bạn hiện hữu, nhưng không có 'tôi' trong nó.
Tôi không nói trở nên khiêm tốn, bởi vì bản ngã thậm chí cũng có thể thử điều đó - nó thử đấy! Nó có thể trở thành khiêm tốn. Nó có thể giả vờ là khiêm tốn, nhưng thế thì nhìn vào mắt của người khiêm tốn kia: người đó nói "Tôi là không ai cả," nhưng người đó đang đợi bạn nói "Anh là con người vĩ đại nhất." Người đó nói, "Tôi khiêm tốn, tôi chỉ là hạt bụi dưới chân anh," nhưng bạn đừng chấp nhận người đó. Đừng nói, "Vâng, chúng tôi biết - chúng tôi bao giờ cũng biết. Anh không nói điều gì mới với chúng tôi," bằng không người đó sẽ chẳng bao giờ có khả năng tha thứ cho bạn. Người đó sẽ báo thù. Người đó không nói rằng bạn phải chấp nhận điều đó. Trong thực tế, người đó nói, "Trông đây - ta mới khiêm tốn làm sao! Trông đấy, đây là con người khiêm tốn nhất trên thế giới!" Nhưng trò chơi thì vẫn là một: "Ta là người khiêm tốn nhất trên thế giới - nhưng cái 'tôi' có đây."
Ai đó nói, "Tôi là người giầu nhất trên thế giới." Ai đó nói, "Tôi là người quyền lực nhất trên thế giới." Ai đó nói, "Tôi là người khiêm tốn nhất trên thế giới." Khác biệt ở đâu?
Tôi không nói trở nên khiêm tốn. Bản ngã có thể trở nên khiêm tốn. Tôi đang nói về việc mất bản ngã. Bạn phải nhìn vào trong bản ngã: phức cảm của nó là trò chơi tinh vi. Bạn phải trở nên nhận biết về tất cả những trò chơi của nó. Một ngày nào đó khi bạn đã nhìn vào trong tất cả các trò chơi của nó, nó đơn giản biến mất. Chỉ bằng việc nhìn vào trong chúng, chỉ sáng tỏ, chỉ nhận biết, và nó biến mất. Nó biến mất như bóng tối biến mất khi bạn mang ánh sáng vào trong phòng tối. Chỉ đem nhận biết vào.
Jesus định bước đi trên nước của Biển Chết. Ông ấy bắt đầu bước đi trên biển, và ông ấy quay về các đệ tử của mình và nói, "Tin ta, theo ta, và bước trên biển." Mười một đệ tử của ông ấy theo ông ấy. Chỉ mỗi Thomas còn lại sau trên cạn.
Khi những người khác hỏi ông ấy, Thomas giải thích rằng tốt hơn cho ông ta là vẫn còn khô ráo vì nước lạnh có khả năng ảnh hưởng tới bệnh khớp của ông ấy.
Jesus quay đầu lại và nói với Thomas, "Thomas, tin ta đi, theo ta và bước trên biển."
Thế là Thomas bắt đầu bước đi và nhanh chóng bị nước ngập tới đầu gối. Thomas kêu lên, "Jesus! Jesus!"
Và Jesus một lần nữa lại nói, "Tin ta đi, theo ta và bước trên biển."
Điều này lại diễn ra với Thomas kêu Jesus cứu khi Thomas tiếp tục bước tới.
Khi nước đã ngập đến cằm Thomas, thì Peter quay sang ông ta và nói, "Thomas, sao ông bao giờ cũng cứ phải khác người thế? Sao ông không thể bước trên các mỏm đá giống như mọi người khác?"
Có những người không thể cho phép mình được giống như mọi người khác. Họ phải đặc biệt theo cách này cách khác. Đây là bệnh tật, chứng thần kinh.
Bạn không thể khác được. Về cơ bản, tất cả chúng ta đều thuộc về một tâm thức. Tất cả mọi khác biệt đều chỉ ở bề mặt, ngoài da. Tất nhiên, bạn có làn da khác và tôi có làn da khác. Ai đó da trắng và ai đó da đen, và ai đó có mũi khác, và ai đó có mầu mắt khác, và ai đó có mầu tóc khác - nhưng sâu bên dưới, bạn càng đi sâu hơn, thì chúng ta lại càng là một hơn.
Từ tiếng Anh 'self' - cái ngã, là rất hay. Nghĩa nguyên thuỷ của nó là 'như một' - self (cái ngã) nghĩa là như một. Bạn dùng các từ 'myself' bản thân tôi, 'himself' bản thân anh ta, 'herself' bản thân cô ấy, 'themselves' bản thân họ. Myself-bản thân tôi, yourself-bản thân bạn: 'my'- tôi, là khác, 'your'-bạn là khác, nhưng 'self'-bản thân lại là một. Từ 'self' nghĩa là 'là một'. Self-cái ngã thì không của tôi cũng không của bạn. Khi nó thành của tôi, đấy là 'myself'; thế thì 'self' có cái gì đấy được thêm vào nó, cộng với nó. Khi cái 'my'-tôi bị bỏ đi, thì chỉ còn lại 'self'; khi cái 'you'-bạn bị bỏ đi, chỉ còn lại cái 'self'. Khi thân thể và tâm trí và những phân biệt bên ngoài không còn đó nữa, sâu trong cốt lõi bên trong chúng ta là một - chúng ta chỉ là cái ngã self, cái một.
Bạn đừng cố gắng theo bất kì cách nào để đặc biệt bởi vì tất cả những cuộc hành trình đó đều là hành trình bản ngã và đưa bạn tới thất vọng và lo nghĩ và sợ hãi.
Nhưng khi ai đó tới và công bố, người đó bao giờ cũng tìm ra vài đệ tử. Lí do không phải ở chỗ lời công bố của người đó là đúng; lí do là ở chỗ mọi người đều rất không chắc chắn, mọi người đều trong lẫn lộn. Họ muốn có ai đó để bám vào. Họ muốn ai đó làm cho họ chắc chắn. Khi ai đó tới và nói, "Ta tới như sứ giả đặc biệt của Thượng đế"... và những người này là những người gần phát điên, và họ sẽ nói với quyền năng, với sự mạnh mẽ, với lửa cháy tới mức bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng phải có điều gì đó trong nó. Bạn bắt đầu cảm thấy bởi vì bạn bị lẫn lộn. Bạn bao giờ cũng muốn ai đó nói cho bạn cách sống cuộc sống của mình. Bạn bao giờ cũng muốn ai đó lãnh đạo bạn. Bạn bao giờ cũng muốn ai đó chắc chắn để cho bạn có thể gạt bỏ cái không chắc chắn của mình. Bạn bao giờ cũng muốn ai đó biết để bạn không lo nghĩ về cái dốt nát của mình.
Bây giờ ở đây một người tới, và khi người đó công bố một cách bắt ép, lửa cháy trong mắt người đó và ma thuật trong lời người đó, vài người nhất định trở thành nạn nhân của người đó - họ sẽ tin cậy vào người đó. Và nếu bạn nói với những người này, "Các anh là kẻ ngu," họ sẽ không nghe bạn. Bởi vì vấn đề không phải là liệu nhà tiên tri của họ sai hay đúng; khoảnh khắc bạn nói nhà tiên tri của họ sai, bạn lại đem cái không chắc chắn của họ vào, bạn lại làm cho họ lẫn lộn. Họ đã bị lẫn lộn rồi; bây giờ họ không còn lẫn lộn nữa - họ đang theo ai đó.
Ngay cả một Muktananda cũng có thể có tín đồ, có thể kiếm được tín đồ. Nhìn thấy điều đó tôi đơn giản ngạc nhiên. Tôi không thể thấy được làm sao điều đó lại có thể. Một Muktananda mà cũng kiếm được tín đồ sao? Nếu điều đó là có thể, thế thì bạn chờ đợi một cách không cần thiết - bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo lớn. Nếy Muktananda có thể trở thành thế, thì bất kì ai cũng có thể trở thành thế.
Tôi biết một người ở Jabalpur là tín đồ của Muktananda, và tôi bảo anh ta, "Anh đơn giản ngu ngốc. Bản thân anh có thể trở thành người lãnh đạo."
Anh ta nói, "Làm sao tôi có thể trở thành được? Tôi không biết gì về tôn giáo cả."
Tôi nói, "Bạn đi với tôi." Tôi định đi Calcutta. Tôi nói, "Bạn chỉ đi với tôi - bạn im lặng."
Anh ta nói, "Thầy ngụ ý gì?"
Tôi nói, "Chúng ta sẽ chơi một trò chơi chỉ để làm cho bạn rõ ràng về cách thức mọi sự xảy ra."
Anh ta theo tôi. Tôi nói, "Chỉ một điều thôi: bạn phải không được nói gì; bạn chỉ giữ im lặng. Khi mọi người hỏi câu hỏi nào đó, thì bạn nhắm mắt lại, bạn bắt đầu đung đưa người, và tôi sẽ trông coi mọi sự xảy ra!"
Thế là anh ta đi với tôi. Người chủ nơi chúng tôi ở, ông ta hỏi tôi ngay lập tức, 'Người này là ai vậy?"
Tôi nói, "Ông ta là paramahansa. Ông ta tịnh khẩu - ông ta là một linh hồn vĩ đại."
Người này nói, "Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về ông ấy cả, vậy làm sao ông biết được?"
"Ông ta chưa hề ra công chúng, ông ta không phải là Mahesh Yogi, ông ta không tin vào quảng cáo. Ông ta là rất, rất bí truyền."
Người này sụp lạy dưới chân ông ta! Vòng hoa mà người này đem tới cho tôi… người này đã quên mất tôi hoàn toàn. Và ông ta, tôi đã huấn luyện ông ta trên tầu điều cần làm, cho nên ông ta bắt đầu đung đưa người - ông chủ cũng bắt đầu đung đưa theo! Tôi nói, "Xem kìa, kundalini của ông đang lên đấy!"
Người này nói, "Tôi có thể cảm thấy cái gì đó; trong xương sống của tôi có cảm giác gì đó. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nó và tôi đã tới biết bao nhiêu thánh nhân - nhưng người này là phép màu! Ông ấy có thể nói cái gì không?"
Tôi nói, "Ông ấy không bao giờ nói."
Trong vòng ba ngày một đám đông lớn - mọi người tới và đem tới tiền bạc và hoa. Và trong đêm người này nói với tôi, "Điều này không thể nào tin được! Thầy phải làm cái gì đó rồi," anh ta nói với tôi, "bởi vì bây giờ làm sao tôi có thể nâng kundalini của họ lên được? Tôi chẳng biết gì về kundalini cả - kundalini riêng của tôi vẫn chưa lên! Thầy phải làm điều gì đó, thầy đang chơi mẹo - bằng không làm sao nó có thể xảy ra được? và một người có thể là kẻ ngu, nhưng biết bao nhiêu người!" Và người giầu tới trong những chiếc xe Cadillacs và Lincolns và Impalas của mình, đến thế.... Và con người này là một người bình thường.
Ba ngày sau đó khi chúng tôi quay về tôi bảo anh ta, "Bây giờ bạn muốn gì nào? Bạn muốn tiếp tục thời gian bận rộn của mình nữa không?"
Mọi người cần ai đó để hướng dẫn họ. Mọi người cần ai đó để lừa phỉnh họ. Mọi người cần ai đó để cho họ sự chắc chắn. Mọi người hay lung lay thế, không chắc chắn về mọi điều. Chỉ công bố - lời công bố của bạn… nhưng nó phải rất, rất tuyệt đối. Nếu bạn do dự, bạn bị hết hi vọng; thế thì trong thế giới tâm linh này, trong siêu thị tâm linh này, bạn là không ai cả. Công bố một cách tuyệt đối, vô điều kiện, đừng bao giờ do dự. Và đó là một trong những phẩm chất của kẻ ngu: họ chưa bao giờ do dự cả. Người rất thông minh bao giờ cũng do dự.
Lão Tử nói: "Ta do dự ở mọi bước đi. Ta phải bị lẫn lộn rồi. Cả thành của ta, mọi người mà ta biết, đều tuyệt đối thế; mọi người đều láu lỉnh - ta phải u mê, bởi vì ta cảm thấy mờ mịt thế. Các phương án đều có đó: chọn cái gì, không chọn cái gì?"
Ông ấy đang mỉa mai, ông ấy đang đùa bỡn. Bao giờ nó cũng như vậy cả. Người thông minh do dự, kẻ ngốc chưa hề do dự. Bạn đã bao giờ thấy con trâu do dự chưa? Chúng đơn giản cứ đi; trên đường chúng chẳng bận tâm tới các qui tắc giao thông. Bạn bóp còi tướng lên - chúng chẳng bận tâm về bạn. Chúng đơn giản đi như các thánh nhân tâm linh.
Mọi người đều bất an, không chắc chắn. Họ cần ai đó công bố. Và khi bạn cần, ai đó nhất định công bố và khai thác bạn.
Câu hỏi thứ ba:
Khi tôi cười trong chuyện đùa của thầy tôi cảm thấy nó chỉ là phản xạ, rằng tiếng cười của tôi đang xảy ra trên bề mặt và không thấm vào trong bản thể tôi. Tôi cười ngày một ít đi. Bây giờ ngay cả cái điên khùng về chiếc khăn của thầy cũng không làm tôi xúc động. Đây có là vấn đề không?
Nó là vấn đề và là vấn đề rất nghiêm chỉnh, bởi vì với tôi tiếng cười là một trong những phẩm chất tâm linh lớn nhất.
Cố hiểu đi: chỉ con người, chỉ con người mới có thể cười được - không con vật nào khác. Có thể là ở giai đoạn con người tiếng cười mới xảy ra. Nếu bạn bắt gặp lừa cười, bạn sẽ phát điên. Hay ngựa cười - thế thì bạn sẽ không có khả năng ngủ lại lần nữa. Con vật không cười. Chúng không có nhiều thông minh. Để có tiếng cười, cần có thông minh - thông minh càng lớn tiếng cười càng sâu sắc.
Tiếng cười là biểu tượng rằng bạn thực sự là con người. Nếu bạn không thể cười, bạn còn dưới con người. Nếu bạn có thể cười, bạn đã trở thành con người. Tiếng cười là chỉ dẫn chắc chắn về nhân loại.
Aristotle nói con người là con vật có lí trí. Tôi không tin điều đó, bởi vì tôi đã quan sát con người và tôi không thấy lí trí nào trong con người cả. Định nghĩa của tôi là: con người là con vật biết cười.
Tiếng cười nghĩa là bạn có thể trở nên nhận biết về cái lố bịch của mọi vật.
Và cũng vậy: con người là con vật duy nhất có thể chán. Chán chường và khôi hài là hai phía của cùng một đồng tiền, là hai mặt của cùng một đồng tiền. Chỉ con người mới có thể chán và chỉ con người mới có thể cười. Đây là hai phẩm chất đặc biệt tồn tại trong con người. Chúng là định nghĩa về nhân loại. Con vật không bao giờ chán. Chúng cứ làm cùng những thường lệ hàng ngày, năm nọ, năm kia, từ lúc sinh tới lúc chết - chúng chẳng bao giờ chán. Bạn không thể thấy chán chường trên khuôn mặt chúng, bởi vì để chán thì cũng cần cả thông minh nữa.
Một người càng thông minh, người đó càng chán trong thế giới này. Phật đã trở nên chán với toàn bộ cái vô nghĩa được gọi là cuộc sống. Ông ấy trở nên chán với sinh, ông ấy trở nên chán với yêu, ông ấy trở nên chán với tử. Tại phương Đông, tôn giáo không là gì ngoài việc tìm kiếm để thoát ra khỏi sự tồn tại chán chường này, làm sao thoát ra khỏi avagaman - cái thường tới và đi này, cái liên tục sinh và tử này. Nó thật chán! Nó chẳng có gì mới trong đó cả. Và ý tưởng về nhiều kiếp làm cho nó thậm chí còn chán hơn.
Người Ki tô giáo ít chán hơn, người Mô ha mét giáo ít chán hơn, người Do Thái ít chán hơn, bởi vì họ chỉ có một kiếp sống. Bạn không thể nào nhiều chán trong một kiếp sống được. Một khi bạn được sinh ra, và thế rồi bạn chết đi sau bẩy mươi năm. Trong bẩy mươi năm, ba mươi năm bạn ngủ, mười lăm, hai mươi năm bạn làm việc - bạn làm việc liên tục - ba năm bạn phí hoài cho việc ăn. Trước hết bạn ăn và thế rồi bạn ỉa; cho nên con người chỉ như cái ống: một đầu bạn cứ đổ thức ăn vào, đầu kia bạn cứ tống ra.
Nếu bạn đếm tất cả các hoạt động của con người, rồi cạo râu, đứng trước gương... Tôi mới đọc một bài báo: một người đứng trước gương - và đấy là về đàn ông, đấy chưa về đàn bà đâu - bẩy mươi ngày liên tục, nếu ta tính nó liên tục, trong toàn bộ cuộc đời anh ta. Bẩy mươi ngày anh ta chỉ đứng trước gương. Bây giờ nhìn vào cái ngớ ngẩn của nó. Và đây là về đàn ông - tôi nghĩ họ đã cho một dữ liệu về đàn ông chứ không về đàn bà bởi vì điều ấy thì không thể đếm được. Đàn bà cứ đứng trước gương, chỉ để ngắm mình. Một lần bạn nhìn, thế là xong! Bây giờ bạn tìm cái gì? Cái gì bị mất sao? Hay bạn không thể tin được rằng đấy là bạn?
Nếu bạn thấy toàn bộ các hoạt động của cuộc sống thì nó thật chán. Nhưng nếu kiếp sống chỉ có một, thì nó cũng không đến nỗi chán thế. Đó là lí do tại sao người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo và người Do Thái không thể rất mang tính tôn giáo. Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo, đã đem phẩm chất khác cho tôn giáo. Họ nói cuộc sống đã như vậy hàng triệu lần rồi: sinh đi sinh lại, hoá thân đi hoá thân lại. Cuộc sống không chỉ một kiếp sống; một kiếp chỉ là một bước chuyển của bánh xe. Bánh xe đã chuyển từ lúc bắt đầu vô thuỷ. Và bạn đã làm cùng một điều hàng triệu lần, vậy mà bạn vẫn không chán sao? Thế thì bạn phải hoàn toàn ngu ngốc. Người thông minh nhất định trở nên chán.
Chán là tính người. Và bởi vì con người có thể chán nên con người có thể cười nữa. Tiếng cười là cực kia của cùng năng lượng. Toàn bộ phổ là ở giữa chán và cười.
Đó là lí do tại sao tôi hay dùng nhiều chuyện cười thế - bởi vì tôi biết chân lí tôn giáo là rất chán. Cho nên trước hết tôi đưa bạn tới cái chán, tôi đi vào vấn đề tinh tế - hừ? - tôi đưa bạn vào cái chán. Khi tôi thấy bây giờ thế là quá nhiều và bạn sẽ không thể nào chịu đựng thêm được nữa, thì tôi kể cho bạn chuyện cười. Con lắc văng trở lại. Bạn lại vui sướng. Lần nữa tôi có thể làm cho bạn chán. Bạn tươi tắn, bạn sẵn sàng. Bạn có thể vẫn chịu đựng thêm được mười, mười lăm phút nữa. Khi tôi thấy rằng bây giờ bạn đang đi tới giới hạn của mình, rằng bạn sẽ phát điên vì tôi - tôi không muốn bị giết - lần nữa, ngay lập tức tôi kể cái gì đó để cho bạn có thể cười, và bạn có thể tha thứ cho tôi.
Chán và cười là hai phẩm chất quan trọng nhất của tâm thức con người, nhưng mọi người thường lại không nhận biết về cả hai. Khi bạn chán, trước khi bạn trở nên nhận biết, bạn đơn giản bị bận tâm vào hoạt động nào đó khác đem lại niềm xúc động, cảm giác mới. Bạn đi xem phim, bạn ngồi trước ti vi; bạn tới bạn bè, bạn bắt đầu nói với ai đó, với hàng xóm. Bạn không có gì để nói, người ấy không có gì để nói - các bạn nói về những điều đó hàng triệu lần! Lại về khí hậu, lại về thời tiết, lại về con cái mình thế nào và vợ mình thế nào - và bạn chẳng quan tâm lấy một chút. Nhưng bạn chán. Bạn phải làm cái gì đó để quên nó đi. Bạn phải nói.
Một người, trong cuộc sống thường ngày, dùng năm nghìn từ. Bạn có thể nghĩ tôi nói nhiều quá - bạn nhầm. Một khi tôi nói xong rồi, tôi im lặng - nhưng tôi chưa hề vượt ra ngoài giới hạn năm nghìn từ. Bạn trải việc nói ra cả ngày. Tôi kết thúc trong buổi sáng. Nhưng tôi chưa hề vượt ra ngoài giới hạn này. Tôi luôn luôn nhìn đồng hồ.
Mọi người cứ nói chỉ để tránh sự hiện hữu của mình, để tránh cái chán của mình. Chồng chán vợ, vợ chán chồng, mẹ chán con, con chán bố mẹ - mọi người đều đơn giản chán! Nhưng chúng ta giữ điều đó ở dưới ý thức, bằng không bạn sẽ bắt đầu tự tử. Bạn sẽ làm gì?
Marcel đã viết rằng tự tử là câu hỏi quan trọng nhất, câu hỏi siêu hình duy nhất. Nó hiện hữu - bởi vì nếu toàn bộ cái chán trở thành rõ ràng cho bạn, thì bạn sẽ định làm gì? Nếu cuộc sống chỉ là lối mòn, thì phỏng có ích gì làm tất cả những cái đó? Bạn cứ lẩn tránh nó.
Trong cộng đồng tôn giáo điều đó được lôi vào sự chú ý của bạn; người ta không cho phép bạn né tránh nó. Trong đạo tràng họ có một thường lệ rất chán - cố định, cố định mãi, hàng thế kỉ. Không bao giờ xúc động, không bao giờ cảm giác. Buổi sáng họ dậy, họ tập ngồi thiền, họ uống trà, họ làm thiền đi, họ đi ăn sáng. Và mọi thứ đều hệt nhau: bữa sáng hệt nhau, trà hệt nhau; họ lại ngồi thiền, họ lại vào vườn làm việc. Và bạn đã nhìn vào khu vườn thiền chưa?
Quanh phòng thiền của mình, họ không cho phép có cây. Họ làm vườn đá - để làm bạn chán hoàn toàn. Bởi vì cây thay đổi: lúc thì là mùa xuân và có hoa và có mầu xanh tươi, và lúc thì mùa lá rụng và lá rơi xuống. Cây thay đổi! Cây không phải là sư. Cây cứ thay đổi quanh năm. Trong đạo tràng họ làm vườn đá, để cho không có gì thay đổi cả. Bạn cứ làm cùng điều mọi ngày, và bạn nhìn ra và chỉ toàn có đá và cát, và cùng mẫu hình đó. Tại sao?
Cái chán đã được dùng như một kĩ thuật, nó là một phương cách. Trong thiền, cái chán được dùng như một phương cách: bạn chán đến chết, và bạn không được phép trốn thoát. Bạn không được ra ngoài, bạn không định tự giải trí cho mình, bạn không được làm, bạn không được nói, bạn không được đọc tiểu thuyết và truyện trinh thám. Không xúc động. Không có khả năng nào để thoát đi bất kì đâu.
Và tất cả các sư đều trông giống nhau: đầu cạo trọc lốc. Bạn có để ý điều đó không? Nếu bạn cạo nhẵn đầu, râu mép, râu cằm, thì bạn trở thành gần như vô thực thể. Khuôn mặt của bạn mất đi tính cá nhân. Các sư trông đều giống nhau, bạn không thể phân biệt được bất kì khác biệt nào. Bạn thấy những cái đầu nhẵn thín và bạn phát chán. Tóc còn cho một chút ít kiểu cách, một chút ít khác biệt - tất cả cái đầu bị cạo trọc trông đều giống nhau, với tóc thì bạn còn có thể có kiểu cách. Ai đó có tóc dài, ai đó có tóc kiểu ngắn; ai đó có tóc vuông vắn và ai đó là hippie. Và có cả nghìn cách làm cái gì đó với tóc. Bạn có thể làm được gì với cái đầu? Nó hệt như nhau - ăn mặc hệt nhau, đầu hệt nhau, thức ăn hệt nhau, vườn đá hệt nhau, và thiền cũng hệt nhau. Hết năm nọ tới năm kia trong hai mươi năm.
Công việc là đem cái chán tới điểm không còn lối thoát nào là có thể và bạn phải đi qua đột phá. Khi nó là không thể chịu đựng được, khi nó tới cực đỉnh và bạn không thể chịu được nó nữa, thì nó bùng nổ. Từ cực điểm đó, bạn nhẩy. Bỗng nhiên tất cả các cái chán biến mất, bởi vì bản thân tâm trí biến mất.
Chán là một chỉ dẫn của tâm trí. Đó là lí do tại sao con vật lại không bị chán. Nếu bạn đi tới chính cực đoan, nếu bạn cứ đặt sức ép, ngày một nhiều sức ép, thì sẽ tới một cực đỉnh mà bạn đơn giản không thể chịu đựng được thêm nữa, và cái chán biến mất - và cùng với cái chán là tâm trí. Đó là điều trong thiền họ gọi là 'satori' tỏ ngộ.
Tiếng cười cũng có thể được dùng theo cùng cách đó. Bồ đề đạt ma đã dùng nó. Đã có những bậc thầy Sufi dùng nó. Có vài giáo phái thiền cũng dùng tiếng cười. Nếu bạn có thể cứ cười mãi vào sự lố bịch của mọi vật, thì ngày này hay ngày khác bạn sẽ đi tới một cực đoan mà bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng tiếng cười không tới nữa. Đó mới là vấn đề. Bạn cứ cười, bạn vẫn cố gắng cười - tiếng cười không đến. Mọi thứ dường như bị mắc kẹt, nhưng bạn cứ cố gắng. Nhiều nỗ lực bây giờ cần tới; buộc nó đến chính cực đỉnh, và một ngày tiếng cười biến mất, và cùng với tiếng cười tâm trí con người cũng biến mất.
Chán hay cười, cả hai đều có thể được dùng. Tôi dùng cả hai cùng nhau. Đầu tiên tôi làm bạn chán, thế rồi tôi giúp bạn cười. Và tôi cứ ném bạn từ cực đoan nọ sang cực đoan kia, cũng giống như người đi trên dây: khi người đó nghiêng sang phải quá nhiều và bây giờ cảm thấy mình sắp ngã, thì người đó nghiêng sang trái. Và dần dần cân bằng nảy sinh. Bây giờ đây là điểm thứ ba của sự siêu việt.
Hoặc bạn đi sang trái, xa bên trái, nhiều nhất bạn có thể đi được; hoặc bạn đi sang phải, xa bên phải - hay, bạn chỉ ở giữa, xa ở giữa, chính giữa. Và có siêu việt. Ba điểm này là những điểm siêu việt. Toàn bộ nỗ lực của tôi là không dùng cực đoan nào, nhưng cho bạn cân bằng.
Cho nên tôi cứ chuyển từ trái qua phải, nhưng toàn bộ ý tưởng là giữ cho bạn được cân bằng trên dây. Một ngày nào đó, cân bằng sẽ đem bạn tới điểm mà tại đó bỗng nhiên bạn được cân bằng tới mức tâm trí không thể tồn tại. Tâm trí có thể tồn tại chỉ hoặc bởi nghiêng sang phải hay nghiêng sang trái. Tâm trí chỉ có thể tồn tại với các cực đoan. Tâm trí không bao giờ có thể tồn tại với chỗ giữa, với cân bằng.
Phật đã gọi con đường của ông ấy là majjhim nikai - trung đạo. Con đường của tôi cũng là trung đạo. Theo nhiều, nhiều cách tôi đang cố gắng giúp bạn đi tới chỗ giữa tuyệt đối nơi mọi thứ biến mất.
Bây giờ, bạn nói: "Khi tôi cười trong chuyện đùa của thầy tôi cảm thấy nó chỉ là phản xạ, rằng tiếng cười của tôi đang xảy ra trên bề mặt và không thấm vào trong bản thể tôi."
Cố gắng đi. Đừng lo nghĩ. Cứ để cho nó là phản xạ. Cố gắng. Đôi khi bạn thậm chí sẽ cảm thấy rằng tiếng cười chỉ là trong thân thể hay trong tâm trí và bạn là nhân chứng - đấy là những khoảnh khắc đẹp. Bạn đã trở nên chút ít siêu việt lên trên tiếng cười của mình - và đó là điều tốt.
"Tôi cười ngày một ít đi" - điều đó sẽ xảy ra, nhưng bạn phải cố gắng vất vả đấy. Đấy là một trong những điều gian nan nhất, cố gắng vất vả cho tiếng cười, bởi vì người ta phải cố gắng thế nào đây? Tiếng cười dường như hoặc tới hoặc không tới - làm sao bạn có thể cố gắng nó được? Bạn càng cố gắng bạn sẽ càng thấy khó đem nó lại; nhưng cố gắng đi, cứ để nó là khó.
Nghe chuyện cười của tôi bây giờ có ý thức nhiều hơn, có chủ ý hơn. Khi tôi đang kể chuyện cười, bạn quên cả thế giới đi. Thiền sâu sắc về nó để cho bạn có thể có được toàn bộ hương vị của nó và nó thấm vào chính trái tim bạn. Và khi tiếng cười tới, cho dù nó chỉ hơi thoáng qua, chỉ là một cảm giác thoảng qua, một gợn sóng, hợp tác với nó, cho phép nó trở thành con sóng lớn. Đung đưa với nó, đi với nó - trong buông bỏ. Nó sẽ chiếm lĩnh bạn.
Đôi khi điều đó là có thể, nghe tôi nhiều quá, cười với tôi nhiều quá, dần dần thậm chí việc cười có thể có vẻ giống như chán chường. Mọi ngày cứ cười và cười mãi - điều đó nữa cũng tạo ra chán. Mọi ngày nghe chuyện cười lặp đi lặp lại, và bạn có một phẩm chất rất nhỏ của tiếng cười, một phẩm chất rất nhỏ của tiếng cười trong bạn - điều đó cảm thấy bị cạn kiệt. Nhưng bây giờ bạn phải học thêm vài điều nữa.
Nghe chuyện cười một cách tỉnh táo hơn, và khi gợn sóng nảy sinh trong bạn, hợp tác với nó, thậm chí phóng đại nó lên, đi cùng với nó. Câu hỏi này là từ Bodhi, và tôi sẽ gợi ý cho anh ấy một cách thiền đặc biệt: mọi sáng anh ấy phải cười trong ba phút chẳng vì lí do gì hết cả. Khi bạn thức dậy, điều đầu tiên - đừng mở mắt ra trước hết. Khi bạn cảm thấy giấc ngủ đã qua, bắt đầu cười trên giường mình. Trong hai, ba ngày đầu điều đó sẽ khó khăn, thế rồi nó tới - và thế thì nó tới như sự bùng nổ.
Đầu tiên nó là khó bởi vì bạn cảm thấy ngu xuẩn: sao mình lại cười? chẳng có lí do gì cả. Nhưng dần dần bạn sẽ cảm thấy ngu xuẩn và bạn bắt đầu cười vào cái ngu xuẩn của mình - và thế rồi nó chiếm lĩnh bạn. Thế thì nó không thể nào cưỡng lại được. Thế thì bạn cười vào toàn bộ cái ngớ ngẩn. Và thế thì ai đó khác - vợ bạn, bạn gái của bạn, hàng xóm - có thể bắt đầu cười khi thấy rằng bạn là thằng ngốc, và thế thì điều đó sẽ giúp cho bạn.
Tiếng cười có thể trở thành lây lan. Bạn cứ thử xem, rồi bạn báo cho tôi sau một tháng. Cười vào mọi sáng, và nếu bạn thích nó thì vào cả ban đêm trước khi bạn đi ngủ. Thế thì có khả năng là trong mơ của bạn tôi có thể kể cho bạn vài chuyện cười.
Bây giờ để tôi kể cho bạn vài chuyện cười chẳng vì lí do gì hết cả:
Cô gái đẹp là ứng cử viên xin việc tại sở thú làm người dạy sư tử. Ứng cử viên kia là một thanh niên hăm hở. Người quản lí nói ông ấy sẽ cho cả hai một cơ hội và bảo cô gái chui vào chuồng.
Cô gái này, mặc chiếc áo lông lớn, đã chui vào. Con sư tử khổng lồ để cho cô gái vào và nó ngay lập tức bắt đầu tấn công cô gái. Bỗng nhiên cô gái đứng thẳng dậy, tụt bộ áo lông ra và đứng đó trần truồng hoàn toàn. Con sư tử dừng sững lại, đi vòng quanh, và đi một cách nhu mì vào góc.
Người quản lí thực sự ngạc nhiên. Ông ta quay sang anh thanh niên. "Này, anh bạn, anh có cho rằng anh có thể vượt hơn thế được không?"
"Tôi cũng muốn thử," anh chàng này nói, "chỉ làm cho con sư tử khùng kia ra khỏi đó."
Người bố đem hai đứa con mười tuổi tới Miami trong chuyến thăm đầu tiên của chúng. "Bố muốn các con được đầy nắng," ông già nói, "và để chắc chắn các con có nắng, bố sẽ phạt các con một đô la một giờ nếu các con về sau nửa đêm."
Đứa con thứ nhất về nhà vào hai giờ sáng và sáng hôm sau phải trả cho bố nó hai đô la, vừa nói, "Đáng giá lắm. Cô ấy đẹp thế! Cô ấy lãng mạn thế! Cô ấy say đắm thế!"
Hôm sau đứa con thứ hai về nhà lúc năm giờ sáng và đưa cho bố nó năm đô la, thở dài sườn sượt, "Đáng giá lắm. Cô ấy đẹp thế! Cô ấy lãng mạn thế! Cô ấy say đắm thế!"
Đêm thứ ba người bố ở cả đêm - hai mươi bốn giờ. Khi ông ta về nhà ông ta ném cả cái ví của mình lên bàn và nói với các con, "Cầm hết cả đi. Đáng giá lắm. Cô ấy đẹp thế! Cô ấy lãng mạn thế! Và các con - cô ấy kiên nhẫn thế!"
Câu hỏi thứ tư:
Tôi bị lẫn lộn. Khi thầy nói về yêu với hai mũi tên tôi cảm thấy bị xuyên thấu vào tim và nỗi đau đẹp đẽ nảy sinh trong tôi. Yêu có đau không? Tôi ở đâu và tôi từ đây đi đâu?
Yêu là đau, nhưng cái đau này chắc chắn là phúc lành. Dục không đau. Dục rất tiện lợi, thoải mái. Mọi người dùng nó gần như thuốc giảm đau, thuốc an thần.
Yêu là đau - bởi vì yêu đem tới trưởng thành. Yêu là đau bởi vì yêu đòi hỏi. Yêu là đau bởi vì yêu làm biến đổi. Yêu là đau bởi vì yêu cho bạn sinh thành mới.
Dục không chạm tới bạn chút nào. Nó là máy móc. Nó chỉ là sinh lí. Yêu đem trái tim bạn vào quan hệ - và khi trái tim trong quan hệ thì bao giờ cũng có đau. Nhưng bạn đừng tránh đau. Nếu bạn tránh đau, bạn sẽ bỏ lỡ mọi niềm vui của cuộc sống.
Trong dục có thể có thảnh thơi. Trong dục có thể có lành mạnh và vệ sinh sinh lí. Nhưng không có trưởng thành. Bạn vẫn còn là con vật. Với yêu bạn trở thành con người. Với yêu bạn trở thành ở tư thế đứng thẳng. Với yêu bạn bắt đầu đứng thẳng trên đất. Với dục bạn lại là con vật, bạn nằm ngang trên đất, chỉ đi như con vật, bò. Với yêu bạn đứng thẳng, theo chiều đứng.
Với yêu có vấn đề. Với dục không có vấn đề chút nào. Nhưng vấn đề là sự trưởng thành! Vấn đề càng lớn, thì cơ hội càng lớn.
Cho nên bạn hỏi tôi: "Yêu có đau không?" Chắc chắn yêu là đau, nhưng cái đau đó là phúc lành. Và bạn đã cảm thấy nó, người hỏi đã cảm thấy nó. Câu hỏi này là từ Deva Saguna.
Cô ấy nói: "Tôi bị lẫn lộn. Khi thầy nói về yêu với hai mũi tên tôi cảm thấy bị xuyên thấu vào tim và nỗi đau đẹp đẽ nảy sinh trong tôi."
Cô ấy là nhận biết rằng nó là đẹp. Bây giờ bạn đừng co lại từ nó. Ngày càng nhiều ân huệ hơn đang chờ bạn, nhưng, tất nhiên, cũng ngày càng nhiều đau hơn.
Đó là lí do tại sao nhiều người chưa hề yêu - nó đau đớn thế. Họ chọn không yêu, nhưng thế thì họ vẫn còn mang tính con vật; họ chưa bao giờ trở thành con người, họ chưa bao giờ trở nên đứng thẳng. Họ chưa bao giờ nắm cuộc sống mình trong tay mình. Họ chưa bao giờ có giá trị gì - họ là vô giá trị. Yêu làm cho bạn thành quí giá.
Và nếu bạn đang trong yêu, thế thì bạn sẽ thấy rằng có cái đau sâu hơn mà đó là của lời cầu nguyện. Nó làm bạn tan nát hoàn toàn. Yêu chưa bao giờ làm bạn tan nát hoàn toàn. Nó đơn giản làm tan nát bạn một chút, một chút ít. Nó làm tan nát lớp vỏ của bản ngã bạn, nhưng phần trung tâm của bản ngã vẫn còn nguyên. Thế thì có nỗi đau sâu hơn, sâu hơn yêu, và đó là của lời cầu nguyện - nó làm tan nát bạn hoàn toàn. Nó là cái chết. Khi bạn đã biết cách yêu, và bạn đã biết rằng nỗi đau mà yêu đem tới là phúc lành trá hình, nó là đẹp, nó cực kì đẹp, thế thì bạn trở nên có khả năng và bạn lấy bước nữa - bước đó là lời cầu nguyện.
Với người yêu con người thì bạn có thể tồn tại, nhưng với Thượng đế là tình yêu của bạn thì bạn không thể tồn tại được. Niềm đam mê đó lớn lao thế, nó đơn giản đốt cháy bạn hoàn toàn. Không phần nào còn lại. Trong yêu bạn đơn giản bị bỏng, nhưng bạn vẫn còn đó. Người yêu vẫn còn, chờm lấp lên nhau, đốt cháy nhau một chút trong ngọn lửa của mình, nhưng không đốt cháy hoàn toàn. Đó là cái đẹp của tình yêu, và đó cũng là khổ của nó nữa. Chừng nào bạn còn chưa hoàn toàn bị tan nát, không phần nào còn lại, bản ngã vẫn còn chưa chết, chưa hoàn toàn chết, thì sẽ vẫn còn chút ít khổ.
Mọi người yêu đều cảm thấy chút ít khổ. Họ muốn biến mất hoàn toàn, nhưng điều đó là không thể được trong quan hệ con người. Quan hệ con người bị giới hạn. Nhưng người ta học từ đó, rằng có một khả năng: nếu nó có thể xảy ra nhiều thế trong quan hệ con người, thì nó còn có thể xảy ra nhiều đến đâu trong quan hệ với điều thiêng liêng?
Yêu làm cho bạn sẵn sàng lấy bước nhảy cuối cùng, bước nhảy lượng tử. Đó là điều tôi gọi là lời cầu nguyện, hay bạn có thể gọi nó là thiền. Nếu bạn dùng thuật ngữ Phật giáo, thì nó là thiền; nếu bạn dùng thuật ngữ Hindu giáo, Mô ha mét giáo, Ki tô giáo, đấy là lời cầu nguyện. Nhưng ý nghĩa thì là một. Bạn phải biến mất để cho Thượng đế hiện hữu. Yêu là mảnh đất huấn luyện, là trường học, để học bài học thứ nhất - về cái đẹp, về phúc lành của sự biến mất; để học rằng đau đớn là ân huệ. Và thế thì ham muốn nảy sinh để cảm thấy nỗi đau tối thượng. Người sùng kính Hindu đã gọi nó là virah - nỗi đau tối thượng; nỗi đau sẽ vẫn còn chừng nào người ta chưa bị Thượng đế tiêu hoá, bị tiêu hoá trong Thượng đế.
Cho nên khi bạn đang yêu, hay khi tình yêu nảy sinh, hợp tác với nó, đừng cố kháng cự. Mọi người đều đi tới thoả hiệp. Những người yêu - tôi đã quan sát hàng nghìn người yêu. Mọi ngày họ tới tôi; họ đem vấn đề của mình tới. Nhưng vấn đề cơ bản mà tôi đã nhìn thấy là ở chỗ những người yêu dần dần đi tới thoả hiệp. Thoả hiệp đó là: Anh đừng làm đau tôi, tôi sẽ không làm đau anh. Đó là điều hôn nhân là gì. Thế thì mọi người trở nên được giải quyết. Họ trở nên sợ đau đớn đến mức họ nói, "Đừng làm đau tôi và tôi sẽ không làm đau anh." Nhưng thế thì khi đau biến mất, tình yêu cũng biến mất. Chúng tồn tại cùng nhau.
Tôi đã nghe:
Bệnh nhân nam phàn nàn với nha sĩ rằng anh ta đau khủng khiếp, nhưng anh ta cứ nhất định đòi giữ chiếc răng. Nha sĩ mặc chiếc áo choàng trắng, điều chỉnh đèn trên trán, khởi động máy khoan, và nói, "Thôi được rồi, bây giờ há mồm ra và nhìn cho rõ điều chúng ta có thể làm."
Thế là bệnh nhân tóm lấy phía dưới thắt lưng nha sĩ. "Anh làm cái đồ chết tiệt gì đấy?" Nha sĩ la lên.
"Bây giờ," người này nói một cách thản nhiên, vẫn không buông ra, "chúng ta sẽ không làm đau lẫn nhau chứ?"
Bây giờ đây là điều xảy ra. Khi bạn đang trong yêu, thì yêu làm đau. Nó làm đau khủng khiếp. Thế là các bạn tóm lấy nhau và các bạn nói, "Cái gì đấy...! Cùng nhau thoả hiệp vậy: để cho nó không là chuyện tình nữa - để cho nó thành hôn nhân. Làm nó thành hợp pháp. Và anh sẽ không làm tổn thương em nếu em không làm tổn thương anh." Thế rồi chồng và vợ sống với nhau mà lại không cùng nhau. Họ sống với nhau một mình. Nhiều nhất họ chịu đựng nhau. Họ là bệnh nhân lẫn cho nhau, nhưng tình yêu đã biến mất.
Yêu là đau. Bạn đừng bao giờ chống lại, đừng bao giờ tạo ra bất kì rào chắn nào cho nỗi đau. Cho phép nó. Và dần dần bạn sẽ thấy rằng đấy đã là diễn giải sai. Nó không thực sự là đau. Nó chỉ là cái gì đó đi sâu vào trong bạn tới mức bạn diễn giải nó như cái đau. Bạn không biết cái gì khác. Bạn chỉ nhận biết về cái đau trong kiếp sống quá khứ của mình, trong kinh nghiệm quá khứ của mình. Bất kì khi nào cái gì đó thấm vào sâu, bạn đều diễn giải nó như cái đau.
Đừng dùng từ 'đau'. Khi yêu và mũi tên của tình yêu đi sâu vào trong trái tim bạn, nhắm mắt lại và đừng dùng lời - chỉ thấy nó là cái gì, và bạn sẽ không bao giờ thấy nó là cái đau. Bạn sẽ thấy nó là phúc lành. Bạn sẽ bị xúc động cực kì bởi nó. Bạn sẽ cảm thấy vui sướng.
Đừng dùng lời. Khi cái gì đó mới xảy ra cho bạn, bao giờ cũng cho phép cái nhìn sâu sắc vào trong nó mà không có ngôn ngữ nào cả.
Câu hỏi cuối cùng:
Thầy không phải là guru của người giầu sao?
Tôi có chứ - bởi vì chỉ người giầu mới có thể tới với tôi. Nhưng khi tôi nói 'người giầu' tôi ngụ ý người rất nghèo bên trong. Khi tôi nói 'người giầu' thì tôi ngụ ý người giầu về thông minh; tôi ngụ ý người đã có mọi thứ mà thế giới có thể cho người đó, và đã thấy rằng nó là vô tích sự.
Vâng, chỉ người giầu mới có thể trở nên có tính tôn giáo. Tôi không nói rằng người nghèo không thể trở nên có tính tôn giáo, nhưng điều đó là rất hiếm hoi, ngoại lệ. Người nghèo cứ hi vọng. Người nghèo còn chưa biết giầu có là gì. Người đó còn chưa bị thất vọng với nó. Làm sao người đó có thể vượt ra ngoài giầu có nếu người đó không bị thất vọng với chúng? Người nghèo đôi khi cũng tới tôi, nhưng thế thì người đó tới vì cái gì đó mà tôi không thể cung cấp được. Người đó hỏi về thành công. Con của người đó chưa có việc làm; người đó hỏi, "Osho ơi, xin ban phúc cho nó." Vợ người đó ốm, hay người đó bị mất tiền trong thời nhộn nhạo này. Đây là triệu chứng của người nghèo, người cứ hỏi về những thứ của thế giới này.
Khi người giầu tới tôi, người đó có tiền, người đó có việc làm, người đó có nhà, người đó có sức khoẻ - người đó có mọi thứ mà người ta có thể có. Và bỗng nhiên người đó đã đi tới nhận ra rằng chẳng có gì thoả mãn cả. Thế thì việc tìm kiếm Thượng đế bắt đầu.
Vâng, đôi khi người nghèo cũng có thể mang tính tôn giáo, nhưng để có điều đó thì cần có thông minh rất lớn. Người giầu, nếu người đó không mang tính tôn giáo, là người ngu. Người nghèo, nếu người đó mang tính tôn giáo, là cực kì thông minh. Nếu người nghèo không mang tính tôn giáo, người đó phải được tha thứ. Nếu người giầu không mang tính tôn giáo, tội lỗi của người đó là không thể dung thứ được.
Tôi là guru của người giầu. Điều đó tuyệt đối là như vậy. Để tôi kể cho bạn một giai thoại:
Họ đã cưới nhau được hai mươi nhăm năm và họ đã có cuộc tranh luận lớn nhất vào ngày kỉ niệm đám cưới bạc của mình. Cô ấy chưa bao giờ xúc phạm nặng hơn hay thấp hơn: "Nếu như đấy mà không phải là tiền của em, thì cái ti vi kia đã không ở đây rồi. Nếu như đấy không phải là tiền của em, thì chính cái ghế anh đang ngồi đã không có ở đây rồi!"
"Em có trẻ con không đấy?" Anh ta ngắt lời. "Nếu như đấy không phải là tiền của em - thì anh đã không ở đây rồi!"
Và để tôi nói điều này cho bạn: Nếu như đấy không phải là tiền của bạn, thì bạn đã không ở đây rồi. Bạn ở đây bởi vì bạn thất vọng với tiền của mình. Bạn ở đây vì bạn thất vọng với thành công của mình. Bạn ở đây vì bạn thất vọng với cuộc sống của mình. Người ăn mày không thể tới được bởi vì người đó còn chưa thất vọng.
Tôn giáo là xa hoa - xa hoa cuối cùng, tối thượng, tôi gọi nó thế, bởi vì nó có giá trị cao nhất. Khi con người bị đói, người đó không quan tâm tới âm nhạc, không thể được. Và nếu bạn bắt đầu chơi đàn sitar trước người đó, người đó sẽ giết bạn. Người đó sẽ nói, "Anh sỉ nhục tôi! Tôi đang đói còn anh lại chơi đàn sitar - đây là lúc chơi đàn sitar sao? Cho tôi ăn trước hết! Và tôi đói tới mức tôi không thể nào hiểu được âm nhạc. Tôi đang chết đây!" Khi một người sắp chết đói, bức hoạ của van Gogh phỏng có ích gì? hay buổi thuyết pháp của phật? hay Upanishads hấp dẫn, hay âm nhạc? - vô nghĩa. Người đó cần bánh mì.
Khi người ta hạnh phúc với thân thể mình, có đủ ăn, có nhà đẹp để sống, người đó bắt đầu trở nên quan tâm tới âm nhạc, thơ ca, văn học, hội hoạ, nghệ thuật. Bây giờ cơn đói mới nảy sinh. Nhu cầu thân thể đã được thoả mãn, bây giờ nhu cầu tâm lí nảy sinh. Có cấp bậc trong nhu cầu: thứ nhất là thân thể; nó là cơ sở, nó là nền tảng của con người bạn. Không có nền tảng này, tầng thứ nhất không thể tồn tại được.
Khi nhu cầu thân thể bạn được đáp ứng, nhu cầu tâm lí nảy sinh. Khi nhu cầu tâm lí của bạn cũng được đáp ứng, nhu cầu tâm linh của bạn nảy sinh. Khi một người đã nghe tất cả âm nhạc có sẵn trên thế giới, và đã thấy tất cả những cái đẹp, và đã thấy rằng nó tất cả đều là giấc mơ; đã nghe tất cả các nhà thơ lớn, và đã thấy rằng đấy chỉ là cách để quên đi bản thân mình, chỉ là cách làm say bản thân mình, mà nó chẳng dẫn bạn tới đâu cả; đã thấy tất cả mọi bức tranh và các tác phẩm nghệ thuật lớn - vui vẻ, giải trí, nhưng rồi cái gì...? Thế thì tay vẫn còn trống rỗng, còn trống rỗng hơn chúng trước đây. Thế thì âm nhạc và thơ ca là không đủ. Thế thì ham muốn thiền, ham muốn cầu nguyện, cơn đói Thượng đế, cơn đói chân lí nảy sinh. Một đam mê lớn chiếm hữu lấy bạn và bạn đi vào trong việc tìm kiếm chân lí, bởi vì bạn bây giờ biết: chừng nào bạn còn chưa biết chân lí tối mật của sự tồn tại này là gì, thì không cái gì có thể thoả mãn được. Tất cả những cái khác bạn đã thử và nó đã thất bại.
Tôn giáo là xa hoa tối thượng. Hoặc bạn phải trở nên rất giầu để đi tới xa hoa này, hoặc bạn phải cực kì thông minh. Nhưng trong cả hai trường hợp bạn đều giầu - giầu bằng tiền bạc hay giầu bằng thông minh. Tôi chưa bao giờ thấy một người thực sự nghèo - nghèo về thông minh, nghèo về của cải - mà trở nên mang tính tôn giáo.
Kabir đã trở nên có tính tôn giáo. Ông ấy không phải là triệu phú, nhưng ông ấy cực kì thông minh. Phật đã trở nên có tính tôn giáo bởi vì ông ấy cực kì giầu. Krishna và Ram và Mahavira đã trở nên mang tính tôn giáo bởi vì họ cực kì giầu. Dadu, Raidas, Farid, họ đã trở nên mang tính tôn giáo bởi vì họ đã cực kì thông minh. Nhưng một loại giầu có nào đó là cần thiết.
Vâng, bạn phải: tôi là guru của người giầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét