CHƯƠNG 2. ĐẠO LÀ HOÀN HẢO
Khi ý nghĩa sâu sắc của sự việc không được hiểu thì an bình bản chất của tâm trí bị rối loạn chẳng ích lợi gì.
Đạo là hoàn hảo như không gian bao la nơi không gì thiếu và không gì thừa.
Quả vậy, chính do việc chọn lựa của chúng ta để chấp nhận hay bác bỏ mà chúng ta không thấy bản chất đúng của mọi sự việc.
Sống không dính líu với sự việc bên ngoài, không dính líu tới cảm giác bên trong về trống rỗng.
Chân thành không có hoạt động cố gắng trong cái một của mọi sự, và cái nhìn sai lầm sẽ tự nó biến mất.
Khi cố gắng dừng hoạt động để đạt tới tính thụ động, thì chính nỗ lực làm ông tràn đầy với hoạt động.
Chừng nào ông còn ở cực đoan này hay cực đoan khác thì ông sẽ chẳng bao giờ biết tới cái một.
Những người không sống theo Đạo duy nhất thì thất bại cả trong hoạt động và thụ động, khẳng định và phủ định.
Cần một vài điều trước khi chúng ta đi vào lời kinh này của Tăng Xán. Tại phương Tây, mới vài năm trước đây, có một nhà thôi miên người Pháp, Emile Coué; ông ấy ngẫu nhiên khám phá ra một trong những luật cơ bản nhất của tâm trí con người. Ông ấy gọi nó là “luật hiệu quả ngược” - đó là một trong những lời kinh cổ nhất trong tư tưởng của Đạo giáo và Thiền. Tăng Xán đang nói về luật này. Cố gắng hiểu luật này, thế thì lời của ông ấy sẽ đơn giản để hiểu.
Chẳng hạn, nếu bạn không cảm thấy buồn ngủ bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ cố gắng để vào giấc ngủ - bạn sẽ nỗ lực, bạn sẽ làm điều này điều nọ, nhưng bất kì cái gì bạn làm cũng chỉ đem tới kết quả ngược lại; chính cái bạn cần thì không tới. Chỉ cái đối lập mới xảy ra, bởi vì bất kì hoạt động nào, bất kì nỗ lực nào, cũng đều chống lại việc ngủ.
Ngủ là sự thảnh thơi. Bạn không thể đem nó lại, bạn không thể làm bất kì điều gì cho nó xảy ra. Bạn không thể ép buộc nó, bạn không thể gò ép nó - nó không phải là một phần của ý chí bạn chút nào. Nó đi vào trong vô ý thức, và ý chí của bạn chỉ là một mảnh của ý thức.
Khi bạn đi vào trong vô ý thức, hướng tới chiều sâu, thì mảnh vốn là ý thức, mảnh vốn là ý chí, bị bỏ lại trên bề mặt. Bạn không thể đem bề mặt của mình xuống chiều sâu, bạn không thể đem chu vi của mình vào trung tâm. Cho nên khi bạn nỗ lực đi vào giấc ngủ, đó là điều tự phá hoại. Bạn đang làm điều gì đó mà sẽ trở thành chính cái đối lập - bạn sẽ trở nên tỉnh nhiều hơn. Cách duy nhất để đi vào giấc ngủ là không làm gì cả. Nếu nó không tới, thì nó không tới. Đợi đấy... đừng làm gì cả! Bằng không bạn đang đẩy nó ra xa thêm và khoảng cách sẽ được tạo ra. Cứ đợi trên gối, tắt đèn đi, nhắm mắt lại, thảnh thơi và chờ đợi. Bất kì khi nào nó tới, thì nó tới. Bạn không thể đem nó lại bằng bất kì hành động nào theo ý chí của mình - ý chí sẽ chống lại vô thức.
Và điều này xảy ra trong nhiều sự việc trong cuộc sống: chỉ cái đối lập tới từ nó. Nếu bạn muốn im lặng, bạn sẽ làm gì? Bởi vì im lặng cũng giống hệt như giấc ngủ. Bạn không thể ép buộc nó. Bạn có thể cho phép nó xảy ra, nó là sự buông bỏ, nhưng không có cách nào để làm cho nó làm việc. Bạn sẽ làm gì nếu bạn muốn im lặng? Nếu bạn làm bất kì cái gì thì bạn sẽ lại ít im lặng hơn bao giờ hết.
Nếu bạn muốn tĩnh lặng, bạn sẽ làm gì? - bởi vì tĩnh lặng có nghĩa là không làm. Bạn đơn giản nổi lên, bạn đơn giản thảnh thơi! Và khi tôi nói đơn giản thảnh thơi, tôi ngụ ý đơn giản. Không phương pháp nào cần dùng tới cho việc thảnh thơi, bởi vì phương pháp lại có nghĩa là bạn đang làm điều gì đó.
Có một cuốn sách; tựa đề của nó là Bạn phải thảnh thơi! Và ‘phải’ thì chống lại thảnh thơi; cái ‘phải’ không nên được đưa vào, nếu không thì bạn sẽ trở thành căng thẳng hơn.
Luật này đã được Emile Coué phát minh ra, và ông ấy nói, “Để cho mọi sự xảy ra, đừng ép buộc chúng.” Có những điều có thể bị ép buộc - tất cả những cái đó đều thuộc về ý thức, tâm trí có thể bị ép buộc. Nhưng có những điều không thể bị ép buộc. Tất cả những cái đó thuộc về vô thức, thuộc về chiều sâu của bạn, không thể bị ép buộc.
Điều đó xảy ra nhiều lần: bạn đang cố gắng nhớ lại một cái tên hay một khuôn mặt và nó lại không tới, nhưng bạn vẫn cảm thấy nó chỉ ngay trên đầu lưỡi mình. Cảm giác này sâu sắc đến mức bạn cảm thấy nó sắp ra và bạn cố gắng đem nó ra. Và bạn càng cố gắng nó lại càng không tới. Bạn trở nên hoài nghi liệu cảm giác đó có đúng hay không. Nhưng bạn cảm thấy - toàn bộ con người bạn nói nó có đó, chỉ ngay trên đầu lưỡi bạn. Nhưng sao nó lại không tới nếu nó đang trên đầu lưỡi bạn? Nó sẽ không tới. Bạn cứ làm bất kì cái gì bạn muốn làm đi, nó sẽ không ra đâu.
Thế rồi bạn thất vọng, thế rồi bạn cảm thấy vô vọng, thế rồi bạn vứt bỏ toàn bộ ý định này. Bạn ra vườn, bạn bắt đầu làm việc trong vườn, hay bạn bắt đầu đọc báo, hay bạn bật radio và nghe nhạc - và bỗng nhiên nó bật ra. Điều gì đã xảy ra?
Nó thuộc về vô ý thức, nó ở sâu trong bạn. Và bạn càng cố gắng bạn càng trở thành chật hẹp; và bạn càng cố gắng, vô thức càng bị quấy rối. Nó trở thành hỗn loạn, thế thì mọi sự trở thành bất ổn. Nó đã có đó chỉ trên đầu lưỡi, nhưng bởi vì bạn quá tích cực đem nó ra... bạn đã dùng ý chí, và ý chí không thể đem bất kì cái gì từ chiều sâu của bạn ra được. Chỉ việc buông xuôi mới đem nó ra, chỉ khi bạn buông bỏ.
Cho nên khi bạn đi vào công viên hay ra vườn, bắt đầu đọc báo, đào hố dưới đất, nghe nhạc, bạn quên mất về toàn bộ ý định... thì bỗng nhiên nó có đó. Đây là luật hiệu quả ngược. Với vô thức, nhớ lấy, ý chí là không có tác dụng - không chỉ không tác dụng, nó cũng còn nguy hiểm nữa, có hại nữa.
Lão Tử, Trang Tử, Bồ đề đạt ma, Tăng Xán - họ là bậc thầy về luật hiệu quả ngược này. Và đây là sự khác biệt giữa Yoga và Thiền. Yoga làm mọi nỗ lực còn Thiền lại không nỗ lực, và Thiền đúng hơn bất kì Yoga nào. Nhưng Yoga lại hấp dẫn, bởi vì chừng nào bạn còn liên quan tới làm thì đều dễ dàng - dù vất vả đến đâu, nhưng làm là dễ dàng.
Không làm mới khó. Nếu ai đó nói, “Đừng làm gì cả,” bạn lúng túng. Bạn lại hỏi, “Phải làm gì?” Nếu ai đó nói, “Đừng làm gì cả,” đó là điều khó nhất cho bạn. Nó không nên như vậy nếu bạn hiểu.
Không làm không đòi hỏi phẩm chất nào cả. Làm có thể đòi hỏi phẩm chất, làm có thể đòi hỏi công phu. Không làm không đòi hỏi công phu. Đó là lí do tại sao Thiền nói chứng ngộ có thể xảy ra trong một khoảnh khắc - bởi vì đấy không phải là vấn đề về cách đem nó lại, đấy là vấn đề về cách cho phép nó. Nó cũng hệt như ngủ: bạn thảnh thơi và nó có đó, bạn thảnh thơi và nó bật ra. Nó đang vật lộn trong tim bạn để đi ra. Bạn không cho phép nó bởi vì bạn có quá nhiều hoạt động trên bề mặt.
Bạn đã bao giờ để ý tới sự kiện là gần như chín mươi phần trăm trẻ con đều được sinh ra ban đêm, không trong ban ngày không? Tại sao? Đáng ra là phải năm mươi - năm mươi chứ. Tại sao chúng lại chọn ban đêm nhiều hơn? Và chín mươi phần trăm! Bởi vì người mẹ vô ý thức, trong sự buông bỏ. Cô ấy đang ngủ và đứa trẻ có thể ra một cách dễ dàng.
Nếu cô ấy nhận biết, cô ấy sẽ nỗ lực và luật hiệu quả ngược sẽ có đó. Khi người mẹ tỉnh cô ấy sẽ làm mọi nỗ lực để cô ấy vượt ra ngoài nỗi đau và sự việc kết thúc, đứa trẻ được sinh ra. Và mọi nỗ lực đều là rào chắn; cô ấy dựng lên cản trở. Cô ấy càng cố, bước chuyển càng hẹp lại, và đứa trẻ không thể ra được.
Trong các xã hội nguyên thuỷ, người mẹ không đau khi họ sinh con, không đau chút nào. Và đây là phép màu. Khi lần đầu tiên y học phương Tây khám phá ra điều này- rằng có những xã hội nguyên thuỷ nơi người mẹ không đau chút nào - họ không thể tin vào điều đó được. Làm sao điều ấy lại có thể được?
Thế rồi nhiều thực nghiệm đã được tiến hành, nhiều dự án nghiên cứu, và người ta đã phát hiện ra rằng đấy là vì họ vô ý thức. Họ sống như con vật hoang; không có tranh đấu, không ép buộc. Họ không bó buộc gì, họ đơn giản nổi lên. Họ nguyên thuỷ, họ không có tâm trí rất ý thức. Càng văn minh ý chí bạn càng được huấn luyện, và vô thức của bạn đi càng xa hơn, sâu hơn, và có lỗ hổng.
Nếu có điều gì đó phải làm, dù khó đến đâu, bạn vẫn có thể tìm ra cách thức, cách thực hiện nó. Bạn có thể học kĩ thuật; có các chuyên gia, bạn có thể được huấn luyện. Nhưng trong Thiền không ai có thể được huấn luyện cả. Trong Thượng đế không có chuyên gia và không có người có thẩm quyền - không thể thế được, bởi vì đấy không phải là vấn đề cách thức, đấy là vấn đề thảnh thơi trong con người bạn, không làm gì cả. Điều vĩ đại nhất sẽ xảy ra cho bạn chỉ khi bạn không có đó. Và nếu bạn đang làm điều gì đó, bạn nhất định là có đó.
Giấc ngủ tới khi bạn không có đó. Chứng ngộ cũng đi theo cùng qui tắc - nó tới khi bạn không có đó. Nhưng khi bạn đang làm, làm sao bạn sẽ vắng mặt đồng thời được? Nếu bạn đang làm điều gì đó, bạn sẽ có đó. Hành động nuôi dưỡng cho bản ngã. Khi bạn không làm gì cả, bản ngã không thể nào được nuôi dưỡng. Nó đơn giản biến mất, nó chết, nó không có đó. Và khi bản ngã không có đó, ánh sáng giáng xuống.
Cho nên bất kì điều gì bạn làm một cách có ý chí đều sẽ là rào chắn. Trong việc thiền của tôi ở đây, làm chúng, nhưng đừng theo cách có ý chí. Đừng ép buộc chúng; thay vì thế, để cho chúng xảy ra. Nổi trong chúng, bỏ bản thân mình trong chúng. Bị hấp thu, nhưng không có ý chí. Đừng thao túng, bởi vì khi bạn thao túng, bạn bị phân chia, bạn trở thành hai: người thao tác và cái bị thao tác. Một khi bạn là hai, thiên đường và địa ngục lập tức được tạo ra; thế thì có khoảng cách bao la giữa bạn và chân lí. Đừng thao túng, cho phép mọi sự xảy ra.
Nếu bạn đang tập Thiền Kundalini, cho phép việc rung động - đừng làm điều đó! Đứng im lặng, cảm thấy nó tới, và khi thân thể bạn bắt đầu chút ít rung rinh, giúp nó, nhưng đừng làm nó! Tận hưởng nó, cảm thấy phúc lạc về nó, cho phép nó, đón nhận nó, chào mừng nó, nhưng không bắt ép nó.
Nếu bạn ép buộc, nó sẽ trở thành bài tập, bài tập thể dục. Thế thì việc rung động sẽ có đó, nhưng chỉ trên bề mặt. Nó sẽ không thấm vào bạn. Bạn sẽ vẫn còn cứng nhắc, tựa hòn đá, tảng đá bên trong. Bạn sẽ vẫn còn là người thao tác, người làm, và thân thể sẽ chỉ tuân theo. Thân thể không là vấn đề, bạn mới là vấn đề.
Khi tôi nói rung động, tôi ngụ ý cái cứng nhắc của bạn, con người tựa tảng đá của bạn nên rung động tới chính nền tảng, để cho nó trở thành chất lỏng, linh động, tan chảy, luồng chảy. Và khi con người tựa tảng đá trở thành linh động, thân thể bạn sẽ theo sau. Thế thì không có người rung động, chỉ có việc rung; thế thì không ai làm nó, nó đơn giản xảy ra. Thế thì người làm không có.
Tận hưởng nó, nhưng đừng ép buộc nó. Và nhớ, bất kì khi nào bạn ép buộc điều gì, bạn không thể tận hưởng nó được. Chúng là đảo ngược lại, chúng là đối lập; chúng chưa bao giờ gặp gỡ. Nếu bạn ép buộc một điều, bạn không thể tận hưởng nó, nếu bạn tận hưởng nó, bạn không thể ép buộc nó.
Chẳng hạn, bạn có thể ép buộc tình yêu của mình. Bạn có thể làm nó theo sách hướng dẫn, nhưng thế thì bạn sẽ không tận hưởng nó. Nếu bạn tận hưởng nó, bạn sẽ phải vứt tất cả sách hướng dẫn đi; tất cả Kinsey và các thầy và Johnson, bạn phải ném tất cả họ đi. Bạn phải quên hoàn toàn về tất cả những điều bạn đã học về tình yêu. Ngay chỗ ban đầu bạn sẽ lúng túng, bởi vì không có hướng dẫn, không bản đồ. Làm sao bắt đầu?
Chỉ đợi thôi... và để cho năng lượng bên trong của bạn chuyển động, và theo năng lượng đó dù nó đưa đến bất kì đâu. Có thể mất chút thời gian, nhưng khi tình yêu tới, nó xảy tới bất thình lình cho bạn. Bạn không còn đó nữa. Tình yêu có đó nhưng không có người yêu. Tình yêu xảy ra như năng lượng, nhưng nó không có bản ngã bên trong. Thế thì nó mênh mông, thế thì nó là giải thoát lớn lao. Và thế thì tình yêu trở thành niềm cực lạc, và bạn biết điều gì đó mà đã từng được biết tới cho những người đã đi tới điều thiêng liêng. Bạn biết một mảnh của nó, một giọt nước của đại dương. Bạn biết một tia sáng - và thế rồi mùi vị tới với bạn.
Thiền, Thượng đế, chứng ngộ, niết bàn, tất cả chúng đều đi vào trong bản thể qua tình yêu, bởi vì qua tình yêu một thoáng nhìn được đạt tới. Và khi thoáng nhìn đó có đó, các linh hồn bạo dạn lên đường phiêu lưu để tìm tới cội nguồn mà từ đó thoáng nhìn này tới. Qua tình yêu, Thượng đế được khám phá ra. Đó là lí do tại sao Jesus cứ nói mãi... bất kì khi nào ai đó hỏi, “Thượng đế là gì?” ông ấy đều nói, “Thượng đế là tình yêu,” bởi vì qua tình yêu thoáng nhìn đầu tiên tới.
Nhưng tiến trình này là một: bạn không thể gò ép tình yêu được. Nếu bạn gò ép, toàn bộ cái đẹp bị mất, toàn bộ mọi sự trở thành máy móc. Bạn trải qua toàn bộ các nghi lễ, nhưng chẳng cái gì xảy ra cả. Không có niềm cực lạc - nó là cái gì đó được làm và được kết thúc. Nó chưa bao giờ đạt tới trung tâm của bạn, nó chưa bao giờ làm rung chuyển nền tảng của bạn, nó chưa bao giờ trở thành điệu vũ bên trong. Nó không làm thổn thức bản thể bạn, nó chỉ là hành động ở ngoại vi.
Nhớ lấy, yêu không thể bị gò ép, và thiền không bao giờ có thể bị gò ép.
Vứt mọi tri thức đi, bởi vì tri thức chỉ cần khi bạn phải làm điều gì đó. Khi bạn không phải làm điều gì, cần gì tri thức? Bạn không cần tri thức nào cả. Bạn chỉ cần có cái cảm, cái khéo - làm sao để vứt bỏ, làm sao để không hiện hữu. Và khi tôi nói ‘làm sao’ tôi không ngụ ý kĩ thuật, khi tôi nói ‘làm sao’ tôi không ngụ ý rằng bạn phải biết kĩ thuật. Bạn chỉ đơn giản tìm nó thôi.
Tôi sẽ gợi ý hai điều có ích. Một là ngủ: cố gắng tìm ra cách thức giấc ngủ xảy ra, cách thức bạn rơi vào trong giấc ngủ. Bạn có thể có nghi lễ nhưng nghi lễ đó không tạo ra giấc ngủ, nó có ích. Mọi người đều có nghi lễ. Trẻ nhỏ có cử chỉ riêng của nó, nó có thể mút ngón tay. Điều đó không cho bạn giấc ngủ, nhưng nó có ích cho đứa trẻ kia - nó đã tìm ra nghi lễ của riêng mình. Nếu bạn theo đứa trẻ đó, bạn sẽ không rơi vào trong giấc ngủ.
Và điều tương tự cũng là trường hợp cho mọi kĩ thuật thiền - mọi người đều tìm ra nghi lễ riêng của mình. Nó có ích bởi vì nó cho bạn bầu không khí. Bạn tắt đèn, bạn thắp hương trong phòng, bạn có kiểu gối nào đó, cao mức nào đó, mềm mức nào đó. Bạn có kiểu chăn nào đó, bạn có tư thế nào đó. Tất cả những điều này đều có ích, nhưng điều này không phải là nguyên nhân cho nó. Nếu ai đó khác theo nó, điều này có thể trở thành cản trở. Người ta phải tìm ra nghi lễ riêng của mình.
Nghi lễ đơn giản giúp cho bạn được thoải mái và chờ đợi. Và khi bạn thoải mái và chờ đợi, sự việc xảy ra. Cũng giống như ngủ, Thượng đế tới với bạn, giống như Thượng đế, tình yêu tới với bạn. Bạn không thể gò ép nó, bạn không thể bắt buộc nó.
Và toàn bộ cuộc sống của bạn đã trở thành vấn đề bởi vì bạn đã học quá nhiều cách làm mọi việc. Bạn đã trở thành rất hiệu quả trong mọi thứ máy móc bởi vì chúng có thể được làm, nhưng bạn đã trở thành hoàn toàn không hiệu quả trong những điều mang tính người, bởi vì chúng không thể được học và chúng không thể được làm một cách kĩ thuật; bạn không thể trở thành chuyên gia hiệu quả trong chúng.
Bất kì khi nào có một việc máy móc để làm, đều có thể có chỗ huấn luyện cho nó, nhưng tâm thức không thể được huấn luyện. Và bạn cứ theo các guru, này nọ, để tìm kĩ thuật nào đó, mật chú nào đó, để cho bạn trở nên được chứng ngộ ... Không có mật chú nào có thể làm cho bạn chứng ngộ được.
Đây là mật chú: Tăng Xán nói rằng bạn sẽ phải trở nên hiểu biết hơn - ít ý chí đi, nhiều buông bỏ hơn; ít nỗ lực đi, nhiều vô nỗ lực hơn; ít làm từ ý thức đi, bơi nhiều trong vô thức hơn.
Bây giờ cố gắng hiểu lời kinh:
Khi ý nghĩa sâu sắc của sự việc không được hiểu sự an bình bản chất của tâm trí bị rối loạn chẳng ích lợi gì.
Nếu bạn hiểu, sẽ có an bình. Nếu bạn không hiểu, sẽ có rối loạn, căng thẳng và khổ sở. Bất kì khi nào ai đó đang khổ sở, điều đó chứng tỏ người ấy còn chưa hiểu sự việc, ý nghĩa sâu sắc hơn của sự việc.
Và bạn cứ đi buộc tội người khác rằng vì họ mà bạn khổ sở. Không ai ở đây khổ sở vì người khác cả.
Bạn khổ sở vì không hiểu biết của bạn hay hiểu lầm của bạn.
Chẳng hạn, ai đó tới tôi - một người chồng, một người bố của năm đứa trẻ - và anh ta nói rằng anh ta rất bị rối loạn bởi vì vợ cứ cãi cọ, cứ cố gắng lấn lướt anh ta và con cái thì không nghe lời anh ta... “Mẹ đã trở nên quá ảnh hưởng và con cái toàn nghe lời mẹ, chúng nó không nghe lời tôi. Tôi chẳng là ai cả và tôi đang khổ quá. Thầy làm điều gì đó cho tôi đi. Qua ân huệ của thầy mà vợ tôi có thể hiểu biết thêm chút ít chăng.”
Tôi nói, “Điều đó không thể được. Qua ân huệ của tôi hay qua ân huệ của bất kì ai, người khác không thể được làm hiểu biết hơn. Bạn mới có thể được làm cho hiểu biết hơn. Và khi bạn yêu cầu sự hiểu biết của người khác, bạn làm lỡ toàn bộ vấn đề. Tại sao vợ lại có vẻ chi phối thế? Cô ấy có vẻ chi phối bởi vì bạn cũng tranh giành để chi phối. Nếu bạn không tranh giành để chi phối, cô ấy sẽ không có vẻ chi phối. Đấy là tranh giành, bởi vì các bạn theo cùng mục tiêu. Và điều gì sai nếu trẻ con theo mẹ? Nhưng bạn lại muốn trẻ con theo bạn - do đó mới có tranh giành.”
Cố hiểu đi! Mọi người đều cố gắng chi phối. Đó là bản chất của bản ngã: làm mọi nỗ lực để chi phối người khác. Dù người khác là chồng, là vợ, con cái hay bạn bè thì cũng chẳng khác biệt gì - nhưng chi phối, tìm mọi cách thức và phương tiện để chi phối.
Và nếu mọi người đều cố gắng chi phối và bạn cũng cố gắng chi phối, thì sẽ có tranh giành. Tranh giành không phải bởi vì người khác đang cố chi phối, tranh giành bởi vì bạn không cố gắng để hiểu cách thức bản ngã vận hành.
Vứt điều đó đi! Người khác không thể thay đổi được, còn bạn sẽ phí cuộc đời mình không cần thiết để cố gắng thay đổi người khác. Đó là vấn đề của họ. Họ sẽ đau khổ nếu họ không hiểu biết, tại sao bạn phải đau khổ? Bạn đơn giản hiểu rằng mọi người đều đang cố gắng chi phối: “Mình vứt bỏ nó, mình sẽ không cố gắng chi phối”... tranh giành của bạn tan biến. Và một điều rất đẹp xảy ra.
Nếu bạn không cố gắng chi phối, vợ bạn sẽ bắt đầu cảm thấy ngu xuẩn, và dần dần cô ấy bắt đầu thấy mình ngốc nghếch - bởi vì người khác không có đó để mà tranh đấu. Khi bạn tranh đấu, bạn làm mạnh thêm bản ngã của người khác, và điều này là cái vòng luẩn quẩn.
Khi bạn không tranh đấu thế thì người khác cảm thấy họ tranh đấu một mình, trong chân không: tranh đấu với gió hay tranh đấu với ma, nhưng không tranh đấu với người nào cả. Và thế thì bạn trao cơ hội cho người khác cũng thấy, cũng hiểu biết. Thế thì vợ không thể đổ trách nhiệm lên bạn được, cô ấy phải mang trách nhiệm của riêng mình.
Cùng điều đó cũng là vấn đề cho mọi người bởi vì bản chất con người vận hành tương tự nhau, ít nhiều; khác biệt chỉ ở mức độ. Nếu bạn cố gắng hiểu, bạn trở thành người bỏ nửa chừng. Không phải là bạn bỏ xã hội, không phải là bạn trở thành hippie và ra đi lập hội đoàn - điều đó không phải là vấn đề. Về mặt tâm lí bạn không còn trên con đường bản ngã này, chi phối, hung hổ, bạo hành, giận dữ. Bạn không còn là một phần của nó. Thế thì khoảng cách được tạo ra, sự tách biệt. Bây giờ bạn có thể nhìn vào mọi điều và bạn có thể cười... con người ngu xuẩn làm sao. Và bạn có thể cười... bạn đã từng lố bịch làm sao.
Người ta kể về Rinzai rằng khi ông ấy tỉnh dậy buổi sáng ông ấy sẽ cười to đến mức cả thiền viện - năm trăm sannyasin ở đó - đều nghe thấy. Đến tối khi ông ấy đi ngủ, ông ấy lại cười to lần nữa.
Nhiều người hỏi tại sao, nhưng ông ấy chỉ đơn giản cười và ông ấy sẽ không trả lời. Khi ông ấy sắp chết ai đó hỏi, “Có một điều: xin thầy nói cho chúng tôi tại sao thầy lại cười hàng ngày, sáng và tối, cả đời thầy? Chẳng ai biết, và bất kì khi nào chúng tôi hỏi thì thầy lại cười nữa. Đây là bí ẩn duy nhất. Xin thầy tiết lộ điều đó trước khi thầy rời khỏi thân thể.”
Rinzai nói, “Ta cười bởi vì cái ngu xuẩn của thiên hạ. Buổi sáng ta cười bởi vì bây giờ lần nữa ta lại đi vào thế giới này và mọi người quanh ta đều ngu cả. Còn buổi tối ta cười rằng một ngày đã qua hay thế!”
Bạn sẽ cười, bạn sẽ không trong khổ sở. Toàn bộ sự việc xung quanh lố bịch thế, nhưng bạn lại không thể thấy được nó bởi vì bạn là một phần của nó. Bạn tham dự quá nhiều trong nó, bạn không thể thấy được nó. Cái lố bịch không thể nào được biết tới trừ phi bạn có khoảng cách, sự tách biệt.
Tăng Xán nói:
Khi ý nghĩa sâu sắc của sự việc không được hiểu an bình bản chất của tâm trí bị rối loạn chẳng ích lợi gì.
Và bạn chẳng thu được gì, bạn chẳng đạt tới đâu, bạn đơn giản bị rối loạn. Bạn đã đạt tới đâu? Bạn đã thu được gì bởi lo âu, căng thẳng, rối loạn? Bạn là cái gì? Bạn đi đâu? Chẳng thu được gì... thậm chí nếu có thu được cái gì đó... thì cũng có thể dường như là qua con người bị rối loạn của bạn mà thu được cái gì đó. Bạn chẳng thu được cái gì cả. Ngược lại, bạn mất. Bạn mất những khoảnh khắc quí giá có thể trở thành phúc lạc, thời gian quí giá, năng lượng, cuộc sống, trong đó bạn có thể đã nở hoa. Và bạn lại không thể nở hoa.
Nhưng bạn bao giờ cũng nghĩ - đây là quan điểm dốt nát - bạn bao giờ cũng nghĩ, “Toàn thế giới sai, và nếu mình có thể thay đổi mọi người thế thì mình sẽ hạnh phúc.” Bạn sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc cả, bạn không thể hạnh phúc được - đây là cơ sở cho bất hạnh. Một khi bạn hiểu ra rằng vấn đề cho bạn không phải là bạn thay đổi cả thế giới, điều duy nhất mà bạn có thể làm là thay đổi bản thân mình.
Bayazid, nhà huyền môn Sufi, đã viết trong tiểu sử của mình, “Khi tôi còn trẻ tôi đã nghĩ và tôi đã nói với Thượng đế, và trong tất cả những lời cầu nguyện của tôi thì đây là điều cơ sở: ‘Xin cho con năng lượng để cho con có thể thay đổi toàn thế giới.’ Mọi người đều nhìn sai về tôi. Tôi là nhà cách mạng và tôi muốn thay đổi bộ mặt của trái đất.
Khi tôi trở nên chín chắn hơn chút ít tôi bắt đầu cầu nguyện: ‘Điều này dường như quá nhiều. Cuộc sống đang tuột khỏi tay con - gần như nửa đời con đã trôi qua mà con chẳng thay đổi được lấy một người, và toàn thế giới thì quá nhiều.’ Cho nên tôi nói với Thượng đế, ‘Gia đình con là đủ. Để con thay đổi gia đình con.’
“Và khi tôi trở nên già,” Bayazid nói, “Tôi hiểu rằng ngay cả gia đình cũng là quá nhiều, và tôi là ai mà thay đổi họ? Thế rồi tôi nhận ra rằng nếu tôi có thể thay đổi bản thân mình thì thế cũng sẽ đủ, còn quá đủ. Tôi đã cầu nguyện Thượng đế, ‘Bây giờ con mới đi tới đúng điểm. Ít nhất cho phép con làm điều này: con muốn thay đổi bản thân mình.’
“Thượng đế đáp, ‘Bây giờ không còn thời gian nữa. Điều này con đáng phải hỏi ngay từ đầu kia. Thế thì mới có khả năng.’”
Điều này, mọi người đều hỏi lúc cuối cùng. Người hỏi lúc ban đầu, người ấy đã hiểu bản chất của mọi sự việc. Người ấy hiểu rằng thậm chí thay đổi bản thân mình cũng không phải là điều dễ dàng. Bạn là toàn bộ thế giới bên trong mình; bạn mang toàn bộ thế giới. Tất cả những cái tồn tại, đều tồn tại bên trong bạn. Bạn là toàn bộ vũ trụ này, không phải là điều nhỏ đâu - nếu sự thay đổi này có thể xảy ra thì bạn đã đạt tới. Nếu không:
Khi ý nghĩa sâu sắc của sự việc không được hiểu an bình bản chất của tâm trí bị rối loạn chẳng ích lợi gì.
Đạo là hoàn hảo như không gian bao la nơi không gì thiếu và không gì thừa.
Quả vậy, chính do việc chọn lựa của chúng ta để chấp nhận hay bác bỏ mà chúng ta không thấy bản chất đúng của mọi sự việc.
Đạo là hoàn hảo như không gian bao la nơi không gì thiếu và không gì thừa...
Mọi sự đều như nó đáng phải thế; bạn chỉ phải lắng đọng vào trong nó, bạn chỉ không bị quấy rối. Mọi sự đều như nó đáng phải thế... chẳng cái gì thiếu và chẳng cái gì thừa.
Bạn có thể nghĩ được một vũ trụ tốt hơn thế này không? Nếu bạn trí huệ, bạn không thể; nếu bạn ngu đần bạn có thể đấy. Chẳng cái gì có thể tốt hơn thế này, như nó hiện thế. Vấn đề duy nhất là bạn không lắng đọng trong nó. Lắng đọng trong nó đi và con đường là hoàn hảo, giống như không gian bao la, và chẳng cái gì thiếu chẳng cái gì thừa. Mọi sự đều cân bằng. Chỉ bạn mới là vấn đề; thế giới không phải là vấn đề chút nào.
Đây là khác biệt giữa tâm trí chính trị và tâm trí tôn giáo, và các bạn tất cả đều mang tâm trí chính trị. Tâm trí chính trị nghĩ, “Mình hoàn toàn tốt, mọi thứ khác đều sai cả.” Cho nên người ta bắt đầu thay đổi thế giới - một Lenin, một Gandhi, một Hitler, một Mao.
Tâm trí chính trị nghĩ, “Mọi sự đều sai. Nếu mọi sự được giải quyết thế thì nó sẽ đẹp.”
Tâm trí tôn giáo nghĩ, “Chỉ mình là chưa ổn. Ngoài ra, mọi sự đều hoàn hảo như nó có thể.”
Hoàn hảo là con đường tựa như không gian bao la: chẳng cái gì thiếu và chẳng cái gì thừa. Mọi sự đều như nó đáng phải thế, hoàn toàn cân bằng. Chỉ bạn là vẩn vơ, chỉ bạn không biết phải đi đâu, chỉ bạn là bị phân chia. Nghĩ xem: nếu con người biến mất khỏi trái đất, thế giới sẽ hoàn toàn hoàn hảo, tuyệt đối đẹp - sẽ không có vấn đề gì.
Vấn đề tới với con người, bởi vì cách thức con người nhìn vào mọi thứ có thể đi sai - bởi vì con người có ý thức, và ý thức đó tạo ra rắc rối. Bởi vì bạn có thể có ý thức, nên bạn có thể phân chia mọi thứ. Bởi vì bạn có thể có ý thức nên bạn có thể nói, “Cái này phải và cái kia trái.” Bởi vì bạn có thể có ý thức nên bạn có thể nói, “Cái này xấu và cái kia đẹp.”
Việc có ý thức này là không đủ. Nếu nó trở nên nhiều hơn, nếu nó trở thành vòng tròn, ý thức hoàn chỉnh, thế thì lần nữa mọi sự lại được giải quyết.
Nietzsche đã nói - và ông ấy tỏ ra có nhiều sáng suốt - ông ấy đã nói rằng con người là cây cầu, con người không phải là một sinh linh. Con người là cây cầu, cái gì đó để vượt ra ngoài. Bạn không thể làm nhà trên cầu được. Đó là điều Jesus nói: “Đi qua nó. Đừng làm nhà trên nó, nó chỉ là cây cầu.” Câu của Nietzsche là: “Con người chỉ là cây cầu giữa hai điều vĩnh hằng, điều vĩnh hằng của tự nhiên và điều vĩnh hằng của Thượng đế.”
Mọi sự đều tốt trong tự nhiên, mọi sự đều tốt trong Thượng đế. Con người là cây cầu, con người ở giữa, nửa tự nhiên, nửa Thượng đế - đó là điều rắc rối. Bị phân chia, quá khứ thuộc về tự nhiên, tương lai thuộc về Thượng đế. Căng thẳng, giống như sợi dây bắt ngang giữa hai điều vĩnh hằng, khi thì chuyển về tự nhiên, khi thì chuyển về Thượng đế, khi thì cách này, khi thì cách nọ; run rẩy và vẩn vơ thường xuyên, không lắng đọng.
Trở nên lắng đọng, và cả hai cách sẽ có tác dụng. Trang Tử thiên về được lắng đọng lại vào tự nhiên. Nếu bạn lắng đọng vào tự nhiên, bạn trở thành giống thần, bạn trở thành thần. Phật thiên về việc đi lên trước và trở thành Thượng đế, thế thì bạn sẽ được lắng đọng. Hoặc là đi ngược lại hoặc là đi tới tận cùng, nhưng đừng dừng ở trên cầu.
Và đây là điều cần phải hiểu - một trong những điều rất có ý nghĩa, một trong những điều nền tảng - là dù bạn đi lùi hay đi tiến, bạn cũng đạt tới cùng mục đích. Vấn đề không phải là lùi lại hay tiến lên, vấn đề là không ở trên cầu.
Lão Tử, Trang Tử, họ nói rơi lại vào tự nhiên, vào Đạo. Shankara, Phật, Jesus, họ nói đi lên trước, đi qua cầu, đạt tới điều thiêng liêng. Điều này có vẻ rất nghịch lí, nhưng không phải thế - bởi vì cả hai bờ đều là một, bởi vì cây cầu này là vòng tròn.
Dù bạn đi ngược hay đi xuôi, bạn cũng đều đạt tới cùng mục đích, cùng điểm thoải mái, dù bạn chọn lối nào. Nếu bạn cảm thấy rằng buông bỏ là không thể được với bạn, thế thì theo Patanjali - nỗ lực, ý chí, cố gắng, tìm kiếm - thế thì bạn sẽ tiến lên trước. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn có thể hiểu luật hiệu quả ngược, không chỉ hiểu mà còn để cho nó xảy ra bên trong bạn, thế thì theo Tăng Xán, Trang Tử: đi lùi lại. Nhưng đừng đứng nguyên tại chỗ của mình; trên cầu bạn sẽ bị phân chia. Bạn không thể thoải mái ở đó được, bạn không thể làm nhà tại đó được. Cây cầu không phải là chỗ để làm nhà. Nó không phải là mục đích, nó chỉ là cái gì đó để đi qua.
Nietzsche nói con người là cái gì đó cần được siêu việt lên, con người không là sự hiện hữu. Con vật có sự hiện hữu, Thượng đế có sự hiện hữu, con người còn chưa hiện hữu. Con người chỉ là sự chuyển tiếp, một giai đoạn chuyển đổi, việc chuyển từ hoàn hảo này sang hoàn hảo khác. Ở giữa, con người bị phân chia.
Tăng Xán nói lùi lại, và nếu bạn hỏi tôi thì tôi sẽ nói Tăng Xán là dễ dàng hơn Patanjali. Cùng một điều sẽ xảy ra ở cuối. Nhiều nỗ lực sẽ đưa bạn tới vô nỗ lực, không nỗ lực cũng đưa bạn tới vô nỗ lực - bởi vì nỗ lực không bao giờ có thể là mục đích, nỗ lực chỉ có thể là phương tiện. Bạn không thể cứ nỗ lực mãi mãi và mãi mãi được. Bạn nỗ lực để đạt tới trạng thái vô nỗ lực.
Với Patanjali, nỗ lực là con đường, vô nỗ lực là mục đích; nỗ lực là phương tiện, vô nỗ lực là mục đích. Với Tăng Xán vô nỗ lực là phương tiện, vô nỗ lực là mục đích. Với Tăng Xán bước đầu tiên là bước cuối cùng; với Tăng Xán không có phân biệt giữa phương tiện và mục đích. Nhưng với Patanjali thì có - bạn phải thực hiện nhiều bước.
Cho nên với Patanjali chứng ngộ sẽ là dần dần. Với Tăng Xán chứng ngộ có thể là tức khắc, trong chính khoảnh khắc này - nó có thể là bất thần. Nếu bạn có thể hiểu Tăng Xán thế thì không có gì đẹp hơn điều đó. Nhưng nếu bạn không thể hiểu được, thế thì Patanjali là con đường duy nhất.
Đạo là hoàn hảo như không gian bao la nơi không gì thiếu và không gì thừa.
Quả vậy, chính do việc chọn lựa của chúng ta để chấp nhận hay bác bỏ mà chúng ta không thấy bản chất đúng của mọi sự việc.
Bởi vì chúng ta chấp nhận hay bác bỏ, đó là lí do tại sao chúng ta không thể thấy bản chất thực. Thế thì bạn đem ý tưởng của mình, ý kiến, định kiến vào, và thế thì bạn tô mầu mọi thứ. Ngoài ra mọi thứ đều hoàn hảo. Bạn chỉ phải nhìn. Thuần khiết. Cái nhìn không ý tưởng nào, cái nhìn không bác bỏ gì. Chấp nhận. Cái nhìn thuần khiết, dường như mắt bạn không có tâm trí đằng sau chúng, dường như mắt bạn chỉ là tấm gương: chúng không nói, “Đẹp. Xấu.” Tấm gương đơn giản phản chiếu bất kì ai tới trước nó - nó không phán xét.
Nếu mắt bạn không có tâm trí đằng sau, chúng chỉ là tấm gương. Chúng đơn giản nhìn. Chúng không nói, “Cái này tốt và cái kia xấu” - chúng không kết án, chúng không ca ngợi. Thế thì mọi thứ rõ ràng như nó có thể vậy, chẳng có gì phải làm cả. Sự sáng tỏ này, đôi mắt này không ý kiến và định kiến - và bạn đã trở nên chứng ngộ.
Thế thì không có vấn đề gì phải giải quyết cả. Thế thì cuộc sống không còn là câu đố nữa. Nó là bí ẩn để được sống, tận hưởng, điệu vũ để được múa. Thế thì bạn không trong xung đột với nó, thế thì bạn không làm bất kì cái gì ở đây. Thế thì bạn đơn giản hưởng thú, thế thì bạn phúc lạc.
Đây là điều thiên đường nghĩa là gì: nơi bạn không bị trông đợi phải làm gì cả, nơi bạn không cố gắng kiếm phúc lạc - nơi phúc lạc là tự nhiên, nơi nó mưa rào lên bạn. Điều này có thể xảy ra ở đây và bây giờ. Nó đã xảy ra cho Tăng Xán, nó đã xảy ra cho tôi, nó có thể xảy ra cho bạn. Nếu nó có thể xảy ra cho một người, nó có thể xảy ra cho tất cả mọi người.
Sống không dính líu với sự việc bên ngoài, không dính líu tới cảm giác bên trong về trống rỗng.
Chân thành không có hoạt động cố gắng trong cái một của mọi sự, và cái nhìn sai lầm sẽ tự nó biến mất.
Đừng phân chia bên ngoài với bên trong. Tăng Xán nói, “Đừng nói, ‘Tôi quan tâm tới cái bên ngoài.’” Có hai kiểu người, và cả hai đều khổ sở. C.G. Jung chia nhân loại thành hai kiểu: một kiểu ông ấy gọi là người hướng ngoại, kiểu kia ông ấy gọi là người hướng nội. Người hướng ngoại quan tâm tới cái bên ngoài. Họ là người tích cực, trần tục - theo đuổi của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực. Họ trở thành chính khách, họ trở thành nhà cải cách xã hội, họ trở thành người lãnh đạo lớn, nhà công nghiệp lớn. Họ quan tâm tới các sự vật, thế giới bên ngoài; họ không quan tâm tới bản thân mình.
Thế rồi có những người hướng nội. Họ là những người không tích cực mấy. Nếu họ phải làm điều gì đó thì họ sẽ làm, ngoài ra họ không nghiêng về làm. Họ sẽ thích vẫn còn đấy với mắt nhắm. Họ trở thành nhà thơ, nhà huyền môn, thiền nhân, người trầm tư. Họ không quan tâm tới thế giới này, họ chỉ quan tâm tới bản thân mình; họ nhắm mắt lại và họ hướng nội năng lượng của mình. Nhưng Tăng Xán nói cả hai kiểu người này đều sai bởi vì họ bị phân chia.
Người hướng ngoại bao giờ cũng cảm thấy rằng ở bên trong cái gì đó bị thiếu. Người ấy có thể trở thành người rất quyền lực: sâu bên trong người ấy sẽ cảm thấy mình bất lực, không quyền hành. Bên ngoài người ấy có thể tích luỹ nhiều của cải, bên trong người ấy sẽ cảm thấy nghèo nàn. Người ấy có thể là người thành công lớn trong thế giới này; sâu bên dưới, nếu bạn hỏi, người ấy biết người ấy đã là kẻ thất bại. Người ấy không cân bằng, người ấy đã dồn chú ý quá nhiều ra bên ngoài. Người ấy đã chuyển vào một cực đoan, và bất kì khi nào có cực đoan thì có mất cân bằng.
Và người mà đã là nhà thơ, người suy tư, nhà huyền môn, người bao giờ cũng còn lại bên trong bản thân mình, bao giờ cũng cảm thấy cái gì đó bị thiếu, bởi vì người ấy không giầu trong thế giới bên ngoài. Và thế giới bên ngoài cũng đẹp. Hoa có đó, và những vì sao, và mặt trời lên phía kia, và dòng sông tuôn chảy và thác nước reo. Người ấy nghèo nàn bởi vì người ấy đã chối bỏ toàn bộ vũ trụ; không cần thiết, người ấy đã sống trong cái hang riêng của mình, nơi người ấy có thể đã di chuyển và đã biết nhiều bí ẩn, hàng triệu bí ẩn xung quanh. Người ấy vẫn còn khép kín, nhốt trong bản thân mình, bị cầm tù. Hai kiểu người này là các cực đoan.
Tránh các cực đoan. Đừng tạo ra phân biệt giữa bên ngoài và bên trong, và đừng trở thành một trong các kiểu người của Jung, hoặc hướng ngoại hoặc hướng nội.
Tăng Xán nói: Tuôn chảy, cân bằng. Bên ngoài và bên trong giống như chân phải và chân trái. Tại sao lại chọn một? Nếu bạn chọn một, tất cả chuyển động đều dừng lại. Chúng giống như hai mắt: nếu bạn chọn một thế thì bạn sẽ có thể thấy, nhưng tầm nhìn của bạn không còn là ba chiều nữa, chiều sâu bị mất. Bạn có hai tai: bạn có thể dùng một, bạn có thể bị nghiện với ý tưởng rằng bạn là kiểu người tai trái hay tai phải, nhưng thế thì bạn mất. Thế thì một nửa thế giới bị khép lại với bạn.
Bên trong và bên ngoài chỉ là hai mắt, hai tai, hai chân - tại sao lại chọn? Tại sao không dùng cả hai một cách vô chọn lựa? Và tại sao phân chia? Bởi vì bạn là một! Chân trái và chân phải chỉ dường như là hai thôi. Bạn tuôn chảy bên trong cả hai - cùng năng lượng ấy, cùng con người ấy. Bạn nhìn qua cả hai mắt. Tại sao không dùng bên trong và bên ngoài và cho chúng sự cân bằng? Tại sao lại chuyển về cực đoan?
Nhớ lấy, không chỉ mọi người chuyển về cực đoan đâu, xã hội cũng chuyển về cực đoan. Phương Đông vẫn còn hướng nội, do đó mới nghèo khó. Ai chịu trách nhiệm cho điều đó? Hàng triệu người đang chết hàng ngày. Và những người đang sống, họ cũng không sống đâu - họ một nửa chết đói. Ai chịu trách nhiệm cho điều này? - người hướng nội, nhà huyền môn, nhà thơ, người cứ nói quá nhiều về bên trong và người lên án bên ngoài, người nói, “Bên ngoài không dành cho chúng ta”; người nói, “Bên ngoài là sai”; người nói, “Thế giới bên ngoài là cái gì đó phải lên án. Sống ở thế giới bên trong.” Họ nâng bên trong lên cao hơn bên ngoài, và cân bằng bị mất.
Phương Đông đã tạo ra người hướng nội, nhưng cái đẹp bên ngoài bị mất. Bạn thấy bẩn thỉu ở khắp nơi phương Đông. Tôi biết thật là khó khăn lắm cho người phương Tây tới sống trong cái bẩn thỉu của Ấn Độ. Nó bẩn thật - ai chịu trách nhiệm? Tại sao lại nhiều bẩn thỉu thế? Tại sao lại nhiều bệnh tật thế? Tại sao lại nhiều ốm yếu, chết đói thế? - bởi vì bên ngoài đã bị lãng quên.
Chúng ta đã quan tâm tới việc làm thuần khiết bên trong, cho nên: “Tại sao phải bận tâm về cái bẩn thỉu bên ngoài? Cứ để nó thế. Nó là vật chất, chẳng đáng lo nghĩ tới. Chúng ta quan tâm tới sự thuần khiết bên trong. Tại sao phải bận tâm về thân thể? Tại sao phải bận tâm về người khác?”
Kết quả là ở chỗ phương Đông là một loại mất cân bằng. Và phương Tây lại là một loại khác: họ là người hướng ngoại. Họ đã tạo ra nhiều của cải mà chưa từng được tạo ra trước đây, nhiều sạch sẽ bên ngoài. Quần áo tốt hơn - vua cũng phải ghen tị - thức ăn tốt hơn, điều kiện vệ sinh hơn, môi trường bao quanh đẹp, mọi thứ, nhưng hướng ngoại. Và con người bên trong lại nghèo nàn, con người bên trong trống rỗng.
Cho nên phương Đông cứ thuyết giảng cho phương Tây về con người bên trong. Các guru phương Đông cứ thuyết giảng cho phương Tây về cách thiền, và các guru phương Tây cứ giảng dạy cho phương Đông về cách là kĩ sư tốt hơn, cách là thợ điện tốt hơn, cách là người lập qui hoạch thành phố tốt hơn, cách tạo ra nhiều của cải hơn, cách tăng tiến về công nghệ, cách nâng tiêu chuẩn sống. Cho nên nếu bạn phải học về thuốc thì bạn phải sang phương Tây; nếu bạn phải học về thiền thì bạn phải tới phương Đông.
Nhưng cả hai đều là cực đoan và cả hai đều nguy hiểm. Cực đoan bao giờ cũng nguy hiểm. Và nguy hiểm là ở chỗ bánh xe có thể quay, và phương Đông có thể trở thành duy vật còn phương Tây có thể trở thành duy tâm. Có mọi khả năng rằng điều này sắp xảy ra, bởi vì bây giờ phương Đông đang chuyển thành cộng sản - đó là cực đoan của chủ nghĩa duy vật - còn phương Tây đang trở thành duy tâm quá nhiều. Mối nguy hiểm có đó: bánh xe có thể quay, bởi vì bạn đã chán ngán với thế giới bên ngoài nên bạn muốn chuyển vào bên trong, bạn cần cuộc hành trình bên trong.
Bạn có thể cứ theo cuộc hành trình bên trong. Nhìn kẻ hippie; họ là tương lai của phương Tây. Họ đang chống lại công nghệ - cùng kiểu, kiểu người hướng nội đã tàn phá toàn bộ phương Đông, kiểu người đã gây thảm hoạ cho phương Đông. Họ chống lại công nghệ, họ chống lại sạch sẽ bên ngoài. Bạn không thể tìm được người nào bẩn hơn người hippie đâu; họ sẽ không tắm, họ sẽ không thay quần áo. Họ nói đấy là những thứ bên ngoài - họ đang theo cuộc hành trình bên trong. Họ quan tâm tới thiền, nhưng họ không quan tâm tới vệ sinh. Không... cùng cái ngu xuẩn ấy, cùng cái cực đoan ấy, cùng cái đối lập ấy. Nó hấp dẫn, bởi vì khi bạn đã sống trên một cực đoan thì tâm trí nói, “Bây giờ chuyển sang bên kia đi bởi vì bên này không thoả mãn. Cực đoan này đã sai, cho nên chuyển sang cái đối lập.” Nhưng nhớ, dễ dàng chuyển từ cực đoan này sang cực đoan kia, nhưng cực đoan không bao giờ thoả mãn cả. Nhìn phương Đông mà xem, cực đoan bên trong đã không là sự thoả mãn, nó đã là một thất bại. Vấn đề không phải là bên ngoài hay bên trong, vấn đề là ở sự cân bằng. Cân bằng thì thành công, mất cân bằng thì thất bại.
Và bên ngoài và bên trong không phải là hai. Bên ngoài kết thúc ở đâu và bên trong bắt đầu ở đâu? Bạn có thể đánh dấu, bạn có thể tạo ra biên giới được không? Bạn có thể nói, “Đây là chỗ bên ngoài kết thúc và chỗ bên trong bắt đầu được không?” Tại đâu? Chúng không phân chia. Những phân chia đó là của tâm trí. Bên trong và bên ngoài là một: bên ngoài chỉ là bên trong kéo dài, bên trong chỉ là bên ngoài thấm vào. Chúng là một - hai tay, hai chân, hai mắt của một con người.
Liệu bên ngoài có ở ngoài Thượng đế không? Nó không thể thế, bởi vì chẳng cái gì có thể ở bên ngoài Thượng đế được cả, không cái gì có thể ở bên ngoài ngài. Cái toàn thể phải bao gồm cái bên ngoài và cái toàn thể phải bao gồm cái bên trong. Với cái toàn thể thì không có gì giống bên ngoài và không có gì giống bên trong cả. Đây là điều Tăng Xán nói. Ông ấy nói:
Sống không dính líu với sự việc bên ngoài, không dính líu tới cảm giác bên trong về trống rỗng.
Chân thành không có hoạt động cố gắng trong cái một của mọi sự, và cái nhìn sai lầm sẽ tự nó biến mất.
Mọi người tới tôi - và tâm trí tinh ranh thế - họ tới tôi và họ nói, “Chúng tôi muốn nhận tính chất sannyas nhưng chúng tôi muốn sannyas bên trong, không bên ngoài. Chúng tôi sẽ không thay quần áo.” Và họ nói, “Tại sao lại bên ngoài? Để nó chỉ là cái bên trong!” Họ không biết điều họ đang nói. Cái bên trong bắt đầu từ chỗ nào?
Khi bạn ăn thức ăn bạn chẳng hề nói, “Để nó là cái bên trong.” Khi bạn khát và bạn uống nước, bạn không hề nói, “Để nó là cái bên trong. Cơn khát này là bên trong, cho nên sao phải lấy nước từ bên ngoài?” Nhưng nước kết thúc ở đâu và cơn khát bắt đầu từ đâu? Bởi vì nếu bạn uống nước thì cơn khát biến mất, cho nên điều đó có nghĩa là sự gặp gỡ - đâu đó nước bên ngoài gặp gỡ cơn khát bên trong. Nếu không thì làm sao nó có thể biến mất được?
Bạn cảm thấy đói và bạn ăn thức ăn. Thức ăn là bên ngoài, cái đói là bên trong; với cái đói bên trong tại sao lại lấy thức ăn bên ngoài? Tại sao lại ngu xuẩn thế? Phải lấy cái gì bên trong chứ. Nhưng không có thức ăn bên trong. Cái đói là bên trong, thức ăn là bên ngoài, nhưng đâu đó thức ăn đi vào. Nó thay đổi lãnh thổ: nó trở thành máu của bạn, nó trở thành xương bạn. Nó trở thành chính chất liệu làm nên tâm trí bạn, nó trở thành suy nghĩ của bạn.
Thức ăn trở thành suy nghĩ của bạn. Và nếu thức ăn trở thành suy nghĩ của bạn, nhớ lấy, thức ăn cũng sẽ trở thành vô ý nghĩ của bạn. Thức ăn trở thành tâm trí bạn, thức ăn trở thành việc thiền của bạn. Không có tâm trí bạn có thể thiền được không? Không có tâm trí thì làm sao bạn trở thành vô trí được? Không có suy nghĩ làm sao bạn vứt bỏ suy nghĩ được? Tâm trí là thức ăn rất tinh tế, vô trí là thức ăn tinh tế nhất - nhưng không có phân chia.
Cho nên khi bạn muốn nhận tính chất sannyas, thì thậm chí mầu sắc cũng siêu việt lên trên lãnh thổ. Nó bắt đầu từ bên ngoài và dần dần thấm vào sâu hơn. Nó tô mầu cho chính con người bạn; thậm chí việc mặc quần áo cũng chạm vào linh hồn bạn. Nó phải như vậy, bởi vì bên ngoài và bên trong không phải là hai, chúng là một. Một cử chỉ đơn giản - nó có vẻ bên ngoài, nó đi vào trong chính con người, và nó đi tới từ đó. Nhớ lấy, đừng chơi trò láu cá và đừng phân chia sự tồn tại. Nó là không phân chia.
Khi bạn yêu một người bạn sẽ muốn ôm ghì thân thể ấy. Bạn sẽ không nói, “Anh yêu em, nhưng anh yêu em ở bên trong thôi.” Có một cô gái béo ở đây, béo lắm. Cô ấy bảo tôi, “Con chỉ có mỗi một người bạn trai mà anh ấy cũng nói, ‘Anh chỉ yêu linh hồn em, không yêu thân thể em.’”
Cô ấy cảm thấy bị tổn thương lắm, bởi vì khi bạn nói với một người, “Anh chỉ yêu linh hồn em, không yêu thân thể em,” thì điều đó có nghĩa gì? Khi bạn yêu một người, bạn yêu một cách toàn bộ, bạn không thể tạo ra phân biệt. Đây là mánh khoé tinh ranh. Cậu con trai đó thực sự không yêu cô gái này, anh ta đang chơi trò láu cá. Anh ta muốn nói, “Tôi không yêu,” nhưng anh ta không thể nói điều đó.
Nếu bạn không muốn nhận tính chất sannyas, chớ nhận nó! Nhưng đừng chơi trò láu cá, đừng tinh ranh, đừng cố tỏ ra láu cá. Đừng nói, “Đây là bên ngoài và tôi muốn cái gì đó bên trong.”
Trong sự tồn tại, cái bên ngoài gặp gỡ cái bên trong, cái bên trong gặp gỡ cái bên ngoài; chúng là hai cánh của con người. Và không con chim nào có thể bay được chỉ với một cánh, và không người nào có thể trưởng thành với một cánh - bạn cần cả hai. Thế giới này cần Thượng đế cũng nhiều như Thượng đế cần thế giới này. Thế giới này không thể tồn tại mà không có Thượng đế; Thượng đế cũng không thể tồn tại mà không có thế giới này.
Tôi yêu một giáo sĩ - tên ông ấy là Baal Shem, nhà huyền môn Do Thái, một trong một vài người Do Thái đã chứng ngộ. Ông ấy hay nói trong mọi lời cầu nguyện, “Xin nhớ, nhiều như con cần tới ngài, ngài cũng cần tới con. Không có Baal Shem này thì ngài sẽ ở đâu?” Ông ấy hay nói với Thượng đế, “Con cần ngài, ngài cũng cần con. Không có Baal Shem này thì ngài sẽ ở đâu? Ai sẽ cầu nguyện?”
Nhớ điều đó. Ông ấy biết điều gì đó, ông ấy là phải. Cái bên trong cần tới cái bên ngoài, bởi vì cái bên ngoài không là gì ngoài cái bên trong được kéo dài ra. Cái bên ngoài cần cái bên trong, bởi vì cái bên trong không là gì ngoài trung tâm của của ngoại vi.
Liệu có thể có trung tâm mà không có ngoại vi không? Liệu có thể có ngoại vi mà không có trung tâm không? Điều đó là không thể được. Làm sao bạn có trung tâm mà không có chu vi? Nếu bạn có trung tâm, nếu bạn gọi nó là trung tâm, thì chính khoảnh khắc đó chu vi tới. Làm sao bạn có thể có chu vi nếu không có trung tâm? Nó có thể vô hình nhưng nó có đó, nếu không thì chu vi không thể có đó được. Thế thì, nếu bạn nhìn đúng và sâu sắc, chu vi không là gì ngoài trung tâm được kéo dài, và trung tâm cũng không là gì ngoài chu vi trong hạt mầm, cô đặc, tập trung, về bản chất.
Sống không dính líu với sự việc bên ngoài, không dính líu tới cảm giác bên trong về trống rỗng.
Chân thành không có hoạt động cố gắng trong cái một của mọi sự, và cái nhìn sai lầm sẽ tự nó biến mất.
Khi ông cố gắng dừng hoạt động để đạt tới tính thụ động,
chính nỗ lực của ông làm ông tràn đầy với hoạt động.
Đây là luật hiệu quả ngược...
Khi ông cố gắng dừng hoạt động để đạt tới tính thụ động, thì chính nỗ lực của ông làm ông tràn đầy với hoạt động.
Chừng nào ông còn ở cực đoan này hay cực đoan khác ông sẽ chẳng bao giờ biết tới cái một.
Những người không sống theo Đạo duy nhất thất bại cả trong hoạt động và thụ động, khẳng định và phủ định.
Đừng cố gắng thụ động, bởi vì nỗ lực thuộc về hoạt động. Không ai có thể cố thành thụ động được. Thế thì phải làm gì? Tích cực hoàn toàn, và thế thì thụ động tới. Nó theo sau như cái bóng, nó phải tới. Suy nghĩ thật hoàn hảo và thế thì vô suy nghĩ tới. Bạn không thể vứt bỏ suy nghĩ. Không cái gì có thể bị vứt bỏ mà lại không đầy đủ, chỉ cái hoàn hảo mới có thể bị vứt bỏ. Trong thực tế, cái hoàn hảo vứt bỏ chính nó một cách tự động.
Tích cực vào - bản thân việc tích cực tạo ra tình huống mà trong đó thụ động xảy ra. Nếu bạn đã tích cực cả ngày, tích cực toàn bộ cho bất kì việc gì bạn làm đi... Đào hố trong vườn hay làm việc trong xưởng máy hay trong cửa hiệu hay dạy học trong trường, dù bất kì việc gì bạn làm, làm nó một cách toàn bộ, và khi buổi tối tới và mặt trời lặn, bạn sẽ được sự thụ động choàng xuống. Thụ động đó là đẹp, nó là đẹp cũng như hoạt động vậy. Không có gì để chọn cả! Cả hai đều đẹp và cả hai đều cần.
Đừng cố gắng thụ động. Làm sao bạn có thể cố gắng thụ động được? Bạn có thể ngồi giống như Phật, nhưng cái thụ động đó sẽ chỉ sâu như lớp da thôi. Sâu bên dưới bạn sẽ trong rối loạn, bạn sẽ sôi sùng sục, núi lửa - bạn có thể bùng nổ vào bất kì lúc nào. Bạn có thể bắt buộc thân thể ngồi im lặng - làm sao bạn bắt buộc bản thể mình được? Bản thể cứ tiếp diễn, tiếp diễn mãi. Đó là lí do tại sao bạn không thể nào dừng suy nghĩ. Mọi người ngồi trong tư thế ngồi thiền zazen hết năm nọ đến năm kia, hai mươi năm, hai mươi nhăm năm, ngồi sáu giờ, liên tục chỉ cố gắng để làm cho tâm trí im lặng, mà nó cứ làm việc hoài, làm việc mãi, làm việc nữa.
Do đó nhấn mạnh của tôi là vào thiền tích cực. Đó là sự cân bằng. Trước hết tích cực toàn bộ đến mức cái thụ động theo sau một cách tự động. Khi bạn đã tích cực và toàn bộ năng lượng đã chuyển hết, bạn sẽ giống như sự nghỉ ngơi. Nếu bạn còn chưa tích cực làm sao nghỉ ngơi theo sau được?
Logic sẽ nói điều gì đó hoàn toàn khác. Logic sẽ nói, “Thực hành nghỉ ngơi cả ngày đi, đến đêm bạn có thể nghỉ tốt.”
Mulla Nasruddin tới bác sĩ. Ho rũ rượi, anh ta bước vào. Bác sĩ nói, “Vẫn còn ho à? Nhưng dường như khá hơn đấy.”
Nasruddin nói, “Nó phải thế, bởi vì cả đêm tôi đã thực hành nó.”
Nếu cả ngày bạn thực hành nghỉ, đừng trông đợi ngủ nghê gì nữa vào ban đêm. Thực hành nghỉ ngơi sẽ không đem đến nhiều nghỉ ngơi hơn; thực hành nghỉ ngơi sẽ đem tới hoạt động. Thế thì nằm trên giường mình bạn sẽ nghĩ, và đi từ mặt này sang mặt khác. Bạn sẽ thực hiện bài luyện tập cả đêm. Và nếu bạn bắt buộc thân thể mình, thế thì tâm trí sẽ phải thế vào, thế thì tâm trí sẽ cứ trong ác mộng.
Không, người trí huệ cân bằng, và người đó biết cuộc sống tự nó cân bằng. Nếu bạn làm việc - nhưng làm toàn bộ, để không gì còn lại, toàn bộ năng lượng đã tận hưởng hoạt động - thế thì nghỉ ngơi là tự động, thế thì nghỉ ngơi theo sau. Và khi bạn tận hưởng nghỉ ngơi thế thì hoạt động theo sau, bởi vì khi bạn nghỉ ngơi bạn thu lại năng lượng, bạn trở nên được khoẻ lại. Thế thì toàn bộ thân thể được tràn đầy, tràn ngập với năng lượng. Bây giờ lần nữa bạn phải chia sẻ nó, và trong hoạt động bạn phải cho nó ra. Lần nữa bạn sẽ lại được tràn đầy.
Cũng giống như các đám mây: chúng phải mưa xuống, lần nữa chúng sẽ được tràn đầy - đại dương có đó để làm tràn đầy chúng. Chúng phải mưa xuống, lần nữa chúng sẽ được làm tràn đầy. Dòng sông phải trút mình vào đại dương, nó sẽ được tràn đầy lần nữa. Nó càng trút xuống thì nó sẽ càng được tràn đầy.
Tăng Xán nói: Tích cực toàn bộ, thế thì ông sẽ có khả năng thụ động hoàn toàn. Thế thì cả hai cực đoan gặp gỡ và cân bằng tinh tế được đạt tới. Cân bằng tinh tế đó là samyaktva, cân bằng tinh tế đó là thanh bình. Cân bằng tinh tế đó là an bình cao nhất có thể có, cực đỉnh, thượng đỉnh, tột đỉnh, bởi vì khi hai điều cân bằng - bên ngoài và bên trong, tích cực và thụ động - bỗng nhiên bạn siêu việt lên trên cả hai. Khi cả hai chúng cân bằng bạn không còn là cái này, cái kia nữa. Bỗng nhiên bạn là lực thứ ba - người nhìn, nhân chứng. Nhưng bạn không thể cố gắng cho nó.
Khi ông cố gắng dừng hoạt động để đạt tới tính thụ động, thì chính nỗ lực của ông làm ông tràn đầy với hoạt động.
Chừng nào ông còn ở cực đoan này hay cực đoan khác ông sẽ chẳng bao giờ biết tới cái một.
Siêu việt lên trên các cực đoan đi! Đừng là người trần tục và cũng đừng là cái gọi là người tâm linh. Đừng là kẻ hữu thần, đừng là kẻ vô thần. Đừng điên khùng vì của cải bên ngoài và đừng bị ám ảnh với thanh bình bên trong. Cân bằng đi... cân bằng nên là khẩu hiệu.
Những người không sống theo Đạo duy nhất thất bại cả trong tích cực và thụ động, khẳng định và phủ định.
Và đây là kết quả: những người chọn các cực đoan, họ cả hai đều thất bại, bởi vì nếu bạn cứ tích cực và tích cực và tích cực mãi, mà không thụ động nào được phép, bạn phục hồi bản thân mình từ đâu được? Bạn sẽ trở thành cái vỏ trống rỗng, bất lực, nghèo nàn.
Điều đó đã xảy ra cho cái gọi là những người thành công trên thế giới này: chính khách, tổng tống, thủ tướng: vào lúc họ đạt được thì họ đã mất mọi thứ. Họ không còn đó nữa. Thành công có đó, nhưng trong việc mặc cả họ đã bán bản thân mình, họ không còn có đó nữa. Và cũng điều ấy đã xảy ra cho những người chọn cái bên trong, người hướng nội: vào lúc họ đạt tới bên trong, họ thấy chỉ toàn rối loạn khắp xung quanh.
Nếu bạn chọn cực đoan, bạn sẽ thất bại trong cả hai đằng. Nếu bạn không chọn lựa, bạn sẽ thành công trong cả hai đằng. Cân bằng thành công, cực đoan thất bại. Cân bằng này Phật gọi là trung đạo, majjhim nikaya, theo Khổng Tử, ‘phương tiện vàng’.
Chỉ ở giữa. Đây là kĩ năng và nghệ thuật lớn nhất, chỉ ở giữa, không chọn lựa, không chuyển sang trái, không chuyển sang phải. Đừng là cực hữu và cũng đừng là cực tả - chỉ ở chính giữa.
Nếu bạn ở chính giữa bạn siêu việt trên thế giới này. Thế thì bạn không còn là đàn ông nữa, không còn là đàn bà nữa. Đó là điều Jesus nói. Thế thì bạn không còn là người duy vật, không còn là người duy tâm. Thế thì bạn không sống nữa, bạn không chết nữa.
Không thế này, chẳng thế nọ - cây cầu đã được vượt qua. Bạn đã đạt tới mục đích. Và mục đích không ở đâu đó trong tương lai, nó là ở đây giữa hai cực đoan. Không ghét không yêu...
Bao giờ nhớ, bất kì khi nào bạn thấy hai cực đoan, đừng chọn lựa. Chỉ cố gắng tìm ra sự cân bằng ở giữa. Điều đó sẽ khó khăn lúc đầu, chỉ bởi vì thói quen cũ.
Chuyện đã xảy ra:
Mulla Nasruddin bị ốm và anh ta được đưa vào bệnh viện. Chỉ sau vài phút ai đó gõ cửa và một người đàn bà nhỏ bé nhanh nhẹn bước vào.
Cô ấy nói, “Tôi là bác sĩ của anh. Cởi quần áo ra, tôi phải kiểm tra anh.”
Mulla hỏi, “Bác sĩ muốn nói cởi toàn bộ ư?” Bác sĩ nói, “Đúng, đó là điều tôi muốn nói.”
Thế là anh ta cởi quần áo ra. Người phụ nữ này kiểm tra, khám bệnh cho anh ta. Thế rồi cô ta nói, “Bây giờ anh có thể vào giường. Anh còn câu hỏi nào nữa không?”
Mulla Nasruddin nói, “Mỗi một câu thôi: sao bác sĩ lại phải bận tâm gõ cửa?”
Người đàn bà nói, “Chỉ là thói quen cũ.”
Thậm chí trong cử chỉ của bạn, thói quen cũ vẫn còn dai dẳng. Thói quen dễ tuân theo bởi vì bạn không cần nhận biết - chúng cứ theo cách của chúng. Nhận biết là khó, bởi vì nó chưa bao giờ là thói quen cho bạn.
Bạn chọn lựa dễ dàng, bạn lên án, ca ngợi dễ dàng, bạn bác bỏ, chấp nhận dễ dàng. Bạn nói, “Cái này phải, cái kia trái,” thật dễ dàng, bởi vì điều này đã trở thành thói quen: trong hàng triệu kiếp, bạn bao giờ cũng chọn lựa. Đây chỉ là hiện tượng tựa người máy.
Không nhận biết, khoảnh khắc bạn thấy cái gì đó, bạn đã quyết định và đánh giá. Hoa có đó: bạn nhìn và bạn nói, “Đẹp,” hay “Không đẹp.” Lập tức phán xét tới; với cảm nhận, phán xét tới. Thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể vẫn còn ở giữa được.
Ai đó tới gặp Trang Tử và ông ta nói về một người trong thành và nói, “Nó là tội nhân, người rất xấu, kẻ cắp,” và lên án người này theo nhiều, nhiều cách.
Trang Tử lắng nghe và nói, “Nhưng anh ta thổi sáo tuyệt vời.”
Thế rồi người khác tới, và người thứ nhất vẫn còn ngồi đó, và người kia nói, “Người này trong thành phố thực sự là người thổi sáo cừ.”
Trang Tử nói, “Nhưng anh ta là kẻ cắp.”
Cả hai người đều có mặt, cho nên họ nói, “Ông ngụ ý gì?”
Trang Tử nói, “Chỉ là việc cân bằng. Và ta là ai mà phán xử? - anh ta là kẻ cắp, anh ta là người thổi sáo hay. Với ta không có bác bỏ, không có chấp nhận. Với ta không có chọn lựa. Anh ta là bất kì cái gì anh ta là. Ta là ai mà phán xử hay chọn cực đoan này hay cực đoan kia? Với ta, anh ta không tốt cũng chẳng xấu. Anh ta là bản thân anh ta và đó là việc của anh ta. Ta là ai ở đây để nói điều gì? Ta phải nói điều gì đó chỉ để làm cân bằng cho cả hai ông thôi.”
Khó mà không chọn lựa, nhưng cố lên. Và trong mọi thứ... Khi bạn cảm thấy ghét, cố chuyển vào giữa. Khi bạn cảm thấy yêu, cố chuyển vào giữa. Dù bạn cảm thấy bất kì cái gì, cố chuyển vào giữa. Và bạn sẽ ngạc nhiên là có một điểm ở giữa bất kì hai cực đoan nào, nơi cả hai đều dừng tồn tại - khi bạn không cảm thấy ghét mà cũng không cảm thấy yêu. Đây là điều Phật gọi là upeksha, dửng dưng. Dửng dưng không phải là từ đúng.
Upeksha có nghĩa là điểm giữa, như vậy từ đó bạn không thế này cũng chẳng thế nọ. Bạn không thể nói, “tôi yêu,” bạn không thể nói, “tôi ghét.” Bạn đơn giản không thể nói điều gì, bạn đơn giản ở giữa. Bạn không bị đồng nhất. Siêu việt xảy ra, và siêu việt là việc nở hoa. Đó là chín chắn cần được đạt tới, đó là mục đích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét