Zangthalpa kể tiếp:
Trên hành trình du lịch của mình, tôi may mắn được ghé thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp. Thú vị ở chỗ, tuy đất nước nhỏ bé nhưng lại là quê hương của một bậc cư sĩ giác ngộ tuyệt vời. Ngài tên là Trần Tung, hiệu là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Tuệ Trung Thượng Sĩ là người có được một phong thái siêu việt độc đáo, sống giữa cuộc đời trong sự tự do phóng khoáng không hề bị lệ thuộc. Ngài bước vào trần gian sống như tất cả mọi người nhưng với phong thái Thiền Sư vượt ra ngoài những hệ lụy, không đắm chìm trong danh sắc, cởi tung những triền phược mà con người bình thường không thể lãnh hội và làm được.
Thượng Sĩ có tất cả, như tất cả những con người cư ngụ trên mặt đất đã có, nhưng Thượng Sỹ lại có cái “không” mà những người cư ngụ trên mặt đất không hề có. Cái không ấy là bản năng tuyệt luân vượt ra ngoài định kiến, phán đoán suy luận, gò bó trong mọi khuôn mẫu. Hành động một cách siêu dị không câu nệ chấp trước, điều này chỉ tìm thấy trong những con người đã đạt được sự chứng ngộ giải thoát ở nội tâm.
Tuệ Trung Thượng Sĩ đi vào vuộc đời, sống với cuộc đời, với con người để từ đó hoán chuyển mọi tăm tối, hành động này là việc làm của những Bồ Tát mang đại nguyện, hy sinh thân mạng để xoa dịu những thống khổ của thế gian. Giá trị đó được tiềm ẩn qua con người Thượng Sĩ, Ngài đã từng đem bản thân mình ngăn chặn những cuộc xâm lăng của giặc Nguyên Mông, đã từng được phong tước Hưng Ninh Vương, giữ chức Tiết Độ Sứ. Nhưng Ngài vứt tất cả, chỉ còn lại là phong cách cư sĩ Thiền Sư, đối diện với trần thế bằng tình thương bao dung, không bị giới hạn.
Trộn lẫn với cuộc đời hay không, vượt thoát hay đắm chìm trong sinh tử, bỏ tung tất cả hay gánh trọn trên đôi vai, đối với những người đã giác ngộ thực chứng thì hành động nào cũng đều ứng dụng thanh thoát giữa dòng đời trôi nổi.
- Xuất Thân của Tuệ Trung Thượng Sĩ
Trần Tung (còn gọi là Trần Quốc Tung) hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ, sinh năm 1230, mất ngày 1 tháng 4 năm 1291, quê ở Nam Định, Việt Nam. Ngài là con An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh vợ vua Trần Thánh Tông. Ngài là người có phẩm chất cao sáng, thuần hậu, vốn dòng tôn thất nên ngay từ khi còn trẻ Ngài đã được cử coi giữ đất Hồng Lộ, thuộc Hải Dương.
Người xưa có câu, dễ nhất là tu ở trên chùa, dễ nhì là tu ở nhà, khó nhất là tu giữa triều đình. Trần Tung xuất thân trong bối cảnh làm quan giữa triều đình nhưng ngài đã hướng đến tu hành từ khi con trẻ. Ngài tu tại gia từ khi 13 tuổi, một lòng đã hướng theo đạo Phật, thích tu Thiền nhưng thân sinh ra trong gia đình Hoàng Tộc nhà Trần, nên không thể sống cuộc sống ẩn cư, nơi rừng sâu để tu hành được. Vì vậy, vừa làm quan trong triều Ngài vừa tự tu hành nhưng vẫn có lòng đi tìm một con đường, tìm một vị Thầy khai ngộ cho Ngài một phương pháp tu giữa nơi triều chính mà ngộ Đạo.
Trần Tung không phải là vị “Thiền sư tại gia” đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Ngài là đệ tử của thiền sư Tiêu Dao, mà thiền sư Tiêu Dao lại là học trò đắc pháp với một vị thiền sư cư sĩ khác cũng rất nổi tiếng ở kinh đô Thăng Long lúc bấy giờ, đó là cư sĩ Ứng Thuận.
Thiền sư Tiêu Dao còn được gọi là Phúc Ðường đại sư, cư trú ở Phúc Ðường tịnh xá trên núi Yên Tử, Quảng Ninh. Nghe danh Thiền Sư Tiêu Dao, Trần Tung tìm đến học. Qua vài lần tiếp xúc và vấn đạo, Trần Tung rất mực cung kính, khâm phục rồi cảm khái mà làm câu thơ để tả về Thiền Sư:
Cho hay Phật sống trần gian đấy
Sen nở trên lò rực lửa hồng.
Sen nở trên lò rực lửa hồng.
Câu thơ đấy cũng nói lên chí hướng và nguyện ước của Trần Tung đối với con đường Đạo của mình: là một người tu hành giữa đời thường, như một hoa sen nở trong biển lửa, nguyện là một người giác ngộ sống cuộc đời thế tục mà cảm hóa chúng sinh.
Từ đấy, Trần Tung tôn Thiền Sư làm Thầy dạy và trở thành một học trò xuất sắc nhất của Thiền Sư Tiêu Dao. Ngài đã tiếp thu, chứng ngộ được mọi nguyên lý sâu xa, vi diệu nhất của Thiền tông từ sư phụ Tiêu Dao. Theo Ngài, mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày đều là Thiền (Hành diệc thiền, toạ diệc thiền). Khi đất nước bị xâm lăng thì đánh giặc cứu nước là biết tuỳ nghi, là hợp thời đúng lúc, là Thiền.
Năm 1251 cha ông là Trần Liễu mất, Thượng Hoàng Trần Thái Tông cảm nghĩa đã ban cho ông tước Hưng Ninh Vương. Khi vua Trần Thánh Tông nghe đạo đức của Ngài thâm hậu, mới mời Ngài vào cung để bàn việc đạo lý. Vua Thánh Tông thấy phong cách ngôn ngữ của Ngài rất siêu thoát, nên tôn Ngài làm sư huynh tặng hiệu là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thượng Sĩ có nghĩa là người bậc thượng, là hàng Bồ-tát, là người mà mọi hành động đều lợi mình và lợi cả người, Tuệ Trung là hiệu. Vua Trần Thánh Tông tôn Ngài một bậc Bồ tát có đầy đủ trí tuệ.
- Vị Đại Tướng quân dũng cảm, mưu lược, vì muôn dân trăm họ
Là một cư sĩ nhập thế, làm quan trong triều vì dân vì nước, mỗi khi đất nước bị giặc xâm lăng, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung đã đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhất. Khi làm sứ giả vào tận sào huyệt của địch đấu trí trên mặt trận ngoại giao, lúc làm tướng trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều công trạng. Ngài tham gia trong cả hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, là người có nhiều công lao trong kháng chiến, Tuệ Trung Thượng Sĩ lần hồi được phong đến chức Tiết Độ Sứ.
2.1 Lập công lớn trong lần kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2
Mông Cổ được đánh giá là đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử loài người bởi những điều mà họ làm chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Trải qua hơn hai mươi năm lăn lộn trên sa trường, Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất khu vực Nội Mông, đồng thời thu phục hơn 700 dân tộc, sát nhập tới 40 quốc gia khác nhau từ Đông sang Tây, thành lập nên đế quốc Mông Cổ rộng lớn nhất trên bản đồ thế giới. Ở thời điểm tối cường, đế quốc Mông Cổ trải dài 9.700 km, diện tích lãnh thổ lên tới 24.000.000 km2 tương đương 16% diện tích đất liền của Trái Đất. Trong suốt thế kỷ XIII, vó ngựa của quân xâm lược Mông Cổ đã tung hoành khắp nơi, vó ngựa Mông Cổ được coi là đi đến đâu thì cỏ không mọc được, nơi đó trở thành bình địa.
Mông Cổ sau khi tiêu diệt nhà Nam Tống, thôn tính toàn Trung Quốc, Hốt Tất Liệt lên làm vua lập ra triều Nguyên (năm 1271). Đây là đế quốc lớn mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Với thế và lực mới, Hốt Tất Liệt quyết tâm xâm lược Đại Việt, một đất nước có vị trí đặc biệt quan trọng để làm bàn đạp trên con đường bành trướng xâm lược Đông Nam Á của nhà Nguyên.
Trong cuộc kháng chiến chống 50 vạn quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 năm 1285, khi đã vào giai đoạn then chốt của cuộc kháng chiến, vua tôi Nhà Trần phản công giành chiến thắng trên các mặt trận, buộc quân Nguyên Mông phải rút chạy về nước.
Vào ngày 10 tháng 6 năm 1285, khi đại quân Thoát Hoan thất thế bắt đầu rút chạy khỏi bờ bắc sông Hồng, Hưng Ninh Vương – Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung đã cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đem hai vạn quân đón đánh địch, kịch chiến với tướng giặc Lưu Thế Anh và truy kích Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Quân Nguyên bị đội quân của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản chặn đánh, quân Nguyên thua không sang được sông, phải chạy về phía Vạn Kiếp. Chạy đến sông Sách (tức đoạn sông Thương chảy qua Vạn Kiếp), quân Nguyên bắc cầu phao định vượt sông nhưng bị quân Trần do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy ập vào đánh. Lý Hằng (vị tướng của quân Nguyên Mông) đẩy lui được mũi quân Trần tấn công vào lưng quân Nguyên, chém được tướng Việt là Trần Thiệu. Nhưng lại bị Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ huy một đạo quân khác đánh vào sườn đội hình quân Nguyên đang vượt cầu phao, làm cho quân Quân Nguyên xô nhau chạy, cầu phao đứt, người chết và bị thương vô số, gây thiệt hại lớn cho lực lượng quân Nguyên Mông trên đường tháo chạy.
2.2 Một mình vào giữa 30 vạn quân địch trá hàng
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3 (1287 – 1288), Quân Nguyên với đại quân 60 vạn người chia làm hai ngả tấn công Đại Việt.
Đạo quân thứ nhất do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, người con thứ 9 của Hốt Tất Liệt chỉ huy tiến hành bao vây thành Thăng Long, kinh đô vương triều nhà Trần. Khí thế quân giặc cao ngút, thề phục thù rửa hận hai lần thất bại trước đây.
Vua tôi nhà Trần tổ chức họp bàn quân sự để chọn kế sách đánh địch, không khí khẩn trương. Các vị tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo), Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hưng Ninh Vương Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung và các tướng quân khác đều có đủ để cùng đưa ra kế sách.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hiến kế:
– Muôn tâu bệ hạ, hiện nay thế giặc Nguyên đông, lại với tâm lý phục thù sau hai lần thất bại trước thoạt nhìn có vẻ rất mạnh, nhưng theo Thần quân giặc đi đường xa mỏi mệt, hàng ngũ chưa chỉnh tề, lại quen khí hậu Phương Bắc, không quen thổ nhưỡng nước Nam, nên dùng kế Dĩ Dật Đãi Lao, lấy nhàn để đối phó với mỏi mệt, dùng quân Đại Việt ít hơn nhưng tinh nhuệ, có trật tự, lại được nghỉ ngơi, đánh địch đang mệt là thượng sách.
Các chúng tướng khác nghe xong đều gật đầu đồng ý là cao kế. Duy chỉ có Tuệ Trung Thượng Sĩ là có ý kiến khác.
– Muôn tâu bệ hạ, chiến tranh dù dưới bất kỳ danh nghĩa nào đều là phi nghĩa, chiến thắng của bên này là máu và sinh mạng của bên kia. Kèm theo đó là những mất mát không gì bù đắp được của người thân những chiến sĩ chết trận ở quê nhà. Trong trường hợp giữ thành Thăng Long thất thủ, người dân trong thành sẽ bị quân giặc giết hại rất nhiều.
Vua Trần nghe vậy, liền nói:
– Tuệ Trung Thượng Sĩ thật có lòng nghĩ cho chúng sinh, muôn dân trăm họ. Trẫm đồng ý với khanh như thế, nhưng chiến tranh giữ nước bảo vệ bờ cõi là việc nên làm, hy sinh trong chiến tranh là điều không tránh khỏi. Ngoài kế sách mà Hưng Đạo Vương đã đưa ra, chẳng hay khanh gia có cao kiến nào khác để tránh thương vong cho người dân, quân lính hai bên mà vẫn giành chiến thắng, bảo vệ được nước nhà.
– Muôn tâu bệ hạ, theo ý Thần, quân Nguyên chia quân 2 ngả với 60 mươi vạn quân là muốn đánh nhanh thắng nhanh, dùng số lượng quân áp đảo để nhanh giành chiến thắng. Hành quân xa với số lượng nhiều như thế, vấn đề lương thực chính là điểm yếu chí mạng của quân địch. Thần xin hiến một kế Vườn Không Nhà Trống, rút lui toàn bộ triều đình, người dân, lương thực, của cải của thành Thăng Long lùi sâu về phương Nam để bảo toàn lực lượng, vừa tránh giao tranh trực tiếp với địch, vừa cắt nguồn cung cấp lương thực, đồng thời tổ chức các cánh quân nhỏ phục kích các đường vận lương của địch. Quân địch đông, thiếu quân lương chúng sẽ lúng túng, lại không quen khí hậu Phương Nam, tất sẽ sớm tự thua mà lui quân, Đại Việt ta sẽ không đánh mà thắng.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nghe xong, vuốt râu gật đầu tỏ vẻ đồng ý, nhưng vẫn còn điều chưa rõ, liền nói: – Việc rút lui toàn bộ thành phải cần thời gian, trong khi thế giặc đang mạnh không biết Tuệ Trung Thượng Sĩ huynh có kế sách gì chăng?
– Muôn tâu bệ hạ, Thần có thêm một Kế Hoãn Binh, làm sử giả đi cầu hòa rồi giả hàng giặc, thương thuyết với chúng để kéo dài thời gian cho triều đình rút lui an toàn. Chỉ cần một người và đích thân Thần sẽ là người thực hiện kế sách này.
Chư tướng nghe xong thì lo lắng cho an nguy của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi trẻ nhiệt huyết, văn võ toàn tài, lập nhiều chiến công giết giăc, đầy lòng yêu nước, căm hận quân Nguyên, xung phong xin nhận nhiệm vụ làm sứ giả, Vua Trần cũng tỏ vẻ đồng ý, nhưng Tuệ Trung Thượng Sĩ đã ngăn lại:
Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng.
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng.
Đức Phật đã giảng trong Kinh pháp cú.
– Muôn tâu bệ hạ, Hoài Văn Hầu thật dũng cảm, nhưng để vào hang ổ địch, ngoài dũng cảm, cần có trí tuệ và tài ứng biến linh hoạt với tình thế, hơn nữa không chỉ là cầu hòa giặc, mà qua đó còn thể hiện hào khí sức mạnh Đại Việt, để giặc nể sợ lung lay tinh thần, biết khó mà lui. Thần nguyện đi chuyến này, đối diện hiểm nguy sinh mạng, để mong tránh thương vong cho chúng sinh, muôn dân Đại Việt.
Đến đây, tất cả chư tướng Vua tôi nhà Trần đều chắp tay kính phục trí tuệ, sự dũng cảm, tấm lòng hy sinh vì dân vì nước của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Trước khi lên đường, Vua Trần rưng rung nước mắt dâng ly rượu đào mời Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, rồi xúc động:
– Trần Tung huynh thật là một vị Bồ Tát, hành động quên mình vì hạnh phúc của muôn dân. Trẫm xin thay mặt cho muôn dân Đại Việt ghi tạc trong lòng, nguyện noi theo gương huynh mà lo cho dân cho nước. Ly rượu đào này xin kính tiễn huynh, mong lại được trùng phùng cùng uống rượu đón huynh trở về.
Rồi trao thánh chỉ, tiễn Ngài đi sứ.
Tuệ Trung Thượng Sĩ nhận rượu Vua ban và thành chỉ, đồng thời đọc lên một bài kệ, mong nhà Vua ghi nhớ để dùng cho việc trị nước, bảo vệ bờ cõi:
Hận thù diệt hận thù
Là điều không thể có
Tình yêu diệt hận thù
Là định luật ngàn thu
Là điều không thể có
Tình yêu diệt hận thù
Là định luật ngàn thu
Tuệ Trung Thượng Sĩ một mình đi qua cổng trại của 30 vạn quân Nguyên vào gặp Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Thoát Hoan không cho người tiếp đón. Nên Ngài biết việc cầu hòa quân Nguyên là rất khó khăn.
Khi Tuệ Trung Thượng Sĩ vào đến doanh trại chính của Thoát Hoan, Ngài quắc mắt nhìn toàn bộ chúng tướng nhà Nguyên rồi đứng thẳng người, ưỡn ngực, tay trái chắp sau lưng, tay phải vuốt râu, phong thái uy nghi, mắt nhìn thẳng Thoát Hoan, không quì lạy.
Thấy thế, các Tướng quân Nguyên rút gươm, chỉ tay thét :
– Sứ thần bên Đại Việt sao thấy Trấn Nam Vương nhà ta sao không quì lạy?
Tuệ Trung Thượng Sĩ quay lại mắng rằng :
– Hỗn xược, bây chỉ biết trách người sao không biết trách mình. Ta phụng chỉ vua Trần sang đây mà các ngươi không ra nghinh tiếp, đó là một điều vô lễ, lại còn trách Đại thần nhà Trần sao không lạy một ông Trấn Nam Vương ư? Trấn Nam Vương Thoát Hoan ngươi là con vua nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, trong khi ta làm Hưng Ninh Vương Trần Tung, là anh của vua Trần. Ngươi là con vua, ta là anh vua, xét về thứ phẩm là cao hơn một bậc, hà cớ gì phải quỳ lạy chủ ngươi?
Thoát Hoan nghe thế nổi giận:
– Quân đâu, đem tên hỗn xược này ra ngoài chém đầu thị uy cho ta.
Lập tức, có hai tên đao phủ người cao thước tám, thân hình lực lưỡng, vẻ mặt dữ tợn, cầm đao sáng lóa ập vào lôi ngài ra trước doanh trại chuẩn bị hành quyết. Đối mặt với cái chết cận kề, những tưởng Ngài sẽ hạ giọng cầu xin, nhưng không ngờ khi đao kề cổ Ngài vẫn mặt không biến sắc, còn ngửa mặt lên trời cười lớn. Thoát Hoan lấy làm lạ, ra lệnh ngừng đao và hỏi:
– Vì sao nhà người lại cười như vậy?
Tuệ Trung Thượng Sĩ mỉm cười đáp lại:
– Ta vẫn tưởng Thoát Hoan là một danh tướng, ai dè cũng chỉ là kẻ hồ đồ dễ nóng giận. Chưa biết sứ giả mang đến chuyện tốt hay chuyện xấu mà đã đòi đem giết.
Thoát Hoan cũng là kẻ gian hùng, ngay lập tức liền đổi thái độ và nói:
– Vua Trần sai ngươi sang đây tất cũng biết tay ta đó. Thế hắn đã chịu dâng nạp thành Thăng Long và triều phục nhà Nguyên chưa?
Tuệ Trung liếc nhìn sắc diện Thoát Hoan, mắt xanh râu đỏ, tướng mạo đường đường, nghĩ thầm: Người này phải lấy lời lẽ nói thẳng chứ không nói khéo được. Nghe Thoát Hoan nói như vậy thì vẫn ung dung, nhưng làm ra tức giận, quát :
– Nhà ngươi chớ nói càn. Đại Việt từng hai lần đánh bại quân Nguyên các ngươi, chẳng phải lần trước cũng chính ngươi thống lĩnh 50 vạn quân Nguyên đánh Đại Việt ta, đã bị đánh thua chạy về nước mà người đã quên sao. Ta phụng mệnh sang đây là để nói lời phải trái làm hòa 2 nước, yêu cầu ngươi ra lệnh rút lui, để từ đây 2 nước giao hòa, khỏi dấy binh đao làm khổ dân chúng. Đại Việt ta cũng mỗi 3 năm triều cống sản vật để giữ hòa khí.
Thoát Hoan bị chạm vào vết thương, đập bàn, quát lớn:
– Sao ngươi nói dễ quá vậy? Muốn giảng hòa thì vua Đại Việt phải dâng nạp đầu cho ta, nếu không ta sẽ đánh đuổi đến tận cùng.Vua ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, Vua ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, Vua ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, Vua ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước.
Chư tướng quân Nguyên nghe đến đây thì cười ha hả vang cả doanh trại, lấy làm đắc chí lắm.
Tuệ Trung Thượng Sĩ vẫn ung dung, vuốt râu, từ tốn dõng dạc nói rồi cười lớn:
– Theo ta thấy, quân Nguyên các ngươi chia quân 2 ngả, với 60 mươi vạn quân là muốn đánh nhanh thắng nhanh, dùng số lượng quân áp đảo để nhanh giành chiến thắng. Hành quân xa với số lượng nhiều như thế, vấn đề lương thực chính là điểm yếu chí mạng của các ngươi. Hơn nữa quân đội nhà ngươi hành quân xa mỏi mệt, hàng ngũ xộc xệch, khí hậu Phương Nam lại đang vào mùa oi bức, rất dễ bệnh dịch. Phương Nam rừng thiêng nước độc, không khéo các ngươi lại bại trận lần thứ 3, chôn thây nơi xứ người đấy, ha ha….
Thoát Hoan và chúng tướng nghe lời đối đáp bình tĩnh mà thấu đáo, chỉ ra điểm yếu chí mạng của quân Nguyên, liền nghĩ như vậy thì quân Đại Việt tất đã có ứng phó rồi. Cả doanh trại im bặt tiếng cười, nhuệ khí đã giảm, tinh thần lung lay, ai nấy đều đăm chiêu suy nghĩ, chỉ có Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đứng giữa doanh trại, vẫn ung dung đưa mắt nhìn quanh.
Qua danh tiếng và tiếp xúc với ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, các mưu sĩ của quân Nguyên đã thấy Tuệ Trung Thượng Sĩ là người có khí độ phi phàm, là nhân tài hiếm có. Nếu người này về phe mình thì chiếm nước Việt dễ như trở bàn tay, và ngược lại nếu để Ngài sống và phò tá nhà Trần, sẽ là một chướng ngại không dễ vượt qua khi thôn tính Đại Việt. Họ bèn bàn bạc với nhau và hiến kế cho Thoát Hoan, lôi kéo thuyết phục Tuệ Trung Thượng Sĩ về theo phe mình, làm nội gián để tìm hiểu kế sách chuẩn bị của quân đội nhà Trần, rồi sẽ liệu kế ứng biến. Thoát Hoan vỗ đùi khen hay, rồi thuyết phục Tuệ Trung Thượng Sĩ quy hàng, hứa hẹn sau khi giành chiến thắng sẽ phong làm vua Đại Việt, chỉ dưới quyền Thiên Tử nhà Nguyên.
Tuệ Trung Thượng Sĩ mỉm cười trong bụng vì giặc đã trúng kế, cũng liền tỏ vẻ đăm chiêu cân nhắc, muốn nán lại doanh trại vài ngày để suy nghĩ thiệt hơn rồi sẽ hồi đáp. Thoát Hoan thấy vậy, chắc mẩm là đã thuyết phục thành công, nên ra lệnh tốc độ tiến quân cũng như đánh thành Thăng Long chậm lại.
Trong thời gian chờ này, quân đội nhà Trần do Trần Hưng Đạo chỉ huy theo kế sách Tuệ Trung Thượng Sĩ, tiến hành rút lui, mang hết lương thực vào giấu trong rừng. Ban ngày đóng cổng thành không giao chiến, còn ban đêm tổ chức đội quân cảm tử xuất kích đánh vào trại giặc, đốt phá lương thực rồi rút lui. Bị tấn công ban đêm, quân Nguyên vô cùng hoảng sợ chỉ biết cố thủ, đợi trời sáng mới dám đánh trống kéo quân ra khỏi trại. Chúng phải dựng rào gỗ, tăng thêm quân tuần tra ở các đồn trại để để phòng quân Đại Việt tiến đánh.
Đến thời hạn trả lời, Tuệ Trung Thượng Sĩ giả vờ đồng ý quy hàng, chỉ cho quân Nguyên biết những yếu điểm trong thành Thăng Long, quân Nguyên theo đó tấn công dễ dàng. Nhưng khi vào trong thành thì thấy chỉ là một tòa thành trống rỗng không một bóng người, quân Nguyên không làm được gì nên để trút giận, đã đốt phá cung điện và phố xá thành Thăng Long. Tuệ Trung Thượng Sĩ nhân lúc hỗn loạn đã bí mật trốn về với quân đội vua Trần.
Ở thành Thăng Long mà không có lương thực, đại quân Thoát Hoan vô cùng lúng túng. Đã vậy, quân Đại Việt đã phản công mạnh mẽ và kiểm soát vùng Hải Dương và Hải Phòng, đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị cắt đường tiến hội quân với các nhánh quân khác ở Vạn Kiếp. Chính vì không chiếm được lương thực trong thành, cộng thêm trước đó đã bị quân đội nhà Trần đốt phá hết lương thực, làm cho tình hình thiếu lương thực ở các mặt trận khác càng ngày càng trầm trọng, Thoát Hoan quyết định rút quân khỏi Đại Việt. Lúc đó là vào khoảng cuối tháng 3 năm 1288, tức là chỉ khoảng 3 tháng sau khi tiến quân vào Đại Việt.
Như vậy, bằng trí tuệ, lòng dũng cảm và tài ngoại giao khi làm sứ giả vào tận trong lòng địch để thương thuyết, rồi giả hàng để thực hiện kế hoãn binh, có thời gian cho vua tôi nhà Trần và toàn bộ người dân trong thành Thăng Long bảo toàn tính mạng, rút lui an toàn, tránh bị quân Nguyên Mông vào thành tàn sát, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung đã góp công lớn vào cuộc kháng chiến chông quân Nguyên Mông lần thứ 3 của Đại Việt. Tạo bước ngoặt cho sự thất bại của chúng về sau.
Sau đại thắng Nguyên Mông, vì có công trong cuộc kháng chiến, Tuệ Trung Thượng Sĩ được phong làm Tiết Độ Sứ, giữ vùng biển Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình.
- Chọn lối sống của người Cư sĩ tại gia
Ngài tuy là một vị Vương gia nhưng lấy đời sống đơn giản làm vui, sống ung dung trong Sự Thật, dành trọn thời gian để tiếp xúc và giác ngộ cho người khác chứ không vui trong chức lớn danh to. Ngài là một cư sĩ mà không bị công danh trói buộc, đó là cái hạnh cao quí, ít người thực hiện được.
Dẹp giặc xong, Nhà Vua phong ấp cho những người trong Hoàng tộc có công với đất nước, Ngài được cấp một nơi yên ở trong lúc tuổi già, đó là ấp Tịnh Bang làm nơi định cư, cứu giúp giác ngộ mọi người.
Tuệ Trung Thượng Sĩ không giáo điều sách vở. Ngài tu Phật nhưng không xuất gia, không toạ thiền, không ăn chay, không cầu thành Phật. Tuy tu đạo xuất thế mà Ngài vẫn sống hài hòa với người thế tục, bao bọc che chở cho mọi người, là một cư sĩ Phật Giáo sống trong trần thế nhưng vẫn cứu giúp được mọi người.
Khi đối đáp giảng dạy, không ai biết Ngài dùng thuận hạnh hay nghịch hạnh. Tức là có những người tới học đạo, Ngài chỉ dùng lời chân thật để an ủi dạy bảo (thuận hạnh). Lại có người tới hỏi đạo thì Ngài đánh, Ngài nạt hoặc đáp bằng những lời thô nặng (nghịch hạnh), mà cũng có người đến hỏi đạo lý Ngài lại chỉ dạy chỗ cương yếu, Ngài dạy cho họ an trụ tâm vọng động không để nó chạy theo sáu trần. Khi tâm an trụ rồi thì sống với bản tánh không động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét