CHƯƠNG 8: CÁI VÔ DỤNG
Huệ Tử nói với Trang Tử:
“Lời của ông vô dụng.”
Trang Tử đáp:
“Biết cái chi sao là vô dụng,
thì cũng biết nó sao là hữu dụng
Như đất rộng và bao la
nhưng người ta chỉ dùng có vài thước
để ngẫu nhiên đứng một chốc.
Bây giờ giả sử bỗng nhiên lấy đi
cái người ta không thực sự dùng,
để cho xung quanh chân vực thẳm mở ra,
và người ta đứng trong hư không
chẳng đâu chắc ngoại trừ dưới chân,
thì còn gọi nó là hữu dụng nữa không?”
Huệ Tử nói:
“Vô dụng.”
Trang Tử kết luận:
“Vậy thì rõ ràng vô dụng là hữu dụng đó.
Cuộc sống là biện chứng, đó là lí do tại sao nó không logic. Logic có nghĩa là cái đối lập thực sự là đối lập, còn cuộc sống bao giờ cũng bao hàm cái đối lập trong chính nó. Trong cuộc sống cái đối lập không thực là cái đối lập, nó là phần bù. Không có nó chẳng cái gì có thể có cả.
Chẳng hạn, sống tồn tại bởi vì chết. Nếu không có chết thì không thể có sống được. Chết không phải là chỗ cuối và chết không phải là kẻ thù - thay vì thế, ngược lại, bởi vì chết mà sống mới thành có thể. Cho nên chết thì không phải đâu đó ở chỗ cuối, nó được bao hàm ở đây và bây giờ. Mỗi khoảnh khắc đều có sống và chết của nó; nếu không thì sự tồn tại là không thể có được.
Có ánh sáng, có bóng tối. Với logic thì chúng là đối lập, và logic sẽ nói: nếu trời sáng, không thể có bóng tối nào được, nếu trời tối, không thể có ánh sáng nào được. Nhưng cuộc sống nói điều hoàn toàn mâu thuẫn lại. Cuộc sống nói: nếu có bóng tối, đấy là vì ánh sáng; nếu có ánh sáng, đấy là vì bóng tối. Chúng ta có thể không có khả năng thấy yếu tố kia khi nó ẩn quanh đâu đó góc này.
Có im lặng bởi vì âm thanh. Nếu không có âm thanh chút nào, bạn có thể im lặng được không? Làm sao bạn có thể im lặng được? Cái đối lập là cần thiết như bối cảnh. Những người theo logic bao giờ cũng đi sai bởi vì cuộc sống của họ trở thành thiên lệch. Họ nghĩ về ánh sáng, thế rồi họ bắt đầu phủ nhận bóng tối; họ nghĩ về sống, thế rồi họ bắt đầu tranh đấu với chết.
Đó là lí do tại sao không tồn tại tín ngưỡng nào trên thế giới nói rằng Thượng đế là cả ánh sáng lẫn bóng tối. Có một tín ngưỡng nói rằng Thượng đế là ánh sáng, ngài không phải là bóng tối. Không có bóng tối trong Thượng đế đối với những người tin Thượng đế là ánh sáng. Lại có tín ngưỡng khác nói rằng Thượng đế là bóng tối - nhưng với họ không có ánh sáng. Cả hai đều sai, bởi vì cả hai đều logic, họ phủ nhận cái đối lập. Và cuộc sống bao la thế, nó mang cái đối lập trong bản thân mình. Nó không phủ nhận, nó ôm choàng.
Có lần ai đó nói với Walt Whitman, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất đã từng được sinh ra, “Whitman, anh cứ mâu thuẫn với chính mình. Hôm trước anh nói điều này, hôm sau anh nói chính điều đối lập lại.”
Walt Whitman cười to và nói, “Tôi bao la lắm. Tôi chứa tất cả mọi điều mâu thuẫn.”
Chỉ những tâm trí nhỏ bé mới nhất quán, và tâm trí càng hẹp, càng nhất quán. Khi tâm trí bao la, mọi thứ đều được bao hàm: ánh sáng có đó, bóng tối có đó, Thượng đế có đó và quỉ có đó nữa, trong vinh quang toàn bộ của ngài.
Nếu bạn hiểu quá trình bí ẩn này của cuộc sống chuyển qua các cái đối lập, cái là biện chứng, nơi các cái đối lập giúp đỡ nhau, đem lại cân bằng, đem lại thanh điệu, tạo nên bối cảnh, chỉ thế thì bạn mới có thể hiểu được Trang Tử - bởi vì toàn bộ tầm nhìn của người theo Đạo được dựa trên phần bù của các cái đối lập.
Họ dùng hai từ, âm và dương. Chúng là các cái đối lập, nam và nữ. Nghĩ về một thế giới toàn bộ nam hay một thế giới toàn bộ nữ mà xem. Nó sẽ chết. Khoảnh khắc nó được sinh ra nó sẽ chết. Không thể nào có bất kì cuộc sống nào trong nó được. Nếu nó là thế giới nữ - đàn bà, đàn bà và đàn bà, và không có đàn ông - đàn bà sẽ tự tử. Cái đối lập là cần thiết bởi vì cái đối lập hấp dẫn. Cái đối lập trở thành từ lực, nó hút bạn; cái đối lập đem bạn ra khỏi bản thân mình, cái đối lập phá vỡ nhà tù của bạn, cái đối lập làm bạn thành bao la. Bất kì khi nào cái đối lập bị phủ nhận, sẽ có rắc rối. Và đó là điều chúng ta vẫn đang làm, do đó mới có nhiều rắc rối thế trên thế gian này.
Con người đã cố gắng để tạo ra một xã hội về cơ bản là nam tính, đó là lí do tại sao có nhiều rắc rối thế - đàn bà đã bị phủ nhận, cô ấy đã bị tống ra. Trong nhiều thế kỉ quá khứ đàn bà chưa bao giờ được thừa nhận ở đâu cả. Cô ấy bị dấu kín trong phòng tối của gia đình, và cô ấy thậm chí còn không được phép vào phòng khách. Bạn không thể gặp được cô ấy trên phố, bạn không thể thấy được cô ấy trong cửa hiệu. Cô ấy không phải là một phần của cuộc sống. Thế giới trở thành xấu đi, bởi vì làm sao bạn có thể phủ nhận cái đối lập? Thế giới trở thành thiên lệch, tất cả mọi cân bằng đều bị mất. Thế giới phát điên.
Đàn bà vẫn không được phép di chuyển trong cuộc sống; cô ấy thực sự chưa là một bộ phận, một phần sống còn của cuộc sống. Đàn ông đi theo các nhóm thiên hướng đàn ông - câu lạc bộ toàn đàn ông nơi con trai gặp nhau, thị trường, chính trị, nhóm khoa học. Mọi nơi đều thiên lệch. Đàn ông chi phối, đó là lí do tại sao có nhiều khổ thế. Và khi một trong các phía đối lập tiến hành chi phối, sẽ có khổ, bởi vì phía kia cảm thấy bị tổn thương và trả thù.
Cho nên mọi đàn bà đều trả thù ở nhà. Tất nhiên, cô ấy không thể đi ra ngoài và đi vào trong thế giới và trả thù nhân loại, loài người. Cô ấy trả thù chồng mình. Có xung đột thường xuyên.
Tôi đã từng nghe rằng Mulla Nasruddin đã nói với con trai mình, “Đấy không phải là việc của con, chớ hỏi những điều như vậy. Con là ai mà hỏi bố làm sao bố gặp mẹ con? Nhưng bố sẽ bảo con một điều: mẹ chắc chắn đã chữa cho bố khỏi huýt sáo."
Thế rồi anh ta nói, “Và đây là tinh thần của câu chuyện này: nếu con không muốn bất hạnh như bố, đừng bao giờ huýt sáo cho tụi con gái!”
Tại sao vợ bao giờ cũng trong xung đột thế? Đấy không phải là con người, đấy không phải là điều mang tính con người. Đấy là việc trả thù của đàn bà, của nữ giới, của cái đối lập bị phủ nhận. Và người đàn ông này ở nhà, người chồng, là đại biểu cho toàn bộ thế giới nam, thế giới hướng nam tính. Cô ấy đang tranh đấu.
Cuộc sống gia đình khổ làm sao bởi vì chúng ta vẫn còn chưa nghe điều Trang Tử nói. Có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh bởi vì chúng ta chưa nghe thấy rằng cái đối lập phải được hội nhập lại. Bằng việc phủ định nó, bạn mời rắc rối vào, và trên mọi con đường, ở mọi mức độ, theo mọi chiều hướng, đấy là cùng một thứ.
Trang Tử nói rằng nếu bạn phủ nhận cái vô dụng, thế thì sẽ không có cái hữu dụng nào trên thế giới cả. Nếu bạn phủ nhận cái vô dụng, cái khôi hài, cái vui đùa, không thể có bất kì công việc nào, bất kì nghĩa vụ nào. Đây là khó khăn bởi vì toàn bộ nhấn mạnh của chúng ta là vào cái hữu dụng.
Nếu ai đó hỏi bạn ngôi nhà gồm những gì, bạn sẽ nói, tường. Còn Trang Tử thì sẽ nói, cũng hệt như thầy của ông ấy Lão Tử, rằng ngôi nhà không chỉ bao gồm tường còn cả cửa ra vào và cửa sổ nữa. Nhấn mạnh của họ là vào phần khác. Họ nói rằng tường có ích, nhưng cái hữu dụng của chúng phụ thuộc vào cái không gian vô dụng đằng sau.
Căn phòng là không gian, không phải là tường. Tất nhiên, không gian thì tự do nhưng tường thì phải mua. Khi bạn mua ngôi nhà, bạn mua cái gì? Tường, vật liệu, cái thấy được. Nhưng bạn có thể sống trong vật liệu được không? Bạn có thể sống trong tường được không? Bạn phải sống trong phòng, trong không gian trống vắng. Bạn mua chiếc thuyền, nhưng bạn phải sống trong cái trống rỗng.
Cho nên thực sự, ngôi nhà là gì? Cái trống rỗng được tường bao quanh. Và cửa ra vào là gì? Chẳng có gì cả. ‘Cửa’ có nghĩa là không có gì, không tường, trống rỗng. Nhưng bạn không thể đi vào ngôi nhà nếu không có cửa; nếu không có cửa thế thì không mặt trời nào vào cả, không ngọn gió nào thổi qua. Bạn sẽ chết, và ngôi nhà của bạn sẽ trở thành nấm mồ.
Trang Tử nói: Nhớ lấy, rằng ngôi nhà bao gồm hai thứ: tường, vật liệu - có thể bán được, vị lợi - và cái trống rỗng được tường bao quanh, cái không vị lợi, không thể được mua, cái không thể được bán, cái chẳng có giá trị kinh tế gì.
Làm sao bạn có thể bán được cái trống rỗng? Nhưng bạn phải sống trong cái trống rỗng - nếu một người chỉ sống trong tường , người đó sẽ phát điên. Không thể nào làm được điều đó - nhưng chúng ta cứ cố làm cái điều không thể được ấy. Trong cuộc sống, chúng ta chọn cái vị lợi.
Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ đang chơi bạn nói, “Thôi đi! Cháu đang làm cái gì vậy? Điều này là vô dụng. Làm cái gì đó hữu dụng đi. Học, đọc, ít nhất cũng làm bài tập, làm cái gì đó có ích. Đừng vẩn vơ loanh quanh, đừng lông bông.” Và nếu bạn cứ khăng khăng vào điều này với đứa trẻ, dần dần bạn sẽ giết chết cái vô dụng. Thế thì đứa trẻ sẽ trở thành chỉ hữu dụng, và khi một người đơn giản hữu dụng, anh ta chết. Bạn có thể dùng anh ta, bây giờ anh ta là một thứ máy móc, một phương tiện, không phải là một mục đích tự bản thân mình.
Bạn thực sự là bản thân bạn khi bạn đang làm cái gì đó vô dụng - vẽ, không bán, chỉ để hưởng thú; làm vườn, chỉ để thích thú, nằm dài trên bãi cỏ, không làm gì cả, chỉ để hưởng thú, cái vô dụng, cái vui đùa; ngồi im lặng bên cạnh một người bạn.
Nhiều điều có thể được làm trong những khoảnh khắc này. Bạn có thể tới cửa hàng, tới chợ, bạn có thể kiếm cái gì đó. Bạn có thể đổi thời gian thành tiền bạc. Bạn có thể có được số dư tài khoản lớn hơn bởi vì những khoảnh khắc này sẽ không trở lại. Và người ngu nói rằng thời gian là tiền bạc. Họ chỉ biết một cái hữu dụng của thời gian: cách chuyển nó thành nhiều tiền hơn và nhiều nữa, nhiều tiền nữa. Đến cuối cùng bạn chết với một số dư ngân hàng lớn nhưng bên trong thì nghèo nàn toàn bộ, bởi vì cái giầu có bên trong chỉ nảy sinh khi bạn có thể tận hưởng cái vô dụng.
Thiền là gì? Mọi người tới tôi và nói, “Đâu là cái hữu dụng của nó? Chúng tôi được gì từ nó? Ích lợi của nó là gì?”
Thiền… thế mà bạn hỏi về ích lợi sao? Bạn không thể hiểu được nó bởi vì thiền chỉ là vô dụng. Khoảnh khắc tôi nói cái vô dụng, bạn cảm thấy không thoải mái bởi vì toàn bộ tâm trí đã trở thành vị lợi thế, hướng hàng hoá đến mức bạn yêu cầu kết quả. Bạn không thể thừa nhận rằng cái gì đó có thể là vui thích tự nó.
Cái vô dụng có nghĩa là bạn tận hưởng nó, nhưng không có ích lợi từ nó; bạn hoà nhập sâu vào trong nó và nó cho bạn phúc lạc. Nhưng khi bạn ở sâu trong nó, bạn không thể tích luỹ phúc lạc đó, bạn không thể làm ra kho báu từ nó.
Trong thế giới này tồn tại hai kiểu người: người vị lợi - họ trở thành nhà khoa học, kĩ sư, bác sĩ; và nhánh khác, phần bổ sung - nhà thơ, kẻ lang thang, sannyasin - vô dụng, chẳng làm điều gì hữu dụng cả. Nhưng họ cho sự cân bằng, họ đem ân huệ cho thế giới. Nghĩ về một thế giới toàn những nhà khoa học mà không có nhà thơ mà xem - nó sẽ cực kì xấu xí, không đáng sống trong đó. Nghĩ về một thế giới mà mọi người đều trong cửa hàng, trong văn phòng, không một ai lang thang. Nó sẽ là địa ngục. Kẻ lang thang đem lại cái đẹp.
Hai kẻ lang thang có lần bị bắt… Quan toà và cảnh sát là người canh giữ cho những kẻ vị lợi. Họ bảo vệ, bởi vì phần vô dụng này là nguy hiểm - nó có thể lan rộng! Cho nên chẳng ở đâu kẻ lang thang, người vô dụng, được phép. Nếu bạn chỉ đứng trên phố và ai đó hỏi bạn đang làm gì, còn bạn thì đáp, “Chẳng làm gì cả,” cảnh sát lập tức tới đem bạn ra toà - bởi vì cái không là không được phép. Bạn phải làm cái gì đó. Tại sao bạn đứng đó? Nếu bạn đơn giản nói, “Tôi đứng và tận hưởng nó,” thì bạn là một người nguy hiểm, một kẻ hippy. Bạn có thể bị bắt.
Cho nên hai kẻ lang thang này đã bị bắt. Viên quan toà hỏi người thứ nhất, “Anh sống ở đâu?”
Người này nói, “Toàn bộ thế giới là nhà tôi, bầu trời là chỗ trú ẩn của tôi; tôi đi mọi nơi, không có rào chắn. Tôi là người tự do.”
Thế rồi ông ta hỏi người kia, “Còn anh sống ở đâu?”
Anh ta nói, “Cạnh cửa nhà anh ấy.”
Những người này đem lại cái đẹp cho thế giới, họ là hương thơm. Một Phật là một kẻ lang thang, một Mahavira là một kẻ lang thang. Con người này, kẻ lang thang này, đã trả lời rằng bầu trời là chỗ trú ngụ duy nhất của mình. Đó là điều được ngụ ý bởi từ digamber. Mahavira, tirthankara cuối cùng của đạo Jaina, được biết là digamber. Digamber có nghĩa là trần trụi, chỉ bầu trời là quần áo, không có gì khác. Bầu trời là chỗ trú ẩn, là nhà.
Bất kì khi nào thế giới trở thành quá vị lợi, bạn tạo ra nhiều thứ, bạn sở hữu nhiều thứ, bạn trở nên bị ám ảnh với đồ vật - nhưng bên trong bị mất, bởi vì bên trong có thể nở hoa chỉ khi không có căng thẳng bên ngoài, khi bạn không đi đâu cả, chỉ nghỉ ngơi. Thế thì bên trong nở hoa.
Tôn giáo là hoàn toàn vô dụng. Chùa chiền hữu dụng gì? Đền thờ hữu dụng gì? Nhà thờ hữu dụng gì? Ở Nga người ta đã chuyển đổi tất cả chùa chiền, đền đài, nhà thờ thành bệnh viện và trường học, cái gì đó hữu dụng. Tại sao ngôi đền này đứng đấy chẳng công dụng gì? Người cộng sản là vị lợi. Đó là lí do tại sao họ chống đối tôn giáo. Họ phải như vậy, bởi vì tôn giáo dọn đường cho cái vô dụng, cho cái không thể bị khai thác theo bất kì cách nào, cho cái không thể nào bị làm thành phương tiện cho bất kì cái gì khác. Bạn có thể có nó, bạn có thể phúc lạc trong nó, bạn có thể cảm thấy niềm cực lạc cao nhất có thể có, nhưng bạn không thể thao túng nó được. Nó là việc xảy ra. Khi bạn không làm gì, nó xảy ra. Và điều vĩ đại nhất bao giờ cũng xảy ra khi bạn không làm gì cả. Chỉ cái tầm thường mới xảy ra khi bạn đang làm điều gì đó.
Soren Kierkegaard, một triết gia Đan mạch, đã viết điều gì đó rất thấu đáo. Ông ấy nói, “Khi tôi bắt đầu cầu nguyện, tôi sẽ đi tới nhà thờ và nói với Thượng đế…” Đó là điều người Ki tô giáo vẫn đang làm trên khắp thế giới. Họ nói với Thượng đế bằng tiếng thật to cứ dường như Thượng đế chết rồi. Và dường như Thượng đế chỉ là một thực thể ngu xuẩn họ khuyên ngài phải làm gì và phải không làm gì. Hay, dường như Thượng đế chỉ là một quốc vương ngu xuẩn họ khuyên can ông ấy, đút lót ông ấy, để hoàn thành những ham muốn đang có trong họ.
Nhưng Kierkegaard nói, “Tôi đã bắt đầu nói, thế rồi bỗng nhiên tôi nhận ra là điều này vô dụng. Làm sao mình có thể nói được trước Thượng đế? Người ta phải im lặng chứ. Cái gì có đó để nói? Và tôi có thể nói gì để giúp cho Thượng đế biết nhiều hơn? Ngài là đấng toàn năng, toàn trí, biết tất cả, vậy thì đâu là mục đích của việc tôi nói với ngài?”
Và Kierkegaard nói, “Tôi đã nói với ngài trong nhiều năm rồi, thế rồi bỗng nhiên tôi nhận ra rằng điều này là ngu xuẩn. Cho nên tôi dừng việc nói, tôi trở nên im lặng. Thế rồi sau nhiều năm tôi nhận ra rằng thậm chí im lặng cũng chẳng có tác dụng. Thế rồi bước thứ ba được tiến hành, và đó là lắng nghe. Đầu tiên tôi nói, thế rồi tôi không nói, và rồi tôi lắng nghe.”
Lắng nghe là khác với chỉ im lặng, bởi vì chỉ im lặng là điều tiêu cực - lắng nghe là điều tích cực. Chỉ im lặng là thụ động, lắng nghe là thụ động tỉnh táo, chờ đợi điều gì đó, không nói gì, nhưng đợi với toàn thể bản thể. Nó có sự mãnh liệt. Và Kierkegaard nói, “Khi việc lắng nghe này xảy ra, thế thì lần đầu tiên lời cầu nguyện xảy ra.”
Nhưng dường như là việc lắng nghe là hoàn toàn vô dụng, đặc biệt lắng nghe cái chưa biết; bạn không biết ngài ở đâu cả. Im lặng là vô dụng, nói dường như là hữu dụng. Một điều gì đó có thể được thực hiện qua việc nói; với nó bạn làm nhiều điều trong thế giới này. Cho nên bạn nghĩ rằng nếu bạn muốn trở thành tôn giáo, bạn cũng sẽ phải làm điều gì đó.
Nhưng Trang Tử đã nói: Tôn giáo bắt đầu chỉ khi bạn đã hiểu cái vô ích của tất cả việc làm, và bạn đã đi tới cực đối lập của vô làm, vô hoạt động, của việc trở thành thụ động, trở thành vô dụng.
Bây giờ chúng ta sẽ đi vào lời kinh, Cái vô dụng.
Huệ Tử nói với Trang Tử:
“Lời của ông vô dụng.”
Giáo huấn này dường như không giá trị gì cho mấy, nhưng Trang Tử và thầy của ông ấy bao giờ cũng nói về cái vô dụng, họ thậm chí còn ca ngợi người vô dụng nữa.
Trang Tử nói về một người, người gù. Tất cả các thanh niên trong thành đều bị buộc phải đi lính, vào quân đội, bởi vì họ hữu dụng. Chỉ một người, người gù, người vô dụng, là bị bỏ lại sau. Trang Tử nói: Giống như người gù ấy, vô dụng đến mức ông không bị tàn sát trong chiến tranh.
Họ cứ ca ngợi mãi cái vô dụng bởi vì họ nói rằng cái vô dụng bao giờ cũng khó khăn. Thế giới sẽ dùng bạn, mọi người đều sẵn sàng dùng bạn, thao túng bạn, điều khiển bạn. Nếu bạn vô dụng, chẳng ai sẽ nhìn vào bạn, mọi người sẽ quên bạn, họ sẽ để bạn trong im lặng, họ sẽ không bận tâm tới bạn. Họ sẽ đơn giản trở nên không nhận biết rằng bạn hiện hữu.
Điều đó đã xảy ra cho tôi. Tôi là một người vô dụng. Trong những ngày niên thiếu, tôi cứ ngồi ngay cạnh mẹ tôi. Mẹ tôi lại nhìn xung quanh và nói, “Tôi cần ai đó đi mua rau ở chợ, chẳng thấy ai để sai đi cả” - còn tôi thì vẫn cứ ngồi đó ngay cạnh mẹ tôi! Bà ấy sẽ nói, “Tôi chẳng thấy ai ở đây cả!” Còn tôi thì cứ cười thầm - mẹ tôi chẳng thể sai tôi ra chợ, tôi vô dụng đến mức mẹ tôi chẳng nhận biết rằng tôi có đó.
Có lần, bác tôi tới ở nhờ, và bác ấy không biết về cái vô dụng của tôi. Mẹ tôi đã nói, “Chẳng ai ở nhà để đi ra chợ. Tất cả trẻ con đều đi chơi cả còn người giúp việc thì lại ốm, vậy tôi có thể làm gì đây? Phải sai ai đó đi.”
Thế là bác tôi nói, “Sao không bảo thằng Raja đi? Nó vẫn ngồi kia kìa, chẳng làm gì cả.”
Thế là tôi bị sai đi. Tôi hỏi người bán hàng tại chợ, “Bác bán cho cháu rau ngon nhất bác có, chuối ngon nhất, xoài ngon nhất ấy.” Nhìn vào tôi và cách thức tôi nói ông ấy phải đã nghĩ tôi là thằng ngu, bởi vì chẳng ai hỏi cái tốt nhất cả. Cho nên ông ta ra giá đắt gấp đôi và đưa cho tôi toàn những thứ héo úa ông ấy có, và tôi về nhà rất sung sướng.
Mẹ tôi ném chúng đi và nói, “Trông đấy! Đây là lí do tại sao tôi nói chẳng có ai ở đây cả.”
Trang Tử nhấn mạnh rất nhiều: Tỉnh táo và đừng rất hữu dụng; nếu không thì mọi người sẽ khai thác ông. Thế thì họ sẽ bắt đầu quản lí bạn và thế thì bạn sẽ gặp rắc rối. Và nếu bạn có thể sản xuất ra các thứ, họ sẽ buộc bạn phải sản xuất cả đời. Nếu bạn có thể làm điều gì đó, nếu bạn có kĩ năng, thế thì bạn không thể để bị để phí hoài.
Ông ấy nói rằng cái vô dụng có ích lợi cố hữu riêng của nó. Nếu bạn có thể hữu dụng cho người khác, thế thì bạn phải sống cho họ. Vô dụng, không ai nhìn vào bạn, không ai chú ý tới bạn, không ai bận tâm bởi con người bạn. Bạn được bỏ lại một mình. Trong bãi chợ bạn sống dường như bạn đang sống trên Himalaya. Trong cái đơn độc đó bạn trưởng thành. Toàn bộ năng lượng của bạn chuyển vào trong.
Huệ Tử nói với Trang Tử:
“Lời của ông vô dụng.”
Trang Tử đáp:
“Biết cái chi sao là vô dụng,
thì cũng biết nó sao là hữu dụng.”
Ông ấy nói rằng cái vô dụng là khía cạnh khác của cái hữu dụng. Bạn có thể nói về cái hữu dụng chỉ bởi vì cái vô dụng. Nó là phần quan trọng. Nếu bạn loại bỏ nó hoàn toàn, thế thì chẳng cái gì hữu dụng cả. Các thứ hữu dụng bởi vì có những thứ vô dụng.
Nhưng điều này đã xảy ra cho thế giới. Chúng ta đã cắt bỏ tất cả những hoạt động vui chơi khi nghĩ rằng thế thì toàn bộ năng lượng của chúng ta sẽ chuyển vào công việc. Nhưng bây giờ công việc đã trở thành nhàm chán. Người ta phải chuyển sang cực đối lập - chỉ thế thì người ta mới được khoẻ khoắn lại.
Cả ngày bạn thức, ban đêm bạn rơi vào giấc ngủ. Hữu dụng của giấc ngủ là gì? Đấy là thời gian phí hoài - không ít thời gian đâu nhé. Nếu bạn sống chín mươi tuổi, ba mươi năm cuộc sống của bạn sẽ là giấc ngủ, một phần ba, tám tiếng mỗi ngày. Đâu là hữu dụng của nó?
Các nhà khoa học ở Nga đã từng nghĩ rằng đây là lãng phí lao động, năng lượng. Điều này rất không kinh tế, cho nên phải làm điều gì đó về nó: những thay đổi hoá học nào đó hay những thay đổi hoóc môn nào đó là cần thiết. Hay thậm chí nếu cái gì đó cần phải thay đổi ngay trong gen, ngay trong tế bào, cũng phải làm. Chúng ta phải làm cho con người nhận biết, tỉnh táo, thức tỉnh cả hai mươi bốn giờ.
Nghĩ mà xem… nếu họ thành công, họ sẽ giết chết! Thế thì họ sẽ làm cho bạn thành cái máy tự động, chỉ là một thiết bị máy móc, cứ đi làm việc và làm việc, không ngày, không đêm, không nghỉ, chỉ làm việc. Không có phía đối lập mà bạn có thể đi vào và quên!
Và họ đã bắt đầu nhiều thứ. Họ đã bắt đầu dạy trẻ con trong khi ngủ. Bây giờ hàng nghìn đứa trẻ ở nước Nga xô viết ngủ với băng ghi âm gắn vào tai chúng. Trong khi chúng đang ngủ, băng ghi âm này dạy chúng. Qua cả đêm băng ghi âm lặp lại điều này điều khác. Chúng cứ nghe nó và điều đó trở thành một phần của kí ức của chúng - dạy học khi ngủ, thôi miên. Và họ nói rằng chẳng chóng thì chầy tất cả những điều chúng ta dạy ở trường phổ thông cũng có thể được làm trong khi đứa trẻ ngủ, và thế thì ngày có thể được dùng theo cách khác nào đó.
Thậm chí giấc ngủ cũng bị khai thác. Bạn không thể được phép là bản thân mình ngay cả trong giấc ngủ. Thậm chí bạn không thể được phép tự do mơ. Thế thì bạn là cái gì? Thế thì bạn trở thành một cái răng trong chiếc bánh xe. Thế thì bạn chỉ là một phần hiệu quả của chiếc bánh xe, của cơ cấu. Nếu bạn hiệu quả là tốt; nếu không thì bạn có thể bị vứt đi, tống vào đống đồng nát, và ai đó khác, người hiệu quả hơn, sẽ thay thế bạn.
Điều gì xảy ra sau cả ngày làm việc? Bạn rơi vào giấc ngủ. Điều gì xảy ra? Bạn chuyển từ hữu dụng sang vô dụng. Và đó là lí do tại sao vào buổi sáng bạn cảm thấy tươi tắn thế, sống động thế, nhẹ gánh thế. Chân bạn có phẩm chất nhảy múa, tâm trí bạn có thể hát, trái tim bạn lần nữa có thể cảm - tất cả cát bụi của công việc bị rũ sạch, tấm gương lại trong trẻo. Bạn có sự sáng tỏ vào buổi sáng. Nó tới thế nào? Nó tới qua cái vô dụng.
Đó là lí do tại sao thiền có thể đem lại cho bạn những thoáng nhìn lớn lao nhất, bởi vì nó là điều vô dụng nhất trên thế giới này. Bạn đơn giản chẳng làm gì cả, bạn đơn giản đi vào trong im lặng. Nó còn lớn lao hơn giấc ngủ bởi vì trong giấc ngủ bạn vô ý thức, dù bất kì cái gì xảy ra, cũng xảy ra một cách vô ý thức. Bạn có thể trong cõi trời, nhưng bạn không biết về điều đó.
Trong thiền bạn di chuyển một cách có chủ ý. Thế thì bạn trở nên nhận biết về con đường: cách đi từ thế giới hữu dụng của bên ngoài sang thế giới vô dụng của bên trong. Và một khi bạn biết tới con đường, bất kì khoảnh khắc nào bạn cũng có thể đơn giản đi vào trong. Ngồi trong xe buýt bạn chẳng cần làm gì cả, bạn đơn giản ngồi; du hành trong ô tô hay tầu hoả hay máy bay, bạn không làm gì cả, mọi thứ đều do người khác làm; bạn có thể nhắm mắt lại và đi vào trong cái vô dụng, cái bên trong. Và bỗng nhiên mọi thứ trở nên im lặng, và bỗng nhiên mọi thứ thành trầm tĩnh, và bỗng nhiên bạn ở ngọn nguồn của mọi cuộc sống.
Nhưng nó không có giá trị thị trường. Bạn không thể đi và bán nó, bạn không thể nói, “Tôi có việc thiền vĩ đại. Có ai thực sự muốn mua nó không?” Chẳng ai sẽ sẵn sàng mua nó cả. Nó không phải là món hàng hoá, nó là vô dụng.
Trang Tử đáp:
“Biết cái chi sao là vô dụng,
thì cũng biết nó sao là hữu dụng.”
Như đất rộng và bao la
nhưng người ta chỉ dùng có vài thước
để ngẫu nhiên đứng một chốc.
“Bây giờ bỗng nhiên lấy đi
cái người ta không thực sự dùng,
để cho xung quanh chân vực thẳm mở ra,
và người ta đứng trong hư không
chẳng đâu chắc ngoại trừ dưới chân,
thì còn gọi nó là hữu dụng nữa không?”
Đây là một nụ cười đẹp. Ông ấy đã thấy vấn đề. Bạn đang ngồi đây, và bạn đang dùng mỗi không gian nhỏ xíu, hai nhân hai thước. Bạn không dùng cả trái đất, cả trái đất là vô dụng; bạn đang dùng chỉ một phần nhỏ, hai nhân hai thước. Trang Tử nói: Giả sử cả trái đất bị lấy đi, chỉ để lại hai nhân hai thước cho bạn; bạn đang đứng trên chân dùng có vài thước vuông đất. Giả sử chỉ có ngần ấy đất còn để lại và toàn bộ trái đất bị lấy đi - bạn có thể dùng cái phần nhỏ xíu bạn đang dùng đó được bao lâu?
Cái vực, cái vực thẳm vô hạn, mở ra quanh bạn - bạn sẽ chóng mặt ngay lập tức, bạn sẽ ngã vào trong vực thẳm đó. Cái trái đất vô dụng này đỡ cho cái hữu dụng, và cái vô dụng bao la, cái hữu dụng thì rất nhỏ. Và điều này là đúng cho mọi mức độ của bản thể: cái vô dụng bao la, cái hữu dụng rất nhỏ. Nếu bạn cố gắng cất giữ cái hữu dụng và quên mất cái vô dụng, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ chóng mặt. Và điều này đã xảy ra, bạn đã chóng mặt và ngã vào trong vực thẳm.
Khắp trên thế giới những người suy nghĩ đều có vấn đề: cuộc sống không có ý nghĩa, cuộc sống dường như vô nghĩa. Hỏi Sartre, Marcel, Jaspers, Heidegger - họ nói cuộc sống là vô nghĩa. Tại sao cuộc sống trở thành vô nghĩa thế? Người ta chưa bao giờ quen như vậy. Phật chưa bao giờ nói điều đó; Krishna có thể nhảy múa, ca hát, tận hưởng bản thân mình; Mohammed có thể cầu nguyện và cám ơn Thượng đế về phúc lành mà ngài mưa rào lên ông ấy như cuộc sống. Trang Tử hạnh phúc, hạnh phúc nhất có thể được, hạnh phúc như con người có thể hạnh phúc. Họ chưa bao giờ nói rằng cuộc sống là vô nghĩa. Điều gì đã xảy ra cho tâm trí hiện đại? Tại sao cuộc sống dường như vô nghĩa thế?
Cả trái đất này bị lấy đi và bạn còn lại chỉ trên khoảnh đất bạn đang đứng hay ngồi. Bạn phát chóng mặt. Tất cả xung quanh bạn đều thấy vực thẳm và nguy hiểm; và bạn không thể dùng trái đất trên đó bây giờ bạn đang đứng, bởi vì bạn có thể dùng nó khi cái vô dụng được gắn với nó. Cái vô dụng phải có đó. Nó có nghĩa là gì? Cuộc sống của bạn đã trở thành chỉ mỗi công việc không có chơi đùa. Chơi đùa là vô dụng, là bao la; công việc là hữu dụng, tầm thường, nhỏ bé. Bạn đã làm cho cuộc sống mình toàn chất đầy với công việc. Bất kì khi nào bạn bắt đầu làm điều gì đó, việc đầu tiên tới trong tâm trí là, việc này có ích lợi gì? Nếu có ích lợi nào đó, bạn làm nó.
Sartre đặt ra một trong những câu chuyện về thế kỉ sắp tới, thế kỉ hai mươi mốt. Một người rất giầu nói, “Tình yêu không phải dành cho tôi, nó chỉ dành cho người nghèo. Chừng nào còn có liên quan tới tôi, người phục vụ của tôi có thể làm việc đó.”
Tất nhiên, tại sao một Ford lại phải tới và phí thời gian yêu một người đàn bà? Một người phục vụ rẻ tiền có thể làm điều đó. Thời gian của Ford còn giá trị hơn. Ông ấy nên dành nó cho việc ích lợi lớn hơn.
Điều đó là có thể đấy! Nếu nhìn vào tâm trí con người như nó hiện thế, có thể là trong tương lai chỉ người phục vụ mới làm tình. Khi bạn có thể uỷ nhiệm cho người phục vụ, bản thân bạn sao phải bận tâm? Khi mọi thứ đều được nghĩ dưới dạng kinh tế, khi một Ford, một Rockefeller có thể dùng thời gian của họ một cách tốt hơn nhiều, tại sao họ phải tới và phí thời gian với đàn bà? Họ có thể cử người phục vụ tới, điều đó sẽ ít rắc rối hơn.
Điều này có vẻ ngớ ngẩn với chúng ta khi chúng ta được nghe nói tới, nhưng điều đó đã xảy ra trong nhiều chiều hướng của cuộc sống. Bạn chưa bao giờ chơi đùa, người phục vụ của bạn làm điều đó. Bạn chưa bao giờ là một thành viên tích cực trong bất kì trò đùa nào, người khác làm điều đó cho bạn. Bạn đi xem trận đá bóng: người khác chơi còn bạn chỉ xem - bạn là khán giả thụ động, không tham dự. Bạn tới rạp để xem phim, còn người khác làm tình, gây chiến tranh, bạo hành - mọi thứ; bạn chỉ là một khán giả trong ghế ngồi. Điều đó vô dụng đến mức bạn chẳng cần bận tâm tới việc làm nó. Bất kì ai khác cũng có thể làm nó, bạn có thể chỉ xem. Công việc thì bạn làm, vui đùa thì người khác làm cho bạn. Thế thì tại sao không thế cho tình yêu? Bằng việc dùng cùng logic, ai đó khác sẽ làm điều đó cho bạn.
Cuộc sống dường như vô nghĩa bởi vì ý nghĩa bao gồm sự cân bằng giữa cái hữu dụng và cái vô dụng. Bạn đã phủ nhận cái vô dụng hoàn toàn. Bạn đã đóng cánh cửa lại. Bây giờ chỉ cái hữu dụng có đấy và bạn nặng gánh quá nhiều bởi nó.
Chính một dấu hiệu của thành công là nếu đến độ tuổi bốn mươi bạn bị ung bướu, điều đó chứng tỏ rằng bạn đã thành công. Nếu bạn đã qua tuổi bốn mươi và nay năm mươi ung bướu vẫn chưa xuất hiện, ấy là bạn thất bại. Bạn đã làm gì trong cả cuộc sống của mình? Bạn phải đã phí thời gian.
Đến tuổi năm mươi bạn thực sự phải bị cơn đau tim đầu tiên. Bây giờ các nhà khoa học đã tính toán rằng đến bốn mươi tuổi người thành công phải bị ung bướu, đến năm mươi tuổi bị cơn đau tim đầu tiên. Đến sáu mươi tuổi thì người đó qua đời - và người đó chưa hề sống. Không có thời gian để sống. Người đó có quá nhiều điều quan trọng phải làm, không có thời gian để sống.
Nhìn quanh mình mà xem, nhìn vào những người thành công; các chính khách, người giầu có, các nhà công nghiệp lớn - điều gì đang xảy ra cho họ? Đừng nhìn vào những thứ họ có, nhìn thẳng vào họ, bởi vì nếu bạn nhìn vào đồ vật, bạn sẽ bị lừa. Đồ vật không bị ung bướu, ô tô không bị đau tim, nhà không đi bệnh viện. Đừng nhìn vào đồ vật, nếu không thì bạn sẽ bị lừa dối. Nhìn vào con người bị tước đi tất cả của cải của mình, nhìn thẳng vào anh ta và thế thì bạn sẽ cảm thấy thương hại. Thế thì ngay cả người ăn xin cũng có thể là người giầu có. Thế thì thậm chí người nghèo cũng có thể còn giầu hơn khi liên quan tới cuộc sống.
Thành công là thất bại, và không cái gì thất bại giống như thành công, bởi vì người thành công đang đánh mất bám víu vào cuộc sống - vào mọi thứ. Người thành công thực sự đang mặc cả, đang đem cái thực để đổi lấy cái giả, đang đem kim cương bên trong để đổi lấy đá mầu trên bãi cát; đang nhặt đá sỏi, làm mất đi kim cương.
Người giầu là người mất, người thành công là thất bại. Nhưng bởi vì bạn nhìn với con mắt tham vọng nên bạn nhìn vào của cải. Bạn chưa hề nhìn vào chính khách, bạn nhìn vào chức vụ, quyền thủ tướng. Bạn nhìn vào quyền lực. Bạn chưa hề nhìn vào con người đang ngồi ở đó hoàn toàn bất lực, đánh mất mọi thứ, thậm chí không có đến một thoáng nhìn về phúc lạc là gì. Người đó đã mua quyền lực, nhưng trong việc mua bán đó người đó đã đánh mất bản thân mình. Và tất cả điều đó là sự ngã giá.
Tôi đã từng nghe rằng có lần, trong một cuộc tụ tập quần chúng, một nhà lãnh đạo chính trị đã rầy la viên quản lí của mình. Người quản lí này không thể hiểu được điều đó. Nhà lãnh đạo này nói, “Tôi đã bị lừa!”
Người quản lí nói, “Tôi không hiểu, sự tụ tập thành công thế. Hàng nghìn người tới, và nhìn vào vòng hoa của ông mà xem. Họ bao quanh ông bằng hoa, ông đếm xem.”
Nhà lãnh đạo nói, “Chỉ có mười một vòng hoa thôi, tôi đã trả tiền cho mười hai vòng.”
Đến cùng, mọi người thành công đều sẽ cảm thấy rằng mình đã bị lừa. Điều đó phải xảy ra, nó nhất định xảy ra, nó là điều không tránh nổi, bởi vì cái gì bạn đang cho đi, và cái gì bạn đang nhận lấy? Cái ta bên trong đang bị mất đi cho của cải vô ích. Bạn có thể lừa người khác, nhưng làm sao bạn có thể lừa dối bản thân mình được? Đến cùng bạn sẽ nhìn vào cuộc sống của mình và bạn sẽ thấy rằng bạn đã làm lỡ nó bởi vì cái hữu dụng.
Cái vô dụng phải có đó. Cái hữu dụng giống như khu vườn, gọn gàng, sạch sẽ; cái vô dụng giống như khu rừng bao la, tự nhiên, nó không thể gọn gàng và sạch sẽ được. Tự nhiên có cái đẹp của riêng nó và khi mọi thứ gọn gàng và sạch sẽ, nó đã chết. Vườn không thể rất sống động được, bởi vì bạn cứ tỉa nó, cắt nó, trông nom nó. Khu rừng bao la có sự sống động, có linh hồn rất mạnh. Đi vào trong rừng và bạn sẽ cảm thấy tác động; lạc trong rừng và thế thì bạn sẽ thấy sức mạnh của nó. Trong vườn bạn không thể cảm thấy sức mạnh; nó không có đó, nó là do con người làm ra. Bạn có thể nhìn vào nó, nó đẹp, nhưng nó có trồng trọt, nó được trông nom, thao tác.
Thực sự, vườn là một thứ giả tạo - cái thực là rừng. Cái vô dụng cũng giống như rừng bao la và cái hữu dụng thì giống như vườn bạn đã tạo ra quanh nhà mình. Bạn đừng cắt tỉa rừng. Cũng tốt thôi, vườn của bạn cũng tốt thôi, nhưng để nó là một phần của rừng bao la, cái không phải là vườn của bạn, mà là vườn của Thượng đế.
Và bạn có thể nghĩ được về bất kì điều gì vô dụng hơn Thượng đế không? Bạn có thể dùng được ngài theo cách nào? Đấy là rắc rối, đấy là lí do tại sao chúng ta không thể nào tìm ra bất kì ý nghĩa nào trong Thượng đế. Và những người rất hướng ý nghĩa đều trở thành kẻ vô thần. Họ nói không có Thượng đế, không thể có được. Làm sao có thể có Thượng đế được khi Thượng đế dường như vô dụng thế?
Tốt hơn cả là hãy để ngài ra ngoài, thế thì thế giới bị bỏ lại cho chúng ta quản lí và điều khiển. Thế thì chúng ta có thể làm cho toàn bộ thế giới này thành chợ, chúng ta có thể thay đổi đền đài thành bệnh viện, thành trường tiểu học. Nhưng cái vô dụng của Thượng đế chính là cơ sở của tất cả những tiện ích đang diễn ra. Nếu bạn có thể chơi đùa, công việc của bạn sẽ trở thành vui thích. Nếu bạn có thể tận hưởng vui đùa đơn giản, nếu bạn có thể trở thành giống như trẻ con chơi đùa, công việc của bạn sẽ không còn là gánh nặng cho bạn nữa. Nhưng điều đó là khó. Tâm trí bạn cứ nghĩ dưới dạng tiền bạc.
Tôi đã từng nghe rằng có lần Mulla Nasruddin về nhà và anh ta thấy vợ mình đang trên giường với anh bạn thân nhất của anh ta. Anh bạn này rất lúng túng và sợ hãi. Anh ta nói, “Nghe đây, tôi không thể nào làm được gì về điều đó. Tôi yêu vợ anh và cô ấy cũng yêu tôi. Và anh là người hợp lí, chúng ta phải đi tới một sự thu xếp nào đó. Chẳng ích gì đi đánh nhau về điều đó.”
Cho nên Nasruddin nói, “Anh gợi ý thu xếp gì?”
Anh bạn nói, “Chúng ta nên chơi bài, và để người vợ làm đặt cọc. Nếu tôi thắng, anh đơn giản ra đi; nếu anh thắng, tôi sẽ không bao giờ gặp lại vợ anh nữa.”
Nasruddin nói, “Thôi được, thế là giải quyết nhé.” Nhưng thế rồi anh ta nói, “Chúng ta có thêm tiền đặt cọc nữa, mỗi điểm một ru pi, nếu không thì toàn bộ việc này là vô dụng. Chỉ đặt cọc người vợ thôi thì toàn bộ việc này là vô dụng. Đừng có phí thời gian của tôi, đưa ra một số tiền đặt cọc nữa đi.”
Thế thì vấn đề trở thành hữu dụng. Tiền dường như là cái hữu dụng duy nhất. Tất cả những người vị lợi đều sẽ điên vì tiền, bởi vì tiền có thể mua được. Tiền là bản chất của mọi tiện dụng. Cho nên nếu Phật và mọi người như Phật từ bỏ, điều ấy không phải bởi vì họ chống lại tiền bạc, đấy là vì họ chống lại tiện ích, chống lại cái hữu dụng. Cho nên họ nói: Giữ tất cả tiền của quí vị. Tôi đi vào trong rừng rậm. Khu vườn này không còn cho tôi nữa. Tôi sẽ đi vào trong chỗ bao la, trong chỗ chưa từng có bản đồ, nơi người ta có thể bị mất đi. Con đường rải đá sạch sẽ, ngăn nắp này, mọi thứ đều đã biết, đều được vẽ bản đồ, không phải dành cho tôi.
Khi bạn đi vào cái bao la của cái vô dụng, linh hồn bạn trở thành bao la. Khi bạn đi vào trong biển cả không có bản đồ, bạn trở thành giống như đại dương. Thế thì chính thách thức của cái chưa biết tạo ra linh hồn bạn.
Khi bạn an toàn, khi không có vấn đề gì, khi mọi thứ đều được lập kế hoạch một cách toán học, được giải quyết, linh hồn bạn co lại. Không có thách thức cho nó. Cái vô dụng đem tới thách thức:
“Bây giờ bỗng nhiên lấy đi
cái người ta không thực sự dùng,
để cho xung quanh chân vực thẳm mở ra,
và người ta đứng trong hư không
chẳng đâu chắc ngoại trừ dưới chân,
thì còn gọi nó là hữu dụng nữa không?”
Không có Thượng đế, thế giới không thể tiếp tục thêm nữa. Nietzche đã tuyên bố từ một trăm năm trước đây rằng Thượng đế đã chết. Ông ấy đã không hiểu điều đó, nhưng đồng thời ông ấy tuyên bố rằng chúng ta cũng không thể nào sống được thêm nữa. Ông ấy chưa bao giờ nghĩ về điều đó, ông ấy đã nghĩ chỉ điều mâu thuẫn lại. Ông ấy nói: Thượng đế chết và con người bây giờ được tự do sống. Nhưng tôi nói với bạn: Nếu Thượng đế chết thì con người đã chết rồi. Tin tức này có thể chưa đạt tới ông ấy, nhưng ông ấy chết - bởi vì Thượng đế là cái vô dụng bao la.
Thế giới của con người là thế giới vị lợi, cái hữu dụng, không có cái vô dụng, cái hữu dụng không thể tồn tại được. Thượng đế là chơi đùa còn con người là công việc; không có Thượng đế, công việc sẽ trở thành vô nghĩa, thành gánh nặng phải mang đi bằng cách nào đó. Thượng đế vui đùa, con người nghiêm chỉnh, không vui đùa thì cái nghiêm chỉnh sẽ quá nhiều, nó sẽ giống như bệnh tật. Đừng phá huỷ đền đài, đừng phá huỷ chùa chiền, đừng biến chúng thành bệnh viện; bạn có thể xây dựng bệnh viện khác, bạn có thể tạo ra toà nhà khác cho trường học, nhưng để cho cái vô dụng vẫn còn đó tại chính trung tâm thành phố, để chỉ ra rằng cái vô dụng phải vẫn còn tại chính trung tâm, nếu không thì tất cả tiện ích đều mất. Cái đối lập phải được tính tới, và cái đối lập là lớn hơn.
Mục đích của cuộc sống là gì? Mọi người cứ tới và hỏi tôi điều này. Không có mục đích nào cả. Không thể có mục đích nào được. Nó là vô mục đích, vui đùa. Bạn phải tận hưởng nó, bạn có thể chỉ tận hưởng nó, bạn không thể làm bất kì cái gì khác về nó được. Nó không phải là thứ có thể tiêu thụ được. Và nếu bạn bỏ lỡ một khoảnh khắc thì bạn đã lỡ; bạn không thể quay lại được.
Tôn giáo chỉ là biểu tượng. Một người tới tôi và nói, “Tại Ấn Độ có năm trăm nghìn sannyasin. Điều này rất không kinh tế. Và những người này làm gì? Họ sống trên lao động của người khác. Họ không nên được phép tồn tại.”
Tại Nga họ không được phép tồn tại, không một sannyasin nào. Toàn bộ đất nước đó đã trở thành giống như nhà tù. Bạn không được phép là vô dụng. Tại Trung quốc họ đang giết các nhà sư Phật giáo và các khất sĩ, họ đã giết hàng nghìn người trong số đó, và họ đang phá huỷ tất cả các tu viện. Họ đang biến cả đất nước thành một xưởng máy, dường như con người chỉ là cái dạ dầy, dường như con người có thể sống chỉ bằng bánh mì.
Nhưng con người có trái tim, và con người có một bản thể mà không hướng đích theo bất kì cách nào. Con người muốn tận hưởng không nguyên nhân và không lí do. Con người muốn được phúc lạc chẳng vì cái gì cả.
Người đó hỏi, “Khi nào thầy định chấm dứt những sannyasin này ở Ấn Độ?” Và anh ta chống lại tôi ghê lắm. Anh ta nói, “Thầy đang làm tăng số bọn họ lên. Thôi điều đó đi. Những sannyasin này phỏng có ích gì?”
Và câu hỏi của anh ta dường như là có liên quan. Nếu anh ta đã đi đâu đó khác, nếu anh ta đã hỏi người lãnh đạo tôn giáo khác nào đó, anh ta sẽ được trao cho câu trả lời rằng họ có tính hữu dụng. Nhưng anh ta rất lúng túng khi tôi nói rằng họ chẳng có ích chút nào.
Nhưng bản thân cuộc sống chẳng có ích lợi gì. Đâu là mục đích của nó? Bạn đi đâu? Kết quả là gì? Không mục đích, không kết quả, không mục tiêu. Cuộc sống là cực lạc thường xuyên, khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia bạn có thể tận hưởng nó; nhưng nếu bạn bắt đầu nghĩ về kết quả, bạn bỏ lỡ việc tận hưởng nó, gốc rễ của bạn bị nhổ lên, bạn không còn trong nó nữa, bạn đã trở thành người ngoài. Và thế rồi bạn sẽ hỏi về ý nghĩa, về mục đích.
Bạn đã bao giờ quan sát rằng khi bạn hạnh phúc, bạn chẳng hề hỏi, “Đâu là mục đích của hạnh phúc?” Khi bạn đang yêu, bạn đã bao giờ hỏi, “Đâu là mục đích của tất cả những điều này?” Khi vào buổi sáng bạn thấy mặt trời lên và đàn chim như mũi tên trên bầu trời, bạn có hỏi, “Đâu là mục đích của nó?” Đoá hoa nở đơn độc trong đêm, trút đầy cả đêm với hương thơm của nó; bạn có hỏi, “Đâu là mục đích của nó?”
Không có mục đích. Mục đích là một phần của tâm trí, và cuộc sống tồn tại vô trí; do đó mới có nhấn mạnh vào cái vô dụng. Nếu bạn đang tìm kiếm quá vất vả về cái hữu dụng, bạn không thể loại bỏ tâm trí được. Làm sao bạn có thể loại bỏ tâm trí nếu bạn đang tìm cái dụng nào đó, kết quả nào đó? Bạn có thể loại bỏ tâm trí chỉ khi bạn đã đi tới nhận ra rằng không có mục đích và tâm trí cũng chẳng cần thiết. Bạn có thể gạt nó sang bên. Nó là một điều không cần thiết. Tất nhiên, khi bạn ra chợ, đem nó đi theo bạn. Khi bạn ngồi trong cửa hiệu, dùng nó: nó là một thiết bị máy móc, giống như máy tính.
Bây giờ các nhà khoa học nói rằng chẳng chóng thì chầy chúng ta sẽ cung cấp cho mỗi đứa trẻ một máy tính nó có thể mang trong túi áo. Nó không cần nhớ nhiều toán học trong tâm trí, nó có thể chỉ bấm vài nút và máy tính sẽ thực hiện điều đó. Tâm trí bạn là cái máy tính tự nhiên. Tại sao bạn phải thường xuyên bị nặng gánh bởi nó? Khi không cần tới nó thì đẩy nó sang bên. Nhưng bạn nghĩ nó là cần thiết bởi vì bạn phải làm điều gì đó hữu dụng. Ai sẽ bảo bạn cái gì là hữu dụng và cái gì là vô dụng? Tâm trí thường xuyên sắp xếp: cái này hữu dụng, làm cái này; và cái kia vô dụng, không làm nó. Tâm trí là người quản lí của bạn. Tâm trí biểu thị cho cái hữu dụng. Thiền biểu thị cho cái vô dụng.
Chuyển từ hữu dụng sang vô dụng đi, và thực hiện việc chuyển này tự phát và tự nhiên đến mức không có tranh đấu, không có xung đột. Làm nó tự nhiên như việc đi vào và đi ra khỏi nhà bạn. Khi cần tới tâm trí, dùng nó như một thiết bị máy móc; khi nó không được dùng, gạt nó sang bên và quên nó đi. Thế thì là cái vô dụng và làm cái gì đó vô dụng và cuộc sống của bạn sẽ được giầu có, cuộc sống của bạn sẽ trở thành cân bằng giữa hữu dụng và vô dụng. Và cái cân bằng đó siêu việt lên trên cả hai. Đó là siêu việt - không hữu dụng cũng chẳng vô dụng.
“Thì người ta còn gọi nó là hữu dụng nữa không?”
Huệ Tử nói:
“Vô dụng.”
Trang Tử kết luận:
“Vậy thì rõ ràng vô dụng là hữu dụng đó.”
Thậm chí cái hữu dụng cũng không thể tồn tại không có cái vô dụng. Cái vô dụng là cơ sở. Tôi nói với bạn, tâm trí bạn không thể tồn tại mà không có thiền, và nếu bạn cố gắng làm điều không thể được thì bạn sẽ phát điên. Đó là điều đang xảy ra cho nhiều người. Họ phát điên. Điên là gì? Điên là nỗ lực để làm mà không có thiền, để sống chỉ với tâm trí, không có thiền. Thiền là cơ sở, thậm chí tâm trí không thể tồn tại không có nó. Và nếu bạn cố gắng, thế thì tâm trí phát điên, phát rồ. Nó thành quá nhiều. Nó không thể chịu đựng nổi. Người điên là người hoàn toàn vị lợi. Người đó đã cố gắng điều không thể được, người đó đã cố gắng để sống không có thiền, và đó là lí do tại sao người đó phát điên.
Các nhà tâm lí nói rằng nếu bạn không được phép ngủ trong ba tuần, bạn sẽ phát điên. Tại sao? Ngủ là vô dụng. Tại sao bạn sẽ phát điên nếu bạn không được phép ngủ trong ba tuần? Con người có thể sống không ăn trong ba tháng nhưng con người không thể sống được nếu thiếu ngủ trong ba tuần. Và ba tuần là giới hạn tối đa. Nó không phải là cho bạn - bạn sẽ phát điên trong ba ngày nếu bạn không được phép ngủ. Nếu cái vô dụng bị vứt đi, bạn sẽ phát điên.
Điên khùng đang tăng lên hàng ngày bởi vì thiền không được coi là có giá trị. Bạn có nghĩ rằng bất kì cái gì có thể đặt giá thì chỉ cái đó là có giá trị không? bất kì cái gì có thể được mua và được bán, chỉ cái đó mới có giá trị không? bất kì cái gì là hàng hoá thị trường, chỉ cái đó mới có giá trị không? Thế thì bạn sai. Cái không có giá thì mới có giá trị. Cái không thể bán và mua được thì còn giá trị hơn rất nhiều tất cả những cái có thể mua và bán.
Tình yêu là cơ sở của dục. Nếu bạn tước đi hoàn toàn tình yêu của mọi người, dục trở thành bị hư hỏng. Thiền là cơ sở của tâm trí. Nếu bạn phủ nhận thiền, tâm trí phát điên. Vui chơi, đùa nghịch, là cơ sở của công việc. Nếu bạn phủ nhận vui đùa, công việc trở thành gánh nặng, một trọng lượng chết.
Nhìn vào bầu trời vô dụng đi. Nhà bạn có thể hữu dụng nhưng nó tồn tại trong bầu trời bao la này của cái vô dụng. Nếu bạn có thể cảm thấy cả hai, và nếu bạn trở nên có thể chuyển từ cái nọ sang cái kia không rắc rối gì, thế thì lần đầu tiên con người hoàn hảo được sinh ra trong bạn.
Con người hoàn hảo không biết cái gì ở bên trong và cái gì ở bên ngoài - cả hai đều là của người đó. Con người hoàn hảo không bận tâm về cái gì hữu dụng và cái gì vô dụng - cả hai đều là cánh của người đó. Con người hoàn hảo bay trong bầu trời bằng cả hai cánh của tâm trí và thiền, của vật chất và tâm thức, của thế giới này và thế giới kia, của Thượng đế, của không Thượng đế. Người đó là sự hài hoà cao hơn của các phía đối lập.
Trang Tử đã nhấn mạnh vào vô ích nhiều thế, vào vô dụng nhiều thế, bởi vì bạn đã nhấn mạnh vào hữu dụng quá nhiều. Nếu không thì việc nhấn mạnh đó là không cần thiết. Việc đó chỉ để đem lại cho bạn sự cân bằng. Bạn đã đi quá nhiều sang trái, bạn phải được kéo về bên phải.
Nhưng nhớ lấy, bởi vì quá nhấn mạnh này bạn có thể chuyển sang cực đoan khác. Và điều đó đã xảy ra cho nhiều tín đồ của Trang Tử. Họ trở nên nghiện cái vô dụng, họ trở nên điên vì cái vô dụng. Họ chuyển quá nhiều sang cái vô dụng và đấy không phải là vấn đề - họ đã lỡ nó.
Trang Tử đã nhấn mạnh điều này chỉ bởi vì bạn đã trở nên cực kì nghiện cái hữu dụng. Đó là lí do tại sao ông ấy nhấn mạnh vào cái vô dụng. Nhưng tôi phải nhắc bạn - bởi vì tâm trí có thể chuyển sang phía đối lập và vẫn còn như cũ - rằng điều thực là siêu việt. Bạn phải đi tới điểm bạn có thể dùng cái hữu dụng và cái vô dụng, cái hữu đích và cái vô đích. Thế thì bạn vượt ra ngoài cả hai, chúng cả hai đều phục vụ bạn.
Có những người không thể nào gạt bỏ được tâm trí mình và có những người không thể nào gạt bỏ được việc thiền của mình. Và nhớ lấy, đấy là cùng một bệnh: bạn không thể gạt bỏ cái gì đó. Trước hết bạn không thể gạt bỏ được tâm trí, thế rồi bằng cách nào đó bạn xoay xở được điều đó; bây giờ bạn không thể nào gạt bỏ được thiền. Lần nữa bạn lại đi từ nhà tù này sang nhà tù khác.
Một người thực sự, hoàn hảo, con người của Đạo, không nghiện gì. Người đó có thể dễ dàng chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác bởi vì người đó vẫn còn ở giữa. Người đó dùng cả hai cánh.
Trang Tử không nên bị hiểu lầm, đó là lí do tại sao tôi nói điều này. Ông ấy có thể bị hiểu lầm. Những người như Trang Tử là nguy hiểm bởi vì bạn có thể hiểu lầm họ. Và có nhiều khả năng cho việc hiểu lầm hơn là hiểu đúng. Tâm trí nói, “Được, với cửa hiệu là đủ rồi, với gia đình là đủ rồi; bây giờ mình sẽ trở thành kẻ lang thang.” Đó là việc hiểu lầm. Bạn sẽ mang cùng tâm trí ấy, bạn sẽ trở thành nghiện cái lang thang của mình. Thế thì bạn sẽ không có khả năng quay lại cửa hiệu, quay lại chợ, quay lại gia đình. Thế thì bạn sẽ sợ nó.
Theo cùng cách đó, thuốc có thể trở thành bệnh mới nếu bạn nghiện nó. Cho nên bác sĩ phải coi chừng để bạn loại bỏ được bệnh tật nhưng không trở nên nghiện thuốc - nếu không thì ông ấy không phải là bác sĩ giỏi. Trước hết bạn phải gạt bỏ bệnh tật, và ngay lập tức sau đó bạn phải gạt bỏ thuốc; nếu không thì thuốc sẽ thế vào chỗ của bệnh và bạn bao giờ cũng sẽ níu bám lấy nó.
Mulla Nasruddin đang dạy đứa con trai nhỏ, quãng bẩy tuổi, cách lại gần con gái, cách mời nó nhảy, phải nói gì và phải không nói gì, cách thuyết phục bé gái.
Cậu con trai chạy đi và nửa giờ sau quay lại nói, “Bây giờ bố hãy dạy con cách gạt bỏ nó!”
Điều đó cũng phải được học nữa, và đó là phần khó. Mời chào rất dễ nhưng gạt bỏ rất khó. Và bạn biết rõ qua kinh nghiệm của riêng mình: mời một cô gái bao giờ cũng dễ dàng, thuyết phục một cô gái bao giờ cũng dễ dàng, nhưng làm sao gạt bỏ cô ấy? Thế thì điều đó trở thành vấn đề. Thế thì bạn không đi đâu được cả, thế thì bạn quên mất hoàn toàn việc thổi sáo.
Nhớ lấy, cái vô dụng có hấp dẫn của riêng nó. Nếu bạn bị rất rắc rối bởi cái hữu dụng, bạn có thể chuyển sang cực đoan kia quá nhiều. Bạn có thể mất cân bằng của mình.
Với tôi, sannyasin là cân bằng sâu sắc, đứng ở giữa, tự do khỏi mọi phía đối lập. Người đó có thể dùng cái hữu dụng và người đó có thể dùng cái vô dụng, người đó có thể dùng cái hữu đích và cái vô đích, vẫn còn vượt ra ngoài cả hai. Người đó không bị chúng sử dụng. Người đó đã trở thành người chủ.
Xem Chương 9 - Quay về Mục lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét