Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho) - Chương 5

CHƯƠNG 5. MÀI SẮC THANH GƯƠM



Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã ưa thích kể những câu chuyện, thật và bịa. Tôi không hề ý thức rằng, việc kể chuyện này sẽ cho tôi một khả năng diễn đạt khúc chiết và cái đó sẽ là một trợ giúp rất lớn cho tôi sau khi chứng ngộ.
Nhiều người trở nên chứng ngộ, nhưng không phải tất cả họ đều trở thành đạo sư – vì lý do đơn giản, là họ không có "biện tài", họ không thể diễn đạt cái mà họ cảm thấy, không thể truyền đạt cái mà họ đã thể nghiệm. Bây giờ, với tôi, chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên mà tôi trở thành đạo sư, và tôi nghĩ, với một số ít người mà đã trở thành đạo sư thì hẳn là cũng vậy – bởi vì không hề có một khóa huấn luyện nào dành cho việc đó. Và tôi chỉ dám chắc chắn về chính mình.
Khi sự chứng ngộ đến, trong 7 ngày đầu tiên tôi không thể nói ra lời; sự im lặng thì quá sâu xa, đến nỗi ngay cả ý tưởng nói một cái gì về nó đã không khởi lên. Nhưng sau 7 ngày, một cách chậm rãi, khi tôi trở nên quen với sự im lặng, quen với niềm phúc lạc to lớn, thì ước vọng muốn chia sẻ nó – một khao khát lớn lao, muốn chia sẻ nó với những người mà tôi mến yêu – là rất tự nhiên.
Tôi bắt đầu nói với những người mà tôi có quan hệ trong một cách nào đó, những bạn hữu. Trước đây, tôi vẫn thường nói chuyện với những người này trong nhiều năm, nói về đủ thứ chuyện. Tôi đã chỉ ưa thích một loại "bài tập", và đó là trau dồi kỹ năng nói chuyện, cho nên, không khó khăn mấy khi bắt đầu nói về sự chứng ngộ – mặc dù phải mất nhiều năm để "tinh luyện", đưa vào lời nói một cái gì đó về sự im lặng của tôi, một cái gì đó về niềm vui của tôi.
1953 – 1956, SINH VIÊN ĐẠI HỌC
Những học giả thì cực kỳ "sở trường" trong việc hủy diệt tất cả những gì đẹp đẽ bằng những bình luận của họ, những thuyết minh của họ, cái mệnh danh là sự học vấn của họ. Họ làm cho mọi thứ trở nên nặng nề, đến nỗi với họ, ngay cả thi ca cũng trở nên phi thi ca. Chính tôi không bao giờ dự bất cứ giờ học thi ca nào tại trường đại học. Tôi cứ thường xuyên bị ông khoa trưởng gọi lên, và ông nói, "Anh dự những giờ học khác, tại sao anh không đến dự những giờ học thi ca?"
Tôi nói, "Bởi vì em muốn giữ cho cái lòng yêu thích của em đối với thi ca được sống. Em yêu thi ca, đó là lý do tại sao. Và em biết một cách hoàn toàn rõ, rằng những giáo sư của đại học này thì tuyệt đối phi thi ca; họ chưa bao giờ biết chút thi ca nào trong đời họ. Em biết họ một cách hoàn toàn rõ. Sáng nào người đàn ông dạy thi ca tại trường đại học cũng đi bộ với em. Em chưa bao giờ thấy ông nhìn cây cỏ, lắng nghe tiếng chim, ngắm bình minh đẹp."
Và ở trường đại học mà tôi đang theo học, bình minh và hoàng hôn là một cái gì đó vô cùng đẹp. Trường đại học nằm trên một ngọn đồi, vây quanh bởi những cái gò nhỏ xung quanh. Tôi đã du hành khắp Ấn Độ, và tôi chưa bao giờ thấy ở đâu có bình minh và hoàng hôn đẹp như vậy. Vì lý do huyền bí và ẩn mật nào đó, đại học Sagar có một địa thế đặc biệt, nơi mà những đám mây trở nên quá nhiều màu sắc vào buổi bình minh và hoàng hôn, đến mức ngay cả một người mù cũng sẽ nhận biết, rằng một cái gì đó hết sức đẹp đang xảy ra.
Nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông giáo sư đang dạy thi ca tại trường đại học nhìn hoàng hôn, hay dừng lại thậm chí trong một khoảnh khắc. Và bất cứ khi nào ông thấy tôi ngắm bình minh hay hoàng hôn, hay cây cỏ, hay chim chóc, ông thường hỏi tôi, "Tại sao anh lại ngồi ở đây? Anh đến để đi bộ buổi sáng cơ mà – hãy tập thể dục đi."
Tôi nói, "Đối với em, đây không phải là một bài tập thể dục. Thầy đang tập thể dục; với em, nó là một chuyện tình."
Và khi trời mưa, ông thường không bao giờ ra ngoài. Bất cứ khi nào trời mưa, tôi thường đến gõ cửa phòng ông và nói, "Ta đi nào!"
Ông nói, "Nhưng trời đang mưa mà!"
Tôi nói, "Đây là thời điểm đẹp nhất để đi bộ, bởi vì những đường phố thì tuyệt đối trống không. Và đi bộ mà không có ô trong khi trời mưa, thì quá đẹp, quá thơ mộng!"
Ông nghĩ là tôi điên – nhưng một người chưa bao giờ đi dưới mưa, dưới cây, thì không thể nào hiểu được thi ca. Tôi nói với ông trưởng khoa, "Người đàn ông này không có hồn thơ, ông ta hủy diệt mọi thứ. Ông ta quá "học giả" mà thi ca là một hiện tượng quá "phi học giả", đến nỗi không có cái mảnh đất chung nào giữa ông ta và thi ca."
Những trường đại học hủy diệt cái mối quan tâm và lòng yêu thi ca của người ta. Chúng hủy diệt toàn bộ ý tưởng của bạn về ý nghĩa cuộc đời – sống thế nào cho ra sống; chúng càng ngày càng biến nó thành một thứ hàng hóa. Chúng dạy bạn làm thế nào để kiếm nhiều tiền hơn, nhưng chúng không dạy bạn làm thế nào để sống sâu sắc, làm thế nào để sống một cách toàn bộ – và đây là nơi mà bạn có thể có được những thoáng nhìn. Đây là nơi có những cánh cửa nhỏ mở vào cái tối hậu. Bạn được nói cho biết giá trị của tiền bạc, nhưng không được nói cho biết giá trị của một bông hồng. Bạn được dạy cho biết giá trị của một vị thủ tướng hay tổng thống, nhưng không được bảo cho biết giá trị của một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ, một vũ công. Người ta nghĩ rằng, những cái đó là dành cho những người điên.
Sau khi nhận bằng BA, tôi rời Jabalpur, bởi vì một trong các vị giáo sư tại đại học Sagar, S. S Roy, viết thư, gọi điện cho tôi để nói, "Sau khi đỗ BA, anh hãy vào đại học này, để học chương trình sau đại học."
Từ đại học Jabalpur đến đại học Sagar, cũng không xa mấy – 100 dặm. Nhưng đại học Sagar, trên nhiều phương diện, thì rất độc đáo, có một không hai. Nó là một đại học nhỏ so với đại học Benares hay Aligarh, là những đại học có 10 – 12 ngàn sinh viên. Chúng cũng giống y như đại học Oxford hay Cambridge – những đại học lớn, những tên tuổi lớn. Đại học Sagar chỉ có 1000 sinh viên, và gần 300 giáo sư; do vậy, cứ 3 sinh viên, thì có 1 giáo sư. Nó là một nơi hiếm hoi; có lẽ không nơi nào trên thế giới mà bạn có thể tìm thấy một đại học khác, nơi mà có 1 giáo sư cho 3 sinh viên.
Người đã sáng lập trường đại học này quen biết tất cả những giáo sư giỏi nhất khắp thế giới. Sagar là nơi sinh của ông; Tiến sĩ Harisingh Gaur là tên ông. Ông là một thẩm quyền nổi tiếng thế giới về luật học, và ông kiếm được quá nhiều tiền – và không bao giờ bố thí một đồng pisa nào cho hành khất, cho bất cứ tổ chức nào, cho hội từ thiện nào. Ông được biết đến như là người hà tiện nhất trong toàn bộ nước Ấn Độ. Và rồi ông sáng lập trường đại học này, và hiến tặng toàn bộ tiền dành dụm suốt đời của mình. Nó lên tới hằng triệu Mỹ kim.
Ông nói với tôi, "Đó là lý do tại sao tôi là một người hà tiện; nếu không thế, thì không có cách nào khác – tôi là một người nghèo, tôi xuất thân là một người nghèo. Nếu tôi làm việc từ thiện, và tài trợ cho bệnh viện này hay người hành khất này, và kẻ mồ côi nọ, thì trường đại học này đã không thể nào hiện hữu." Suốt đời mình, ông chỉ cưu mang một ý tưởng, rằng nơi sinh của ông phải có một trong những trường đại học tốt nhất trên thế giới. Và chắc chắn là ông đã tạo ra một trong những trường đại học tốt nhất. Trong thuở sinh thời, ông xoay xở thành công trong việc đưa những giáo sư từ khắp thế giới về đó. Ông trả lương gấp đôi, gấp ba, bao nhiêu tùy ở họ – và không có công việc, bởi vì chỉ có 1000 sinh viên. Và ông mở tất cả mọi phân khoa – không có sinh viên, nhưng với một ban giảng huấn đầy đủ: trưởng khoa, giáo sư phụ giảng, giảng viên. Ông thường nói, "Đừng lo lắng. Trước hết, cứ tạo ra trường đại học – và làm cho nó trở thành tốt nhất. Sinh viên sẽ đến, sẽ phải đến."
Do vậy, những vị giáo sư và những trưởng khoa đều đang tìm kiếm những sinh viên giỏi nhất.
Và vì lý do nào đó vị giáo sư này, SS Roy, là trưởng khoa triết, đã để mắt đến tôi.
Hằng năm, tôi thường đến đại học Sagar để dự cuộc thi hùng biện liên đại học. Trong 4 năm, tôi đều đoạt giải, và trong 4 năm, trên cương vị giám khảo, ông lắng nghe tôi nói – ông là một trong những vị giám khảo. Năm thứ tư, ông mời tôi về nhà ông, và nói, "Hãy nghe đây, tôi đợi anh suốt năm. Tôi biết rằng, sau một năm, khi cuộc thi hùng biện liên đại học kế tiếp được tổ chức, thế nào anh cũng sẽ có mặt ở đó.
"Cái cách mà anh trình bày những luận cứ của mình thật kỳ lạ. Đôi khi nó quá kỳ khôi, đến nỗi tôi tự hỏi… làm thế nào anh có thể nhìn từ góc độ này? Chính tôi đã từng suy nghĩ về một vài vấn đề, nhưng tôi không bao giờ nhìn từ khía cạnh đó. Tôi có ấn tượng rằng anh tiếp tục vứt bỏ đi bất cứ khía cạnh nào mà có thể xuất hiện với một tâm trí bình thường, và anh chỉ chọn cái khía cạnh mà có lẽ không một ai nghĩ tới.
"Trong 4 năm, anh đã đoạt giải, vì lý do đơn giản là cái luận cứ của anh thì độc đáo, và không có ai sẵn sàng trả lời nó. Thậm chí, họ chưa hề nghĩ về nó, cho nên họ đơn giản bị sốc. Những đối thủ của anh – anh làm cho họ bé lại một cách thê thảm, người ta cảm thấy thương hại họ, nhưng chúng tôi có thể làm gì được? Và tôi vẫn cho anh 99 điểm trên 100. Tôi muốn cho anh điểm trên 100, nhưng ngay cả 99… Người ta đã cho rằng tôi thiên vị. Họ nói rằng, số điểm này là quá nhiều, bởi vì không có ai vượt quá 50.
"Tôi đã gọi anh tới nhà dùng bữa tối, để mời anh rời đại học Jabalpur và đến đây. Bây giờ, đây là năm thứ tư của anh, anh sẽ hoàn tất chương trình cử nhân khi anh tốt nghiệp. Để học tiếp chương trình sau đại học, anh sẽ đến đây. Tôi không thể thiếu anh với tư cách là sinh viên của tôi; nếu anh không đến đây, thì tôi sẽ đến dạy tại đại học Jabalpur."
Và ông là một thẩm quyền nổi tiếng; nếu ông muốn đến, trường đại học Jabalpur hẳn đã vô cùng vui sướng tiếp nhận ông vào chức vụ trưởng khoa. Tôi nói, "Không, không cần phải rắc rối như thế. Em có thể đến đây, và em yêu nơi này." Nó có lẽ là trường đại học có địa thế đẹp nhất trên thế giới, trên những ngọn đồi gần một cái hồ hết sức mênh mông. Nó quá yên tĩnh – những cây rất cao, rất cổ xưa – đến nỗi chỉ cần đưa sinh viên đến đó thôi, cũng đủ cho việc giáo dục rồi.
Và Tiến sĩ Harisingh Gaur hẳn là một người mê sách vĩ đại. Ông hiến tặng toàn bộ thư viện của mình, và ông xoay xở để kiếm được càng nhiều sách càng tốt, từ mọi xó xỉnh của thế giới. Nỗ lực của một người đơn lẻ… thật là hiếm hoi; ông tạo ra "Oxford", hoàn toàn một mình, đơn thương độc mã. Oxford được tạo ra trong hơn một ngàn năm; hằng ngàn người đã từng làm việc. Công trình của người đàn ông này thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Hoàn toàn đơn độc, với tiền túi của mình, ông đem chính bản thân mình ra đặt cược.
Cho nên tôi yêu nơi này. Tôi nói, "Thầy đừng lo lắng, em sẽ đến – nhưng Thầy chỉ mới thấy em trong những cuộc thi. Thầy không biết nhiều về em; em có thể gây rắc rối cho Thầy, em là một kẻ gây phiền hà. Em muốn Thầy biết mọi thứ trước khi Thầy quyết định."
Giáo sư SS Roy nói, "Tôi không muốn biết bất cứ cái gì về anh. Một chút ít mà tôi đã biết, chỉ bằng cách nhìn thấy anh, đôi mắt anh, cách nói của anh, cách anh tiếp cận thực tại, là đủ. Và đừng cố hù dọa tôi về sự phiền hà rắc rối – anh có thể làm bất cứ cái gì mà anh muốn."
Ngày đầu tiên tôi đến dự giờ học của ông, giáo sư Roy đang giảng về khái niệm Cái Tuyệt Đối. Ông là một thẩm quyền về Bradley và Shankara. Cả hai đều tin vào Cái Tuyệt Đối – đó là tên gọi mà họ dành cho Thượng đế.
Tôi hỏi ông một điều, mà đã khiến cho ông đối xử rất thâm tình với tôi, và ông mở trọn vẹn trái tim mình ra với tôi trong mọi cách có thể được. Tôi chỉ hỏi,"Cái Tuyệt đối của Thầy có hoàn hảo không? Nó đã đến một chỗ ngừng hoàn toàn, hay nó vẫn đang phát triển? Nếu nó còn đang phát triển, thì nó không tuyệt đối, nó bất toàn – chỉ khi đó nó mới phát triển được. Nếu có thể thêm vào nó một cái gì đó – thêm một vài cành, thêm một vài bông hoa – thì nó sống. Nếu nó là hoàn chỉnh, vẹn toàn – đó là nghĩa của từ tuyệt đối – thì, sẽ không có khả tính nào cho sự tăng trưởng, thì nó chết." Cho nên tôi hỏi ông, "Xin hãy rõ ràng, bởi vì, với Bradley và Shankara, Cái Tuyệt Đối đại diện cho Thượng đế; đó là tên gọi triết học của họ dành cho Thượng đế. Vậy Thượng đế của Thầy còn sống hay đã chết? Thầy phải trả lời câu hỏi này."
Ông thực sự là một người trung thực. Ông nói, "Xin cho tôi thời gian để suy nghĩ." Ông có một học vị tiến sĩ về Bradley từ Oxford, một học vị tiến sĩ nữa về Shankara từ Benares, và người ta nghĩ rằng ông là thẩm quyền lớn nhất về hai triết gia này, bởi vì ông đã cố chứng minh rằng Bradley, từ phương Tây, và Shankara, từ phương Đông, đã đi tới cùng một kết luận như nhau. Ông nói, "Xin cho tôi thời gian để suy nghĩ."
Tôi nói, "Suốt đời, Thầy đã viết về Bradley và Shankara, và về Cái Tuyệt Đối – em đã đọc những cuốn sách của Thầy, em đã đọc luận án chưa xuất bản của Thầy. Và Thầy đã giảng dạy suốt đời mình – thế mà chưa ai từng hỏi Thầy một câu hỏi đơn giản như thế hay sao?"
Ông nói, "Chưa ai từng hỏi tôi; không chỉ thế, ngay cả chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ về nó – nhưng chắc chắn, nếu một cái gì đó là hoàn hảo, thì nó phải chết. Bất cứ cái gì còn sống, thì nó phải bất toàn. Ý tưởng này chưa bao giờ xuất hiện ra với tôi. Do vậy, hãy cho tôi thời gian suy nghĩ."
Tôi nói, "Thầy có thể để ra bao nhiêu thời gian tùy ý. Hằng ngày em sẽ đến và hỏi cùng một câu hỏi." Và nó cứ tiếp tục trong 5 – 6 ngày. Mỗi ngày, tôi sẽ bước vào lớp và ông thường đến, run rẩy, và tôi thường đứng lên và nói, "Câu hỏi của em."
Ông nói, “Xin tha thứ cho tôi, tôi không thể quyết định được. Với cả hai phía, đều có một khó khăn. Tôi không thể nói Thượng đế là bất toàn; tôi cũng không thể nói rằng Thượng đế chết. Nhưng mà anh đã chinh phục trái tim tôi.”
Ông dời những vật dụng của tôi từ nhà trọ đến nhà ông. Ông nói, "Anh không thể sống tại nhà trọ lâu hơn nữa. Anh phải đến sống với tôi và gia đình tôi. Tôi có nhiều cái phải học từ anh – bởi vì một câu hỏi đơn giản như thế chưa từng hiện ra với tôi.Tất cả những học vị của tôi đã bị hủy bỏ."
Tôi sống với ông gần 6 tháng trước khi ông chuyển sang một đại học khác. Ông muốn tôi di chuyển với ông, nhưng ông phó viện trưởng của tôi thì không chịu. Ông ta nói, "Giáo sư Roy, ông có thể đi. Các vị giáo sư có thể đến và đi, nhưng chúng tôi có thể sẽ không tìm thấy một sinh viên như thế một lần nữa. Cho nên, tôi sẽ không cấp chứng chỉ cho anh ta và tôi sẽ không cho phép anh ta rời trường đại học. Và tôi sẽ viết thư cho đại học của ông, bảo họ rằng không được nhận sinh viên của tôi vào học ở đó!"
Nhưng giáo sư Roy tiếp tục yêu mến tôi. Đó là một hiện tượng hiếm hoi. Ông thường đến hầu như hằng tháng, để thăm tôi, từ đại học của ông, cách xa gần 200 dặm. Nhưng ông thường đến ít nhất một lần một tháng, chỉ để thăm tôi, chỉ để ngồi với tôi. Và ông nói, "Bây giờ tôi đang kiếm được một số lương khá hơn, và ở đó mọi sự thoải mái hơn, nhưng tôi nhớ anh. Lớp học có vẻ như chết. Không ai hỏi những câu hỏi như anh, những câu hỏi mà không thể nào trả lời."
Và tôi đã nói với ông, "Đây là một thỏa thuận giữa em và Thầy, rằng em gọi một câu hỏi là câu hỏi, chỉ khi nào nó không thể được trả lời. Nếu nó có thể được trả lời, thì nó là loại câu hỏi gì chứ?"
Tôi thường đi bộ, mang sandal Ấn làm bằng gỗ. Nó đã được dùng bởi những sannyasin trong nhiều thế kỷ, hầu như 10 ngàn năm, hay có lẽ lâu hơn. Một đôi sandal gỗ… bởi vì nó tránh bất cứ loại da thuộc nào, phải đến từ một con vật mà có thể đã bị giết, và bị giết cho một mục đích duy nhất này – và da thuộc tốt nhất đến từ những con vật còn rất non. Do vậy, những sannyasin đã tránh điều đó và họ dùng sandal gỗ. Nhưng nó gây ra quá nhiều tiếng ồn khi bước đi, bạn có thể nghe âm thanh của nó – dù cách xa một dặm. Và khi đi bộ trên một con đường bằng xi-măng, hay trên veranda của đại học… thì cả đại học đều biết. Toàn thể trường đại học thường biết là tôi đang đến hay đang đi; không cần phải thấy tôi, chỉ cần nghe tiếng sandal là đủ.
Vào ngày đầu tiên khi tôi bước vào lớp triết của trường đại học, tôi gặp Tiến sĩ Saxena lần đầu tiên. Tôi thực sự dành lòng yêu mến và kính trọng đặc biệt cho một vài vị giáo sư. Đây là hai vị giáo sư mà tôi yêu mến nhất – giáo sư S.K. Saxena và giáo sư S.S. Roy – và vì lý do đơn giản, là họ không đối xử với tôi như là một sinh viên.
Khi tôi bước vào lớp của tiến sĩ Saxena ngày đều tiên, với đôi sandal gỗ, ông nom có vẻ hơi bối rối một chút. Ông nhìn vào đôi sandal của tôi và hỏi tôi, "Tại sao anh dùng sandal gỗ? Nó gây quá nhiều tiếng ồn."
Tôi nói, "Chỉ để làm cho ý thức của em được tỉnh giác."
Ông nói, "Ý thức? Có phải là anh đang cố giữ cho ý thức anh tỉnh giác trong nhiều cách khác nữa?"
Tôi nói, "24 giờ một ngày em đang cố làm cái đó, trong mọi cách có thể được: đi, ngồi, ăn, và ngay cả ngủ. Và Thầy có thể tin hay không, rằng chỉ mới gần đây, em đã thành công trong việc nhận biết và tỉnh giác ngay cả trong giấc ngủ."
Ông nói, "Giờ học được bãi bỏ – anh hãy đi với tôi đến văn phòng." Cả lớp nghĩ rằng tôi đã gây rắc rối cho chính mình vào ngày đầu tiên. Ông đưa tôi vào phòng làm việc của mình và lấy từ kệ sách cái luận án tiến sĩ của ông, mà ông đã viết cách đó ba năm. Nó nói về ý thức. Ông nói, "Cầm lấy nó. Nó đã được xuất bản bằng tiếng Anh, và rất nhiều người tại Ấn đã xin phép dịch sang tiếng Hindi – những học giả lớn, rất thông thạo tiếng Anh và tiếng Hindi. Nhưng tôi đã không cho phép một ai, bởi vì vấn đề không phải là việc bạn có tinh thông về ngôn ngữ hay không; tôi đang tìm một người biết ý thức là cái gì – và tôi có thể thấy trong mắt anh, trên khuôn mặt anh, qua cách mà anh trả lời… anh phải dịch cuốn sách này."
Tôi nói, "Đây là điều khó, bởi vì em không thạo tiếng Anh, em cũng không thạo tiếng Hindi. Hindi là tiếng mẹ đẻ của em, nhưng em chỉ biết ở mức độ như mọi người biết tiếng mẹ đẻ của mình. Em tin vào định nghĩa của "tiếng mẹ đẻ". Tại sao mọi ngôn ngữ được gọi là "tiếng mẹ đẻ?" Bởi vì người mẹ nói và người cha lắng nghe – và đó là cách mà con cái học. Đó là cách mà em đã học."
"Cha em là một người ít nói; mẹ em nói và ông lắng nghe – và em học thứ ngôn ngữ đó. Nó chỉ đơn giản là tiếng mẹ đẻ, em không biết nhiều. Hindi chưa bao giờ là môn học của em. Tiếng Anh, thì em chỉ biết chút ít, và cái đó chỉ vừa đủ cho những cái mệnh danh là những kỳ thi của quý vị, nhưng để dịch một cuốn sách mà nó lại là một luận án tiến sĩ … Thế mà, Thầy lại giao nhiệm vụ ấy cho một sinh viên à?"
Ông nói, "Đừng lo lắng – tôi biết anh có khả năng làm việc đó."
Tôi nói, "Nếu Thầy tin cậy em, em sẽ cố hết sức. Nhưng có một điều em phải nói với Thầy, rằng nếu em phát hiện ra một cái gì sai trong đó, thì em sẽ ghi chú bên dưới, và nó nên được sửa lại như thế nào. Nếu em thấy một cái gì đó thiếu sót, thì em sẽ làm một cước chú rằng một cái gì đó bị thiếu, và đây là cái phần bị thiếu."
Ông nói, "Tôi đồng ý. Tôi biết có nhiều cái bị thiếu trong nó. Nhưng mà anh làm tôi ngạc nhiên: anh thậm chí chưa thấy cuốn sách, anh thậm chí chưa mở nó ra. Làm thế nào mà anh biết rằng sẽ có nhiều cái bị thiếu sót trong nó?"
Tôi nói, "Bằng cách nhìn Thầy. Chỉ cần nhìn em, Thầy có thể thấy rằng rằng em là người thích hợp để dịch nó – qua sự kiện đó, em có thể thấy một cách hoàn toàn, Tiến sĩ Saxena ạ, rằng Thầy không phải là người thích hợp để viết nó!"
Và ông quá ưa thích cuộc đối thoại đó, đến nỗi ông kể lại với mọi người! Cả trường đại học đều biết về cuộc đối thoại đã diễn ra giữa ông và tôi. Trong kỳ nghỉ hè hai tháng kế đó, tôi đã dịch cuốn sách, và làm những ghi chú. Khi tôi đưa ông xem, có những giọt nước mắt vui sướng trong mắt ông. Ông nói, "Tôi biết chắc chắn rằng có một cái gì đó bị thiếu ở đây, nhưng tôi không thể phát hiện ra, bởi vì tôi chưa bao giờ thực tập nó. Tôi chỉ đơn thuần đang sưu tầm tất cả thông tin về "ý thức," từ những kinh điển phương Đông. Tôi đã thu thập nhiều, và rồi, từ đó tôi bắt đầu sắp xếp và phân loại. Tôi phải mất gần 7 năm để hoàn tất luận án của mình." Ông đã làm một công trình có tính hàn lâm rất lớn – nhưng chỉ có tính hàn lâm thôi. Tôi nói, "Nó có tính hàn lâm, nhưng nó không phải là công trình của một thiền giả. Và em đã làm những ghi chú này – rằng luận án này chỉ có thể được viết bởi một học giả, chứ không phải là một thiền giả."
Ông nhìn vào tất cả những trang đó, và nói với tôi, "Nếu anh là một trong những giám khảo của luận án này, chắc hẳn là tôi đã không có được học vị tiến sĩ! Anh đã phát hiện chính xác những chỗ mà tôi đã thấy nghi nghi, nhưng mà những gã khùng đã chấm nó thì thậm chí không nghi hoặc gì cả. Nó đã được khen ngợi rất nhiều."
Ông là một giáo sư tại Mỹ trong nhiều năm, và cuốn sách của ông thực sự là một tác phẩm hàn lâm bất hủ; nhưng không ai phê bình ông, không ai chỉ ra những điều đó. Cho nên tôi hỏi ông, "Bây giờ Thầy định làm gì với bản dịch này?"
Ông nói, "Tôi không thể xuất bản nó. Sau cùng tôi đã tìm thấy một dịch giả – nhưng mà anh là một giám khảo nhiều hơn là dịch giả! Tôi sẽ cất giữ nó nhưng tôi không thể xuất bản nó. Với những ghi chú của anh, và với lời bình luận của anh, nó sẽ hủy hoại toàn bộ uy tín của tôi – nhưng tôi đồng ý với anh." Thật ra, ông nói, "Nếu tôi có quyền hạn, tôi sẽ tặng anh một học vị tiến sĩ, chỉ dành cho những ghi chú biên tập và những ghi chú cuối trang, bởi vì anh đã phát hiện một cách chính xác những chỗ mà chỉ một thiền giả mới có thể phát hiện; một phi thiền giả không có cách nào phát hiện ra chúng."
Do vậy, ngay từ đầu, toàn bộ đời tôi đã quan hệ tới hai điều:
* Không bao giờ cho phép bất cứ một điều thiếu trí tuệ nào áp đặt lên mình, chiến đấu chống lại tất cả mọi loại ngu xuẩn, bất chấp hậu quả nào.
* Hợp lý tính, hợp logic, cho đến cùng.
Đây là một mặt, mà tôi thường sử dụng với tất cả những người mà tôi tiếp xúc. Và mặt kia, là hoàn toàn riêng tư, của riêng tôi: trở nên ngày càng tỉnh giác hơn, để mà sau cùng tôi không chỉ là một "nhà trí thức".
Tôi nhớ lại một trong những phó viện trưởng của tôi. Ông là một nhà sử học nổi tiếng thế giới. Ông đã là một giáo sư sử học tại Oxford gần 20 năm, và sau khi về hưu khỏi Oxford, ông trở về Ấn Độ. Ông nổi danh thế giới, và ông được bầu làm phó viện trưởng của trường đại học mà tôi đang theo học. Ông là một người dễ mến, một nhân cách đẹp, có uy tín lớn, với một kiến thức bao la, uyên thâm – đã xuất bản rất nhiều cuốn sách mang lại uy tín cho ông.
Do tình cờ, ngày ông nhậm chức phó viện trưởng, lại đúng vào ngày Phật đản. Và ngày sinh nhật của Đức Phật Gautama thì quan trọng hơn sinh nhật của bất cứ ai khác, bởi vì ngày sinh nhật của Phật cũng là ngày thành đạo của Ngài, và cũng là ngày Ngài rời bỏ thân thể. Cùng ngày đó Ngài sinh ra, cùng ngày đó Ngài chứng ngộ, và cùng ngày đó Ngài nhập diệt.
Toàn thể trường đại học tụ họp lại để nghe người đàn ông này nói chuyện về Đức Phật Gautama. Và ông là một nhà sử học lớn, ông đã viết về Phật Gutama; và ông nói với cảm xúc dâng trào. Với những giọt lệ trong mắt, ông nói, "Tôi vẫn luôn cảm thấy rằng, nếu tôi được sinh ra trong thời của Phật Gautama, có lẽ tôi đã không bao giờ rời hai bàn chân Ngài."
Theo thói quen của mình, tôi đứng lên, và tôi nói, "Xin làm ơn rút lại lời nói của Thầy."
Ông nói, "Nhưng tại sao?"
Tôi nói, "Bởi vì đó là những lời giả dối. Thầy đã từng sống trong thời của Raman Maharshi. Ngài cũng là cùng một loại người, có cùng một sự chứng ngộ tương tự – và em biết rằng Thầy chưa hề viếng thăm Ngài. Do vậy, Thầy định lừa gạt ai? Có lẽ Thầy cũng đã không viếng thăm Phật Gautama. Hãy lau những giọt nước mắt của Thầy đi, đó là những giọt nước mắt cá sấu. Thầy chỉ là một học giả và Thầy không biết gì về sự chứng ngộ hay những người như Phật Gautama."
Thính đường bỗng im phăng phắc. Các vị giáo sư của tôi sợ rằng tôi có thể bị đuổi học; họ luôn luôn sợ rằng tôi có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. Họ yêu mến tôi và muốn tôi ở đó. Nhưng tạo ra một tình huống như thế, một tình huống oái oăm như thế… và không ai biết phải làm gì, làm thế nào để phá vỡ tảng băng. Trong vài giây đó, cơ hồ như nhiều giờ đã trôi qua. Vị phó viện trưởng đang đứng ở đó – ông chắc chắn là người có phẩm chất ưu việt. Ông lau nước mắt, và xin được tha thứ – có lẽ ông đã sai. Và ông mời tôi đến nhà để ông có thể thảo luận một cách chi tiết hơn.
Nhưng ông nói, trước toàn thể trường đại học, "Anh nói đúng. Có lẽ tôi đã không đến thăm đức Phật Gautama, tôi biết như vậy. Tôi đã không có ý thức khi tôi nói ra điều đó; tôi chỉ đơn giản là đang xúc động, tôi bị lôi kéo đi. Vâng, tôi không bao giờ viếng thăm Raman Maharshi khi Ngài còn sinh tiền, mặc dù tôi đã có mặt gần chỗ của Ngài nhiều lần. Tôi thường diễn thuyết tại Đại học Madras, từ đó chỉ mất vài giờ để tới chỗ Ngài tại Arunachal. Nhiều người bạn đã bảo tôi, 'Anh nên đi thăm vị này' – và tôi luôn tiếp tục trì hoãn cho đến khi Ngài mất."
Toàn thể trường đại học đã không thể nào tin chuyện đó. Các vị giáo sư của tôi đã không thể tin được. Sự kính nể dành cho ông tăng trưởng rất lớn, và chúng tôi trở thành bạn của nhau. Ông khá già – gần 60 – còn tôi thì chỉ mới 24, nhưng chúng tôi trở thành bạn của nhau. Và ông không bao giờ, dù chỉ trong một khoảnh khắc, cho phép tôi cảm thấy rằng ông là một học giả lớn, rằng ông là phó viện trưởng, rằng ông ở tuổi ông tôi.
Trái lại, ông nói với tôi, "Tôi không biết cái gì đã xảy ra ngày đó; tôi không phải là một người khiêm cung. Là một giáo sư tại Oxford trong 20 năm, là một giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học của thế giới, tôi đã trở nên rất kiêu mạn. Nhưng mà anh đã hủy diệt tất cả, chỉ bằng một cú đánh. Tôi sẽ mãi biết ơn anh suốt đời tôi: Nếu anh đã không đứng lên, thì có lẽ tôi vẫn tiếp tục tin rằng hẳn tôi đã viếng thăm Ngài. Nhưng bây giờ, tôi muốn như vậy… nếu anh có thể tìm thấy một ai đó chứng ngộ, thì tôi muốn ngồi bên cạnh bàn chân vị ấy và lắng nghe vị ấy."
Tôi nói, Vậy thì Thầy hãy ngồi xuống và lắng nghe."
Ông nói, "Cái gì?"
Tôi nói, "Chỉ đơn giản nhìn em. Đừng để tâm đến tuổi tác của em, hãy ngồi xuống và lắng nghe em." Và bạn sẽ không tin điều đó – cụ già đó ngồi xuống và lắng nghe tôi, nghe bất cứ cái gì mà tôi muốn nói với ông. Nhưng thật hiếm người có nhiều dũng cảm và quá nhiều sự cởi mở như vậy.
Sau ngày đó, ông thường đến nhà trọ để thăm tôi. Mọi người đều thắc mắc – cái gì đã xảy ra vậy? Tôi đã tạo ra cho ông một tình huống bối rối như thế! Ông thường đưa tôi về nhà ông và chúng tôi thường ngồi với nhau và ông thường yêu cầu tôi, "Hãy nói một cái gì đi – tôi muốn lắng nghe. Suốt đời tôi, tôi chỉ biết nói; tôi đã quên lắng nghe. Và tôi đã từng nói những điều mà tôi không biết." Và ông lắng nghe theo cách mà một đệ tử lắng nghe vị đạo sư của mình.
Những vị giáo sư của tôi đều rất thắc mắc. Họ nói, "Có phải anh đã 'bỏ bùa' ông già đó? Hay là ông đã trở nên lẩm cẩm rồi? Hay là có chuyện gì xảy ra? Để gặp ông, chúng tôi phải xin một cuộc hẹn và chúng tôi phải đợi trên một danh sách dài. Khi đến lượt, chỉ lúc đó chúng tôi mới có thể gặp ông. Thế mà ông lại đến thăm anh – không chỉ thế, ông còn lắng nghe anh nói. Cái gì đã xảy ra vậy?"
Tôi nói, "Cái tương tự có thể xảy ra cho quý vị, nhưng quý vị không thông minh được như vậy, và không nhạy bén được như vậy, không hiểu biết được như vậy. Cụ già đó thực sự là hiếm hoi."
1957 – 1966, GIÁO SƯ ĐẠI HỌC
Tôi vui hưởng cuộc đời sinh viên của mình vô cùng; bất luận người ta chống lại tôi, ủng hộ tôi, thờ ơ với tôi, hay yêu mến tôi, thì tất cả những kinh nghiệm đó đều đẹp. Tất cả mọi cái đó đã giúp tôi khi chính tôi trở thành giáo sư, bởi vì tôi có thể thấy quan điểm của sinh viên một cách đồng thời khi tôi đang trình bày quan điểm của tôi.
Và những giờ học của tôi trở thành những câu lạc bộ tranh luận. Mọi người đều được phép nghi ngờ, tranh luận. Thỉnh thoảng một ai đó bắt đầu lo lắng về cái gì sẽ xảy ra với khóa học, bởi vì trên một điểm riêng lẻ, có quá nhiều tranh cãi. Tôi nói, "Đừng lo lắng. Tất cả những gì được cần đến là việc mài sắc trí thông minh của bạn. Giáo trình là một chuyện nhỏ – bạn có thể đọc nó trong một đêm. Nếu bạn có một tâm trí sắc bén, thì thậm chí không cần đọc giáo trình, bạn cũng có thể trả lời. Nhưng nếu bạn không có một tâm trí sắc bén, thì ngay cả khi có cuốn sách trong tay, bạn cũng sẽ không thể tìm ra câu trả lời nằm ở đâu. Trong một cuốn sách 500 trang, câu trả lời hẳn phải ở đâu đó trong một đoạn."
Do vậy, những giờ học của tôi thì hoàn toàn khác. Mọi sự phải được thảo luận, mọi sự phải được xem xét, trong cách sâu nhất có thể được, từ mọi góc, từ mọi khía cạnh – và chỉ được chấp nhận nếu trí tuệ của bạn cảm thấy được thỏa mãn. Bằng không, không cần phải chấp nhận nó; chúng tôi có thể tiếp tục cuộc thảo luận vào buổi học kế tiếp.
Và tôi kinh ngạc khi biết rằng, khi bạn thảo luận một cái gì đó và khám phá ra cái "mô hình logic, toàn bộ cái "kết cấu", thì bạn không cần phải nhớ nó. Nó là khám phá của bạn; nó lưu lại với bạn. Bạn không thể quên nó.
Chắc hẳn là sinh viên của tôi yêu mến tôi, bởi vì không ai khác sẽ cho họ quá nhiều tự do, không ai khác sẽ dành cho họ quá nhiều sự tôn trọng như thế. Không ai khác sẽ cho họ quá nhiều tình yêu thương, không ai khác sẽ giúp họ mài sắc trí tuệ của họ.
Mọi giáo sư đều quan tâm về tiền lương của mình. Chính tôi không bao giờ đi nhận lương. Tôi thường chỉ đơn giản trao quyền lại cho một sinh viên và nói, "Bất cứ khi nào đến ngày đầu tháng, bạn nhận lương và bạn có thể mang nó đến cho tôi.Và nếu bạn cần bất cứ phần nào của nó, bạn có thể giữ nó."
Suốt những năm tôi ở trường đại học, một người này hay người nọ sẽ mang lương đến cho tôi. Người đàn ông phát lương một lần đến thăm tôi chỉ để nói, "Anh không bao giờ xuất hiện. Tôi vẫn cứ hy vọng rằng, có một lúc nào đó, anh sẽ đến và tôi sẽ thấy anh. Nhưng thấy rằng có lẽ anh sẽ không bao giờ đến văn phòng, tôi đã đến nhà anh chỉ để xem anh thuộc loại người nào – bởi vì, vào ngày đầu tháng, có những vị giáo sư, họ bắt đầu xếp hàng từ sáng sớm để nhận lương. Anh luôn vắng mặt. Bất cứ sinh viên nào sẽ xuất hiện với chữ ký và ủy quyền của anh, và tôi không biết liệu tiền lương có đến tay anh hay không."
Tôi nói, "Ông không cần phải lo lắng, nó luôn luôn đến tay tôi." Khi bạn tin cậy ai, thật khó cho anh ta lừa dối bạn.
Suốt những năm tôi là giáo sư, không có một sinh viên nào – được ủy quyền nhận lương – đã từng lấy bất cứ phần nào trong số đó, mặc dù tôi đã bảo họ, "Tùy ở bạn. Nếu bạn cảm thấy muốn lấy hết, thì bạn có thể lấy. Nếu bạn muốn giữ một phần của nó, bạn có thể giữ lại. Và nó không phải là tiền cho vay, và phải hoàn lại, bởi vì tôi không muốn bận tâm về việc phải nhớ ai đã vay tôi bao nhiêu tiền. Nó chỉ đơn giản là của bạn; không thành vấn đề." Nhưng không có một sinh viên nào từng lấy một phần nào trong số lương đó.
Tất cả những giáo sư đều chỉ quan tâm đến tiền lương, đến việc bon chen để giành những chức vụ cao hơn. Tôi chưa từng thấy ai thực sự quan tâm đến sinh viên và tương lai của họ, và nhất là quan tâm đến sự phát triển tâm linh của họ.
Nhìn thấy điều đó, tôi mở một trường thiền định nhỏ. Một trong những người bạn của tôi hiến tặng cái bungalow (nhà gỗ một tầng) và khu vườn đẹp của anh, và anh xây một thiền thất bằng đá cẩm thạch cho tôi, cho những buổi thiền định, nên ít nhất 50 người có thể ngồi và thiền định trong cái thất đó. Nhiều sinh viên, nhiều giáo sư – ngay cả những vị phó viện trưởng – đến để hiểu thiền định là gì.
Tại Ấn Độ, người Hồi giáo có một loại trang phục nhất định, người Hindu, người Punjab, người Nam Ấn, người Bengal, cũng vậy. Chẳng hạn, tại Nam Ấn, bạn có thể mặc một cái lungi; chỉ một cái dhoti mà bạn có thể trùm quanh người. Và không chỉ thế, người ta kéo nó lên và gấp nó lại, để nó lên tới đầu gối. Ngay cả tại các trường đại học, những vị giáo sư thường đi dạy trong cái trang phục đó.
Tôi ưa thích cái lungi, bởi vì nó rất giản dị, giản dị nhất: không cần thợ may, không cần thiết kế, không gì cả; chỉ cần bất cứ miếng vải nào cũng có thể được làm thành một cái lungi rất dễ dàng. Nhưng mà tôi lại không sống tại Nam Ấn, tôi sống tại Trung Ấn, nơi mà lungi chỉ được mặc bởi những vagabond, những kẻ du thủ du thực, những phần tử "phi xã hội". Nó là một biểu tượng rằng cá nhân đó "bất cần đời", rằng y không bận tâm về việc bạn nghĩ gì về y.
Khi tôi bắt đầu đi tới trường đại học trong cái lungi, mọi sự ngừng lại trong một lát: những sinh viên đi ra khỏi lớp, những giáo sư đi ra khỏi lớp. Trong khi tôi đi dọc theo hành lang, mọi người đang đứng ở đó quan sát, và tôi vẫy tay chào mọi người – một sự tiếp đón tốt đẹp!
Vị phó viện trưởng đi ra ngoài: "Có chuyện gì thế? Những giờ học ngừng nửa chừng, các giáo sư ra ngoài, và có một sự im lặng…" Ông thấy tôi và tôi vẫy tay chào ông, và ông thậm chí không có gan để đáp lại cái vẫy tay của tôi.
Tôi nói, "Ít ra Thầy nên vẫy tay chào tôi. Tất cả những người này đã đến để xem cái lungi của tôi." Tôi nghĩ rằng họ ưa thích nó, bởi vì hằng ngày các vị giáo sư đến trường với trang phục đẹp, trang phục đắt tiền. Vị phó viện trưởng rất chăm chút về y phục của ông, và rất nổi tiếng về ăn mặc đẹp. Nếu bạn đã vào nhà ông, có lẽ bạn đã ngạc nhiên: không có gì ngoài quần áo treo la liệt khắp nhà, ông, người giúp việc và y phục của ông.
Tôi nói, "Ngay cả khi Thầy đi vào, không ai ra khỏi lớp. Nhưng một cái lungi nghèo nàn – những người nghèo nhất mặc nó – đã đưa họ ra ngoài! Và tôi dự định sẽ đến trường hằng ngày trong cái lungi này."
Ông nói, "Một trò đùa thì không sao cả, một ngày thì không sao cả, nhưng đừng đi quá xa."
Tôi nói, "Khi tôi làm một cái gì đó, tôi sẽ làm tới cùng."
Ông nói, "Anh muốn nói gì? Anh muốn nói, rằng anh thực sự định đến hằng ngày trong một cái lungi à?"
Tôi nói, "Ngay bây giờ, đó là cái mà tôi có ý định làm. Nếu tôi bị can thiệp vào, tôi có thể đến thậm chí không có một cái lungi. Thầy có thể tin lời tôi về chuyện đó. Nếu tôi bị can thiệp trong một cách nào đó, nếu Thầy cố nói rằng nó không thích hợp cho một giáo sư, hay bất luận Thầy nói cái gì, tôi không bận tâm… Nếu Thầy có thể giữ im lặng, tôi sẽ vẫn mặc cái lungi; nhưng nếu Thầy bắt đầu làm một cái gì chống lại tôi, thì cái lungi sẽ biến đi. Tôi sẽ đến… và rồi, Thầy sẽ thấy cái cảnh thực!"
Và đó là một màn trào lộng, bởi vì tất cả sinh viên bắt đầu vỗ tay khi họ nghe điều này và ông cảm thấy quá bối rối, đến nỗi ông không biết làm gì hơn là đi trở lại phòng mình. Ông không bao giờ nói một lời nào về cái lungi nữa. Tôi dò hỏi nhiều lần, "Về cái lungi của tôi thì sao? Có hành động nào chống lại nó hay không?"
Ông nói, "Anh chỉ cần để cho tôi yên – hãy làm bất cứ cái gì mà anh muốn. Và tôi không muốn nói bất cứ điều gì, bởi vì nói với anh bất cứ điều gì đều nguy hiểm, người ta không bao giờ biết là anh sẽ xử lý nó ra sao. Tôi không nói, 'Hãy trút bỏ cái lungi', tôi nói, 'Hãy trở lại y phục cũ của anh'."
Tôi nói, "Những cái đó đã ra đi, và cái gì ra đi là ra đi – tôi không bao giờ nhìn lại đằng sau. Bây giờ tôi dự định mặc một cái lungi."
Do vậy, ban đầu tôi ra ngoài với một cái lungi, với một cái robe. Rồi một hôm, tôi bỏ cái robe và chỉ dùng một cái khăn quàng. Một lần nữa, lại có một "tấn tuồng" lớn, nhưng ông giữ bình tĩnh. Mọi người đi ra ngoài, nhưng ông không đến – có lẽ bởi vì ông sợ rằng tôi đã trút bỏ cái lungi! Ông không ra khỏi phòng mình. Tôi gõ cửa phòng ông. Ông nói, "Anh đã làm chuyện đó?"
Tôi nói, "Chưa. Thầy có thể đi ra ngoài."
Ông mở cửa và chỉ nhìn ra ngoài để xem tôi có mặc y phục hay là tôi đã trút bỏ mọi thứ. Ông nói, "Vậy, bây giờ anh đã thay đổi – cái robe cũng vậy?"
Tôi nói, Tôi cũng đã thay đổi cái đó. Thầy có điều gì để nói không?"
Ông nói, "Tôi không muốn nói một lời nào. Tôi thậm chí không nói chuyện với những người khác, về anh. Những nhà báo thường gọi điện và hỏi, 'Tại trường đại học, người ta được phép ăn mặc ra sao? Bởi vì cái đó sẽ trở thành một tiền lệ và sinh viên có thể bắt đầu đến trường trong cái lungi, và những giáo sư khác cũng vậy.'
"Tôi bảo họ, 'Bất cứ cái gì xảy ra, ngay cả khi mọi người bắt đầu mặc lungi đến trường, nó ok với tôi. Tôi không định quấy rầy anh ta, bởi vì anh ta dọa tôi rằng, nếu tôi quấy rầy anh ta, trong cách nào đó, thì anh ta có thể đến trường, trần truồng. Và anh ta nói, rằng sự trần truồng là một lối sống tâm linh được chấp nhận tại Ấn Độ. Mahavira trần truồng, 24 tirthankara của đạo Jaina cũng trần truồng, hằng ngàn tu sĩ vẫn còn trần truồng, và nếu một tirthankara có thể trần truồng, thì tại sao một giáo sư lại không thể? Tại Ấn Độ, thì sự trần truồng không thể bị đối xử bất kính trên bất cứ phương diện nào'."
Rồi ông nói tiếp: "Tôi nói với mọi người, 'Nếu anh ta muốn thực sự tạo ra sự hỗn loạn… và anh ta có những môn đệ tại trường đại học; có nhiều sinh viên sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà anh ta bảo họ làm. Do vậy, tốt nhất là cứ để anh ta yên'."
Tôi đã phát hiện – suốt đời mình – rằng, nếu bạn chỉ đơn giản sẵn sàng hy sinh cái sự "khả kính", thì bạn có thể làm theo ý mình một cách rất dễ dàng. Xã hội đã chơi một trò chơi với bạn. Nó đã đặt cái sự "khả kính" lên một cái bệ quá cao trong tâm trí bạn, và đối diện với nó, tất cả những điều mà nó muốn bạn đừng làm. Do vậy, nếu bạn làm chúng, bạn đánh mất cái sự "khả kính". Một khi bạn sẵn sàng nói, "Tôi không quan tâm đến sự khả kính," thì xã hội hoàn toàn bất lực trong việc làm bất cứ cái gì chống lại ý muốn của bạn.
Khi tôi trở thành một giáo sư tại trường đại học, việc đầu tiên mà tôi làm là… Khi tôi bước vào, tôi thấy những cô gái đang ngồi trong một góc. Đằng trước mặt tôi là bốn, năm dãy ghế trống rỗng, còn những cậu trai thì đang ngồi ở một góc đằng kia. Tôi nói, "Tôi sắp dạy ai, những cái bàn và ghế này chắc? Và cái thứ vớ vẩn gì thế này? Ai đã bảo các bạn ngồi như vậy? Hãy ngồi chung lại với nhau và xích lại gần trước mặt tôi."
Họ lưỡng lự. Họ chưa bao giờ nghe một giáo sư bảo họ ngồi chung. Tôi nói, "Ngồi chung lại ngay lập tức; nếu không, tôi sẽ báo cáo lại với ông phó viện trưởng rằng một cái gì đó hoàn toàn trái tự nhiên, phi tâm lý học, đang diễn ra."
Họ di chuyển một cách chậm rãi, một cách lưỡng lự… Tôi nói, "Đừng do dự! Chỉ đơn giản di chuyển, ngồi chung lại với nhau. Trong giờ học của tôi, các bạn không thể ngồi tách rời nhau. Và tôi không quan tâm nếu bạn chạm vào cô gái và cô gái kéo áo sơ mi của bạn; bất cứ cái gì tự nhiên, đều được chấp nhận. Cho nên, tôi không muốn bạn ngồi ở đó, đóng băng, co rúm. Cái đó sẽ không xảy ra trong giờ học của tôi. Hãy tận hưởng việc ở cùng nhau. Tôi biết các bạn đang ném những mảnh giấy nhỏ, những hòn đá, những lá thư. Không cần thiết. Chỉ đơn giản đến ngồi bên cạnh cô gái, trao lá thư cho cô ta, và bất cứ cái gì mà bạn muốn làm – bởi vì, thực ra thì các bạn đã trưởng thành về giới tính; bạn nên làm một cái gì đó. Thế mà bạn lại đang học triết, bạn hoàn toàn điên rồ! Phải chăng đây là thời gian để học triết? Đây là thời gian để đi ra ngoài và làm tình. Triết học là dành cho tuổi già, khi bạn không thể làm bất cứ cái gì khác – lúc đó, bạn có thể học triết học."
Tất cả họ đều sợ. Một cách chậm rãi, một cách từ từ, họ trở nên thư giãn, nhưng những lớp khác bắt đầu cảm thấy ghen tỵ với họ. Những giáo sư khác bắt đầu báo cáo với ông phó viện trưởng, "Người đàn ông này thật nguy hiểm. Anh ta đang cho phép con trai và con gái làm những điều mà tất cả chúng ta đều đã và đang cấm. Thay vì ngăn chận chúng giao tiếp với nhau, anh ta lại đang 'vẽ đường cho hươu chạy'! Anh ta nói, 'Nếu bạn không biết cách viết thư tình, hãy đến với tôi. Tôi sẽ dạy bạn. Triết học là thứ yếu – nó không nhiều. Chúng ta sẽ hoàn tất khóa học 2 năm trong vòng 6 tháng. Một năm và 6 tháng còn lại, hãy tận hưởng, nhảy múa, ca hát. Đừng lo lắng.'
Sau cùng, ông phó viện trưởng phải gọi tôi đến, và ông nói, "Tôi đã nghe mọi thứ này. Anh nói gì?"
Tôi nói, "Hẳn Thầy đã từng là một sinh viên tại trường đại học."
Ông nói, "Vâng. Nếu không, làm thế nào tôi có thể là phó viện trưởng được?"
Tôi nói, "Vậy thì, hãy lùi lại một chút và nhớ lại những ngày đó, khi mà những cô gái và Thầy đang ngồi cách xa nhau. Cái gì đang diễn ra trong tâm trí Thầy lúc đó?"
Ông nói, "Anh có vẻ là một gã kỳ lạ. Tôi đã yêu cầu anh đến để dò hỏi về một cái gì đó."
Tôi nói, "Cái đó, sẽ tính sau. Trước hết, hãy trả lời câu hỏi của tôi. Và hãy thành thật; nếu không, Thầy sẽ phải chịu cuộc thách thức công khai ngày mai, trước toàn thể trường đại học, tất cả giáo sư, tất cả sinh viên. Chúng ta có thể thảo luận vấn đề này và để cho họ bỏ phiếu."
Ông nói, "Xin đừng bị kích động. Có lẽ anh nói đúng. Quả thực, tôi còn nhớ. Bây giờ tôi đã già, và tôi hy vọng rằng anh sẽ không nói chuyện này với bất cứ ai – lúc đó tôi đang nghĩ về các cô gái. Tôi không đang nghe giảng, và không ai lắng nghe vị giáo sư cả. Những cô gái thì đang ném những mẩu giấy nhỏ, chúng tôi đang ném những mẩu giấy nhỏ, những lá thư đang được trao đổi."
"Vậy," tôi nói, "tôi có thể đi rồi chứ?"
Ông nói, "Dĩ nhiên. Anh chỉ đơn giản đi và làm bất cứ cái gì anh muốn. Tôi không muốn một cuộc chạm trán công khai với anh, tôi biết anh sẽ thắng. Anh có lý. Nhưng tôi là một gã đáng thương; tôi phải chăm lo cho cái chức vụ của mình. Nếu tôi bắt đầu làm một điều như thế, thì chính phủ sẽ ném tôi ra khỏi chức vụ phó viện trưởng."
Tôi nói, "Tôi không quan tâm đến cái chức phó viện trưởng của Thầy. Thầy vẫn là phó viện trưởng, nhưng hãy nhớ: đừng bao giờ gọi tôi một lần nữa. Nhiều lời phàn nàn sẽ đến, nhưng tôi làm rõ – ngay bây giờ – rằng, mọi lúc tôi đều sẽ đúng."
Ông nói, "Tôi đã hiểu rồi."
Những sinh viên – nam và nữ, họ không phải là sinh viên thuộc môn học của tôi – bắt đầu hỏi tôi, "Chúng em có thể đến dự học không?"
Tôi nói, "Triết học chưa bao giờ quá hấp dẫn như vậy. Hãy đến! Bất cứ ai đều được hoan nghênh. Tôi không bao giờ điểm danh. Hằng tháng, khi cuốn sổ điểm danh trở lại, tôi chỉ đơn giản phết vào – vắng, có mặt, vắng, có mặt. Tôi chỉ phải nhớ rằng mọi người phải có mặt trên 75% trong tổng số buổi học, để họ có thể dự kỳ thi. Tôi không bận tâm. Do vậy, các bạn có thể đến."
Những lớp học của tôi thì quá đông đúc. Sinh viên ngồi cả trên các cửa sổ. Nhiều người trong số họ lẽ ra phải đang ngồi tại một lớp nào khác.
Rồi lại có những than phiền, và ông phó viện trưởng nói, "Đừng bắt tôi phải nghe những lời than phiền về người đàn ông đó. Đó là vấn đề của quý vị nếu sinh viên không đến lớp quý vị. Tôi có thể làm gì nào? Anh ta có thể làm gì, nếu họ ưa thích anh ta hơn? Và họ không phải là sinh viên triết, nhưng họ không muốn đến lớp sử học, kinh tế học, chính trị học của quý vị. Tôi có thể làm gì được nào? Và anh ta đã thách tôi, 'Đừng bao giờ gọi tôi đến một lần nữa, nếu không, Thầy sẽ phải đối mặt với một cuộc chạm trán công khai.'"
Nhưng quá nhiều lời than phiền đến từ mọi khoa, đến nỗi sau cùng ông lại phải đến. Ông biết rằng, tốt hơn là đừng triệu tôi đến; nhưng ông đã phải đến lớp tôi. Ông đã không thể tin có chuyện đó.
Trong môn triết học, thường có rất ít sinh viên, bởi vì triết học không phải là một môn học kiếm được nhiều tiền. Nhưng mà lớp triết của tôi thì quá tải; không có chỗ thậm chí cho ông bước vào. Tôi thấy ông đang đứng ở cửa lớn phía sau sinh viên. Tôi bảo họ, "Hãy để Thầy phó viện trưởng vào. Hãy để cho ông cùng thưởng thức toàn bộ cái "cảnh" đang diễn ra ở đây."
Ông đi vào. Ông không thể tin ở mắt mình, rằng tất cả những cô gái và những cậu trai đều đang ngồi chung với nhau và đang lắng nghe một cách quá vui sướng. Không có một nhiễu loạn nào, bởi vì tôi đã ngăn cản mọi sự nhiễu loạn ngay từ gốc rễ. Bây giờ chàng trai đang ngồi bên cạnh cô bạn gái của mình; không cần phải ném đá, ném thư. Không cần thiết.
Ông nói, "Tôi không thể tin rằng một lớp đông đúc như thế, mà lại im lặng như tờ."
Tôi nói, "Nhất thiết phải thế, bởi vì không có sự trấn áp, đè nén nào. Tôi đã bảo sinh viên rằng, khi họ muốn rời, họ không cần xin phép tôi, họ chỉ đơn giản bỏ đi; khi họ muốn đến, họ cứ việc đến. Họ không cần xin phép tôi. Họ có mặt ở đây hay không, đó không phải là việc của tôi. Tôi yêu thích việc giảng dạy. Tôi sẽ tiếp tục dạy – nếu bạn muốn ngồi ở đây, hãy cứ ngồi; nếu không, hãy 'biến đi'. Nhưng không ai bỏ đi."
Vị phó viện trưởng nói, "Việc này nên diễn ra cho mọi lớp học. Nhưng tôi không phải là một người mạnh mẽ như anh; tôi không thể nói với chính phủ rằng, đây là cách nên làm."
Tôi được mời đến một seminar, nhiều phó viện trưởng và viện trưởng đại học đã tụ họp ở đó. Họ rất lo lắng về sự thiếu kỷ luật trong các trường phổ thông, cao đẳng, và đại học, và họ lo lắng về thái độ bất kính của thế hệ trẻ đối với các thầy cô.
Tôi lắng nghe những quan điểm của họ, và tôi nói với họ, "Tôi thấy rằng, một nơi nào đó, cái cơ sở bị thiếu mất. Một vị thầy là một người được kính trọng một cách tự nhiên, cho nên một vị thầy không thể đòi hỏi sự kính trọng. Nếu người thầy đòi hỏi sự kính trọng, thì ông ta chỉ đơn giản chứng tỏ rằng ông ta không phải là một vị thầy; ông đã chọn sai nghề, nó không phải thiên chức của ông. Định nghĩa của một ông thầy chính là: một người được kính trọng một cách tự nhiên – không phải là bạn phải kính trọng ông. Nếu bạn phải kính trọng ông, thì đây là loại kính trọng nào vậy? Hãy nhìn xem: 'phải kính trọng' – toàn bộ vẻ đẹp bị đánh mất, sự kính trọng không còn sống động. Nếu nó bị cưỡng bách, thì nó không có mặt ở đó. Khi sự kính trọng có mặt ở đó, không ai tự ý thức về nó. Nó chỉ đơn giản tuôn chảy. Bất cứ khi nào một vị thầy có mặt ở đó, nó chỉ đơn giản tuôn chảy một cách tự nhiên."
Cho nên, tôi hỏi seminar: "Thay vì yêu cầu sinh viên học sinh kính trọng người thầy, xin quý vị hãy nhìn lại – hẳn quý vị đang chọn nhầm những người thầy, họ không phải là vị thầy chút nào cả."
Những người thầy thì cũng như những nhà thơ bẩm sinh, và nghề giáo là một nghệ thuật. Không phải ai cũng có thể là một người thầy, nhưng bởi vì việc giáo dục phổ thông, hằng triệu "ông thầy" được cần đến. Hãy thử nghĩ về một xã hội mà cho rằng mọi người đều phải được dạy thi ca và thi ca phải được dạy bởi những nhà thơ. Rồi thì hằng triệu nhà thơ sẽ được cần đến. Dĩ nhiên, sẽ có những đại học đào tạo các nhà thơ. Những nhà thơ đó sẽ là nhà thơ "dổm", và rồi họ sẽ yêu cầu, "Hãy vỗ tay hoan nghênh chúng tôi! – bởi vì chúng tôi là những nhà thơ. Tại sao các anh chị không chịu kính trọng chúng tôi?" Điều này cũng đã xảy ra với những người thầy.”
Trong quá khứ, có rất ít người thầy. Người ta thường đi hằng ngàn dặm để tìm một người thầy, để được ở bên cạnh ông ta. Có sự kính trọng rất to lớn, nhưng sự kính trọng tùy thuộc vào phẩm chất của vị thầy. Môn đệ hay học trò không bị bắt buộc phải kính trọng thầy. Sự kính trọng khởi lên một cách hồn nhiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét