Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Osho – Đức Phật và Phật Pháp - Phần 2. Cuộc đời của Đức Phật - Chương 6

CHƯƠNG 6. THUYẾT PHÁP TRONG IM LẶNG



Không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được kinh nghiệm giác ngộ, bởi vì bản chất của hiện tượng đó. Giác ngộ xảy ra bên ngoài tâm trí, mà ngôn ngữ là một phần của tâm trí. Giác ngộ được kinh nghiệm trong sự thinh lặng tuyệt đối. Nếu coi thinh lặng là một ngôn ngữ, tất nhiên giác ngộ cũng có ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ ấy sẽ bao gồm thinh lặng, phúc lạc, ngây ngất, và hồn nhiên. Nhưng đó không phải là ý nghĩa thông thường của ngôn ngữ. Thông thường lời phải được dùng để gợi ý. Nhưng lời không thể diễn tả được thinh lặng; ngất ngây và phúc lạc cũng thế. Thật vậy, giác ngộ có thể thấy được, có thể hiểu được, có thể cảm thấy được, nhưng không thể nói được, không thể nghe được. Khi đắc đạo, Đức Phật đã lặng thinh trong bảy ngày. Cả vũ trụ nín thởđể chờ nghe Ngài nói, để nghe tiếng nhạc của Ngài, để nghe bản nhạc không lời của Ngài, để nghe những lời của bờ bên kia, của chân lý. Bảy ngày ấy dài như thể bảy thế kỷ. Chuyện ấy thật là tuyệt diệu, một phần có thật, một phần đã trở thành thần thoại. Nhưng thần thoại không có nghĩa là dối trá. Có những trường hợp chân lý chỉ có thể diễn tả được bằng thần thoại. Ngài đã đắc đạo. Đó là sự thật. Ngài lặng thinh trong bảy ngày. Đó là sự thật. Cả vũ trụ chờ đợiđể nghe Ngài cũng là sự thật, nhưng không phải ai cũng kiểm chứng được. Chỉ những người đã giác ngộ, đã chứng kiến được sự chờ đợi ấy mới biết được. Nhưng chuyện ấy muốn nói rằng cái tồn tại vui mừng khi có người đắc đạo, bởi vì một phần của nó đã nở hoa rực rỡ, đã vươn lên đến đỉnh cao nhất. Đó là sự huy hoàng nhất, lộng lẫy nhất của nó. Cả cái tồn tại ao ước một ngày tất cả sẽ thành đạo, một ngày nào đó sẽ xua đi bóng tối,để tất cả được tràn ngập trong tâm thức và ánh sáng, để phá tan mọi khổ đau và mang lại càng nhiều bông hoa hạnh phúc càng tốt.
Sau đó, chuyện y trở thành thần thoại, nhưng nó có ý nghĩa riêng và chân lý riêng của nó. Chư thiên trở nên bồn chồn. Một điều cần phải hiểu là Phật Giáo không có thượng đế tối cao. Kỳ Na Giáo cũng không tin chỉ có một thượng đế. Cả hai tin có nhiều thần thánh khác nhau. Khái niệm của hai tôn giáo ấy có vẻ dân chủ hơn các tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Hồi giáo và Ki Tô Giáo. Ba tôn giáo ấy rất là keo kiệt. Một Thiên Chúa, một tôn giáo, một thánh thư, một tiên tri - có vẻ độc quyền quá. Phật Giáo dùng cách tiếp cận khác hẳn, nhưng dân chủ hơn, nhân bản hơn trong khái niệm là có hàng triệu thần thánh. Thật vậy, mỗi chúng sinh một ngày nào đó sẽ trở thành thần thánh. Một khi đắc đạo, người ấy sẽ trở thành thần thánh. Vì không tin ở đấng sáng tạo nên Phật Giáo đã đem lại phẩm giá cho mọi chúng sinh. Bạn không phải là những con rối. Bạn có cá tính, có tự do, và có sự kiêu hãnh của mình. Không ai nặn ra bạn nên không ai phá huỷ bạn được. Cho nên ngoài bạn ra, không ai có thể cứu bạn được. Cả Ki Tô Giáo lẫn Do Thái Giáo đều có ý tưởng về một đấng cứu thế. Nếu có ThượngĐế, Ngài sẽ gửi sứ giả, tiên tri, hoặc đấng cứu thế đến để cứu bạn. Ngay cả sự giải thoát của bạn cũng không nằm trong tay bạn. Nó có hình thức nô lệ, bởi vì người nào đó sẽ cứu bạn, mà nếu giải thoát mà phải nhờ đến người khác, sự giải thoá ấy cũng chẳng có giá trị lắm. Tự do phải đạt được, không thể van xin. Tự do phải cướp được mới xứng đáng, không thể xin xỏ. Nếu vì từ bi mà có, tự do ấy cũng chẳng có giá trị nhiều. Cho nên Phật Giáo chẳng cần Thượng Đế, chẳng cần đấng cứu thế, nhưng lại có vô số thần thánh. Đó là những vị đã đắc đạo trước đây. Từ vô thủy đã có vô số người đã đắc đạo; họ được coi là thần thánh. Những vị ấy cảm thấy lo lắng vì đã đắc đạo bảy ngày rồi màĐức Phật vẫn giữ im lặng. Hơn nữa, năm thì mười họa mới có người đắc đạo nên linh hồn của chính cái tồn tại phải chờ đợi, phải ao ước muốn thấy được hiện tượng đó. Nhiều ngàn năm đã qua mà nay mới có người thành đạo. Nếu Đức Phật không chịu nói, nếu Ngài im lặng mãi mãi thì sao? Trường hợp ấy rất khả hữu vì im lặng là ngôn ngữ duy nhất của giác ngộ. Nó sẽ bị bóp méo khi bạn đem ngôn ngữ vào. Sự bóp méo ấy xảy ra qua nhiều giai đoạn.
Trước hết, nó sẽ bị bóp méo khi bạn kéo nó xuống từ tầm cao, từ trên đỉnh bạn kéo nó xuống tận những hang hóc tối tăm của tâm trí. Sự bóp méo bắt đầu từ đó. Thực tại của nó bị mất chín mươi chín phần trăm ngay tại lúc đó. Rồi khi bạn nói. Sự bóp méo lại xảy ra vì cái mà bạn cảm thấy được trong cốt lõi thâm sâu nhất của bạn là một việc, mà bạn muốn chia sẻ kinh nghiệm ấy bằng lời lại là chuyện khác. Thí dụ, bạn yêu ai tha thiết, nhưng khi bạn nói, "Em yêu anh," bỗng dưng bạn cảm thấy chữ yêu đó quá nhỏ bé, không thể diễn tả được hết cảm xúc của bạn. Bạn cảm thấy ngượng ngùng khi phải nói như thế. Sự bóp méo xảy ra lần thứ ba khi người nào đó nghe được, bởi vì ông ta đã có thiên kiến,đã bị điều kiện, đã có khái niệm, đã có tín ngưỡng, đã có ý thức hệ riêng. Ông ta sẽ hiểu diễn giải theo cách của mình. Khi ý tưởng đó đến tai người nghe, nó khác hẳn cái ý tưởng từ trên đỉnh cao trong tâm thức của bạn. Khi qua nhiều đoạn đường gió loạn ấy, nó đã bị thay đổi hoàn toàn. Cho nên người đã đắc đạo nhưng giữ im lặng cũng nhiều. Trong một trăm người đắc đạo, họa hoằn lắm mới được một người muốn nói. Đức Phật là người hiếm hoi đó. Ngài làu thông kinh sử, lại có tài biện thuyết nên sự im lặng của Ngài sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn cho nhân loại. Cho nên các vị thần ấy đến quỳ dưới chân và xin Ngài hãy cố mà nói, "Cái tồn tại đang chờ. Cây cỏ đang chờ. Đồi núi đang chờ. Ruộng đồng, mây nước, trăng sao cũngđang chờ. Xin đừng làm mọi người thất vọng. Xin đừng nhẫn tâm như thế. Xin hãy mở lượng từ bi mà dạy cho họ."
Chư thiên mời Ðức Phật giảng dạy Giáo Pháp vì hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Nhưng Đức Phật cũng có lý của Ngài. Ngài nói, "Tôi hiểu lòng từ bi của các Ngài, và tôi cũng muốn nói. Bảy ngày qua, tôi đã cân nhắc hai điều, hoặc là nói, hoặc không, và tôi thấy không nói là hay nhất. Tôi chẳng thấy lý do cụ thể nào để phải nói, bởi vì khi nói, tôi sẽ bị hiểu lầm. Mà nếu nói để rồi bị hiểu lầm thì nói làm gì. Tôi sẽ bị nguyền rủa. Những người nghe tôi sẽ không nghe theo cách mà lời của người đã giác ngộ phải được nghe. Nghe là một kỷ luật phải được huấn luyện; có tai chưa hẳn là đã biết nghe. "Và thậm chí nếu có người hiểu được tôi, người ấy sẽ không làm theo lời của tôi, bởi vì mỗi bước là một nguy hiểm, như thể đi trên lưỡi lam vậy. Không phải là tôi không muốn nói. Tôi chẳng thấy có lợi gì. Tôi đã nghĩ kỹ, và đã quyết định sẽ không nói." Chư thiên nhìn nhau. Điều mà Đức Phật nói hoàn toàn đúng. Họ nói với nhau rằng, "Những điều Ngài nói không phải sai, nhưng chúng ta vẫn muốn Ngài nói. Chúng ta phải tìm cách thuyết phục Ngài." Cuối cùng, họ đã tìm ra kết luận. Họ trở lại với Đức Phật và nói, "Chúng tôi có một ý kiến nhỏ này. Chúng tôi cũng thấy hổ thẹn, nhưng xin Ngài hãy xét cho. Chúng tôi nghĩ rằng chín mươi chín phần trăm nhân loại sẽ hiểu lầm Ngài, nhưng Ngài không thể nói rằng tất cả sẽ hiểu lầm Ngài hết. Xin Ngài hãy nghĩ đến thiểu số đó. Một phần trăm trong cả vũ trụ mênh mông này không phải nhỏ. Có thể trong một phần trăm ấy, một số nhỏ có thể theo bước chân của Ngài. "Mà thậm chí nếu chỉ một người trong cả vũ trụ này đắc đạo vì lời nói của Ngài, kể cũng đáng công lắm. Giác ngộ là một kinh nghiệm vô cùng quý giá, đến nỗi nếu bỏ cả đời mà giúp được một người đắc đạo, tưởng cũng nên lắm. Chúng tôi không muốn đòi hỏi quá nhiều. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Cũng có một vài người, và Ngài biết rất rõ như chúng tôi, hiện đang đứng ngay tại ranh giới. Chỉ cần đẩy nhẹ, chỉ cần một khuyến khích nhỏ, với một hy vọng mong manh là họ sẽ bước qua khỏi ranh giới của tối tăm, sẽ thoát khỏi mọi trói buộc, và sẽ tìm được giải thoát. Vậy xin Ngài hãy dạy cho họ." Đức Phật nhắm mắt lại, trầm ngâm một lúc rồi nói, "Tôi không thể chối cãi là có trường hợp đó. Đối với thiểu số ấy, tôi biết là lý lẽ của tôi, dù có hợp lý đến đâu, cũng không thể so được. Vì vậy trong quãng đời còn lại, nếu có thể giúp được một người đắc đạo, tôi sẽ tạo được vô lượng công đức rồi. Tôi sẽ nói với họ. Xin các Ngài hãy yên tâm và trở về."2 Ngài đã hoằng pháp trong hơn bốn mươi hai năm, và không những một, mà rất nhiều người đã thành đạo. Họ đã học được cách lắng nghe, đã biết được nghệ thuật im lặng. Họ đắc đạo không phải vì lời dạy của Ngài, nhưng vì họ cảm thấy được sự hiện diện của Ngài, năng lượng của Ngài, sự im lặng của Ngài, cũng như chiều sâu và đỉnh cao của Ngài. Những người ấy không đắc đạo vì đã nghe được những lời Ngài nói. Những lời của Ngài đã giúp họ ở lại trong sự hiện diện của Ngài, đã giúp họ nhận ra vẻ đẹp của những lời nói rất thông thường nhưng được thốt ra từ miệng của đấng giác ngộ.
Những cử chỉ nhỏ đã trở thành ân sủng, những ánh mắt bình thường đã trở nên tuyệt đẹp với nhiều ý nghĩa và đầy bí ẩn. Cách mà Đức Phật đi cũng có một phẩm chất khác thường. Cách mà Ngài ngủ cũng có những ý nghĩa khác đời. Những người ấy đã không cố gắng hiểu những gì Đức Phật nói, mà cố cảm thôngđược bản thể của Ngài. Bản thể của Ngài là ngôn ngữ hiện thực nhất. Hàng triệu người đã nghe Ngài, và đã trở thành những con mọt sách. Cái ngày mà Ngài nhập niết bàn, ba mươi hai tông phái đã xuất hiện. Đệ tử của Ngài chia ra thành ba mươi hai nhóm, bởi vì những giải thích khác nhau về lời của Ngài. Họ đã cố ngồi lại với nhau và ghi lại những gì họ nghe được từ Ngài, nhưng những nỗ lực ấy đã không thành công. Ba mươi hai tông phái này khác nhau đến độ ta không thể ngờ được rằng chỉ có một người nói mà mỗi người hiểu một ý khác nhau. Cho đến nay, những tông phái đó vẫn còn tranh luận với nhau. Hơn hai mươi lăm thế kỷ đã qua mà họ vẫn chưa hòa giải được. Thật vậy, họ không còn hiểu nhau nữa. Những tông phái ấy đã trở thành những triết lý độc lập; phái nào cũng nói rằng "Đây mới là những gì Đức Thế Tôn nói, và những người khác đã xuyên tạc lời của Ngài. Những bộ kinh này mới chính thống, còn những bộ kinh kia được những người không hiểu kết tập." Đó là một trong những cái khó hiểu nhất: có ai hiểu được ngôn ngữ của giác ngộ không? Bản thể của đấng giác ngộ chính là ngôn ngữ của ngài. Khi ở gần ngài, hãy bỏ lại mọi phòng thủ, hãy mở toang mọi cánh cửa của con tim bạn ra, hãy để cho tình yêu của ngài lớn dần trong tim bạn, hãy để cho nhịp tim của bạn đập theo nhịp của tim ngài... Rồi dần dần, khi bạn đã sẵn sàng, khi bạn đã tin tưởng ngài hoàn toàn, thì cái gì đó được tiết lộ mà người khác không thể thấy được. Cái gì đó đã xảy ra. Cái gì đó không được nói nhưng lại nghe được. Cái gì đó không thể nói được bằng lời đã được truyền qua sự im lặng. Đức Phật đã chỉ trích những người Bà La Môn, đã chỉ trích ẤnĐộ Giáo, nhưng tất cả các đại đệ tử của Ngài đều là Bà La Môn. Điềuđó rất hợp lý vì Ngài đã hấp dẫn những bộ óc siêu phàm nhất của xã hội ấy. Mặc dù bị Ngài chỉ trích, những người Bà La Môn là những tinh hoa của xã hội, và thành phần trí thức của Ấn phần lớn là Bà La Môn. Xá Lợi Phất (Sariputra) là Bà La Môn. Mục Kiền Liên (Moggalayan) là Bà La Môn. Ma Ha Ca Diếp (Mahakashyapa) là Bà La Môn. Họ đến với Ngài không phải vì họ dốt nát, bị xã hội ruồng bỏ, bài bạc, điếm đàng, bịp bợm, hay trộm cướp. Không. Vì là những người thông thái nên họ hiểu được những gì Ngài nói là đúng. Khi Xá Lợi Phất đến với Ngài, năm ngàn đệ tử của ông ấy cũng đi theo, tất cả đều là học giả. Ông ấy đến để thách đấu với Ngài, và Ngài đã niềm nở tiếpđón. Được một đại học giả đến viếng thì còn danh dự nào hơn? Nhưng Đức Phật đã hỏi, "Ôngđã kinh nghiệm chân lý chưa, hay ông chỉ là một học giả? Tôi đã nghe nói về ông...
Trong một khoảnh khắc lặng như tờ, Xá Lợi Phất nhìn Đức Phật, như thể nhìn vào gương; ông ấy nói, "Tôi là một đại học giả, nhưng nói về kinh nghiệm chân lý, tôi vẫn chưa biết gì cả." Đức Phật nói, "Vậy thì khó đấy. Tranh luận chỉ xảy ra khi hai người không biết chân lý là gì. Họ có thể cãi đến tận thế nhưng chân lý vẫn nằm ngoài sự hiểu biết của họ. Vì cả hai đều không biết nên họ có thể lý luận, có thể trích dẫn thánh thư, nhưng hai anh mù rờ voi, có anh nào biết voi thế nào đâu. Cùng lắm thì một người khôn ngoan hơn, đọc rộng biết nhiều hơn nên thắng, và người thua trở thành đệ tử của người kia. Nhưng có thể căn cứ vào đó mà biết chân lý không? " Cũng có thể có sự hội nghị của hai người đã đắc đạo, nhưng chẳng có lý do để họ tranh luận cả. Có gì họ không biết mà phải hơn hay thua đâu? Họ có thể ngồi với nhau trong im lặng. Có thể họ cười với nhau, hoặc nắm tay nhau, nhưng họ có thắc mắc gì mà nói với nhau đâu. Khi nhìn vào mắt của nhau, họ biết là chẳng có gì để nói cả vì họ cũng biết như nhau, cũng đã đến những cảnh giới như nhau, cho nên giữa họ chỉ có sự im lặng. Trường hợp thứ ba là một người biết, một người không. Thế thì lại có sự khó khăn vì người biết không thể nói bằng lời để cho người kia hiểu được. Mà người không biết chỉ phí thời giờ của mình một cách không cần thiết, bởi vì người ấy không thể thuyết phục được người đã biết. Cả thế giới hợp lại cũng không thể thuyết phục được người đã biết, bởi vì người ấy biết mà bạn thì không.
Đức Phật nói, "Ông đến đây với năm ngàn đệ tử, và hiển nhiên là chẳng có ai biết cả, vì nếu đã biết, người ấy sẽ không là đệ tử của ông, mà là thầy của ông. Ông thông thái hơn họ vì tuổi đời ông cao hơn nên họ là đệ tử của ông. Nhưng chúng ta sẽ tranh luận cách nào đây? Tôi đã sẵn sàng... và tôi biết. Chỉ có một điều chắc chắn là ông không thể thuyết phục tôi được. Và chỉ có một trường hợp duy nhất là ông sẽ bị đánh bại. Vậy hãy suy nghĩ cho kỹ." Nhưng Xá Lợi Phất đã bị chinh phục, và ông ấy đủ thông minh để hiểu điều đó; ông ấy đã đánh bại rất nhiều học giả khác. Truyền thống của các học giả Ấn trong thời ấy là đi khắp nơi để đấu lý với những học giả khác. Trừ khi trở thành quán quân hùng biện, người ấy không được các học giả khác tôn sùng. Nhưng khi đối diện một vị Phật, khi đứng trước một người đã biết, cái học vay mượn của bạn, hay bao nhiêu học giả đã bị bạn đánh bại cũng chẳng ích lợi gì. Đức Phật nói, "Tôi đã sẵn sàng. Nếu ông muốn, chúng ta có thể bắt đầu, nhưng ông có lập luận nào không? Tôi có mắt. Ông thì không. Tôi không thể giải thích cho ông thế nào là ánh sáng. Ông không thể có một ý tưởng nào về ánh sáng. Ông có thể nghe được từ 'ánh sáng', nhưng nó hoàn toàn vô nghĩa đối với ông. Nó hoàn toàn trống rỗng; tai nghe được, nhưng ý nghĩa thì không. "Cho nên nếu ông thật sự quan tâm đến chân lý và không màng tới thắng hay bại, bởi vì điều đó không phải là quan tâm của tôi. Tôi đã về nhà. Hơn hay thua với người đời làm gì chứ? Và để làm gì? Nếu ông quan tâm đến chân lý, hãy ở lại đây và hãy theo sự hướng dẫn của tôi. Sau này khi đã biếtđược những gì hiện thực, có thực chất, chúng ta có thể tranh luận với nhau." Nhưng Xá Lợi Phất vốn cực kỳ thông minh. Ông ấy nói, "Tôi biết bây giờ tôi không thể tranh luậnđược với Ngài, và sau này tôi cũng không thể tranh luận được. Tôi đã bị Ngài đánh bại. Bây giờ tôi không thể tranh luận được vì tôi không có mắt, nhưng khi có mắt rồi, tôi chẳng cần phải tranh luận nữa. Tôi xin được làm đệ tử của Ngài." Ông ấy nói với năm ngàn đệ tử của mình, "Tôi không phải là thầy của các ông nữa. Tôi đã bị chinh phục. Và tôi đã xin làm đệ tử của người ấy. Xin đừng nghĩ tôi là thầy của các ông nữa. Nếu các ông muốnở lại đây, hãy thọ giới với ôngấy." Một hôm có người hỏi Đức Phật, "ThượngĐế có hiện hữu không?" Đức Phật nhìn người ấy và nói, "Có." Người ấy không thể tin được tai mình, bởi vì người ta thường nói là Đức Phật không hề tin có Thượng Đế. Vậy sao Ngài lại trả lời như thế? Lúc ấy ngài Nanda, một đệ tử thân cận nhất của Đức Phật, có mặt. Ngài cũng bị sốc. Đức Phật chưa hề nói một cách quả quyết như thế, chẳng nếu, chẳng nhưng gì cả. Cả đời Ngài đã chỉ trích mạnh mẽ mọi quan niệm về ThượngĐế.
Giữa Đức Phật và ngài Nanda có một thỏa thuận. Ngài Nanda là anh họ của Đức Phật. Trước khi trở thành đệ tử của Đức Phật, ngài Nanda đã ra một điều kiện, "Ông phải hứa với tôi một vài điều. Bây giờ tôi là anh họ của ông. Nhưng khi trở thành đệ tử của ông, tôi sẽ phải tuân lệnh của ông. Nhưng ngay bây giờ tôi có thể yêu cầu và ông phải tuân theo." Đức Phật nói, "Tôi biết anh rõ lắm. Anh sẽ không yêu cầu những gì mà tôi không làm được. Xin anh hãy nói ra." Ngài Nanda nói, "Chẳng có gì nhiều. Chỉ vài yêu cầu nhỏ. Một là mỗi đêm, trước khi đi ngủ, nếu tôi hỏi ông điều gì, ông phải trả lời. Ông không thể nói, 'Cả ngày nay tôi đã mệt quá rồi vì phải tiếp xúc, phải nói chuyện với nhiều người.' Ông sẽ phải trả lời cho tôi. Ban ngày tôi sẽ không hỏi, và tôi sẽ không quấy rầy ông. Nhưng tôi là người chưa giác ngộ, thỉnh thoảng tôi sẽ có một vài câu hỏi."
Đức Phật nói, "Tôi chấp nhận."
Ngài Nanda nói tiếp, "Ông sẽ không phái tôi đi xa. Tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh ông, và lo lắng cho ông tới khi chết. Ông sẽ không ra lệnh cho tôi, 'Hãy đi và truyền bá lời dạy của ta,' như thể ông đã phái người khác đi. Ông sẽ không bắt tôi đi đâu cả."
Đức Phật nói, "Được. Điềuđó không thành vấn đề." Ngài Nanda nói tiếp, "Nếu tôi đưa ai đến để gặp ông, thì bất kể là giờ nào, có thể ngay nửa đêm, ông sẽ phải tiếp người đó. Đấy là vài đặc ân mà ông phải ban cho tôi."
Đức Phật nói, "Tôi chấp thuận tất cả, vì tôi biết anh rõ lắm. Anh sẽ không lợi dụng những điều này..." Cho nên khi Nanda sửng sốt vì Đức Phật nói rằng có ThượngĐế. Nhưng ông ấy không thể hỏi giữa lúc đông người. Trưa hôm đó lại có người đến hỏi Đức Phật câu tương tự, "Thượng Đế có hiện hữu không?" Ngài đã trả lời, "Không. Không có Thượng Đế." Vấn đề trở nên phức tạp. Ngài Nanda rối như tơ vò, nhưng vẫn chịu đựng được. Tối hôm ấy lại có người đến nói vớiĐức Phật, "Ông có thể nói gì về ThượngĐế chăng?" Đức Phật nhìn ông ta, nhắm mắt lại, và hoàn toàn im lặng. Người ấy cũng nhắm mắt lại. Cả hai lặng thinh đến nửa giờ đồng hồ. Trước khi ra về người ấy cúi xuống hôn chân Đức Phật và nói, "Cám ơn lời dạy của Ngài." Những biến cố này vượt quá sức chịu đựng của Nanda. Thời gian như ngừng lại trong lúc Nanda như lửa cháy bên trong. Khi mọi người đã ra về, Nanda chạy đến Đức Phật và nói, "Tôi không thể hiểu được. Xin hãy giúp nhữngđệ tử chúng tôi. Ba người ấy không nghe được cả ba câu trả lời; họ chỉ biết một. Nhưng chúng tôi đã nghe được tất cả. Ngài phải nghĩ đến chúng tôi nữa chứ. Chúng tôi sẽ điên mất. Nếu cứ tiếp tục như thế, không biết chúng tôi sẽ xử trí ra sao." Đức Phật nói, "Ông phải nhớ một điều. Trước hết, những câu hỏi đó không phải là của ông nên tôi không trả lời cho ông. Sao ông thắc mắc làm gì vậy? Đó không phải việc của ông.Đó là chuyện của tôi và những người ấy."
Nanda nói, "Tôi hiểu rồi. Đó không phải là câu hỏi của tôi, và Ngài ã không trả lời cho tôi. Nhưng tôi có tai, và tôi biết nghe. Tôi nghe được câu hỏi, và cũng nghe được câu trả lời. Ba câu trả lời mâu thuẫn nhau hoàn toàn. Đầu tiên Ngài nói có, sau đó thì không. Cuối cùng Ngài giữ im lặng. Ngài không nói một lời mà người ấy hôn chân Ngài rồi nói, 'Cám ơn lời dạy của Ngài.' Và chúng tôi đã chứng kiến tất cả. Ngài đã không nói gì với người ấy." Đức Phật nói, "Ông nhìn đời một cách cứng ngắc. Đó là rắc rối của ông. Cái gì cũng tương đối thôi. Với người đầu tiên, câu trả lời phải là có, vì nó thích hợp với anh ta, với câu hỏi có anh ta, với bản thể, với đời sống của anh ta. Tôi trả lời có vì anh ta là người vô thần. Anh ta không tin ở ThượngĐế, và tôi không muốn ủng hộ sự ngu xuẩn của anh ta. Anh ta luôn luôn nói không có ThượngĐế. Thậm chí nếu một xó xỉnh nhỏ bé nào đó chưa được thám hiểm, biết đâu ThượngĐế có mặt ở đó. Ông chỉ có thể nói một cách tuyệt đối chắc chắn là không có ThượngĐế khi đã thám hiểm tất cả cái tồn tại. Sau đó mới có thể kết luận được, mà anh ta chỉ tin một cách mù quáng rằng không có Thượng Đế; anh ta không có kinh nghiệm hiện thực về Thượng Đế. Cho nên tôi phải phá huỷ anh ta. Tôi phải đánh thức anh ta. Tôi phải đập mạnh vào đầu anh ta. Tôi trả lời có vì nó tương đối với anh ta, với con người của anh ta. Anh ta không hỏi chỉ để mà hỏi. Cũng một câu hỏi ấy của người khác, có thể phải trả lời khác. "Vì vậy tôi đã trả lời không với người thứ hai. Cũng một câu hỏi ấy, cũng gồm những lời ấy, nhưng đứng đàng sau câu hỏi ấy lại là người khác nên quan hệ giữa lời và ẩn ý đã thay đổi. Người thứ hai cũng dốt như người trước, nhưng đối nghịch nhau. Anh ta tin vào Thượng Đế và muốn tôi ủng hộ đức tin của anh ta. Tôi chẳng hỗ trợ tín ngưỡng của ai cả, vì đức tin là một rào chắn. Chẳng cần biết tín ngưỡng đó là gì, đúng hay sai. Không có tín ngưỡng nào đúng. Không có tín ngưỡng nào sai. Mọi tín ngưỡngđều ngu xuẩn. Tôi phải nói không với anh ta. "Người thứ ba không có tín ngưỡng. Anh ta không hỏi, "Có Thượng Đế không?" Không. Anh ta đến với một tâm hồn phóng khoáng, không có thiên kiến, không có ý thức hệ, định kiến. Anh ta là người lành mạnh, thông minh. Anh ta hỏi, 'Ngài có thể nói gì về Thượng Đế chăng?' Anh ta không đến để tìm hậu thuẫn cho tín ngưỡng của anh ta. Anh ta không đến để tìm đức tin. Anh ta không hỏi với một định kiến, mà hỏi về kinh nghiệm của tôi, 'Ngài có thể nói gì về Thượng Đế chăng?' "Tôi biết anh ta không có tín ngưỡng, tin hay không tin, anh ta là người hồn nhiên. Đối với một người như thế, câu hỏi không còn quan trọng lắm. Tôi không thể nói có, cũng không thể nói không. Chỉ có im lặng mới thích hợp. Mà đúng như dự đoán của tôi. Anh ta nhắm mắt lại khi thấy tôi nhắm mắt. Anh ta đã hiểu câu trả lời của tôi: hãy im lặng và trở vào trong. Anh ta đã thiền quán trong nửa giờ với tôi, và nhận được câu trả lời là Thượng Đế không phải là một lý thuyết, mà tín ngưỡng thì phải theo hoặc chống lại. Vì vậy anh ta đã cám ơn tôi. "Còn ông thì thắc mắc vì sao mà anh ta cám ơn tôi. Anh ta nhận được câu trả lời rằng im lặng là thiêng liêng, rằng im lặng là thánh thiện; ngoài im lặng ra, chẳng có thần thánh nào cả. Anh ta ra về trong sự vui sướng, thoả mãn. Anh tađã tìmđược câu trả lời. Việc làm của tôi là cho phép anh ta ở trong sự hiện diện của tôi."


Không Trở Mình
Khi ngủ Đức Phật chỉ có một thế nằm. Cả đêm Ngài không hề trở mình bao giờ. Thế nằm ngủ ấy đã trở thành nổi tiếng. Rất nhiều tượng Phật ở Tích Lan, Trung Quốc, Nhật, Việt Nam, và Ấn Độ đã được tạc theo thế nằm ấy. Ở Ajanta, ẤnĐộ, có một tượng Phật nằm. Thế nằm ngủ đó đã được ngài Nanda kể lại. Một hôm Nanda hỏi, "Tôi vẫn thường thắc mắc. Ngài nằm như thế cả đêm. Ngài có ngủ không vậy? Thường thì người ta trở mình khi ngủ. Còn khi Ngài ngủ, hoặc như thể ngủ, có vẻ Ngài vẫn tỉnh thức. Dường như Ngài biết rõ mọi cử động của cơ thể. Ngài cũng không trở mình một cách vô ý thức. Đức Phật nói, "Đúng vậy, khi tâm trí ngừng vọng động, không mộng mị, chỉ có cơ thể là ngủ. Tâm thức luôn luôn cảnh giác."

2 Vì lý do đó Đức Phật thường được gọi là Thích Ca Mâu Ni (Shakyasmuni), nghĩa là một người im lặng (muni) của họ Shakyas (Heinrich Zimmer, Myths and Symbols in Indian Art and Civilization). (VS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét