CHƯƠNG 9. THÍ NGHIỆM CUỐI CÙNG
Ngày cuối cùng khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã được một dân quê mời đến nhà dùng cơm. Theo thông lệ, Ngài sẽ chấp nhận lời mời của người đầu tiên mời Ngài về nhà dùng cơm. Ngài chỉ ăn ngày có một bữa. Thường thì chẳng đến lần người nghèo. Hôm xảy ra một cách tình cờ. Một ông vua đang trên đường đến mời Ngài, nhưng giữa đường xe bị hư, và ông ta bị trễ. Ông ta chỉ trễ có vài phút, sau khi Đức Phật đã nhận lời mời của người khác. Nhà vua nói với Đức Phật, "Tôi biết rõ người ấy lắm. Ông ta luôn luôn tìm cơ hội để mời Thế Tôn, mỗi khi Thế Tôn ghé qua làng này." Có vài thành phố mà Đức Phật rất thích. Vaishali là một trong những thành phố đó. Trong bốn mươi hai năm hoằng pháp Ngài đã đến đó ít nhất bốn mươi lần, gần như mỗi năm Ngài đều đến đó. Và Ngài đã ở lại đó ít nhất mười hai mùa mưa, bởi vì đường xá rất là lầy lội mỗi khi mưa. Vì vậy mỗi năm từ ba đến bốn tháng, Ngài sẽ lưu lại một chỗ; tám tháng còn lại Ngài di chuyển không ngừng. Khu vực hoằng pháp của Ngài là tiểu bang Bihar. Tiểu bang ấy do sự di chuyển của Đức Phật mà được đặt tên. Bihar nghĩa là "nơi một vị Phật hoằng pháp." Vì sự lui tới của Đức Phật mà Bihar có tên.
Nhà vua nói, "Tôi biết ông ta rõ lắm. Tôi đã gặp ông ta vài lần. Ông ta luôn luôn tìm cách để mời Thế Tôn, nhưng ông ta nghèo rớt mồng tơi. Xin Thế Tôn hãy từ chối lời mời của ông ta." Nhưng Đức Phật nói, "Không thể được. Tôi không thể từ chối ai cả. Tôi phải đi." Theo đúng giờ hẹn, Ngài đã đến để gặp đinh mệnh. Dân nghèo ở Bihar thu lượm nấm dại, phơi khô để ăn trong mùa mưa. Thỉnh thoảng họ lấy phải nấm độc. Và người ấy chỉ có cơm và nấm để đãi Đức Phật. Đức Phật nhìn vào mâm cơm nhưng chẳng nói gì vì không muốn người ấy buồn. Nấm đắng quá, nhưng nói ra lại sợ gia chủ buồn. Ngài ăn mà chẳng nói gì. Sau đó Ngài cám ơn rồi ra về và chết vì ngộ độc thứcăn.
Lúc Ngài lâm chung, có người hỏi, "Tại sao Thế Tôn phải nhận lời mời của lão già ấy? Thế Tôn không nhớ lời cảnh cáo của nhà vua sao? Các đệ tử khác cũng cản Thế Tôn vì lão già ấy nghèo quá, không thể có thức ăn vừa miệng được. Mà Thế Tôn đã có tuổi, tám mươi hai rồi, nên phải ăn những thức ăn nhẹ. Vậy mà Thế Tôn đã không nghe." Đức Phật nói, "Ta không thể làm khác được. Mỗi khi được chân lý mời, ta phải chấp nhận. Ông ấy mời ta với tất cả tấm lòng, và tình yêu của ông ấy dành cho ta khó có người hơn. Ta chẳng thấy có gì phải hối hận cả." Chuyện ấy thật là đẹp. Nói về chân lý tối thượng, chuyện ấy hoàn toàn đúng. Mặt khác, đòi hỏi duy nhất của bạn là lòng thành, không so đo tính toán. Nếu chúng ta thành tâm, sẵn sàng để tiếp đón chân lý, chân lý sẽ đến. Xưa nay đều như vậy cả. Đó là quy luật của vũ trụ: chân lý không thể chinh phục nhưng có thể được mời. Ta phải trở thành gia chủ để tiếp đón người khách tối thượng. Đó là cái mà tôi gọi là thiền quán; nó giúp bạn tống mọi rác rưởi ra ngoài; nó giúp bạn thanh tịnh, trống rỗng, nhậy cảm, dễ đón nhận. Những phẩm chất ấy giúp bạn chờ đợi một cách kiên nhẫn - chờ đợi nhưng không biết cái gì sẽ tới, chờ đợi cái không thể gọi tên, chờ đợi cái sẽ làm cho bạn trở nên trọn lành, mà thiếu nó, bạn chỉ kéo lê đời sống trong vô vọng. Nhưng ngoài cách đó ra, chẳng có gì khác cả: chỉ gửi thiệp mời rồi chờ đợi. Đó là điều mà tôi gọi là cầu nguyện: gửi thiệp mời rồi chờ đợi với một tin tưởng sâu sắc là nó sẽ xảy ra. Nó sẽ xảy ra, luôn luôn xảy ra. Như lời Đức Phật đã nói: Aes dhammo sanantano - đó là quy luật tối thượng. Sáng sớm ngày mà Đức Phật nhập niết bàn, Ngài đã triệu tập chúng đệ tử, tăng và tục, và nói với họ, "Hôm nay là ngày cuối cùng của đời ta. Tầu đã tới, và ta phải gĩa từ các con. Cuộc hành trình này thật là đẹp. Chúng ta đã gắn bó trong tình thân trong nhiều năm qua. Nếu các con còn có câu hỏi nào, hãy cho ta biết, bởi vì các con sẽ không thấy ta trong thể xác nữa." Tất cả im phăng phắc. Buồn rười rượi! Đức Phật cười to và nói, "Đừng có buồn như thế. Ta đã từng nói rằng phàm những gì có khởi đầu đều có kết thúc. Các con đã học với ta trong sự sống. Nay ta sẽ dạy các con qua cái chết của ta." Chẳng ai còn lòng dạ nào mà hỏi Ngài. Họ đã hỏi Ngài hàng ngàn câu hỏi rồi nên trong phút cuối của Ngài, không ai muốn hỏi gì nữa. Họ than khóc. Họ sụt sùi. Đức Phật nói, "Vĩnh biệt các con. Nếu không còn thắc mắc gì nữa, ta sẽ lên đường. Ngài nhắm mắt lại và nằm xuống dưới gốc cây. Thần thức của Ngài tách ra khỏi thể xác. Đó là giai đoạn "Thiền thứ nhất" - nói theo truyền thống Phật Giáo. Nghĩa là đoạn tuyệt với thể xác, nghĩa là khẳng định rằng, "Ta không phải là thể xác."
Một câu hỏi nhất định phải có là Đức Phật đã kinh nghiệm điều đó chưa? Ngài đã biết, nhưng những người như Ngài phải nghĩ ra cách để thần thức của Ngài có thể nối kết với thân xác. Không thì Ngài đã chết từ lâu rồi. Chết từ bốn mươi hai năm trước, khi Ngài thành đạo. Nhưng vì lòng từ bi, Ngài đã tự tạo ra một ham muốn để giúp chúng sinh. Chính ham muốn đó đã giữ Ngài lại trong xác thịt để Ngài có thể chia sẻ những gì Ngài đã kinh nghiệm. Vì muốn chia sẻ, Ngài phải dùng tâm trí, phải sử dụng cơ thể. Cái phần nhỏ ấy vẫn còn gắn liền với Ngài. Nay không cần đến nó nữa nên Ngài đã cắt đứt. Ngài không còn đồng hóa với cơ thể nữa. Giai đoạn thiền thứ nhất đã hoàn tất, cơ thể đã bị bỏ lại. Giai đoạn thiền thứ hai: tâm trí bị bỏ lại. Ngài đã bỏ rơi tâm trí từ lâu; nó không thể sai khiến Ngài nữa, mà trở nên một đầy tớ trung thành khi cần tới. Nay Ngài chẳng cần đầy tớ nữa nên nó cũng bị bỏ lại, bỏ lại hoàn toàn. Và giai đoạn thiền thứ ba: Ngài bỏ lại con tim. Nó đã hữu dụng cho đến nay; Ngài đã hoạt động qua con tim. Nhờ nó mà lòng từ bi phát khởi. Ngài đã sống với con tim. Nay Ngài cũng không cần nó nữa. Khi ba giai đoạn thiền này đã hoàn tất, giai đoạn cuối cùng xảy ra. Ngài không bị giam hãm trong cơ thể, trong hình tướng nữa. Ngài biến vào trong đại dương tâm thức. Ngài đã trở về với bản thể muôn đời của Ngài. Ngài trở lại với cái Ngài đã biết bốn mươi hai năm trước, nhưng Ngài đã cố nán lại để giúp người thế. Cái chết của Ngài đã trở thành một thí nghiệm thiền quan trọng. Nhiều người đã có kinh nghiệm tâm linh khi chứng kiến sự sống động thoát khỏi cơ thể của Ngài. Thể xác của Ngài vẫn nằm đó, nhưng cứng đơ như một pho tượng. Những người cảm thọ nhanh, nhậy cảm, tỉnh thức nhận ra ngay lập tức rằng tâm trí đã bị loại bỏ, và không còn tâm trí bên trong nữa. Những người cảm thọ nhanh hơn nữa có thể thấy được là con tim đã bị đoạn tuyệt. Và những người sắp thành chánh quả, chứng kiến Đức Phật nhập niết bàn,đã đắc đạo ngay lúc ấy. Rất nhiều đệ tử đắc đạo ngày Đức Phật nhập niết bàn, rất nhiều - chỉ vì họ đã được chứng kiến cái chết của Ngài. Họ đã quan sát Ngài khi còn sống, đã thấy Ngài hoạt động, nhưng nay cái đỉnh cao, cái điểm hội tụ đã đến. Họ đã chứng kiến sự ra đi quá tuyệt đẹp của Ngài với những ân sủng, với sự tỉnh thức tuyệt đối như thế. Và chỉ cần chứng kiến cái chết của Ngài, nhiều người đã đắc đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét