CHƯƠNG 10. TÔI NGHE NHƯ VẦY
Việc làm của một đạo sư là sửa soạn cho các đệ tử trước khi họ đắc đạo, để họ có thể phát biểu một cách lưu loát, là huấn luyện để họ có thể biến những cái không lời thành thi ca, đổi những cái tuyệt đối im lặng thành những ca khúc, và chuyển những cái tuyệt đối bất động thành những điệu vũ.
Một hôm Đức Phật đi ngang một khu rừng khi trời đang vào thu. Lá vàng xào xạc cuốn theo lối Ngài đi qua. Nhân lúc Ngài nghỉ chân, ngài Nanda đến hỏi, "Thế Tôn! Con có một thắc mắc nhưng không tiện hỏi khi có đông người. Xin hãy thành thật trả lời cho con. Thế Tôn đã nói tất cả những gì Thế Tôn biết, hay có những điều Thế Tôn hãy còn giấu chúng con?"
Đức Phật lấy một nắm lá rồi nói, "Ta đã nói với con chỉ có bây nhiêu, tựa như những chiếc lá trong tay của ta, nhưng những gì ta biết thì nhiều như lá trong rừng này. Không phải là ta muốn giấu, nhưng ta không thể nói hết những gì ta muốn nói. Thậm chí nói về mấy chiếc lá này cũng đã khó khăn rồi, bởi vì nó vượt quá sự hiểu biết của tâm trí con người. Con biết ý tưởng, nhưng chưa hề biết vô niệm là gì. Con biết cảm xúc, nhưng chưa nếm được trạng thái vắng lặng những cảm xúc, như thể mây trời đã biến mất tất cả. "Cho nên ta đã làm đủ cách," Ngài nói, "nhưng dùng lời để cố diễn tả hơn nữa thì ta chịu thua. Nếu có thể giúp con hiểu được rằng đời sống còn có rất nhiều những cái không thể nói được bằng lời, nếu có thể thuyết phục được con là có rất nhiều cái mà tâm trí con không thể hiểu được, ta đã mãn nguyện rồi. Thế thì hạt giống đã được gieo vào đất tốt. Đức Phật trong cả quãng đời dài không cho phép ai ghi lại những điều Ngài nói. Lý do là nếu vừa nghe vừa viết, bạn sẽ không thể tập trung hoàn toàn; do đó những gì bạn ghi lại thì phần mất, phần còn, phần khác do bạn thêm vào. Bạn phải nghe, rồi bạn phải viết xuống, và những điều Ngài nói rất là tinh tế, đến nỗi trừ khi bạn tập trung tuyệt đối, bạn sẽ không hiểu. Cho nên thay vì ghi lại, hãy lắng nghe một cách mãnh liệt, với cả thể xác và tâm hồn, để cho những điều nghe được chìm sâu trong tâm tư của bạn. Ngài đã thuyết pháp trong bốn mươi hai năm. Sau ngày Ngài nhập niết bàn, việc đầu tiên của các đệ tử là ghi lại những gì họ nhớ được; nếu không, nhân loại sẽ bị mất mát rất nhiều. Việc làm của họ rất có lợi mà cũng có hại. Họ kết tập kinh điển, nhưng một hiện tượng rất lạ lùng xảy ra. Kẻ nghe vịt, người nói gà vì ký ức mỗi người mỗi khác. Ba mươi hai tông phái xuất hiện. Phái nào cũng nhất quyết là mình mới ghi lại trung thực những gì Đức Phật nói. Nhưng người có trí nhớ siêu việt nhất chính là ngài Nanda, người đệ tử thân cận nhất của Đức Phật. Nhưng lúc Đức Phật nhập niết bàn, ngài Ananda chưa đắc đạo. Ngài Ananda rất là khiêm tốn và tự biết rằng, "Ta chưa đắc đạo, sao ta có thể nghe một cách trung thực từ một người đã đắc đạo? Ta sẽ giải thích, ta sẽ pha trộn nó với những ý tưởng của riêng ta, ta sẽ tô màu, ta sẽ xuyên tạc nó. Ý nghĩa của nó sẽ bị thất lạc khi đến với ta, bởi vì ta chưa có con mắt đó để xem, và chưa có tai ấy nghe." Vì sự khiêm tốn ấy, những điều Ngài nhớ lại và viết ra đã trở thành những bộ kinh cơ bản của Phật Giáo. Tất cả những bộ kinh ấy đều bắt đầu với câu, "Tôi đã nghe Đức Phật nói thế này..." Ba mươi hai tông phái kia đều có các học giả nổi tiếng lãnh đạo; họ đều uyên bác hơn ngài Ananda; họ có thể giải thích, có thể biện luận, có thể xây dựng những học thuyết lớn. Nhưng những tông phái ấy dần dần đều bị đào thải tất cả, bởi vì chúng thiếu một yếu tố duy nhất: "Tôi đã nghe như vầy..." Họ đều nói, "Đức Phật đã nói..." và họ quả quyết là Đức Phật đã nói như thế. Những bộ kinh của ngài Ananda được tất cả chấp thuận. Điều này rất thú vị. Rất nhiều người đã đắc đạo, nhưng họ giữ im lặng vì những gì họ đã nghe không thể diễn tả được. Lại có những người chưa đắc đạo nhưng lại là những thiên tài triết lý; họ biện bác rất giỏi và luận kinh rất tài, nhưng họ không được chấp nhận. Còn người được chấp nhận thì chưa đắc đạo, không phải là một triết gia, và chỉ là một người đã săn sóc cho Đức Phật. Ngài được chấp nhận vì sự khiêm tốn, thành thật của Ngài trong câu mở đầu, "Tôi đã nghe như vầy... Tôi không biết rõ là Thế Tôn có nói như thế hay không. Tôi không thể bỏ lời vào miệng Ngài. Tôi chỉ có thể nói rằng đó là những gì tôi nghe được. Tôi có thể nói về tâm trí của tôi, nhưng không thể bàn về sự thinh lặng của Thế Tôn."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét