Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, ở một vùng núi xa xôi nọ có một Đại sư tên là Jigme. Ngài nổi tiếng là bậc thầy đạo hạnh cao thâm, nhẫn nhục không ai sánh bằng. Khi tuổi già sức yếu, biết rằng sắp đến ngày viên tịch, ngài có ý muốn tìm truyền nhân. Tin này lan xa khắp vùng. Thu hút rất nhiều tu sĩ, cư sĩ trong đạo, ngoại đạo. Nhưng để được thầy Jigme truyền đạo thì phải bước qua thử thách: quỳ trước nhà thầy 7 ngày 7 đêm không gián đoạn. Có rất nhiều người đến rồi cũng nản lòng mà đi về, cứ thế thưa thớt dần.
Bạn có tưởng tượng được những gì mà một người phải trải qua trong bóng tối lẫn ánh nắng mặt trời suốt 7 ngày 7 đêm của mùa đông lạnh giá xứ tuyết? Khổ sở về thể xác, khó chịu về tinh thần… Tất cả đã mài mòn sức chịu đựng của con người một cách nhanh chóng. Ngay cả khi bạn biết đó là một cuộc thi thì đấy vẫn là một thử thách kinh khủng!
Vào đêm thứ 7, tưởng rằng không ai chịu nổi mà vượt qua được thử thách, thầy Jigme ra đóng cửa, bỗng thầy thấy tiếng gọi phát ra từ hai bóng đen đang cử động sột soạt phía lùm cây. Thầy tiến lại gần. Thì ra vì lạnh quá, tuyết phủ trắng, có hai người quỳ mãi nên bị cóng. Tuy nhiên, giá rét và đói khát không thể quật ngã ý chí kiên cường của họ. Thầy Jigme hài lòng lắm. Cho họ vào nhà, sưởi ấm. Thầy nhẹ nhàng hỏi han hai người.
– Hai con tên gì? Từ đâu tới?
Người đàn ông cao gầy, vẻ mặt chân chất mộc mạc, thưa:
– Thưa thầy, con tên là Amis. Con xuất gia tu học đã lâu lắm rồi nhưng vẫn chưa học được cách nhẫn nhục hoàn hảo. Con nghe nói thầy muốn tìm truyền nhân, mong thầy hãy từ bi nhận kẻ yếu kém này.
Người bên cạnh dáng vẻ thanh tú, từ tốn thưa:
– Còn con tên là Chandra. Tuy xuất thân từ một gia đình thanh thế nhưng vì gặp nhiều đau khổ trong tình duyên nên muốn tu hành. Nhưng bao năm rồi mà vẫn chưa thể hoàn toàn nhẫn nhục. Nghe nói thầy là bậc đệ nhất nhẫn nhục trong cả vùng này. Mong thầy minh chứng cho tấm lòng chân thành cầu đạo mà chỉ giáo cho con.
Với con mắt tinh tường, không khó để thầy Jigme nhận thấy khí chất đáng quý của hai vị thiền sư. Thầy cười hồn hậu:
– Được, ta rất hài lòng với thái độ chân thành của hai con. Nhưng thật lòng mà nói, tinh tuý cả đời tu hành của ta chỉ gói gọn trong 2 câu nói, 1 ngắn 1 dài. Các con mỗi người chỉ cần học thuộc một câu, sớm muộn cũng trở thành cao thủ. Ý các con thế nào?
Thiền sư Amis thầm nghĩ: “Mình vốn xuất thân bần nông, không có căn cơ chữ nghĩa, trí nhớ kém mà cũng ưa đơn giản. Có lẽ, câu ngắn là hợp nhất”. Thiền sư Amis cất tiếng:
– Con vốn ít học, lại là người đơn giản. Xin phép thầy cho con chọn câu ngắn.
Thiền sư Chandra hào hứng: “Thú vị đấy. Mình có năng khiếu văn chương. Phải bóng bẩy tí mới vui!”. Nghĩ đoạn, chắp tay nói với đại sư:
– Tốt lành thay! Con nghĩ mình hợp với câu dài. Con không ngại phức tạp đâu.
Đại sư mỉm cười ưng thuận, gọi hai người lại gần truyền khẩu. Hai người hoan hỷ hỏi kỹ về ý nghĩa từng câu cả đêm. Hôm sau họ cúi đầu đảnh lễ thầy. Cả hai quay về chùa của mình rèn luyện theo lời đại sư Jigme.
Nhờ có căn cơ cao, chẳng mấy chốc hai người đã trở thành những bậc trụ trì vang tiếng một vùng. Bấy giờ, ở trong vương quốc sắp diễn ra lễ hội cầu an lớn nhất năm. Thiền sư Amis và Chandra là hai người được tin tưởng giao cho chủ trì buổi lễ.
Trong vùng ấy, có hai tiểu thư rất xinh đẹp tên là Bodhi và Sunvani. Hai tiểu thư xuất thân trong gia đình danh giá, được bảo bọc kĩ lưỡng. Ở xã hội thời bấy giờ, nữ giới thường chủ động trong chuyện tình cảm nhưng gia đình của hai nàng lại khá bảo thủ trong vấn đề này. Thành thử, đến tuổi cập kê nên tính cách họ khá bốc đồng và tò mò thấy rõ. Hai nàng thường xuyên tâm sự với nhau bằng những hiểu biết từ sách vở về chuyện giới tính.
Một hôm, trong lúc tâm sự Sunvani bàn với Bodhi:
– Bodhi em ơi, chúng mình nay đã lớn mà cứ phải sống trong sự kìm kẹp của gia đình, chẳng được tự do yêu đương. Bố mẹ dặn phải “giữ gìn” cho đến khi lấy chồng mà trong xã hội bây giờ chả ai như thế cả. Mình sắp thành “thú hiếm” rồi. Phải vùng lên thôi!
Bodhi cũng sốt sắng không kém:
– Vùng lên như thế nào hả chị?
Sunvani đưa mắt đảo xung quanh, ghé tai Bodhi thì thầm:
– Gần đây chị hay trẩy hội, chị tia được hai chàng đẹp trai lắm. Một chàng tên là Phong Trần thì có râu quai nón, nhìn đã thấy hấp dẫn rồi. Cứ nhìn thấy chàng là chị lại tưởng tượng linh tinh. Chị còn để ý giùm em một chàng nữa tên là Lãng Tử, rất đáng yêu. Mà nhé, sắp đến lễ hội cầu an lớn nhất năm rồi. Chị nghĩ đây là cơ hội trời cho, chúng ta tìm cách thử xem!
Bodhi nghe xong thấy rất bùi tai. Hai người lên kế hoạch tiếp cận hai chàng vào lễ hội cầu an sắp tới.
Rồi cũng tới ngày chính thức diễn ra lễ hội. Tất cả mọi người trong vương quốc náo nức đi xem. Tất nhiên, không thể thiếu Sunvani và Bodhi. Hai chị em trang điểm thật rạng rỡ, chọn những bộ cánh gợi cảm nhất, vì biết rằng hai chàng kia chắc chắn sẽ tham dự. Lãng Tử là chàng trai có tính khí nhẹ nhàng, yên ổn nên rất thích đến những buổi lễ cầu an trong khi Phong Trần lại tò mò, ham vui, nghe tin năm nay có hai thiền sư nổi tiếng Amis và Chandra chủ trì đại lễ nên cũng háo hức đăng kí tham gia bưng mâm ngũ quả.
Trong buỗi lễ, sẽ có 10 cặp thiện nam – tín nữ cùng nhau bưng mâm lễ vật. Từ khi đến lễ hội, thấy hai chàng, Sunvani và Bodhi cứ lẽo đẽo theo sau hòng tìm cơ hội tiếp cận. Biết hai chàng đăng kí bưng mâm lễ, hai cô nàng cũng đăng kí theo. Vì xinh đẹp, duyên dáng nên hai chị em được xếp đầu hàng. Còn Lãng Tử và Phong Trần có khuôn mặt sáng sủa, vóc dáng cao ráo nên được đứng đối diện cùng hai chị em. Thế là Sunvani đỡ mâm cùng Phong Trần và Bodhi sánh đôi cùng Lãng Tử.
Mở màn, thiền sư Amis và Chandra đứng trên pháp đàn vẩy nước làm lễ rồi lần lượt đến từng cặp đôi một, đặt tay lên đầu và cầu nguyện cho họ. Cảnh tượng này được hàng ngàn người dân chứng kiến. Trong lúc bưng mâm cùng nhau, hai cô nàng đã kịp thời nháy mắt đưa đẩy với hai anh chàng. Kết thúc buổi lễ, hai vị thiền sư Amis và Chandra cùng 20 người hộ lễ chia nhau lui vào trong cánh gà.
Sunvani và Bodhi nóng lòng quá, không chờ thêm được nữa, mỗi người kéo ngay anh chàng mình thích vào một góc sau tấm rèm… Lần lượt, hai thiền sư cũng đi qua đó. Thấy quần áo vứt tung toé bên ngoài, có tiếng nam nữ bên trong thì hiểu ngay ra vấn đề. Hai thiền sư chỉ chắp tay, lắc đầu, rồi sắp xếp đồ đạc, quay về chùa nghỉ ngơi.
Sau hôm đó, hai cô nàng hớn hở ra mặt vì sự tò mò đã được thoả mãn. Họ quyết định tạm biệt hai chàng và không bao giờ gặp lại nữa.
Hơn một tháng sau, Sunvani và Bodhi lại gặp nhau tâm sự. Sunvani mở lời:
– Dạo này chị thấy người mình cứ là lạ thế nào.
Bodhi cũng có tí giật mình:
– Ôi, em cũng vậy. Chị kể xem có điểm chung nào không?
Rồi hai người thì thào, thì thào…Lúc sau cả hai mặt cắt không còn một giọt máu, la lên thất kinh:
– Trời ơi, thôi chết rồi!
Xong cả hai lăn ra ngất. Tỉnh dậy khóc lóc mếu máo, nhìn nhau rũ rượi. Bodhi thều thào:
– Làm thế nào bây giờ??
Sunvani nước mắt, nước mũi nhoè nhoẹt:
– Hai chàng kia chỉ là “tình một trưa”, mình nói tạm biệt rồi. Bây giờ có điên họ mới quay lại nhận cưới.
Nói rồi cả hai lại oà lên khóc lóc om xòm.
Vì hai gia đình nhà Sunvani và Bodhi đều thuộc dạng có máu mặt trong vùng, khi thấy bộ dạng khả nghi của hai cô con gái rượu biết ngay là có chuyện chẳng lành, hỏi ra mới biết đang mang bầu, sợ mất mặt với thiên hạ, liền doạ dẫm hai đứa:
– Nếu mày không chịu khai thằng nào là bố đứa bé thì sẽ thả bè trôi sông chết cả hai mẹ con!
Nói rồi gia hạn cho hai cô gái trong ba ngày phải trả lời. Hai nàng thừa biết với tính cách phong lưu của hai chàng Phong Trần và Lãng Tử thì chẳng ai muốn gắn bó đời họ với tình một trưa này cả. Như vậy là sẽ bị thả trôi sông rồi! Phải tìm ai mà họ sẽ nhận bây giờ?Hai nàng hẹn gặp nhau. Nghĩ mãi, bỗng chợt nhớ ra hai vị thiền sư ở lễ hội. Sunvani nói:
– Hai vị thiền sư này là người rất từ bi, dù có mang tiếng xấu nhưng cứu được một lúc hai mạng người thì kiểu gì họ cũng đồng ý thôi.
Bodhi thấy chị Sunvani nói chí phải, lập tức bảo Sunvani:
– Thế chị chọn lấy một người đi.
Sunvani chớp chớp mắt, nhìn xa xăm:
– Nói thật là chị chỉ thích người đẹp trai. Thầy Chandra trông cũng phong độ, lại còn có râu quai nón…Hihi
Bodhi chống cằm:
– Em thì dễ tính thôi, giải ngố xong rồi thì cũng thấy chuyện đấy nó bình thường. Nên em thích ngài nào tính trầm trầm, già già một tí. Giả sử có phải ở chung, nửa đêm không lo bị xông vào phòng. Đàn ông như thế em mới yên tâm được.
Thế là hai cô thống nhất với nhau: Sunvani chọn thiền sư Chandra còn Bodhi chọn Amis.
Thời hạn 3 ngày đã hết, hai cô phải khai ra sự thật với gia đình. Như kịch bản đã chuẩn bị sẵn, Bodhi ấp úng:
– Cha mẹ có nhớ hôm lễ hội không? Người đó chính là…thầy Amis.
Cha mẹ Bodhi tròn mắt:
– Mày nói gì? Làm sao như vậy được.
– Hôm đấy, lúc hạ lễ xuống con cùng thầy lui vào phía cánh gà, và thầy ấy…thầy ấy…
Cha mẹ Bodhi nhớ lại: “Đúng rồi, hôm đó ta cũng thấy vậy. Lẽ nào…”. Cha cô hét lớn, gọi gia đinh cầm gậy gộc tức tốc lên núi tìm thiền sư. Bodhi vội vàng chạy theo.
Lúc này, thầy Amis đang thọ thực. Thấy có đoàn người hung dữ từ xa kéo đến, chú tiểu hớt hải chạy vào:
– Bạch thầy, có đám người hung dữ lắm, họ đang đạp cửa đòi vào.
Thiền sư vẫn từ từ nhai cơm, nói vọng:
– Thế à?
Vừa dứt câu, đoàn người đã đứng trước mặt, cha Bodhi giận dữ quát:
– Tên sư hổ mang kia! Thật hổ danh cho cái chùa này. Trụ trì kiểu gì mà dám lôi con gái nhà lành ra làm điều xằng bậy. Nó có bầu rồi đấy, biết chưa?
Nhìn về khuôn mặt bối rối, đau khổ của Bodhi, thiền sư Amis hiểu hết mọi chuyện, dừng nhai trả lời:
– Thế à?
Xong lại ăn tiếp bình thường. Cha Bodhi tuy tức tối nhưng ít ra còn tìm ra được thủ phạm:
– Vậy bây giờ ông phải nhận làm cha đứa bé. Ông đi mà nuôi nó nhé. Tôi thật lấy làm nhục nhã quá!
Thiền sư Amis lúc này cũng ăn xong, nói gọn lỏn:
– Thế à?
Rồi quay sang bảo các học trò:
– Các con ở lại trông chùa rồi tìm lấy một chân sư mà bái làm thầy. Ta hoàn tục xuống núi để nuôi hai mẹ con cô ấy.
Nói rồi nhẹ nhàng dắt tay Bodhi xuống núi trong sự ngạc nhiên của mọi người.
Về phần thầy Chandra, cũng chẳng khác Amis là mấy. Khi đoàn người còn bị chặn trước cổng, chú tiểu đang quét sân vội vã chạy vào la lớn:
– Thầy ơi, có đám đàn ông vạm vỡ mang theo hung khí và một cô gái đang kêu tên đòi gặp thầy.
Thầy Chandra nhướng mày:
– Được thế thì còn gì bằng. Cho vào! Cho vào!
Tiếng bước chân hung hãn của đám người vang lên ầm ầm, họ chửi mắng, hăm doạ và bắt thầy Chandra nhận trách nhiệm y hệt như với thầy Amis:
– Thầy đúng là một kẻ tu hành chả ra gì, mang tiếng là thiền sư nổi danh cả vùng mà lại tằng tịu với con gái nhà người ta ngay tại lễ hội cầu an. Tôi sẽ cho thầy một trận!
Thầy Chandra thản nhiên:
– Được thế thì còn gì bằng!
Cha Sunvani đang tức tối, nghe thầy Chandra nói vậy bèn xông tới giơ chân đạp cho thầy Chandra một phát lăn kềnh ra đất, ngã dập mặt.
Người nhà Sunvani quát lớn:
– Bây giờ thầy muốn thế nào? Có nhận nuôi nó không thì bảo?
Thầy lồm cồm bò dậy, lấy tay quệt máu còn vương trên mũi, phủi phủi quần áo như không có chuyện gì xảy ra rồi tiến đến gần Sunvani. Sunvani xoa tay vào bụng, mặt cúi gằm lí nhí nói:
– Cái này là của thầy. Nếu thầy không nhận, thì cha sẽ bỏ hai mẹ con em trôi sông mất.
Thấy điệu bộ lúng túng của Sunvani, thầy Chandra hiểu ra sự việc. Thầy mỉm cười hiền hiền nói:
– Được thế thì còn gì bằng!
Bố mẹ Sunvani thấy thế cũng dịu lại:
– Đấy, bây giờ tôi không muốn nuôi đứa con hư hỏng này nữa. Thầy tự chịu trách nhiệm đi!
Thầy Chandra ung dung bước tới nắm tay Sunvani, không quên quay lại, nháy mắt dặn học trò:
– Các con ở lại trông nom chùa. Ta xuống núi chăn trâu nuôi nghé đây. Bây giờ sự việc đã thế rồi, ta có làm hay không, không quan trọng, quan trọng là cô ấy xinh! Ta ở đây lại mang tiếng cho chùa. Kiếm lấy một vị sư tốt mà thay ta trụ trì, nghe chửa!
Sunvani lũi cũi theo thầy Chandra đang huýt sáo nghêu ngao xuống núi, điệu bộ tưng tưng. Đám người vừa mừng, vừa sửng sốt vội chạy theo:
– Ấy khoan! Gia đình ta thuộc hàng danh giá. Thầy cứ đương nhiên mà sống chung như vậy xem chừng dư luận sẽ chê cười nhà ta. Bây giờ, phải tổ chức đám cưới đàng hoàng chứ. Thầy phải làm chú rể, đưa rước cô dâu. Chúng ta sẽ lo hết tiền bạc, quần áo, nhà cửa cho thầy.
Thầy Chandra gật gù:
– Được thế thì còn gì bằng! Cho tôi thêm chút thời gian để tóc mọc dài dài ra đã.
Thầy Chandra bắt đầu ăn các loại thực phẩm kích thích mọc tóc, quả nhiên sau một tháng tóc cũng dài ra trông thấy. Nhà gái thì giàu có, chuẩn bị từ xe ngựa cho tới một ngôi nhà riêng tráng lệ…
Sau lễ cưới hoành tráng, thầy Chandra và Sunvani dọn đến ở nhà riêng. Sáng sáng thầy ra chợ nai lưng viết thư pháp, tối tối lại về nhà chăm sóc hai mẹ con Sunvani. Phần thầy Amis và Bodhi cũng dọn ra ở chung với nhau, bề ngoài thì giống như vợ chồng, nhưng bên trong thì sống đúng mực như là hai thầy trò.
Một hôm, thầy Chandra bất ngờ gặp thầy Amis ở chợ. Hỏi ra mới biết thầy Amis cũng lấy vợ và mở cửa hàng bán gạo lứt, chỉ cách bàn thư pháp của thầy Chandra mấy gian hàng, thầy Chandra hỏi thầy Amis:
– Sao thầy lại ở đây?
Thầy Amis sợ nói ra sự thật lại tai vách mạch rừng, khổ cho Bodhi, bèn đáp:
– Hôm lễ hội đấy, tôi thấy Bodhi xinh quá nên động lòng. Còn thầy sao cũng ở đây?
Thầy Chandra suy nghĩ một lúc rồi trả lời một cách trào phúng:
– Tôi cũng vậy. Sunvani là cô gái xinh đẹp khó cưỡng…Mà dù sao, tôi cũng sẵn tính yêu cái đẹp nên cũng dễ hiểu. Nhưng tôi nhớ, có đêm một cô gái rõ xinh đến nhờ thầy chữa bệnh, người ta cảm tình với thầy, để thầy xoa xoa cái bụng mà thầy còn chẳng làm gì. Sao hôm ấy ngay giữa ban ngày ban mặt mà thầy lại làm thế?
– Chẹp! Chuyện này nhiều khi cũng khó nói. Với người này thì không thích nhưng người kia lại thích!
Rồi thầy Amis hỏi lại:
– Tôi biết thầy bao năm giữ giới cẩn thận, tuy yêu cái đẹp nhưng chỉ như người làm vườn thấy hoa đẹp thì trân trọng, chứ nào dám làm điều xằng bậy. Lý do gì mà thầy lại làm thế?
– Thực ra thì tôi cũng có định làm đâu. Lúc tôi đi sau cánh gà, cô ấy đi qua hỏi: “Thầy có muốn làm điều ấy với em không?” Tôi thì lại có thói quen: “Được thế thì còn gì bằng”. Giống thầy có thói quen nói “Thế à” thôi. Lúc ấy, tôi mà nghĩ kĩ thì đã trả lời khác. Thế là cô ấy kéo ngay tôi ra một góc…
Hai thầy đều cố nghĩ ra lý do hợp lý, rồi trò chuyện thêm lúc nữa và chào nhau ra về.
Chuyện là vậy nhưng công cuộc xây dựng đời sống của các thầy cũng còn nhiều khó khăn. Vì không chấp nhận nổi chuyện hai thiền sư nổi tiếng tử tế lại đổ đốn như vậy, thiên hạ không chịu buông tha. Đi đâu người ta cũng rêu rao, chỉ trích. Trước kia nổi tiếng bao nhiêu thì giờ tai tiếng bấy nhiêu.
Ngày nào cũng có người đến phá rối, cản trở công việc làm ăn của hai người. Khi thì ném trứng, lúc thì vứt cà chua…khiến thư pháp thì rách tan tành, gạo ngô thì tung toé. Thỉnh thoảng lại có ngày không một bóng khách. Có hôm, đang viết thư pháp thì thầy Chandra bị người ta hắt nước, ướt nhoè nhoẹt hết cả.
Một lần, thầy Chandra từ chợ về nhà, thấy mặt Sunvani buồn buồn, thầy hỏi:
– Có chuyện gì thế em?
Sunvani đáp:
– Hôm nay có người ném chuối vào nhà, em đi bị trượt té, đau quá…
– Được thế gì còn gì bằng!
Nghe xong câu này, tối đấy Sunvani giận thầy Chandra cả đêm không ngủ được…
Khổ sở, vất vả là thế, thầy Amis vẫn nhẫn nại buôn bán không kêu ca nửa lời. Còn thầy Chandra, không những không nản chí mà lại còn thăng hoa hơn trong việc sáng tác. Ngày càng có những bức thư pháp đẹp tuyệt vời khiến thiên hạ tuy không ưa thầy nhưng vẫn âm thầm thán phục mà đến đặt hàng. Chandra thông qua nghề thư pháp mà giao lưu, giúp đỡ mọi người việc nhỏ cho đến việc lớn. Từ từ, họ cũng quên chuyện cũ mà cảm tình với Chandra nhiều hơn.
Thời gian thấm thoát trôi qua, hai đứa trẻ của hai gia đình nay cũng đã lớn. Nhưng lạ một điều, chẳng đứa nào giống cha nó hết. Câu chuyện tưởng chừng như chìm vào quên lãng nay lại được mọi người lôi ra bàn tán. Con của thầy Amis thì lại mắt một mí, trong khi mắt thầy hai mí đầy đặn thế kia. Con của thầy Chandra thì mặt nhọn hoắt trong khi cằm thầy vuông chữ điền…Người thì nói sau lưng, người thì nói mát trước mặt: “Hay là nó không phải con của thầy?!…” Chuyện này đến tai quan Sagara và nữ trưởng giả giàu có Sita Tara…
Quan Sagara là mạnh thường quân của ngôi chùa mà khi xưa thầy Amis trụ trì. Kể từ khi sự việc xảy ra, quan rất lấy làm thất vọng, nghĩ mình tuy hết lòng sùng đạo mà lại nhìn nhầm người. Khi nghe thấy những lời bàn tán như vậy, quan là một trong những người có quyền lực đầu tiên muốn tìm ra sự thật. Nếu việc này sáng tỏ, không những thầy Amis được trả lại sự trong sạch mà quan cũng vực lại được uy tín. Quan lập tức tìm đến nhà bố mẹ Bodhi. Quan nói:
– Bây giờ tôi không tin thằng nhóc ấy là con thầy Amis. Tôi quen thầy cũng khá lâu rồi. Biết cả những chuyện mà không mấy ai biết. Khi còn ở chùa, thầy hay chữa bệnh đau bụng cho con gái người ta. Có nhiều đêm, thầy xoa xoa mãi mà cũng chẳng làm gì. Chuyện thầy với con của anh chị, tôi nghe nó cứ thế nào…Thầy Amis nhận trách nhiệm nên hồi đó tôi cũng không biết đằng nào mà lần.
Bố mẹ Bodhi dưới sức ép của quan đành miễn cưỡng đến nhà Amis. Quan bắt hai cha con làm thủ tục nhận huyết thống. Quả nhiên, hai giọt máu không hề hoà vào nhau. Vậy là không những ngoại hình mà huyết thống cũng khác biệt. Mọi người chứng kiến ngớ ra, cha mẹ Bodhi sững sờ giây lát:
– Ô, thế hoá ra nó không phải con thầy à? Thế nó là con ai? Thầy biết mình bị oan sao không nói! Trời ơi, chúng tôi đã vu oan làm thầy mất cả chùa lẫn uy tín. Thôi, chúng tôi xin tạ lỗi với thầy và xin lại con và cháu về nuôi thầy nhé.
Thầy Amis chẳng nói gì hơn 2 tiếng “Thế à?” rồi khăn gói quả mướp, thản nhiên quay trở lại chùa.
Nàng Bodhi sau nhiều năm bên thầy Amis học hỏi, nay cũng đã trưởng thành, đứng ra kể rõ ngọn ngành. Thầy Amis được trả lại thanh danh, lại quay về núi cũ, sống đời thiền sư thanh đạm.
Lại nói đến thầy Chandra. Nữ trưởng giả Sita Tara cũng không phải dạng vừa, đã giàu có lại nhiều mối quan hệ. Ngày thầy Chandra còn là trụ trì, bà là nhà bảo trợ giúp chùa xây tượng, đúc chuông, ấn tống kinh sách…không việc gì không đến tay. Hồi đó, bà cũng một phen điêu đứng. Danh tiếng bao nhiêu năm xây dựng cũng đi theo cái đám cưới rình rang của nhà Sunvani. Mọi người mỉa mai bà: “Thành đạt hiểu biết thế nào mà lại đi giúp sư hổ mang”. Nghe tin thầy Amis được trả lại sự trong sạch, Sita Tara hiểu rằng đây là cơ hội có một không hai để lấy lại uy tín. Bà lập tức tìm đến nhà thầy Chandra đồng thời phái người cho gọi bố mẹ Sunvani tới. Bà bức xúc:
– Sao thầy lại để người ta đổ oan như vậy. Em hiểu hết mọi chuyện rồi. Thầy đừng giấu nữa. Em sẽ đứng ra làm rõ chuyện này. Vực lại thanh danh cho thầy mà cũng là cho em.
Thầy nói:
– Được thế thì còn gì bằng!
Sita Tara lấy làm sung sướng lắm:
– Được rồi, thầy cứ để em lo.
Nói rồi quay sang bố mẹ Sunvani bắt họ chứng kiến hai cha con thầy Chandra thử máu. Kết quả đã quá rõ ràng. Bố mẹ Sunvani nghẹn ngào, đang định nói xin lỗi thì thầy Chandra bất chợt lên tiếng:
– Dù sao tôi cũng hoàn tục rồi. Với cả trong những năm tháng chung sống, tôi đã cảm hoá Sunvani hướng tâm về pháp. Giờ lộ ra thì không những gia đình mất uy tín, mà sau này đứa bé lớn lên sẽ nghĩ ngợi tủi thân…
Bản thân tôi nhìn bề ngoài, giờ có tư dinh đàng hoàng, vợ đẹp, con khôn, nghề thư pháp đang vào giai đoạn đỉnh cao, càng dễ dàng làm tấm gương tu hành cho những người không xuất gia hơn.
Ngày ngày tôi ra chợ kiếm tiền lại có cơ hội tiếp xúc với dân chúng, thông qua đó mà cảm hoá họ dần dần. Giờ bảo tôi lên chùa cạo tóc xem ra không thú vị nữa. Tôi tình nguyện ở lại đây. Bà giữ kín hộ tôi kẻo rắc rối cho gia đình Sunvani.
Thế là bố mẹ Sunvani không mất tí danh dự nào mà lại có được người con rể tài hoa lại còn tử tế, họ ôm nhau cảm động rơi nước mắt… Mãi đến giờ, mới hiểu được tấm lòng của thiền sư Chandra. Cả hai ông bà cùng vỗ đùi đánh đét rồi thốt lên:
– Được thế thì còn gì bằng!
Sita Tara thất vọng lắm nhưng ý thầy đã thế, biết làm sao, thắc mắc:
– Tại sao lúc trước thầy bảo “Được thế thì còn gì bằng”, lúc sau thầy cũng bảo “Được thế thì còn gì bằng”? Thầy làm tôi mất hết uy tín! Nhưng thôi, thầy vẫn là tấm gương sáng về lòng từ bi và nhẫn nhục trong lòng tôi. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này để tập hạnh nhẫn nhục vậy.
***
Từ đó trở đi, câu truyện về hạnh nhẫn nhục của thiền sư Amis lưu danh khắp vùng. Nhắc đến thầy, người ta nhớ ngay đến câu nói “Thế à”. Du khách thập phương thường xuyên đến chùa đàm đạo và học hỏi theo thầy.
Ấy vậy mà, mỗi lần có người đến ca ngợi hạnh nhẫn nhục của thầy Amis, thầy đều xua xua tay mà nói:
– Các vị đừng khen ngợi ta. Thực ra có một người mà hạnh nhẫn nhục còn hơn cả ta. Người đó không sống trên chùa mà sống giữa thành thị như các vị.
Rồi mắt thầy nhìn xa xăm về phía thị trấn dưới núi nơi có một cửa hàng thư pháp lộng lẫy. Ở giữa sảnh chính của cửa hàng treo một bức thư pháp nổi tiếng toàn thiên hạ: “Được thế thì còn gì bằng”.
***
Trong khi Zangthalpa kể câu truyện, pháp hội vang lên những tràng cười thật sảng khoái. Nhưng sau khi ông kể đoạn kết, mọi người lại chìm trong im lặng. Hẳn là những bài học thú vị nhưng lại rất sâu sắc về hai tấm gương Bồ tát xuất gia và Bồ tát tại gia trong câu chuyện mà Zangthalpa kể đã khiến họ phải suy tư…
Phần 12 - Quay Về Mục Lục
Phần 12 - Quay Về Mục Lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét