Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Zangthalpa – Phần 12: ĐỨC QUÁN THẾ ÂM CHỈ DẠY CÁCH THỰC HÀNH NHẪN NHỤC THỨ 6

Zangthalpa tận tình giảng giải:

Các bạn phải đem nhẫn nhục vào thực hành sâu sắc, và phải luôn cẩn thận kiểm tra mình qua các tình huống thực tế để tránh chủ quan. Có những người chưa tập sâu sắc nhưng do ít gặp chuyện trái ngang nên đã nghĩ mình thành tựu. Tuy trong một thời gian dài có thể bạn không sân hận nhưng gặp phải hoàn cảnh đủ xấu, bạn sẽ không thể nhẫn nhục được. Tôi xin kể một câu truyện như sau:

Có một nhà sư chọn tu pháp Nhẫn Nhục Ba la mật, sau nhiều năm tháng nỗ lực tu tập thì sư cũng thành tựu được rất nhiều công hạnh. Mọi người đồn rằng ông có thể trụ vững như kim cương khi bình an trước mọi nghịch cảnh, bị người khác ganh ghét, lăng nhục, mưu hại sư vẫn luôn nở nụ cười trên môi thản nhiên như không. Rất nhiều người tán thán sư và thường xuyên đến chỗ sư để đàm đạo và thực tập hạnh tu này, sư luôn vui vẻ tiếp đón và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập được cho họ.

Một hôm có một thanh niên đến tham quan chùa, anh ngưỡng mộ hạnh tu của sư nhưng vì mới tìm hiểu đạo nên không biết chuyện gì để tham vấn, nhìn quanh thấy trên tường treo tấm bảng gỗ có một chữ sư viết rất bay bướm, anh liền hỏi:

– Thưa Thầy, đây là chữ gì ạ?

Sư trả lời đầy vẻ tự hào:

– Chữ Nhẫn viết theo lối thư pháp, ta phải tập viết hàng trăm lần mới được như ý đấy con à.

Anh gật gù vẻ tán thưởng, sau khi đi lòng vòng ngó nghiêng đây đó anh ta lại quay trở lại, đứng trước tấm bảng gỗ, gãi đầu gãi tai:

– Thưa Thầy chữ gì đây ạ?

Nhà sư tươi cười trả lời:

– Ta tu hạnh nhẫn nhục nên viết chữ Nhẫn đó mà .

Một chút sau, anh lại ngắm nghía tấm bảng và hỏi:

– Thưa Thầy, thầy viết chữ gì đây ạ ?

– Chữ NHẪN!

Trước khi ra về, anh lại tần ngần trước tấm bảng:

– Thưa Thầy, chữ gì đây ạ?

Nhà sư không chịu nổi nữa, nộ khí xung thiên:

– Chữ nhẫn! nhẫn ! nhẫn! Đồ ngu, ngu gia truyền! Có một chữ mà nãy giờ hỏi hoài, hỏi hoài! Cút ngay!



Người tu hành, nhất là người có hoàn cảnh thuận lợi, rất dễ rơi vào ảo giác như trên. Sau một thời gian tu tập, tôi cũng có cảm giác mình đã rất biết cách nhẫn nhục. Rất may, sau 1 năm, lại có một chuyện xảy ra làm tôi biết rõ mình ở đoạn nào.

Tôi có một người em rể, và tôi từng giúp đỡ người ấy về tiền bạc mỗi lúc gặp khó khăn. Tuy biết rằng người ấy vẫn hay đi nói xấu tôi với nhiều người, nhưng tôi không để bụng, và tôi nghĩ mình không có vấn đề gì với cậu ấy cả. Nhưng rồi, một hôm tôi nghe tin người em gái yêu quý của mình bị người này phản bội, quan hệ với một cô gái khác. Tuy không thấy giận dữ với người em rể ấy, nhưng tôi lại cảm thấy buồn và thất vọng không muốn gặp người đó nữa.

Trong một thời gian, nỗi thất vọng ấy không vơi đi. Tôi cảm thấy rằng có gì đó không ổn, và có lẽ ẩn dưới điều này là một sự tức giận. Và trong một giấc mơ, tôi lại gặp vị thầy ngự trên hoa sen trắng. Người ngồi đó, một chân co một chân duỗi xuống, dáng rất tự tại. Người mặc một chiếc áo choàng trắng, tay cầm bình nước cam lồ toả ra ánh sáng dịu mát.

Tôi liền hỏi:

– Thưa thầy, Bậc bi mẫn vô bờ, xin hãy giúp con. Một người đã làm tổn thương em gái của con bằng một hành động dối trá. Con cảm thấy đó là một người sai lạc và không xứng đáng nhận được sự tử tế của con! Xin Thầy hãy ban cho con một chỉ dạy phù hợp với tâm thức của con trong hiện tại.

Người nói với tôi bằng một giọng nhẹ nhàng, đầy yêu thương thông cảm:

Phán Xét là một “cảm xúc” mạnh mẽ dù không mong muốn
Khi ai đó làm một điều mà con không chấp nhận
Bởi trong tình huống đó người ta không tử tế được như con
Rồi từ cảm xúc này con sinh ra giận dữ và ghét bỏ người ta

Con của ta, hãy nhớ điều này

Bất cứ khi nào một cảm xúc tiêu cực nảy sinh
Là một cơ hội để chuyển hóa thành tình thương và trí tuệ
Để được như vậy, hãy suy ngẫm sâu sắc và nhận ra rằng:

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào,
Tất cả mọi người đều đang làm điều tốt nhất mà họ có thể làm
Mỗi người đều có một lịch sử và mang theo một di sản khác nhau.
Mỗi người đều đã học nhiều cách để tồn tại và sinh sống
Mỗi người đều làm điều tốt nhất họ có thể, dù ý thức hay vô thức
Dựa trên những gì họ biết, và những gì họ đã học được cho đến thời điểm này,

Khi họ đang tương tác với con.
Con có thể giúp họ, chỉ đơn giản bằng cách nhận ra sự thật này
Rồi trong con tự nhiên sẽ xuất hiện sự bình an và thông cảm
Dù phải tiếp cận một người nào đó mà con không chấp nhận
Một người không trung thực hoặc không đúng đắn được như con.

Hãy là ánh sáng và là ví dụ cho tất cả những người trong cuộc sống của con
Bằng cách sử dụng chỉ yêu thương và cảm thông trong cách con suy nghĩ và hành xử,
Biết và hiểu rằng bất kỳ người nào đi qua đường đời của con cũng có một lý do nhất định.
Họ có thể chỉ ở được với con trong một thời điểm ngắn ngủi thôi,
Nhưng con có thể làm gì trong thời điểm đó để làm sáng lên ngày của họ?

Có lẽ giải pháp tốt nhất là:
Không phán xét họ trong bất kỳ cách nào
Và nhìn họ qua con mắt của cảm thông và trí tuệ
Nhưng nếu như con không thể, cũng đừng để họ làm tổn thương con
Hãy bảo vệ chính mình,
Khỏi bất cứ điều gì không phải bắt nguồn từ “tình thương và ánh sáng”
Tránh những người hoặc năng lượng tiêu cực khi nào con có thể,
Nếu con đang ở trong giai đoạn nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi năng lượng bên ngoài

Nhưng khi điều này là không thể tránh,
Hãy xem mỗi người đi qua đường đời của con như một Đứa Con Dấu Yêu của ta,
Ngay cả khi con phải rời xa, hoặc phải phê bình để giúp họ tốt lên
Thì cũng đừng rơi vào tâm trạng phán xét hoặc nói xấu gì về họ.
Làm điều tốt nhất con có thể làm được, để duy trì mình trong trí tuệ và tình thương vào mọi lúc, mọi nơi.

Có nhiều “động cơ xứng đáng” trong thế giới con đang sống
Nhưng quan trọng là lắng nghe trái tim và đi theo đến nơi nào con cảm thấy muốn đi
Hãy hỏi chính mình: “Tôi có thể giúp gì được không trong tình huống cụ thể này?”
Nếu trái tim con nói Có, thì hãy tiến lên đừng ngần ngại

Hãy chữa lành cho cuộc sống gia đình và các mối quan hệ của con
Bởi không bao giờ tình thương là quá nhiều con ạ
Tình thương có thể nâng một tình huống tưởng kinh khủng lên mức độ dễ chấp nhận hơn,
Nơi mọi điều đều có thể được chữa lành
Hãy sử dụng tình thương, sự hòa giải và sự hướng dẫn bên trong
Để giúp đỡ con trong gia đình và mọi việc liên quan
Biết rằng con luôn có thể tạo ra điều khác biệt trong mọi tình huống bằng lòng kiên nhẫn
Tất cả những điều này không phải luôn luôn dễ dàng, ta biết
Nhưng với sự giúp đỡ và hỗ trợ của ta,
Cùng với sự tỉnh táo chuyên cần, không bỏ qua bất cứ cơ hội nào khi cảm xúc tiêu cực kia xuất hiện
Con có thể làm điều này nhiều hơn và dễ dàng hơn cho đến khi nó trở nên thật tự nhiên.

Đơn giản chỉ cần cầu nguyện tới ta mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào con cảm thấy cần hướng dẫn,
Ta sẽ giúp con nhìn thấy tình thương và ánh sáng trong mỗi chúng sinh
Trong tất cả mọi người – những người đi vào cuộc sống của con.
Họ luôn luôn làm điều tốt nhất họ có thể, giống như con.
Thấy điều này trong họ. Và tất cả sẽ trở nên tốt đẹp.

Ta là Quán Thế Âm,
Và ta luôn luôn ở đây để hỗ trợ con.
Chỉ cần cầu nguyện!

Người nói tiếp:

Trên hết, con hãy sống cuộc sống của con với tiêu chí cao cả nhất, và lan tỏa tình thương yêu ra bên ngoài cho tất cả những ai có thể được hưởng lợi từ con. Mọi khó khăn đến với con đều có một lý do. Con phải trải qua và thực hành với chúng để hiểu hơn về cách hoạt động của tâm. Nếu không hiểu và hàng phục được nó, con không thể giúp người khác. Đến tháng 8 năm sau, con sẽ bắt đầu tự do khỏi các suy nghĩ của mình.


Ta là Quán Thế Âm, và ta luôn luôn ở đây để hỗ trợ con…

Nói xong, Ngài cầm bình nước cam lồ rót xuống đỉnh đầu của tôi. Dòng nước biến thành một luồng ánh sáng màu trắng bao phủ lấy thân thể tôi như một cái kén lóng lánh. Khi đó, tôi cảm thấy thân tâm mình trở nên hết sức thanh tịnh. Lòng tôi ngập tràn xúc động. Tôi cúi chào Người và tự hứa sẽ đem chúng vào thực hành cho tới khi nào chúng trở nên hoàn hảo tự nhiên.

Tôi nghĩ về người em rể của mình, về những năm tháng tuổi thơ và những gì mà cậu ấy phải trải qua khi còn bé. Có thể môi trường sống đã làm cậu có những tính cách không giống như tôi. Tôi được dạy phải trung thực cho dù bị người ngoài nghĩ sai, có thể cậu ấy được dạy nếu cần phải nói dối thì nói dối để giữ thể diện với người ngoài. Tôi được dạy cái gì cũng nên nhường người khác trước, có thể hoàn cảnh sống làm cậu ấy thấy rằng lo cho mình trước rồi hẵng lo cho người khác… Cậu ấy đã phải trải qua những năm tháng khó khăn hơn tôi để kiếm sống và trưởng thành. Tôi có một hoàn cảnh dễ dàng, được cha mẹ chăm lo đầy đủ. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình cảm từ gia đình. Cậu ấy có thể thiếu thốn tình cảm…

Như lời dạy của Đức Quán Thế Âm: Mỗi người mang một lịch sử và di sản khác nhau, ai cũng học được cách tốt nhất để có thể tồn tại và sinh sống cho đến thời điểm này. Tôi không thể bắt cậu ấy phải hành xử theo các tiêu chuẩn của tôi. Và tôi cũng không biết những gì cậu ấy đã trải qua nên không thể là quan toà để phán xét cậu ấy. Tôi cảm thấy rằng tôi cũng không khác gì cậu ấy: cũng đang hành xử theo đúng những gì mà tôi đã học được đến thời điểm này, bằng ý thức lẫn vô thức. Nếu cậu ấy sai lầm chỗ này thì tôi cũng sai lầm chỗ khác. Tôi cũng đã từng có nhiều tính xấu hơn cậu ấy, như tham lam, giả dối, ghen tỵ, kiêu ngạo… và ngay cả bây giờ cậu ấy cũng có những tính cách tốt hơn tôi. Tôi thực sự không hơn gì cậu ấy cả, ai cũng đang làm điều mình cho là đúng nhất.

Nhập tâm lời dạy của đấng Đại bi, tôi hoàn toàn không còn cảm thấy một chút thất vọng hay khó chịu nào với người em rể mình.

Khi tỉnh dậy, tôi ghi vào sổ tay tu tập của mình cách thứ 6 để thực hành nhẫn nhục:
Ai làm điều tốt nhất?

Hãy nhớ rằng, mỗi người có một lịch sử và di sản khác nhau
Ai cũng đang làm điều tốt nhất mà họ có thể làm, dù ý thức hay vô thức.
Từ những gì họ đã học được cho đến thời điểm này.
Cũng giống như con!

Thời gian sau, tôi đem những lời dạy này vào thực hành trong cuộc sống. Mỗi khi có ai đó gây ra vấn đề cho tôi, tôi áp cách số 6 này và trở nên bình tĩnh. Tôi cảm thấy ngày càng thông cảm hơn, trái tim tôi mở ra đón nhận mọi kiểu người khác nhau và không hề oán trách ai cho dù họ không hành xử thiện chí với tôi.

Zangthalpa nói tiếp:

– Cả 6 cách trên đều quan trọng. Tuỳ hoàn cảnh, bạn cần áp dụng chúng vào mọi tình huống trong cuộc sống. Bạn hãy nghĩ xem, bạn đã gặp những việc nhỏ như bị muỗi đốt, kiến cắn, giẫm phải gai… Rồi đến những việc lớn hơn một chút như ăn phải đồ ăn không ngon, gặp phải thời tiết xấu. Bạn có biết, tại sao những việc như vậy bạn lại có thể chịu đựng dễ dàng? Bởi vì bạn đã làm quen với chúng nhiều lần.

Mỗi lần chúng đến, gây cho bạn 1 sự khó chịu, bạn hãy tập với sự khó chịu đó bằng 1 trong 6 cách trên. Và rồi chúng sẽ biến mất. Hãy tiếp tục tập như vậy khi bạn bị người khác hoặc việc khác gây ra những khó chịu lớn hơn. Những việc khó chịu lớn cũng sẽ tương tự với khó chịu nhỏ, nếu bạn tập với chúng nhiều lần bằng 1 trong 6 cách này, bạn cũng sẽ tiến bộ và có thể đón nhận được chúng một cách dễ dàng hơn.

Nếu bạn tiếp tục tiến bộ như vậy, dần dần bạn sẽ phát triển khả năng chấp nhận mọi chuyện như chúng đang là, bất kể chuyện gì xảy đến với bạn. Đây là dấu hiệu bạn đang phát triển hạnh nhẫn nhục theo đúng hướng.

Sau đây tôi xin kể cho các bạn nghe một câu truyện. Câu truyện có tên là “Nô lệ của nô lệ”.

Xưa kia, ở đất nước Hy Lạp, có một vị vua là Alexander Đại Đế. Ông rất hùng mạnh, đem quân chinh phạt khắp nơi và chiếm được không biết bao nhiêu là của cải. Ngày đêm ông luôn nghĩ cách làm thế nào để mở rộng lãnh thổ, chiếm thêm được nhiều thành trì, thu góp thật nhiều tiền bạc… để cả thế giới biết rằng ông ấy là người quyền lực và giàu có nhất.

Một ngày nọ, ông đem quân đi xâm chiếm Ân Độ và giành được kinh thành. Ông ấy gặp vua nước Ấn Độ, ông nói:

– Ta có một khao khát, chiếm tất cả những thứ quý báu nhất thế giới này đem thủ đô Athens của nước ta. Ta không cần lấy đất của nhà ngươi, không cần lấy của cải của nhà ngươi, mà ta chỉ cần ngươi giao ra những báu vật quý giá nhất. Rồi ta sẽ tha chết cho ngươi!

Vua Ấn Độ trả lời:

– Kho báu lớn nhất của tôi là một tu sĩ. Đây, ông ấy đang ngồi đây!

Alexander nhìn theo phía tay vua Ấn Độ. Ở đằng ấy, có một vị tu sĩ ăn mặc rách nát, gầy gò, đang ung dung ngồi.

Ông vua mạnh mẽ, uy quyền đến gần tu sĩ, thắc mắc hỏi:

– Tại sao ông lại được coi là kho báu quý giá nhất của đất nước này?

Vị tu sĩ điềm nhiên đáp:

– Ta cũng không biết! Ông tự xưng là Đại đế mà còn không biết, hỏi ta làm gì?

Nghe câu trả lời, nhà vua hơi mất bình tĩnh, lớn tiếng:

– Kể cả biết hay không, nhưng nếu được coi là kho báu, ta sẽ đem ông về Athens. Hãy đi theo ta ngay, nếu không thì ta sẽ chém đầu!

Dưới sức ép của nhà vua, vị tu sĩ chẳng những không lấy làm sợ hãi mà thủng thẳng đáp:

– Ta chỉ đi theo những con người tự do thôi! Còn ngươi – Alexander Đại Đế – chỉ bằng nô lệ của nô lệ của ta thì ta đi theo làm gì?

Quá tức giận vì bị xúc phạm, vua rút gươm định chém vị tu sĩ. Nhưng kì lạ thay, gươm kề đến cổ mà tu sĩ vẫn cười thoải mái. Đức Vua liền rút gươm lại, hỏi:

– Trước khi ta giết nhà ngươi, ta cho ngươi một cơ hội được sống: Hãy giải thích cho ta biết, tại sao nhà ngươi lại nói rằng ta – một ông vua quyền lực và giàu có đến như vậy – lại chỉ bằng nô lệ của nô lệ nhà ngươi?

Lúc này, vị tu sĩ mới từ từ giải thích:

– Trước khi tu hành, ta cũng là người bình thường, bị cơn giận sai khiến. Sau những năm tháng tu hành hạnh nhẫn nhục, ta đã làm chủ được sân hận. Bây giờ sân hận là nô lệ của ta. Không những là ta không bị cơn giận làm chủ nữa, mà khi cần ta có thể tỏ ra giận dữ để đi giúp người khác. Vậy mới nói sân hận là nô lệ của ta.

Còn nhà vua hãy thử nghĩ mà xem, vừa nghe câu nói của ta, nhà vua không cần hiểu biết gì, đã nổi giận đùng đùng, vung gươm dọa giết. Nhà vua liệu có phải nô lệ của sân hận hay không? Sân hận là nô lệ của ta, còn nhà vua là nô lệ của sân hận. Như vậy nhà vua không phải là nô lệ của nô lệ của ta là gì? Thế thì ai thực sự là ông chủ? Tại sao ta lại phải đi theo nhà vua, nếu nhà vua chỉ là nô lệ của nô lệ của ta thôi?

Alexander Đại Đế nghe đến đây thì hoàn toàn khâm phục, ông bái vị tu sĩ làm thầy và sau một thời gian thực hành, ông trở nên bớt hiếu chiến hơn và không còn gây chiến tranh để mở rộng lãnh thổ nữa.


Zangthalpa kết luận:

Sự nhẫn nhục hoàn hảo giúp vị tu sĩ không những không mất mạng dưới lưỡi kiếm mà còn trở thành bậc thầy của nhà vua. Nhờ thực hành 6 cách nhẫn nhục mà tôi cũng đã thay đổi mình để có thể chấp nhận hoàn toàn mọi sự xảy đến với mình.

Trước đây khi thực hành Tứ vô lượng tâm: từ – bi – hỷ – xả, tôi cảm thấy tâm xả rất khó khăn. Nhưng sau khi thực hành những cách này, tôi nhận ra rằng, nhẫn nhục là một cách tuyệt vời để rèn luyện cả 4 tâm này. Bởi nếu không thể chấp nhận được mọi sự đúng như chúng đang là, bạn không thể đủ bình an và sáng suốt. Không có sự bình an và sáng suốt, sẽ không có trí tuệ. Không có trí tuệ, sẽ không có từ – bi – hỉ – xả thực sự.

Lời dạy của Đức Đại trí và Đức Đại bi quả là vô cùng quý báu cho sự tu hành của tôi. Nếu bạn thực hành 6 cách như tôi đã nói ở trên, bạn cũng có thể làm được như vậy.

Và rồi, trong ánh mắt chăm chú của mọi người, ông đọc lại một lần nữa bài kệ để tóm tắt 6 cách thực hành nhẫn nhục trên cho dễ nhớ:

6 cách nhẫn nhục của Zangthalpa
Đi giầy thay trải thảm da
Đừng bắt thế giới theo ta, nực cười.
Ta làm người khổ trước rồi,
Gieo nhân gặt quả, nay thời đến ta.
Tham, sân, si, mới đúng là
Kẻ thù thực sự của ta và người.
Trung tâm vũ trụ trên đời,
Ta cũng như họ, trách thời được sao?
Người làm cho ta khổ đau
Là vị thầy quý, rèn trau kiên trì,
Ai cũng làm tốt nhất, vì
Hợp hoàn cảnh họ, còn gì giận nhau?

Thực hành nhẫn nhục nhiệm mầu
Từ – Bi – Hỉ – Xả sẽ mau viên thành

Nghe đến đây mọi người cảm thấy rõ ràng giá trị vô cùng quan trọng của Nhẫn nhục và ghi nhớ khổ thơ trên để rèn luyện hạnh nhẫn nhục như Zangthalpa đã truyền lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét