Zangthalpa nói tiếp:
– Đi giúp mọi người cũng là cơ hội để bạn rèn luyện chính mình. Bạn nên cảm ơn và trân trọng họ tận đáy lòng. Dù thực sự giúp được ai đó thoát khỏi đau khổ, nhưng bạn không nên đặt mình cao hơn họ. Đó chính là một rèn luyện quan trọng.
Ngay cả khi đã giác ngộ, dù có nhiều phẩm tính cao quý, nhưng Bồ tát không thấy mình cao hơn người khác. Tại sao lại như vậy? Bồ tát đã không còn thấy có ta và có người, nên không còn có suy nghĩ ta đặc biệt hơn người.
Hơn thế, Bồ tát đã chứng ngộ Phật tính và hiểu rằng mọi phẩm tính cao quý đều đến từ Phật tính. Phật tính không phải do rèn luyện mà có. Phật tính là bản tính tự nhiên vốn có sẵn trong cả Bồ tát lẫn các chúng sinh. Tuy tạm thời bị che phủ bởi vô minh, nhưng trong mọi chúng sinh đều tiềm ẩn những phẩm tính cao quý của Bồ tát. Ở trong Phật tính, Bồ tát nhìn thấy Phật tính trong mỗi chúng sinh.
Bồ tát nhận ra rằng, nhiệm vụ của mình là giúp người khác khám phá ra khả năng tiềm tàng ấy. Bằng việc thể hiện những phẩm tính cao quý của mình, Bồ tát đánh thức những phẩm tính tuyệt vời của mọi người xung quanh. Khi ở gần Bồ tát, người ta sẽ cảm thấy rằng: “Một người có đời sống bình thường như mình, chẳng hạn cũng đi kiếm tiền và du lịch, mà có thể làm được như vậy, thì mình cũng có thể làm được như vậy!”.
Vì vậy, trong quá trình đi giúp mọi người, tôi không thấy mình có gì siêu việt hay xuất sắc hơn so với người tôi giúp. Những điều tôi làm được, họ cũng sẽ làm được và còn làm được hơn thế. Để người khác vững tin bước vào con đường giải thoát, cách tốt nhất là sống giữa họ và ảnh hưởng tới họ bằng chính cách sống của mình.
Tôi đóng nhiều vai trò khác nhau nếu cần thiết: Đôi khi, tôi hành động như một người cha, bảo vệ người khác như chính những đứa con của mình. Có lúc, tôi lại như một người mẹ, nuôi dưỡng điều tốt đẹp và chịu đựng mọi sai lầm của chúng. Nhiều lần, tôi giữ trách nhiệm như một người thầy, kiên nhẫn dạy cho học trò mình làm từng điều đúng qua thực hành và lý luận. Có khi, tôi đóng vai một người yêu, giúp cho đối phương nhận ra giá trị bản thân. Thậm chí, tôi có thể làm một người chồng bỏ mặc vợ, một người con làm trái lời cha mẹ, một ông chủ hay quát mắng người làm… Không một vai diễn nào mà Bồ tát ngại đóng, kể cả những vai phản diện, miễn là giúp được người ta tiến bộ!
Khi Zangthalpa nói đến đây, có người thầm nghĩ: “Thật may mắn làm sao nếu gặp được một vị Bồ tát như vậy trong cuộc sống!”. Người khác thì thắc mắc: “Nhưng làm sao để biết được một người chính là Bồ tát đến giúp mình nhỉ? Vì Bồ tát hành động thầm lặng không cần ai biết đến, làm thế nào để nhận ra người mình gặp có phải là một vị Bồ tát hay không? Nhỡ may người hôm qua tự tìm đến mình để chỉ cách trồng rau lại là một vị Bồ tát, hay có thể là người ăn xin mà mình đuổi đi ngày hôm kia chăng? Có lẽ mình đã bỏ lỡ những cơ hội tốt để học hỏi từ họ.”…
Hiểu những suy nghĩ này của đám đông, Zangthalpa tiếp tục:
– Các bạn có thể nghĩ rằng: “Gặp được một người có các phẩm tính Bồ tát như vậy thật là khó! Và lại càng khó hơn để nhận ra được người đó là một vị Bồ tát để học hỏi!”. Từ kinh nghiệm của mình, tôi có một cách để đảm bảo không bao giờ bỏ lỡ một người như vậy trong cuộc đời bạn: Bằng việc nhìn mỗi người tôi gặp như một vị Bồ tát, tất cả những điều họ làm đều trở thành những bài học mà các vị Bồ tát đã tận tình đến chỉ dạy cho tôi.
Trong quá trình du hành tới những vùng đất khác nhau để truyền Pháp, có nhiều người chỉ trích, phê phán cách tu hành của tôi. Một số người dừng lại ở coi thường. Vài người rêu rao rằng tôi là một đạo sư giả mạo… Gay gắt hơn, có người còn muốn dùng quyền lực để bắt giữ tôi! Nhưng tôi không cảm thấy bị họ làm tổn hại. Hơn thế, những người chống đối tôi tuyệt đối là những vị Bồ tát, bởi vì:
1. Lúc bắt đầu họ làm cho tôi khổ để nhanh chóng quay đầu về Pháp
2. Khi ở giữa họ cho tôi cơ hội để thực hành chấp nhận và kiên nhẫn
3. Và ở cuối, họ giúp tôi kinh nghiệm mọi tình huống tiêu cực chính là Pháp thân sáng chói.
Khi Zangthalpa nói đến đây, một số người trong đám đông bắt đầu nhìn xung quanh và tập nhìn người ở cạnh mình như những vị Bồ tát. Họ cố nghĩ xem, nếu cái người ăn mặc lôi thôi vừa đẩy mình sang một bên để lấy chỗ ngồi là một vị Bồ tát thì Bồ tát vừa dạy cho mình bài học gì? Mỗi người dần nhận ra bài học của mình. Họ bắt đầu nghĩ về bố mẹ, người thân, bạn bè… như những vị Bồ tát trong cuộc đời của họ. Một số người còn bắt đầu nghĩ về những kẻ thù của mình, những người đã từng làm hại mình trong quá khứ và bài học mà người đó đã mang tới cho mình…
Tuy nhiên, vẫn có người chưa hết hồ nghi, họ nói với nhau:
– Làm sao một người đang làm điều xấu với mình lại có thể là một vị Bồ tát? Chỉ nghĩ đến người đó thôi cũng đủ làm lòng tôi sôi sục. Tôi không giận họ là may lắm rồi, huống chi là biết ơn và trân trọng họ!
Phần 4 - Quay Về Mục Lục
Phần 4 - Quay Về Mục Lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét