Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Zangthalpa – Phần 7: CĂN BẢN CỦA GIỮ GIỚI

Zangthalpa tiếp tục nói trong ánh mắt chăm chú của mọi người:
– Nếu bạn muốn tu hành theo lời Phật dạy, thì giữ giới vô cùng quan trọng. Đặc biệt trì giới là một trong 6 thực hành hoàn hảo của con đường Bồ tát, gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Lúc trước tôi đã nói về nên bắt đầu thực hành bố thí như thế nào. Giờ đây tôi sẽ chia sẻ với các bạn về thực hành trì giới.
Trì giới hay giữ gìn giới luật, là để giữ bạn luôn ở trên con đường đúng đắn, ngăn chặn bạn khỏi bị sa vào những nơi lầm lạc. Giống như trên một con đường mà hai bên là vực thẳm, giới chính là “ranh giới”, hàng rào ở 2 bên giữ cho bạn không bị đi lạc và trượt chân xuống dưới. Như vậy phải hiểu rằng Giới chính là để bảo vệ. Một người thực hành con đường Bồ tát giữ giới không chỉ để bảo vệ mình mà còn để bảo vệ cho người khác.
Hơn nữa, giới còn là nền móng vững chắc để trên đó xây dựng nên thiền định và trí tuệ – hai cột trụ quan trọng của tòa lâu đài giác ngộ. Nếu nền móng không vững vàng, chắc chắn lâu đài sẽ sụp đổ. Nếu không có giới làm nền móng, chắc chắn sẽ không có giác ngộ giải thoát.
Trong nhà Phật có nhiều con đường khác nhau để dẫn tới giác ngộ. Con đường còn gọi là thừa (cỗ xe), nếu chia làm 3 thì có:
  1. Thanh văn thừa là con đường của những người tu hành để giải thoát cho chính mình khỏi luân hồi, không còn phải tái sinh nữa.
  2. Bồ tát thừa là con đường của những người tìm cách giác ngộ cho mình và giúp cho tất cả mọi người giác ngộ. Họ kiên trì làm điều này và sẵn sàng tái sinh vô số đời để đạt được giác ngộ hoàn toàn và giác ngộ cho mọi chúng sinh.
  3. Kim cương thừa, con đường của những người cũng theo lý tưởng Bồ tát nhưng sử dụng những phương tiện mạnh mẽ hơn để giác ngộ chỉ trong một đời.
Có hàng trăm giới luật của Thanh văn thừa, hàng chục giới luật của Bồ tát thừa và nhiều giới luật khác nhau của Kim cương thừa. Tôi sẽ không giảng giải tất cả các giới luật mà một người phải tuân theo ở đây. Điều này các bạn đã được học trong tu viện hoặc đã nghiên cứu qua sách vở. Chúng nhiều đến nỗi bạn có thể không nhớ hết nếu không chịu dành nhiều thời gian ra học thuộc lòng!
Nhưng điều quan trọng là, người thực hành Pháp cần nắm được cốt yếu về giữ giới, nếu không họ sẽ áp dụng một cách không hiệu quả và máy móc từ những gì ghi trong sách vở. Và “giới” – thay vì mang tính bảo vệ lại có thể trở thành “giới hạn” khiến người ta không đi được đúng đường.
Ví dụ, thời Đức Phật tại thế, để tránh việc các tỳ kheo leo trèo làm nhiễu loạn tâm mình và giảm tín tâm của người đời, Đức Phật đưa ra giới luật “không được trèo cây cao quá đầu”. Các tỳ kheo rất tôn trọng giới luật do Đức Phật định ra nên luôn tâm niệm phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Một hôm, có một tỳ kheo trẻ đi trong rừng thì bị một con hổ đói đuổi theo. Vị tỳ kheo không dám phá giới nên không chịu leo lên cây để tránh và hậu quả là bị hổ ăn thịt. Một tỳ kheo khác trông thấy điều này về thuật lại cho Đức Phật. Đức Phật phải sửa giới luật thành: “không được trèo lên cây cao quá đầu trừ những hoàn cảnh thật cần thiết”!
Giới luật không nên áp dụng một cách cứng nhắc, mà cần được áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và trình độ tâm thức của người thực hành. Vì vậy, hiểu ý nghĩa cốt yếu của giữ giới mới có thể áp dụng một cách phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng với một người vừa thực hành Pháp vừa tham gia vào các hoạt động thế gian, giống như tôi. Vì vậy, hãy lắng nghe, tôi xin chia sẻ cùng các bạn…
Để bắt đầu, tất cả các nguyên tắc căn bản của giữ giới được tóm lược trong bốn câu kệ sau:
Không làm các điều ác

Làm tất cả điều lành
Tịnh hóa tâm ý mình
Là lời chư Phật dạy

Tuy chỉ có bốn dòng nhưng tuỳ vào giai đoạn, trình độ thực hành mà nên hiểu và áp dụng khác nhau. Các bạn chớ nên coi nhẹ những lời dạy tưởng chừng đơn giản này. Đây không phải là một bài kệ bình thường. Chuyện xưa kể rằng:
Vào thế kỷ thứ 8, đời nhà Đường ở Trung Quốc, có một quan thứ sử tên là Bạch Cư Dị. Ông đỗ tiến sỹ năm 27 tuổi, tính tình phóng khoáng cương trực, là một thi hào nổi tiếng thời bấy giờ. Một lần đi qua một ngọn núi, ông nhìn thấy một nhà sư ngồi vắt vẻo trên cành cây cao dưới cái vòm giống như tổ chim. Vị sư này có biệt danh là Ô Sào thiền sư (Ô sào nghĩa là cái tổ quạ). Bạch Cư Dị thấy lạ, liền hỏi:
– Giới luật nhà Phật cấm leo cây, sao sư lại trèo cao thế?
Thiền sư nói vọng xuống:
– Ta leo cây là để độ chúng sinh. Leo cây là việc của ta mắc mớ gì tới ông?

Bạch Cư Dị ngước lên cao thấy cành cây lung lay như sắp gãy, lại nói vọng lên:
– Sao sư lại ngồi ở nơi nguy hiểm quá vậy?
Thiền sư cúi xuống đáp:
– Chỗ ngồi của thứ sử còn nguy hiểm hơn nhiều!
Bạch Cư Dị ngạc nhiên, sao ông ấy lại biết mình làm thứ sử, lấy làm hoài nghi lắm:
– Ta là viên quan trọng yếu của triều đình, địa vị trấn cả giang sơn, có gì mà nguy hiểm?
Thiền sư Ô Sào thủng thẳng:
– Chốn quan trường hiểm ác, vì tranh quyền đoạt lợi mà sẵn sàng hãm hại lẫn nhau. Chỗ ngồi của ngài, trên thì là vua mà dưới là các quan và trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan và họ hàng gia quyến đều lệ thuộc vào lòng thương ghét của vua và sự tị hiềm của mọi người. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì không nguy hiểm sao được?
Bạch Cư Dị chợt tỉnh ngộ, biết sư là bậc cao thâm liền hỏi tiếp:
– Vậy đệ tử phải làm thế nào?
Thiền sư bình thản đọc bài kệ:
– Không làm các điều ác
Làm tất cả điều lành
Tịnh hóa tâm ý mình
Là lời chư Phật dạy

Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ: “Tưởng là thiền sư sẽ khai thị cho mình đạo lý thâm sâu, ai ngờ ông ta lại nói ra những điều quá đỗi tầm thường!”
Lòng tràn trề thất vọng, Bạch Cư Dị nói:
– Đạo lý này đứa bé ba tuổi cũng nói được!
Thiền sư Ô Sào mỉm cười:
– Đúng thế, đứa bé ba tuổi cũng nói được, nhưng ông lão tám mươi tuổi cũng chưa chắc đã làm xong!
Bạch Cư Dị lãnh hội, cúi đầu đảnh lễ rồi từ giã thiền sư ra về. Sau này, ông thường lui tới đàm đạo với các tu sĩ Phật giáo, xưng là Hương Sơn cư sĩ.

Mọi người trong pháp hội nghe xong câu chuyện bèn tự hỏi: “Tại sao chỉ có bốn câu kệ đơn giản như thế mà lại mang theo giáo lý nhiệm màu của nhà Phật?”
Zangthalpa từ tốn giải thích:
– Khi tu hành dưới dạng một học giả, có lẽ ai cũng nghĩ như các bạn. Nhưng sau khi đi sâu vào thực hành, thấy rõ ý nghĩa 4 câu kệ này, nó không đơn giản dạy cách làm người tốt như các bạn tưởng.
Dòng thứ nhất: Không làm các điều ác.
Ý nghĩa căn bản của câu này là không thực hiện các hành động xấu, làm hại đến người khác. Đó là mười ác hạnh, đặc biệt là bốn điều nặng nhất gồm: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối. Tuy thế, chúng bao gồm tất cả những hành động vi phạm đến phạm giới nguyện của các thừa, ví dụ vọng ngữ rằng mình đã đắc thánh quả, xả bỏ Bồ đề tâm, ích kỷ trong việc truyền bá Pháp…
Dòng thứ 2: Làm tất cả điều lành
Điều lành không chỉ là làm mười việc thiện như: phóng sinh, bố thí, giữ gìn tiết hạnh, nói thật… Mà sâu sắc hơn, nó còn bao gồm các pháp cao quý của nhà Phật, bao gồm cả Thanh văn thừa, Bồ tát thừa, Kim cương thừa, Thiền tông, Tịnh Độ… mà một người có thể thực hành để đi trên con đường giải thoát.
Dòng thứ 3: Tịnh hoá tâm ý mình
Tịnh hóa tâm không chỉ là nghĩ những suy nghĩ tốt và diệt những suy nghĩ xấu. Mà nó còn bao gồm tất cả các thực hành rèn luyện tâm như thiền chỉ, thiền quán, trì chú, quán tưởng… khiến cho tâm trở nên tập trung và quán sát để phát sinh trí tuệ. Trí tuệ này không phải là trí tuệ của tâm trí thông thường mà là trí tuệ của chân tâm, vượt ra ngoài suy nghĩ. Chỉ có tâm giác ngộ mới được gọi là tâm thực sự thanh tịnh. Vì thế ý nghĩa sâu xa của câu kệ này chính là tịnh hoá tâm và đạt đến tâm giác ngộ.
Dòng thứ 4: Là lời chư Phật dạy
Nhấn mạnh rằng những lời trên là đúng đắn, hơn nữa còn tóm gọn con đường của nhà Phật. Lời dạy này đến từ các bậc Như lai chứ không phải đến từ các vị thần linh. Bởi tính đúng đắn của ba lời dạy này, ai cũng có thể dựa vào những gì chúng miêu tả để tu hành và đạt giác ngộ.
Nghe Zangthalpa nói, mọi người, kể cả các tu sĩ mới hiểu rõ hơn về bài kệ căn bản trên. Họ thấy rằng có những điều tưởng chừng rất bình thường nhưng nếu nắm được ý nghĩa cốt yếu của nó thì lại trở nên vô cùng thâm sâu và lợi lạc.
“Cũng như vậy”, nhiều người tự hỏi, “dù mình đã thuộc lòng các giới luật, thì đâu là những nguyên tắc cơ bản phía sau ngôn từ. Cần hiểu gì cho sâu và đúng hơn về giữ giới? Để áp dụng cho phù hợp với từng giai đoạn tu hành của mỗi người?”
Phần 8 - Quay Về Mục Lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét