Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Zangthalpa – Phần 31: LÂU ĐÀI VÀNG

Vào một buổi chiều gió nhẹ, bên mặt hồ xanh mát in bóng những rặng núi hùng vĩ, Zangthalpa đang ung dung ngồi ngắm cảnh, xung quanh Ngài có rất nhiều đệ tử và những người khách. Một người khách đứng lên hỏi:
“Thưa Thầy, tại sao có nhiều người đã biết là sẽ khổ nhưng vẫn luôn mong muốn lấy vợ, đẻ con, kiếm thật nhiều tiền để rồi về già lại hối tiếc cả đời không tu được, mãi chìm trong luân hồi; kể cả khi họ biết được con đường giải thoát mà mãi chẳng chịu đi? Ngay cả tôi dù đã hiểu rõ điều này nhưng vẫn không thể quyết tâm tu hành được?”
Zangthalpa cười hiền từ:
“Ta sẽ kể cho các vị nghe một câu chuyện có thật ở Ấn Độ. Thời bấy giờ, có một bậc giác ngộ tên là Babaji, ông là bậc thầy của các bậc giác ngộ khác. Câu chuyện này kể về học trò của Babaji tên là Chandra.
Chandra làm trong ngành xe lăn trên đường ray. Lúc đấy, ngành xe lăn trên đường ray bắt đầu phát triển tại Ấn Độ. Hằng ngày, anh chăm chỉ làm việc và sống cuộc sống bình thường của một nhân viên chăm sóc đường ray. Bỗng một hôm, trong lòng Chandra nổi lên khao khát tìm đường học đạo một cách mãnh liệt. Với tính cách mạnh mẽ, ngay tối hôm đấy, Chandra đã quyết tâm khăn gói lên đường.
Sau nhiều ngày hành hương khắp nơi, Chandra đã gặp Ngài Babaji, trong hình dáng một người lái buôn. Đây là lần đầu tiên gặp mặt nhưng trong lòng của Chandra đã nổi lên sự sùng mộ lớn lao, ngay lập tức anh quyết tâm xin đi theo thầy học đạo. Chandra là một người thông minh, kiên trì, chăm chỉ. Anh được truyền dạy môn Karia Yoga, nó không phải Phật giáo nhưng cũng là một con đường dẫn đến giác ngộ khác. Ngày ngày miệt mài học tập, Chandra trải qua rất nhiều năm tập luyện nhưng vẫn chưa thành tựu. Những người bạn cùng thời với anh cứ dần dần trở nên giác ngộ trong khi riêng anh thì mãi không thay đổi nhiều. Dường như bị điều gì đấy ngăn chặn Chandra, chính anh cũng không hiểu vì sao?
Anh bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn “Các bạn đã giác ngộ rồi, những người khác cũng đã có dấu hiệu thành công, còn riêng mình thì dù có vẻ đã tiến bộ nhiều nhưng mãi không thấy kết quả thực sự”. Càng ngày Chandra càng thấy mình có gì đó sai sai. Thế là anh quyết định trong chuyến hành hương sắp tới sẽ hỏi thầy mình: “Chướng ngại của con ở đâu?”. Anh đã thấy vấn đề này khá lâu nhưng lần này hạ quyết tâm phải giải quyết bằng được.
Thời đấy, mỗi lần gặp thầy phải đi rất xa, băng qua nhiều dãy núi, phải đi nhiều tháng trời mới đến được nơi thầy đang ẩn cư. Sau một chuyến hành hương dài dằng dặc, Chandra cũng đến nơi, nhưng thầy Babaji lại không có ở đấy. Chờ thêm vài ngày nữa, Chandra nhận được tin báo từ một người học trò của thầy là: “Hôm nay, đúng giờ Mùi, thầy hẹn anh tại ngôi đền phía sau ngọn đồi. Anh hãy đến đấy và thầy sẽ giúp anh”. Chandra vui mừng khôn siết vì sau bao ngày vượt núi băng sông, anh đã được gặp thầy.
Sửa soạn kỹ lưỡng, Chandra khấp khởi đi từ sớm vì đã lâu lắm rồi anh chưa được gặp thầy. Nhanh chóng vượt qua khu rừng, chỉ còn qua ngọn đồi phía trước là sẽ đến được ngôi đền. Chandra vừa đi vừa nghĩ về những điều mình sẽ hỏi và vui vẻ tưởng tượng đến lúc gặp thầy mình sẽ hạnh phúc như thế nào? Khi lên đến đỉnh đồi, trong lúc suy nghĩ miên man bỗng nhiên một lâu đài vàng rực rỡ hiện ra đập ngay vào mắt Chandra.
Bên trong lâu đài vọng ra tiếng nhạc du dương khiến Chandra không khỏi tò mò: “Trong này phải có gì hay lắm!”. Rồi anh lại nghĩ: “Nhưng không thể vào được vì mình còn phải đến chỗ hẹn với thầy”. Mặc dù nghĩ như vậy nhưng Chandra vẫn chưa bước đi, dường như có điều gì đó níu giữ, cuốn hút anh vào lâu đài. Chần chừ một lúc, Chandra lại quyết tâm: “Không được, mình phải đi gặp Thầy cho kịp. Bao giờ về ta sẽ vào sau cũng chẳng sao”, anh vội vàng bước tiếp. Được vài bước, lại có một suy nghĩ khác hiện lên ngăn bước chân mạnh mẽ của Chandra: “Lâu đài này quá đẹp, lại phát ra tiếng nhạc quyến rũ, cả đời mình chưa được thấy bao giờ. Bây giờ vẫn còn sớm, mình vào một tí có sao đâu, nếu mình đi nhanh thì đến chỗ thầy vẫn còn kịp. Mình đã nhiều lần gặp thầy đúng giờ rồi, nên lần này nhỡ bị trễ một tí cũng không sao. Vả lại, thầy mình rất từ bi nên sẽ chẳng trách mình đâu. Vào một lúc rồi ra chắc cũng chẳng có vấn đề gì”.
Sau một hồi suy nghĩ, Chandra yên tâm tiến vào gần hơn lâu đài. Quả là tuyệt diệu, lâu đài thật lung linh, đẹp đẽ với rất nhiều mỹ nữ đang đàn hát và nhảy múa bên trong, xung quanh đầy ắp thức ăn cùng rượu ngon đang được bày sẵn. Trên sàn lấp lánh vàng bạc và đá quý. Tất cả đều vô cùng hấp dẫn.
Chandra lò dò từng bước tiến vào lâu đài. Anh nhặt một cục vàng lên ngắm, bao nhiêu rào cản đạo đức biến mất, lòng tham của anh liền nổi lên: “Ở đây có quá nhiều vàng vứt vương vãi dưới đất, thôi mình mang về một ít cũng được”. Vậy là anh bỏ luôn một cục vàng vào túi. Tiện tay nhặt thêm vài viên ngọc quý, Chandra đã tiến tới gần các mỹ nữ đang vui đùa với nhau. Các cô nàng xinh đẹp tuyệt trần kéo Chandra vào cùng, mời anh ăn các món ngon, uống rượu và cười đùa khiến Chandra cảm thấy sung sướng như một đế vương. Chandra đắm chìm với các cô nàng nhảy múa quyến rũ, cô thì có nốt ruồi ngay vai nổi bật và duyên dáng, cô thì có nốt đỏ ở kẽ chân thật thu hút, cô thì có mái tóc với những sợi đỏ quyến rũ… khiến chàng lần đầu tiên có những cảm giác mới lạ và khoái lạc tột đỉnh như thế! Thoáng chốc, Chandra đã hoan lạc với các mỹ nữ ở trong lâu đài cả đêm mà không hay biết hay nhớ nghĩ gì về người thầy đang đợi mình bên kia đồi.
Các cô nàng xinh đẹp tuyệt trần kéo Chandra vào cùng, mời anh ăn các món ngon, uống rượu và cười đùa khiến Chandra cảm thấy sung sướng như một đế vương.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Chandra giật mình khi thấy mình đang nằm dưới đất, trong túi áo toàn lá cây, còn xung quanh toàn là cành cây, gỗ mục. Xung quanh và bên cạnh ếch nhái nhảy khắp nơi. Anh choáng váng không biết chuyện gì đang xảy ra? Lâu đài đầy vàng bạc, châu báu và mỹ nữ đã biến đâu mất?
Ngồi thẫn thờ một lúc, bình tĩnh nhìn kỹ lại Chandra thấy ếch nhái xung anh con nào cũng có dấu hiệu giống các cô hôm qua vui đùa cùng mình, cô nàng hôm qua có nối ruồi ở vai thì con ếch cũng nốt ruồi ở cuối tay; cô khác hôm qua có bớt ở chân thì con ếch này có bớt ở dưới đùi, cô nàng có những sợi tóc đỏ thì nay có một con ếch có những vạch đỏ trên đầu… Anh thất thần vì không thể giải thích được chuyện gì đang xảy ra!!!
Chandra nhìn ra xung quanh chỉ có vùng đất hoang vu, rồi anh chợt nhớ lại: “Thôi chết rồi, qua giờ Mùi rồi, thầy dặn mình là sang gặp thầy mà qua đêm trời đã sáng mình vẫn còn ở đây”. Chandra hoảng hốt vội chạy đi khắp nơi xem còn dấu vết nào của thầy không. Hớt hơ hớt hải chạy được một lúc thì anh cũng tìm thấy thầy mình đang đứng ở gốc cây phía xa. Thật nhanh chóng, Chandra chạy một mạch đến và quỳ xuống xin sám hối với thầy.
Anh nói trong tiếng thở gấp gáp: “Con không hiểu tại sao, thực sự con không hiểu tại sao, lúc con đến với thầy là quyết tâm vượt qua mọi chướng ngại, để giác ngộ, nhưng lúc đấy con không hiểu vì sao, con lại chìm vào đấy, con thấy rất xấu hổ và tội lỗi. Xấu hổ vì mình quyết tâm như vậy mà quên hết cả thầy và Pháp, con thật tội lỗi vì lỡ hẹn với Thầy”.
Babaji cười to khiến Chandra giật mình. Cứ tưởng rằng thầy sẽ mắng một trận nhưng thấy Ngài cười vui vẻ và nói: “Chúc mừng con!”. Chandra vừa sợ hãi vừa bàng hoàng. Các đệ tử xung quanh cũng vỗ tay chúc mừng, làm cho Chandra càng không hiểu vì sao: “Mình đã muộn và trễ hẹn mà sao các bạn và thầy lại chúc mừng?!”
Thầy Babaji lại nói lớn thêm lần nữa: “Chúc mừng con, con sẽ sớm đạt được giác ngộ”. Chandra vẫn chưa thể hiểu nổi liền thưa: “Thưa thầy, xin thầy cho con biết tại sao lại như vậy?”
Thầy Babaji ôn tồn bảo: “Trong nhiều kiếp trước, con đã từng là học trò của ta, nhưng mà trong con luôn có một khát khao thầm kín đó là được hưởng một đêm đế vương. Chuyện vừa xong là nhân quả của việc con đã nói ra các lời ước hưởng một đêm đế vương trước đấy.”
Lâu đài vàng và các cô gái là thần lực của ta biến thành vừa để giúp con hoàn thành nghiệp lực, vừa để giúp con nhận ra bản chất huyễn ảo của cuộc đời.
Với nghiệp lực của quá khứ, nhân quả làm cho con hưởng một đêm khoái lạc trong lâu đài kể cả khi đã có hẹn với ta. Nếu nó không xảy ra thì con vẫn không toàn tâm với tu hành giác ngộ được vì sâu kín trong tâm con luôn có phần khao khát đấy. Thế nhưng những việc xảy ra đêm qua đã làm con hoàn toàn thỏa mãn, nghiệp của điều ước đã được chấm dứt. Từ bây giờ, trên con đường tu hành con có thể toàn tâm toàn ý cho đến ngày hoàn toàn giác ngộ.”
Quả như lời thầy nói, một thời gian ngắn sau sự kiện lâu đài vàng ấy, Chandra đã dồn hết sức cho việc tu hành và đạt được giác ngộ, trở thành một bậc thầy nổi tiếng ở Ấn Độ.
*
Kể đến đây, Zangthalpa vuốt mấy sợi râu rồi quay sang mỉm cười với các đệ tử: “Các con có ai muốn hưởng lâu đài vàng và mỹ nữ rồi được giác ngộ như Chandra không?” Tiếng ồ à vang lên trong hội chúng, một số cánh tay giơ lên đầy hào hứng. Zangthalpa gật gù: “Tốt, tốt. Để ta tìm gỗ mục và ếch có nốt ruồi cho các con!”
Những người vừa giơ tay bỗng dưng đỏ mặt và có chút bẽn lẽn. Nhấp một ngụm trà, Zangthalpa nói tiếp: “Nghiệp lực tu hành của mỗi người là khác nhau. Lâu đài vàng và mỹ nữ là biểu trưng cho danh vọng và ham muốn. Thẳm sâu trong các con khi chưa giác ngộ thì có những mong muốn đó là bình thường. Người tu hành thì không xem những mong muốn thầm kín đó là xấu, mà luôn nhìn chúng dưới cái nhìn trí tuệ. Hãy chấp nhận và tôn trọng sự thật – rằng những suy nghĩ, mong muốn đó là sự biểu hiện tuyệt vời của nhân quả.”
Hiểu được bản chất là không có người mong muốn, không có người đạt được mong muốn, và cái mình mong muốn cũng không thực sự có thật, thì sẽ không còn sợ hãi những ham muốn này. Khi con hiểu đúng, chấp nhận và không còn đánh nhau với chính mình thì sự chuyển hóa bên trong về những mong muốn thầm kín mới thực sự xảy ra.
Một bạn nam liền hỏi: “Như vậy mình phải chấp nhận kể cả những suy nghĩ xấu xa của mình ạ? Nếu như vậy thì còn gì là tu nữa ạ?”
Zangthangpal nói tiếp:
– Nếu không chấp nhận, người tu có xu hướng tìm mọi cách để đè nén, tiêu diệt hay cố gắng kiểm soát để những mong muốn thầm kín này không được xuất hiện vì cho rằng nó xấu xa. Đây là việc hoàn toàn sai lầm. Không thể nào có thể kiểm soát để chúng không hiện ra dù cho chúng có đê tiện đến đâu đi chăng nữa. Việc kiểm soát chứng tỏ rằng người này chưa hiểu và chấp nhận nhân quả, không thấy được bản chất sự thật và sẽ không thể giải thoát khỏi mê lầm.
Dung túng làm theo những sai lầm này cũng sai mà đè nén chúng cũng sai, mấu chốt là dồn năng lượng vào nhìn thấy rõ bản chất của những suy nghĩ mà bạn cho là xấu này. Chúng là biểu hiện của nhân quả, không có người mong muốn, không có người đạt mong muốn và cả điều mình mong muốn cũng không có thật! Nhận ra điều mấu chốt này thì mới thực sự tự do khỏi chúng.
Một cánh tay đưa lên và một bạn nữ e thẹn hỏi: “Nhưng làm sao để biết được mong muốn thầm kín của mình ạ?”
Zangthangpal trả lời: Con có thể tự biết hoặc một vị thầy giác ngộ sẽ giúp con.
Người thầy không phải là người chỉ mang một đống lý thuyết vô ngã, tính Không đổ lên đầu học trò và nghĩ rằng chỉ cần những lý thuyết này có thể khiến cho học trò giác ngộ. Người thầy như vậy hoàn toàn không hiểu gì về nhân quả.
Người thầy từ bi quan sát học trò và tạo điều kiện để những nhân quả tốt cho tu hành xảy ra, thuận theo nhân quả để giúp học trò của mình. Bằng tình yêu thương và sự hiểu biết, người thầy của Chandra không những không phán xét những mong muốn hưởng lạc mà còn tìm cách giúp cho Chandra – trong trường hợp này là tạo điều kiện để quả được trổ ra, từ đó khéo léo giúp học trò vừa hoàn thành nguyện ước vừa nhận ra sự thật rằng cuộc đời là ảo ảnh.
Trong lúc Zangthangpal đang giảng, ở góc xa xa có một nhóm người chơi đàn ghita và hát bản nhạc trữ tình nước ngoài: “I have a dream”.
Một bạn tên là Thảo Ngô đang chơi đàn hăng say bỗng dừng lại và ngước mặt lên hỏi lớn:
– Con vẫn không hiểu tại sao một người tu hành rất chăm chỉ như Chandra vẫn phải trải qua một đêm trong lâu đài vàng mới có thể giác ngộ được ạ?
Cả hội chúng dồn toàn bộ chú tâm vào câu hỏi đấy.
Zangthangpa trả lời:
– Câu hỏi của con rất hay! Ẩn sâu dưới mỗi con người là một cái tôi thầm kín được nuôi dưỡng, khát khao được trải nghiệm. Cái tôi luôn muốn được thêm nữa, được hơn nữa: muốn nhà đẹp, vợ con khôn, rồi sự nghiệp lừng lẫy,… không bao giờ đủ cả. Chỉ khi nào các con nhận ra bản chất những ước mơ đó là bất toại nguyện, như xây lâu đài trên cát, như bong bóng, ảo ảnh có thể biến mất ngay lập tức, chúng chẳng khác gì vỏ cây, ếch, lá cây,… tất cả đều vô thường, sinh diệt biến đổi, không có thật như trong một giấc mơ và không phải là chân hạnh phúc thì lúc đó con sẽ tự từ bỏ được những ước mơ thầm kín đó.
Chandra muốn giác ngộ, nhưng giác ngộ là vượt ra ngoài tâm trí, sống được trọn vẹn với bản tính tự nhiên như như của mình. Khi Chandra vẫn còn mơ về lâu đài vàng là vẫn còn bị sự điều khiển của tâm trí. Tin rằng lâu đài vàng là có thật chính là ở trong tâm trí. Như vậy thì làm sao có thể giác ngộ được.
Xưa kia, bằng chỉ dẫn và sự học hỏi trí tuệ Phật Pháp, những suy nghĩ không đúng đắn, sai lầm của những người học trò đã được gỡ bỏ thay thế bằng các suy nghĩ đúng đắn, trí tuệ. Nhưng vào giây phút quyết định, chỉ có sự xuất hiện của một người Thầy thực sự, mới có thể dắt người học trò vượt qua những chướng ngại cuối cùng của tâm trí để nhận ra sự thật vĩnh hằng. Có người Thầy hét một tiếng, học trò giác ngộ luôn. Có người Thầy chém đứt một ngón tay, học trò giác ngộ…
Với Chandra, đám mây cuối cùng trong tâm trí – lâu dài vàng – trên bầu trời nhận biết của ông đã được người Thầy từ bi ban phước, dùng phương tiện hiện hoá ra để giúp Chandra nhận ra sự thật. Lâu đài vàng chỉ là một giấc mộng ảo mà thôi. Quả nhiên Chandra đã giác ngộ chỉ một thời gian ngắn sau khi chứng nghiệm điều này. Ông trở thành một vị thầy nổi tiếng và giúp đỡ được rất nhiều người khác giác ngộ.”
Zangthalpa ngừng nói, tiếng nhạc “I have a dream” vẫn vang lên. Đại chúng trầm ngâm vừa nghe vừa thấy rằng: “Quá đúng! Cuộc đời này là một giấc mơ, nhưng thực chứng được điều này cũng chính là giác ngộ.”
Đêm Phật Đản đã về khuya nhưng không ai muốn rời đi…
Phần 32 - Quay Về Mục Lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét